(HT 21-4-2024)

BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ THỨ HAI (49:1-6)

Thiên Chúa đã Minh Xét cho Người

Nhưng Người Tôi Tớ ý thức rằng mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa – Cứu chuộc thế gian là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của loài người. 

Chính vì Người trung thành mà Thiên Chúa đã minh oan cho Người bằng cách không làm cho những vất vả của Người phải nhọc công.  Thiên Chúa đã dùng Người mà quy tụ một Nhà Giacóp mới, Dân Israel mới là Hội Thánh chung quanh Người. Qua Hội Thánh này, là Nhiệm Thể Đức Kitô, Thiên Chúa đang đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất.

Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi,

Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

5Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng.

Người là Đấng nhào nặn ra tôi

từ khi tôi còn trong lòng mẹ

để tôi trở thành người tôi trung,

đem nhà Gia-cóp về cho Người

và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.

Thiên Chúa đã biến một nhóm môn đệ yếu đuối, nhút nhát và có thể nói là không mấy trí thức, thành những người rao giảng Nước Trời cho những người quyền thế và uyên bác trên đời. Và các ngài đã thành công một cách phi thường. Bất chấp mọi khó khăn và bách hại. Chỉ 400 năm sau, Kitô giáo đã chinh phục toàn đế quốc Rôma không phải bằng gươm giáo mà bằng chân lý và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta cũng được Chúa chia sẻ sứ vụ Thiên Sai của Người, là sứ vụ Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Giả. Chúa muốn chúng ta tiếp tục đem ơn cứu độ đến cho muôn dân, đến tận cùng trái đất qua chính cuộc sống của mình như những môn đệ truyền giáo.

Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng,

và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

6Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta

để tái lập các chi tộc Gia-cóp,

để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.

Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,

để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

Chúa Giêsu Đồng Hành với Chúng ta trong Bí tích Thánh Thể

Trong cuộc đời môn đệ của mình, chúng ta cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn và thất bại. Khi bị người ta chối bỏ, phê bình, chê bai, nói hành nói xấu, chúng ta cũng cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Khi bị cám dỗ, chúng ta có thể cũng sa ngã. Gương của Người Tôi Tớ Đau Khổ giúp cho mỗi người chúng ta ý thức rằng “Tôi có một sứ vụ mà Thiên Chúa đã gọi và trao cho tôi từ trong lòng mẹ.”  Tôi không được bỏ cuộc. Bất chấp ý kiến của người đời, Thiên Chúa biết những việc tôi làm và đã để dành sẵn phần thưởng cho tôi. Bất chấp những yếu đuối và bất lực của tôi, tôi biết tôi có Chúa là sức mạng của tôi và tôi có thể làm được mọi sự với Người và trong Người.


Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II)

Lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa Là Dâng Hy Tế Thiêng Liêng

Khi dâng không những chỉ Mình và Máu, mà còn cả Linh hồn và Thiên tính của Chúa Con, chúng ta tuyên xưng đức tin vào sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta công nhận rằng Thánh Thể là Toàn Thể Đức Kitô, Con Thiên Chúa, bao gồm cả Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính, được thực sự dâng lên Chúa Cha trong Thánh Lễ, mà chúng ta bây giờ dâng lên Ngài cách thiêng liêng khi lần Chuỗi Thương Xót.

Khi đọc câu “Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới,” chúng ta kết hợp những hy sinh nho nhỏ của mình với hy sinh vô giá và hoàn hảo của Đức Kitô để đền tội cho chính mình và cho những người khác. Đức Kitô đã hoàn tất công trình Cứu Chuộc nhân loại bằng cách chết trên Thánh giá để đền thay cho tội lỗi chúng ta và toàn thế giới từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Trong Thánh Lễ, biến cố này được hiện tại hoá cho chúng ta một cách mới mẻ. Mới mẻ vì bao gồm những hy sinh nho nhỏ của chúng ta. Như thế, khi lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta dâng Lễ cách Thiêng Liêng giống như khi chúng ta đọc kinh Rước Lễ Thiêng Liêng.

Chuỗi Thương Xót nhắc đến Hy Tế Thập Giá

Khi đọc “Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,” chúng ta tưởng nhớ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu độ nhân loại như Hội Thánh tuyên xưng trong Kinh Tiền Tụng trong tuần thứ năm Mùa Chay “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, ... Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa.”

Qua những lời này chúng ta cầu khẩn “xin thương xót chúng con (hoặc cầu bầu cho một linh hồn hay một người nào đó) và toàn thế giới”.  Lời cầu nguyện cho chính mình nhắc nhở chúng ta rằng mình là người tội lỗi, luôn cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Điều này giống như Hành Động Sám Hối trong Thánh Lễ.  Trong việc chuyển cầu cho tha nhân, không có cách chuyển cầu nào quyền năng hơn chuyển cầu cậy vào “Cuộc Khổ Nạn hồng phúc” của Hội Thánh trong Thánh Lễ.

Nhiều khi chúng ta chỉ nhớ đến ơn tha tội khi nghĩ đến Cuộc Khổ nạn của Chúa mà quên những ơn quan trọng khác Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên Thập Giá. Cẩm nang Huấn luyện Tông Đồ Thánh Thể của Lòng Thương Xót kể ra những ơn sau đây:

·         Người đã chịu phạt thay cho chúng ta (Is 53:4-5; Mt 8:16-17; 1 Phr 2:24).

·         Người đã bị thương tích để chúng ta được chữa lành (Is 53:5; 1 Phr 2:24).

·         Người đã biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người (Is 53:10; 2 Cor 5:21).

·         Người đã gánh lấy nỗi ô nhục của chúng ta để chúng ta có thể chia sẻ vinh quang của Người (Mt 27:35-44; Dt 2:10, 12:2).

·         Người đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để chúng ta trở nên giàu có trong Người (2 Cor 8:9; 9:8; Cv 20:35).

·         Người đã bị loại trừ để chúng ta được Chúa Cha nhận làm con cái (Mt 27:46 và 50; Eph 1:5-6).

·         Người trở nên đồ bị nguyền rủa để chúng ta được chúc lành (Gal 3:14). 

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II)

(HT 14-4-2024)

BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ THỨ HAI (49:1-6)

Bài Ca Thứ Hai nói về ơn gọi của Người Tôi Tớ việc Người đáp lại ơn gọi của mình ra sao.

Ơn Gọi của Người Tôi Tớ

Trước hết Người Tôi Tớ ý thức rằng Thiên Chúa đã gọi mình trước khi chào đời và trao cho Người một sứ vụ. Đó là sứ vụ đem ơn cứu độ đến không những chỉ cho dân Israel, mà còn cho muôn dân, là những người sống trên các hải đảo và những miền xa xăm.

1Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây,

hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý:

ĐỨC CHÚA đã gọi tôi

từ khi tôi còn trong lòng mẹ,

lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.

Cách Thiên Chúa Huấn Luyện Người Tôi Tớ

Một khi đã ý thức được sứ vụ của mình, Người Tôi Tớ có thể an lòng tiến bước bất chấp mọi gian nan khốn khó trên đường sứ vụ.

Người cũng ý thức rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Người tất cả mọi phương tiện cần thiết để chu toàn sứ vụ. Để rao giảng, Thiên Chúa cho miệng Người như gươm sắc bén.  Để chống lại quân thù, Thiên Chúa đã biến Người thành mũi tên nhọn.  Nhưng Thiên Chúa giấu lưỡi gươm này dưới bàn tay và mũi tên ấy trong ống tên của Ngài.  Nghĩa là Thiên Chúa sẽ dùng gươm và tên ấy bất cứ lúc nào Ngài muốn.  Còn Người Tôi Tớ thì luôn luôn vui vẻ sẵn sàng tuân theo. 

Trong cuộc sống, biểu diễn những tài năng mình có để khoe khoang, để tìm danh vọng thì dễ, nhưng âm thầm tu luyện theo ý Chúa và kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa dùng mình thì không phải dễ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã chờ đợi 30 năm và luôn luôn quyết tâm làm theo ý Đấng đã sai Người (Mt 26:39; Lc 22:42; Ga 4:34; 5:30; 6:38; 6:39; 8:42). Trong 30 năm Thiên Chúa đã cất Chúa Giêsu thật kỹ “trong ống tên của Người”

2Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén,

giấu tôi dưới bàn tay của Người.

Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn,

cất tôi trong ống tên của Người.

Cách Thiên Chúa dùng Người Tôi Tớ

Thiên Chúa muốn dùng Người Tôi Tớ để biểu lộ vinh quang của Ngài. Ngài đã biểu lộ vinh quang ấy bằng một phương cách lạ đời là để cho Người Tôi Tớ của Ngài bị người đời coi là thất bại. Chính vì đo lường sự thành công của Chúa Giêsu theo tiêu chuẩn thế gian nên người Do Thái đã không nhận ra Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Ngôn sứ Isaia đã nói tới. 

Người đã phí sức rao giảng và làm bao nhiêu phép lạ trong ba năm trường, nhưng cuối cùng thì không những dân chúng không chấp nhận Người mà còn đóng đanh Người vào Thập giá. Còn các môn đệ thân tín của Người thì hoặc là phản bội Người hoặc là nhát đảm bỏ trốn hoặc theo Người từ xa xa trong lúc Người cần các ông nhất. Trước mặt thế gian Người thật sự đã “vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì” khi chết trên Thánh giá.

3Người đã phán cùng tôi: Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.

Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.

4Phần tôi, tôi đã nói:

Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ I)

 

Lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa Là Dâng Hy Tế Thiêng Liêng

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta lần Chuỗi Lòng Thương Xót hằng ngày. Chúng ta lần chuỗi vì sùng kính Chúa và tin vào những điều Chúa Giêsu đã hứa với Thánh Faustina khi Người bảo Chị “Con hỡi, con hãy khuyến khích các kinh hồn lần chuỗi mà Ta sẽ ban cho con. Ta vui lòng ban cho họ tất cả những gì họ xin qua việc làn chuỗi này.” (1541). Chúa còn hứa nhiều điều hơn nữa. Để làm sáng tỏ các lời hứa này, Chúa nói thêm với Chị, “Qua Chuỗi Lòng Thương Xót, con sẽ nhận được tất cả mọi sự, nếu điều con xin hợp với Thánh Ý Ta” (Nhật Ký, 1731).

Trong bối cảnh Phục hưng Thánh Thể, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu mối liên hệ giữa Chuỗi Lòng Thương Xót và Thánh Lễ, vì trong Thánh Lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa một Hy Lễ hợp với Thánh Ý Thiên Chúa nhất, đó chính là Hy Lễ của Đức Kitô. Mà hai Kinh chính của Chuỗi Lòng Thương Xót đều nhắc đến Hy Lễ này.

Chuỗi Thương Xót nhắc đến Hy Lễ trên Bàn Thờ

Chúng ta bắt đầu Chuỗi Thương xót bằng kinh Lạy Cha Hằng Hữu.” Trong kinh này chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”. Điều ấy phản ánh cách chúng ta xưng hô với Ngài trong Kinh nguyện Thánh Thể của mỗi Thánh Lễ. Chúng ta không chỉ gọi Ngài một cách trừu tượng là “Thiên Chúa” hay “Đấng Tối cao”. Thay vào đó, chúng ta đến với Ngài như Người Cha yêu thương được Chúa Giêsu Kitô mạc khải – “Người Cha giàu lòng thương xót” (Eph 2:4). Bằng cách sử dụng thuật ngữ “Cha Hằng Hữu,” chúng ta nhấn mạnh đến thiên tính của Ngài, vượt ra ngoài không gian và thời gian. Ngài ở khắp mọi nơi và nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai cùng một lúc. Vì vậy, Ngài nhìn thấy Lễ Vật và sự Hy sinh hoàn hảo của Con Ngài để chuộc tội nhân loại cho đến đời đời.

Rồi sau đó chúng ta đọc tiếp, Con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn, và Thiên tính của Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.” Cụm từ này liên quan mật thiết với Bí tích Thánh Thể vì trong Thánh Lễ, Linh mục dâng lên Chúa Cha Mình Máu Đức Kitô trong hình bánh rượu. Khi chúng ta cầu nguyện với Chuỗi Thương Xót, chúng ta không tham dự vào hành động dâng hiến này này một cách trực tiếp, nhưng một cách thiêng liêng. Để việc tham dự thiêng liêng này thực sự có hiệu quả theo Ý Chúa, chúng ta cũng phải chuẩn bị như khi tham dự trực tiếp.

Trong Thánh Lễ, chúng ta cùng với Linh mục chuẩn bị của Lễ bằng cách đem bánh và rượu lên bàn thờ. Bánh là hoa mầu ruộng đất và công lao của con người. Rượu là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người. Chính vì thế của Lễ dâng lên không chỉ là Hy Lễ của Chúa Giêsu mà còn bao gồm mỗi người chúng ta và những hy sinh nhỏ bé của chúng ta kết hợp với Hy Lễ của Chúa để dâng lên Chúa Cha. Đó là lý do tại sao trước Lời Nguyện Tiến Lễ Linh mục mời gọi chúng ta, “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.” Như thế, Hy Lễ được dâng lên là của Chúa Giêsu mà Linh mục nói là “của tôi” vì Linh mục hành động trong cương vị là Đức Kitô và “của anh chị em” là những hy sinh của mỗi người chúng ta kết hợp với Hy Lễ của Đức Kitô. Rồi trước khi truyền phép, Linh mục nài xin Chúa Cha “dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.” Như vậy qua việc truyền phép, chính chúng ta cũng được trở thành Thân Mình của Đức Kitô, chứ không phải chỉ bánh và rượu.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ I)

(HT 7-4-2024)

BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ THỨ NHẤT (Is 42:1-9)

Người Tôi Tớ và Bí Tich Thánh Thể

Vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã thiết lập Giao Ước Mới bằng Máu của Người để làm tròn lới loan báo của ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ Đau Khổ trong câu 42:6. Khi được treo trên Thập Giá Chúa Giêsu đã kéo mọi sự lên với Người. Đó chính là giờ mà Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh với Người. Đó chính là giờ mà Mình Người bị nộp vì chúng ta và Máu Người đổ ra để chúng ta được tha tội. Trong Tam Nhật Thánh, Người đã mở mắt cho Người Trộm Lành và viên Bách Đội Trưởng để nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Người đã xuống Ngục Tổ Tông “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để hiện tại hoá những việc Người đã làm 2000 năm trước ngõ hầu những công việc của Người Tôi Tớ được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu quý có thể xảy ra cho chúng ta ngay bây giờ tại đây. Không những thế Người còn muốn chúng ta ăn Thịt Người và uống Máu Người để chính chúng ta cũng trở thành những Người Tôi Tớ được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu quý như Người để tiếp tục sứ vị của Người cho đến tận thế.

Tuần Thánh mời gọi chúng ta là những người tội lỗi và bệnh tật đến cùng Chúa Giêsu để được Người tha thứ và chữa lành. Cuộc đời chúng ta đôi khi cũng bị bầm dập như những cây lau. Chúng ta cần Chúa thêm sức để nên mạnh mẽ hơn. Đức tin của chúng ta có khi cũng thoi thóp như tim đèn leo lét, chúng ta cần Chúa ban thêm đức tin để chu toàn sứ vụ môn đệ của mình.

Đó là lý do tại sao các Giám Mục Hoa Kỳ đề ra Ba Năm Phục hưng Thánh Thể. Mục đích của các ngài là canh tân Hội thánh bằng cách khơi dậy một mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể trong mỗi người Công Giáo chúng ta, để những tim đèn đức tin đang thoi thóp được bùng cháy lên thay vì bị trận cuồng phong của chủ nghĩa thế tục dặp tắt. Đồng thời các ngài muốn gợi hứng cho một phong trào của những người Công giáo trên khắp nước Hoa Kỳ, là những người được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất nhờ gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể — và sau đó được sai đi truyền giáo “để cho thế gian được sống” vì tất cả chúng ta đều là hiện thân của Người Tôi Tớ Thiên Chúa cho thế gian.

Gợi ý để Hồi Tâm

Chúng ta hãy dành một ít dây phút đọc lại Bài Ca Thứ Nhất và hồi tâm bằng cách suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau:

1)  Trong cuộc đời, tôi đã cảm nghiệm được tình yêu thương dịu hiền, thương xót và khoan dung của Chúa Giêsu thế nào, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải?

2)  Có phần nào trong đời tôi đang bị “bầm dập” hay “leo lét” không? Những điều ấy làm cho tôi xa cách Chúa hay kéo tôi lại gần Chúa để làm cho tôi trông cậy hơn vào Người? Tôi có chây đến cùng Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể để Người chữa lành và thêm sức cho tôi không ?

3)  Tôi có thấy công lý của Thiên Chúa đang được thực hiện chung quanh tôi, trong gia đình tôi và trong giáo xứ tôi không? Nếu không thì tôi sẽ làm gì để đem công lý vào những nơi còn thiếu xót này?

4)  Tôi hiện đang chia sẻ sứ vụ của Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong việc chữa lành các người bệnh tật, củng cố những người yếu đuối, và bênh vực những kẻ bị áp bức như thế nào?

 Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II và hết)

(HT 31-3-2024)

BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ THỨ NHẤT (Is 42:1-9)

Bài ca Thứ Nhất trình bày Người Tôi Tớ như một người được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu quý. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã cho Thần Khí ngự trên Người.  Người làm cho Thiên Chúa rất hài lòng. 

1Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,

là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,

Ta cho thần khí Ta ngự trên nó;

Những câu này khiến chúng ta liên tưởng đến việc Chúa Giêsu chịu phép rửa khi Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha rất hài lòng về Con” (x. Mc 1:10-11).

Sứ vụ của Người Tôi Tớ

Sứ vụ của Người Tôi Tớ là mang công lý đến cho muôn dân bằng giáo huấn yêu thương của Người. Công lý của Thiên Chúa khác với công lý của loài người.  Công lý ở đây không những gắn liền với việc tái thiết lập những mối liên hệ chính đáng giữa con người với nhau mà còn với Thiên Chúa.

Vì Tội Nguyên Tổ, những mối liên hệ này đã bị méo mó hoặc cắt đứt. Con người không còn coi Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá của mình mà muốn thay quyền Thiên Chúa để tự mình quyết định lấy đời mình bằng cách chủ quan xác định điều gí là thiện, điều gì là ác theo ý riêng mình. Con người không còn coi nhau như những cộng sự viên bình đẳng trong kế hoạch của Thiên Chúa mà như những vật dụng để thoả mãn các tham vọng, ước muốn và tư lợi của mình. Con người cũng không còn nghĩ mình là những quản lý có trách nhiệm với thiên nhiên, mà nghêng ngang coi mình như những chủ nhân có toàn quyền trên các thụ tạo mà Thiên Chúa trao cho mình quản lý.

Thiên Chúa chọn Người Tôi Tớ để biến đổi nhân loại từ con cái sự tối tăm thành con cái sự sáng; để dạy họ bỏ con đường tội lỗi mà đi theo con đường công chính. Người đến để làm cho những mối liên hệ của con người nên ngay thẳng: liên hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với thế giới. Tất cả đã bị phá huỷ bởi Tội Nguyên Tổ. Người đến để tái thiết các mối liên hệ này bằng Giới Luật Yêu Thương, bằng Tám Mối Phúc Thật, và nhất là dùng chính cuộc sống của Người làm mẫu gương cho chúng ta. Sau cùng trước khi về trời, Người hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể, mà Người đã thiết lập vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh để hiện tại hoá Mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

Tác vụ của Người Tôi Tớ

Cả cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, từ khi thụ thai cho đến lúc chết trên Thánh Giá, đều là những bài học dạy cho chúng ta sống thế nào để thực thi công lý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã âm thầm sống tại Nadarét 30 năm mà không ai biết đến. Rồi khi ra rao giảng công khai Chúa cũng vẫn âm thầm đi giữa mọi người, không bao giờ tỏ ra là Đấng có quyền trên muôn vật. Người đã dịu dàng an ủi và chữa lành những người bệnh tật, khoan dung và đại lượng với những kẻ tội lỗi, bênh vực những kẻ bị tù đày và áp bức. Chẳng những Người không bẻ gẫy những cây lau bị dập mà còn tăng sức và chữa lành cho chúng để chúng có thể lớn mạnh lên. Chẳng những Người không nỡ tắt những tim đèn leo lét mà lại thêm dầu và lửa Thánh Thần cho chúng để chúng bùng cháy lên thành ánh sáng chiếu soi mọi người. Người đến không phải để lên án thế gian mà để thiết lập triều đại của Thiên Chúa trên thế gian.  Người đến không để kết án những kẻ tội lỗi mà mời họ trở về với Người và “đừng phạm tội nữa.” 

nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

2Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,

không để ai nghe tiếng giữa phố phường.

3Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy,

tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.

Nhưng Người cũng không chùn bước trước mọi chướng ngại và quân thù. Quân thù đầu tiên chính là ma quỷ, đã tìm cách thử thách Người ngay từ lúc người mới ra rao giảng. Quân thù thứ hai là những kẻ tự cho mình là công chính đã không ngừng đi theo Người để bắt bẻ Người từng ly từng tý.  Người sẵn sàng chết cho công lý chứ không bao giờ chịu khuất phục.

Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.

4Nó không yếu hèn, không chịu phục,

cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.

Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.

Chính vì thế mà chưa đầy 2000 năm giáo huấn của Người đã lan tràn khắp cõi đất, bất chấp bắt bớ và cấm cách khắp nơi. Sở dĩ Người có thể làm như thế vì Người tin rằng Thiên Chúa luôn ở với Người và gìn giữ Người cùng đặt Người giao ước với dân Ngài và làm ánh sáng muôn dân.

6vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.

Ta đã nắm tay ngươi,

đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,

làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,

7để mở mắt cho những ai mù loà,

đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,

dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ I)

THÁNH LỄ LÀ GÌ?

Sự Liên hệ giữa việc Thờ Phượng và Hy Tế

Để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của Thánh Lễ, chúng ta phải nhìn vào bản chất của việc thờ phượng. Tôn giáo thực sự là việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi người đều thờ phượng Thiên Chúa theo cách hiểu biết của họ, ngay cả khi họ hiểu lầm các thần khác là Thiên Chúa. Trong các tôn giáo truyền thống, việc thờ phượng được thể hiện qua các nghi lễ khác nhau như bày tỏ lòng biết ơn, cầu xin, đền tội, và tưởng nhớ sự kiện quan trọng trong lịch sử tôn giáo.

Chẳng hạn như trong đạo Do Thái, Lễ Vượt Qua không chỉ là một nghi lễ tưởng nhớ, mà còn là một bữa ăn đồng thời là một hy tế. Dân Do Thái tự hiểu mình là dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã lập giao ước với họ và bước vào mối quan hệ với họ. Và giao ước đó tập trung vào hy lễ quan trọng nhất đối với họ là hy lễ Vượt Qua. Việc lập lại hàng năm của giao ước xảy ra vào Lễ Vượt Qua. Lễ này của người Do Thái không chỉ là việc tưởng nhớ sự kiện cứu rỗi từ hàng nghìn năm trước, mà còn là việc hiện tại hoá sự kiện ấy. Người Do Thái tin rằng khi họ cử hành Lễ Vượt Qua và ăn thịt chiên Vượt Qua, thì điều ấy đã làm cho sự cứu rỗi xảy ra một lần duy nhất cho họ từ hàng ngàn năm trước trở thành hiện tại cho họ hôm nay.

Thánh Lễ và Hy Tế Thánh Thể

Từ sự hiểu biết về Chiên Vượt Qua của người Do Thái, chúng ta có thể hiểu Thánh Gioan Tẩy Giả có ý nói gì khi ngài chỉ vào Chúa Giêsu và bảo các môn đệ: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Đối với một người Do Thái, đó là một điều rất quan trọng để nói về Chúa Giêsu. Rằng Người chính là Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng bắt đầu hiểu ý của Chúa Giêsu khi Người nói, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Chính trong Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đã tụ họp với các Tông Đồ của Người để cử hành Bữa Tiệc Ly. Và giữa bữa ăn Vượt Qua ấy, Chúa Giêsu đã làm một điều chưa từng có. Thay vì đưa thịt chiên Vượt Qua cho mọi người ăn, Người đã thay đổi nó. Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông và nói: “Này là mình Thầy sẽ nộp vì các con. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Cùng một thể thức ấy, Người đã trao chén rượu cho các ông và nói rằng “Chén này là giao ước mới trong máu Thầy sẽ đổ ra cho các con.”

Những lời này của Chúa Giêsu, mà chúng ta nghe trong mỗi Thánh Lễ, liên kết mật thiết với Cái chết của Người trên Thập giá. Thực ra, chúng ta phải nói là những lời này và Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá lệ thuộc lẫn nhau. Những lời này, nếu không có Cái chết của Người trên Thập giá, sẽ là những lời trống rỗng. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, nếu không có những lời “Này là Mình Thầy bị nộp vì các con. Này là Máu Thầy đổ ra cho các con,” thì chỉ là Cái chết của một người vô tội. Nhưng khi những lời này và Cái chết ấy kết hợp với nhau, thì Người làm cho Cái chết của Người hiện diện. Chúng biểu thị Cái chết mang lại sự sống của Người. Qua Cái chết của Người, Người đã đóng ấn Giao Ước Mới bằng Máu của Người và mở ra cho chúng ta một mối liên hệ mới với Thiên Chúa.

Qua hành động nghi lễ này, khi nói những lời của Chúa Giêsu, ba điều xảy ra. (1) Bữa Tiệc Ly trở thành hiện tại. (2) Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá trở thành hiện tại. (3) Sự Phục sinh ban sự sống của Người trở thành hiện tại. Ba điều đó hợp thành một sự kiện. Chúng ta gọi đó là Lễ Vượt Qua mới, Mầu Nhiệm Vượt Qua của chúng ta. Và sự kiện đó được hiện tại hoá cho chúng ta trong mọi Thánh Lễ.

Thánh Lễ không chỉ là một bữa ăn, mà là một bữa tiệc Hy tế, ở đó Chúa Giêsu, qua lời của Linh mục, hành động trong ngôi vị của chính Người, hiện tại hoá Hy tế duy nhất của Người trên Thập Giá. Khi Linh mục dâng bánh và rượu lên và nói những lời của Chúa Giêsu, Hy tế duy nhất của Người được hiện tại hoá cho chúng ta. Không phải là Chúa Giêsu lại chết một lần nữa, nhưng vì biến cố Chúa Giêsu chết tham dự vào sự vĩnh hằng của Thiên Chúa, cho nên nó không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian nữa.

Kết Luận

Thánh Lễ là món quà Hy tế duy nhất của Đức Kitô được hiện tại hoá cho chúng ta. Trong Thánh Lễ, chúng ta bước vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa và được tham dự một cách mới mẻ vào Hy tế duy nhất của Đức Kitô diễn ra trên Thập giá. Vì thế mục đích chính của chúng ta khi tham dự Thánh Lễ là thông phần vào Hy tế của Đức Kitô.

Điều này rất quan trọng để hiểu rằng Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một hành động thờ phượng Chúa Cha. Chúa Giêsu đã chuộc tội thế gian bằng cách hiến dâng chính Mình cho Chúa Cha để đền tội thay cho chúng ta. Và chúng ta có thể thông phần vào việc thờ phượng ấy qua Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chúng ta được liên kết với Cái chết và sự Sống lại của Người, và nhờ đó, chúng ta được thông phần vào mầu nhiệm Vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Câu hỏi để suy nghĩ

1.  Mục đích của bạn khi đi tham dự Thánh Lễ là gì? Nếu bạn muốn xin ơn, tạ ơn, đền tội và ngay cả Rước Lễ, bạn có nhất thiết cần đến nhà thờ để dự Thánh Lễ hay không?

2.  Hãy viết một giải thích ngắn gọn cho người khác về lý do tại sao bạn phải dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật dựa theo những gì bạn đọc trong bài này.

3.  Điều gì cần nhớ nhất trong bài này để giúp bạn tham dự Thánh Lễ một cách có ý thức, tích cực và trọn vẹn hơn trong những lần tới là điều gì?

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II và hết)


(HT 24-3-2024)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - CUỘC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ PHỤC SINH CỦA CHÚA 

                                                                                               

Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng việc tưởng niệm Kitô giáo là một sự vâng phục trong đức tin lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Có ba yếu tố chính:

- Dấu chỉ Thánh Thể được ban trong Bữa Tiệc Ly, là bí tích của sự hy sinh.

- Thực tại của Giao ước trong máu Người là hành động được Chúa Kitô thực hiện trên thập giá.

- Đây là ân sủng được tặng ban cho đến khi Chúa lại đến.[18]

Khi cử hành Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta khám phá quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, không phải là sức mạnh đàn áp và thống trị, mà là sức mạnh của tình yêu không để cho bất cứ tấn công của sự ác nào khuất phục được. Khi cử hành việc tưởng niệm Thánh Thể, nhớ lại Giao ước của Người, Thiên Chúa yêu cầu con người cũng hãy làm như vậy. Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm sự Phục Sinh của Chúa, được hiện thực hóa qua lời cầu nguyện và cử hành phụng vụ trong đời sống Kitô hữu và phóng chiếu hướng tới ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

Phụng vụ Thánh Thể là việc tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ được Chúa Kitô hoàn tất như được trình bày cho chúng ta trong các Tin Mừng. Bí tích Thánh Thể là cuộc tưởng niệm Phục sinh của Chúa vừa mang tính ngôn sứ vừa mang tính tôn giáo vì bí tích này phóng chiếu chúng ta vào tương lai và liên kết chúng ta với quá khứ, nghĩa là cuộc khổ nạn - cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết Cho tới khi Chúa đến.” (1 Cr 11,26). Thông qua việc tưởng niệm Thánh Thể, Giáo hội loan truyền cách hữu hiệu công trình cứu độ do Chúa Kitô hoàn tất.

Việc cử hành Thánh Thể là sự vâng phục trong đức tin đối với mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Lễ Vượt Qua của Giao Ước Cũ là việc tưởng niệm cuộc vượt qua từ ách nô lệ đến tự do, trong khi lễ Vượt Qua của Giao Ước Mới là việc tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa từ thế gian này về với Chúa Cha, là cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết.

Việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua của người Do Thái làm cho các vị khách sống lại kinh nghiệm giải thoát khỏi Ai Cập và loan báo cuộc giải phóng cuối cùng và chắc chắn vào Nước Trời. Chúa Giêsu khắc sâu việc cử hành Lễ Vượt Qua này bằng chính mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Người – đó là cái chết và sự phục sinh.

Với việc cử hành Lễ Vượt Qua của Giao Ước Cũ, dân được tuyển chọn chờ đợi sự giải thoát trọn vẹn, trong khi với Lễ Vượt Qua của Giao Ước Mới, Giáo hội được mời gọi sống lại mầu nhiệm Vượt Qua trong khi chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang.

Việc tưởng niệm Thánh Thể là sự đáp trả của tình yêu, lòng tạ ơn và sự vâng phục trong đức tin. Và từ sự tuân phục trong đức tin này dẫn đến việc hiện thực hóa trọn vẹn hy tế Thánh Thể của Chúa Giêsu, vốn dành cho tất cả những ai hiệp lễ được thông hiệp vào nguồn mạch của sự tự hiến cho Chúa Cha và cho anh chị em của mình, đến độ tự hiến trọn vẹn và dứt khoát.

Lm. Antoine Ndong, SSS (kỳ V và hết)

 

THÁNH LỄ LÀ GÌ?

Lời Phi Lộ - Tài liệu Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh của các Giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể là tài liệu nền tảng cho kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của các ngài. Tiếc rằng rất ít người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ biết đến tài liệu này. Trong loạt bài này chúng tôi cố gằng tóm lược các bài học rút ra từ tài liệu và từ các lớp online do Đức Cha Cozzens hướng dẫn để giúp độc giả hiểu sâu xa hơn về Bí tích Thánh Thể và sống Mầu Nhiệm Cao Quý này. Dươi đây là Bài Thứ Ba.

Tiếp tục học hỏi về tài liệu Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Hội Thánh của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào một khía cạnh quan trọng của Bí tích Thánh Thể mà có lẽ nhiều người Công giáo không biết đến.  Đó là Thánh Lễ tái trình bày hay hiện tại hoá Hy tế duy nhất của Đức Kitô trên Thập Giá. Câu hỏi đặt ra là điều này xảy ra như thế nào và tại sao nó lại có ý nghĩa quan trọng như vậy?

Mục đích của việc tham dự Thánh Lễ

Trước khi đọc tiếp, mỗi người chúng ta hãy bỏ một vài phút ra để cầu nguyện, suy nghĩ và chân thành trả lời câu hỏi dưới đây là “Bạn đi tham dự Thánh Lễ với mục đích gì?”

Có lẽ nhiều người sẽ trả lời rằng “Tôi đi dự Thánh Lễ để cầu nguyện cho con cháu tôi, cho ông bà tôi” hay “Tôi đi dự Thánh Lễ để xin ơn này ơn kia”. Những người khác đi tham dự Thánh Lễ để được lắng nghe Lời Chúa hay một bài giảng hấp dẫn của Linh mục hoặc thưởng thức những bài hát du dương của ca đoàn, gặp gỡ bạn bè… Và đa số chúng ta đi Lễ là để được rước Mình Máu Thánh Chúa.

Tất cả những mục đích trên đều chính đáng, nhưng chưa trọn vẹn, vì mục đích chính của Thánh Lễ không phải chỉ là những điều ấy. Thánh Lễ là một hành động thờ phượng, nhưng không phải là hành động thờ phượng của chúng ta, mà là hành động thờ phượng của Chúa Giêsu. Thánh Lễ hiện tại hoá hành động thờ phượng đích thực duy nhất từng xảy ra trong lịch sử: hành động thờ phượng mà Chúa Giêsu Kitô dâng lên Chúa Cha trên Thánh giá cách đây gần 2000 năm.

Trong Thánh Lễ, chúng ta có thể kết hợp sự thờ phượng yếu đuối của mình với sự thờ phượng đích thực của Chúa Giêsu. Ngay cả khi chúng ta lo ra vì những chuyện khác và không thể tập trung hoàn toàn vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, thì Người vẫn nhận lấy sự hiện diện yếu đuối ấy và dâng nó lên Chúa Cha thay cho chúng ta, biến nó thành sự thờ phượng đích thực. 

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ I)

(HT 17-3-2024)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - CUỘC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ PHỤC SINH CỦA CHÚA 

                                                                                                

Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa được hiện thực hóa qua kinh nguyện và qua việc cử hành phụng vụ trong đời sống của người Kitô hữu và phóng chiếu đời sống ấy hướng tới ngày Chúa trở lại vinh quang. Do đó, phụng vụ Thánh Thể là việc tưởng niệm về các mầu nhiệm của ơn cứu độ được Chúa Kitô hoàn thành như được trình bày cho chúng ta trong các sách Tin Mừng. Việc tưởng niệm này không phải là việc tưởng nhớ đơn thuần về quá khứ, mà là sự hiện thực hóa nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần tác động qua đức tin và đức mến.

Việc hiện thực hóa này gieo vào lòng tín hữu hạt giống của sự sống mới và nuôi dưỡng nó để nó phát triển trong tâm hồn và trong hành động với tình huynh đệ. Như một lễ tưởng niệm, Bí tích Thánh Thể một cách nào đó được đức tin hướng tới sự trở lại của Chúa Kitô với thái độ tỉnh thức trong cầu nguyện và trong hành động, sự tỉnh thức nhằm duy trì sức mạnh của việc hiện thực hóa thông qua nhận thức rằng Chúa hiện diện với chúng ta qua Thần Khí của Người, qua ân sủng, qua Lời và các bí tích của Người.[11]

Việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua cho phép Giáo hội hiện thực hóa mầu nhiệm sự chết của Chúa Kitô và cũng để chủ động bước vào Giao Ước Mới. Như thế, Giáo hội trình bày ý nghĩa số phận con người đã được hòa giải với Thiên Chúa và làm cho ý nghĩa đó hiện diện trong cộng đoàn đang cử hành mầu nhiệm.[12]

Việc tưởng niệm Kitô giáo, được thực hiện bởi sự hồi tưởng Mình bị bẻ ra và Máu được đổ ra, được thực hiện nơi tấm bánh và chén rượu, là một thực tại khách quan, đồng thời, hiện thực hóa cho chúng ta hồng ân cứu độ, và trên nền tảng đó trình bày Thiên Chúa cho chúng ta để chúng ta tin chắc rằng Người sẽ vui lòng. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là chủ nhân của lịch sử, là Đấng đã can thiệp như một chủ thể chủ động vào việc mở ra lịch sử của chúng ta.

Việc tưởng niệm là một lời cam kết mang tính biểu tượng, được ban cho bởi Ngôi Lời để hoàn thành trong lịch sử những kỳ công của Thiên Chúa, một cam kết về sự hiện diện liên tục của những kỳ công đó, luôn hoạt động trong chúng ta và cho chúng ta là những người nắm bắt được điều đó bằng đức tin. Trong Giao Ước cũ, Lễ Vượt Qua vẫn hiện diện trong mỗi cuộc cử hành được đổi mới của nó, bởi vì việc Thiên Chúa ngự xuống và can thiệp, gìn giữ dân để giải thoát họ khỏi sự dại dột và cái chết, đã được tiếp tục ở đó, nhằm hoàn thiện dân này.[13]

Nhờ việc tưởng niệm mà Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô được hiện thực hóa và

tồn tại mãi trong lịch sử cho đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang. Nó cho phép Lễ Vượt Qua của người Kitô giáo được đặt trong sự kéo dài của Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Giống như Lễ Vượt Qua của người Do Thái là việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua lịch sử của cuộc xuất hành, Lễ Vượt Qua của Kitô giáo là việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, nghĩa là cuộc vượt qua của Người từ thế gian này về với Cha của Người.[14]

Lễ Vượt Qua của Giao Ước Cũ được hoàn tất nơi sự Phục Sinh của Chúa Kitô: bánh và chén Thánh Thể là việc tưởng nhớ đến Chúa Kitô.[15] Mầu nhiệm cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là hình thức tưởng niệm loan báo biến cố nguồn gốc của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã biến bữa tiệc Thánh Thể thành việc tưởng niệm mầu nhiệm thập giá. Cùng với Người, nhờ Người, tạ ơn vì thân xác tan nát và máu Người đổ ra đã được ban cho chúng ta như là bản chất của Nước Trời, chúng ta dâng lên Thiên Chúa mầu nhiệm này giờ đây đã được hoàn tất bởi Đầu của chúng ta (là Chúa Giêsu Kitô), để mầu nhiệm này có thể đạt đến sự viên mãn tối hậu trong toàn bộ thân mình Người.[16]

Việc tưởng niệm Kitô giáo vừa mang tính tiên tri vừa mang tính tôn giáo ở chỗ nó phóng chiếu chúng ta vào chiều kích cánh chung và liên kết chúng ta với quá khứ, nghĩa là với biến cố của quá khứ, đó là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến. (1Cr 11,26). Việc tưởng niệm cho phép Giáo hội công bố một cách hữu hiệu và hiệu quả công cuộc cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện.

Yếu tố nền tảng của bí tích Thánh Thể Kitô giáo được tìm thấy trong Bữa Tiệc Ly: Thật vậy, trong đêm bị trao nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi nói với các môn đệ: Hãy cầm lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, rồi cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn và nói với các ông: hãy cầm lấy mà uống vì này là chén Giao Ước bằng máu của Thầy, rồi Người truyền lệnh cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Người. Qua hành động này, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta làm theo, đó là bí tích Thánh Thể: vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta làm điều chính Người đã làm.[17]

Lm. Antoine Ndong, SSS (kỳ IV)

 

 

Sống một Mùa Chay Thánh Thể

 

4.     Ra đi Truyền Giáo

Việc chia sẻ đức tin, đúng ra là một phần của các việc Bác ái, trở thành chủ đề cuối cùng của Mùa Chay. Nó bao gồm cả các việc Thương Linh Hồn. Mùa Chay là thời gian để canh tân, không những chỉ cách nên thánh mà còn cả sứ vụ Kitô hữu nữa. Mối tương quan Thánh Thể của chúng ta với Chúa Giêsu biến đổi chúng ta thành những sứ giả của Người. Nó thúc đẩy chúng ta chia sẻ Tin Mừng và công bố Mầu Nhiệm Đức Tin, đặc biệt là truyền bá việc Phục hưng Thánh Thể đến cho càng nhiều người càng tốt, nhất là những người trong Giáo xứ chúng ta, ngõ hầu tình yêu Chúa Thánh Thể tràn ngập và đốt cháy thế gian.

Tóm lại, Mùa Chay này mang đến một cơ hội thiêng liêng để tái quyết tâm sống những chiều kích Thánh Thể thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Qua việc ăn chay, chúng ta khao khát Đức Kitô trong Thánh Lễ.  Qua việc cầu nguyện, chúng ta tôn thờ Người trong và ngoài Thánh Lễ. Được Người thúc đẩy, chúng ta dấn thân vào các việc bác ái Thánh Thể, hy sinh cho tha nhân như Chúa đã hy sinh cho chúng ta.  Và được Người ủy thác, chúng ta loan truyền việc Phục hưng Thánh Thể đến cho nhiều người để họ nhận ra sự hiện diện yêu thương của Người qua lời nói và đời sống của chúng ta. Kết quả là Người sẽ biến đổi thế gian qua những việc làm nho nhỏ của mỗi người chúng ta.

Câu hỏi để suy nghĩ

1.  Có khi nào bạn nghĩ về ý nghĩa của việc ăn chay một tiếng đồng hồ trước khi rước Lễ chưa? Bạn sẽ làm gì để biến thời gian này thành thời gian khơi lại lòng khao khát Thiên Chúa trước khi rước Lễ?

2.  Bạn thờ phượng Chúa thế nào trong và ngoài Thánh Lễ?  Bạn sẽ thay đổi cách cầu nguyện của bạn ra sao để phù hợp với tinh thần Thánh Thể?

3.  Bạn quyết tâm làm những việc bác ái nào mỗi ngày trong Mùa Chay? Bạn áp dụng Linh đạo Thánh Thể vào những việc bác ái này thế nào?

4.  Bạn có thể tham gia vào việc truyền bá Phục hưng Thánh Thể không? Bạn có thể bạn giới thiệu chương trình Phục hưng Thánh Thể phuchungthanhthe.org đến ít là 5 người bạn quen mỗi tuần bằng email, tin nhắn hay FaceBook, đặc biệt là những người trong gia đình hay trong các hội đoàn và giáo xứ của bạn không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II và hết)

(HT 10-3-2024)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - CUỘC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ PHỤC SINH CỦA CHÚA 

Việc tưởng niệm dưới nhãn quan của dân tộc có ý nghĩa lớn lao trong việc đào sâu và bồi đắp về lịch sử, tôn giáo, xã hội và đời sống gia đình. Nó không chỉ là một sự kiện cử hành nghi lễ thiết yếu của các hiến tế nhất định, mà còn là điều mang lại ý nghĩa cùng đích cho bất kỳ sự hiến tế nào. Đó là một định chế, do Thiên Chúa thiết lập, do Người ban cho và áp dụng cho dân của Người, để duy trì luôn mãi những can thiệp cứu độ của Người. Việc tưởng niệm không chỉ bảo đảm một cách chủ quan cho các tín hữu về hiệu quả lâu dài, mà trước hết, nó bảo đảm cho họ về hiệu quả này như một lời hứa mà họ có thể và phải đệ trình lên Ngài, một lời hứa về lòng trung thành của chính mình.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng việc đọc kỹ Thánh Kinh cho phép chúng ta khám phá ra vị trí quan trọng mà lễ tưởng niệm Phục Sinh có liên quan trong Cựu Ước.

Thật vậy, trong suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa nhớ lại Giao ước và những lời hứa của Người. Và về phần mình, dân được tuyển chọn luôn được mời gọi ghi nhớ những việc làm tốt đẹp và những kỳ công của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua của người Do Thái là cuộc tưởng niệm sự giải thoát mà Thiên Chúa đã cứu gỡ dân Người khỏi ách nô lệ của Pharaô. Bữa tiệc Vượt Qua là việc tưởng niệm để chứng nhận một thực tại chắc chắn cho dân Israen về những việc làm của Chúa.[9]

Qua ông Môsê, Thiên Chúa đã truyền cho dân Israen mỗi năm hãy kỷ niệm việc họ được giải thoát khỏi Ai Cập bằng một nghi lễ đặc biệt bằng cách chỉ ăn bánh không men trong bảy ngày (x. Xh 12,15). Việc hiến tế con chiên là một việc tưởng niệm đức tin của người dân và máu con chiên là một lời nhắc nhở về việc thiên thần hủy diệt đã cứu dân Israen khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Hy tế chiên Vượt Qua ám chỉ đến con đầu lòng và qua chúng mà nói đến toàn thể dân tộc và toàn thể tạo vật.[10] Thật vậy, việc tưởng niệm trong Cựu Ước không phải là một sự tưởng nhớ đơn thuần về các biến cố đã qua, mà là sự hiện thực hóa các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ và sẽ được hoàn thành trọn vẹn chủ yếu trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

2. Việc Tưởng Nhớ của Kitô hữu

Bản văn của thư Thánh Phaolô là tài liệu cổ nhất về việc cử hành Thánh Thể. Bản văn cho chúng ta biết: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (x. 1Cr 11,23-25).

Giáo hội, trung thành với Chúa của mình, được mời gọi lặp lại tất cả những cử chỉ và lời nói mà Chúa Giêsu đã hoàn thành và tuyên bố trong Bữa Tiệc Ly. Khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội ý thức rằng Chúa Kitô luôn hiện diện, luôn sống động trong thân mình của Người. Giáo hội không ngừng làm mới hy tế thập giá. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Giáo hội ý thức rằng Chúa Kitô luôn hiện diện và luôn sống giữa lòng Giáo hội. Với việc cử hành Thánh Thể, Giáo hội không ngừng canh tân mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa và chờ đợi Người trở lại trong vinh quang.

Việc cử hành Thánh Thể không phải là sự tưởng nhớ đơn giản về quá khứ mà là sự hiện thực hóa cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi cử hành Thánh Thể, mỗi tín hữu phải xác tín rằng chính hôm nay Chúa Kitô đã chết và sống lại cho mình và cho sự cứu độ toàn thể nhân loại.

Lm. Antoine Ndong, SSS (kỳ III)

 


Sống một Mùa Chay Thánh Thể

Mùa Chay mời gọi chúng ta dấn thân vào một cuộc hành trình tâm linh giống như vào nơi hoang địa. Nó thúc giục chúng ta gắn bó với việc thực hành ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái của Chúa Giêsu. Đây là một mùa để ăn năn hoán cải và sống đức tin. Mùa Chay năm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt vì nằm trong Năm Phục hưng Giáo xứ của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể. Bởi vì Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, nên Mùa Chay không những phải dẫn chúng ta đến với Thánh Thể và nhận lấy sức sống từ Thánh Thể, mà còn chuẩn bị cho chúng ta chu toàn sứ vụ đem Thánh Thể vào thế gian để cho thế gian được sống. Vì thế, bài này đề nghị một cách sống Mùa Chay qua lăng kính Thánh Thể.

1.     Ăn Chay

Việc thực hành đầu tiên trong Mùa Chay là Ăn chay. Nó bắt nguồn từ những Lời của Chúa Giêsu vào Thứ Tư Lễ Tro: “Khi ăn chay…” (x. Mt 6:16-18). Thay vì chỉ là những vẻ bên ngoài, Chúa Giêsu mong muốn việc ăn chay của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả các bình diện của chính đời sống chúng ta, đặc biệt là những bình diện chưa được kết hợp với Người, những nơi mà Người còn vắng mặt. 

Ăn chay, như Thiên Chúa đã phác hoạ qua lời các ngôn sứ Giêrêmia và Isaia, là một phương tiện để nuôi dưỡng lòng khao khát Thiên Chúa và những gì Ngài mong muốn. Việc thực hành ăn chay trước khi Rước Lễ của Hội Thánh nhằm mục đích hướng sự đói ăn của chúng ta đến lương thực vĩnh cửu của Thiên Chúa, là Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu đã khuyến khích: “Đừng làm việc vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6:27). Việc ăn chay trước khi Rước Lễ của chúng ta phục vụ mục đích chung cuộc là hướng ước muốn của chúng ta về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Thánh Thể sắp sửa được hiện tại hoá trong Thánh Lễ mà chúng ta sẽ tham dự. Tuy nhiên, cơn đói Thịt và Máu Chúa Giêsu còn vượt qua Thánh Lễ. Nó kéo dài thành một đời sống Thánh Thể; biến từng giây phút của đời mình thành của lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa.

2.     Cầu Nguyện

Chủ đề thứ hai cùa Mùa Chay là Cầu nguyện.  Chúa Giêsu mời chúng ta rút về nơi thanh vắng trong một thời gian ngắn để kết hợp với Người. Giống như Chúa Thánh Thần đã dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa, Mùa Chay khuyến khích chúng ta noi theo, đối diện với những phiền nhiễu trong sự im lặng thánh thiện và tập trung vào căn tính cùng các mối liên hệ của chúng ta. Trong cầu nguyện, chúng ta để Đức Kitô hướng dẫn mình sửa lại những méo mó do ma quỷ gây ra.

Trong cầu nguyện, sự tôn thờ và phụng sự Chúa trở thành những điều then chốt. Việc Chầu Thánh Thể giúp chúng ta đập nát các thần tượng đang luẩn khuất chung quanh chúng ta như tiền tài, danh vọng, nhất là tính ích kỷ…. Nó giúp chuyển hướng tập trung của chúng ta từ những theo đuổi trần thế sang những ưu tiên dành cho Thiên Chúa. Việc dành thì giờ để Chầu Thánh Thể và cầu nguyện trong Mùa Chay giúp chúng ta kết hợp mọi khía cạnh của cuộc sống với Thiên Chúa, bảo đảm rằng chỉ có Ngài là Thiên Chúa của chúng ta.

3.     Làm Việc Bác Ái

Việc thực hành thứ ba trong Mùa Chay là Bố thí hay làm việc Bác ái, phản ánh việc Chúa Giêsu tự hiến trong Bí tích Thánh Thể. Giống như Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, sự tiếp xúc của chúng ta với Người trong Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta hướng tới các việc Bác ái bằng bằng cách nhìn thấy Người trong tha nhân. Hành động Bác ái này liên quan đến việc cùng với Chúa Giêsu hiến dâng những hy sinh nhỏ mọn hằng ngày, và nếu cần thì chính mình và máu của chúng ta, vì hạnh phúc của người khác, noi gương Người vào Tam Nhật Thánh.

Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ I)

(HT 3-3-2024)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - CUỘC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ PHỤC SINH CỦA CHÚA                                                                                                     

Việc cử hành Lễ Vượt Qua hàng năm này là cách thức để mỗi người Do Thái nhận thức được rằng họ hiện đang được tham dự vào đời sống và sứ mệnh của dân được giải phóng. Từ đó, họ còn chờ đợi trong hy vọng đối với việc hoàn tất viên mãn cuối cùng của sự giải thoát này[4]. Đây là lý do tại sao mỗi người Israen phải coi mình như đã ra khỏi Ai Cập và được giải thoát khỏi ách nô lệ. Người đó phải nhớ rằng mình đã được giải thoát khỏi sự trói buộc. Người ấy phải tiếp tục cộng tác vào công cuộc cứu chuộc và chính yếu của Thiên Chúa[5]. Đó là lý do tại sao tác giả thánh vịnh nói: “Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa, suốt canh khuya, trong dạ nhủ thầm, và suy gẫm, trí lòng con tự hỏi.” (x. Tv 77,6-7). Và Max Thurian nhấn mạnh điều này khi ông nói rằng: “việc tưởng nhớ, do đó, trở thành một hình thức hy tế cao hơn, hy tế hiệp nhất hoàn toàn với Lời Chúa và lòng biết ơn mà nó khơi lên để đáp lại.”[6]

Thật vậy, qua việc tưởng niệm, mỗi người Do Thái ý thức được hiện tại của mình hòa nhập vào sự sống và sứ mệnh của dân tộc và dự đoán trong lời cầu nguyện đầy hy vọng đối với kết cục của sứ mệnh này. Với việc cử hành lễ tưởng niệm, dân Do Thái nắm trong tay hai đầu của chuỗi lịch sử của họ:

- Người đó tham dự với lòng biết ơn trong các sự kiện mà từ đó Thiên Chúa đã khai sinh ra dân tộc và sứ mệnh của họ, đưa họ từ kiếp nô lệ đến sự tự do.

- Người đó cử hành trong hy vọng về sự kết thúc tốt đẹp của sứ mệnh này, sứ mệnh mà chính họ phải nhanh chóng hoàn thành trong phận vụ của mình[7].

Việc tưởng niệm của dân Do Thái không chỉ bao gồm việc giải phóng dân ra khỏi Ai Cập mà còn bao gồm tất cả các sự kiện liên quan được thuật lại trong Ngũ Thư như:

- Hành động giải phóng của Thiên Chúa thay cho dân Người.

- Trao ban Lề Luật tại núi Sinai.

- Trao ban đất hứa tựa như thiên đường mới.[8]

Đó là cách thức để những người Do Thái tham dự với lòng biết ơn vào các sự kiện mà qua đó Thiên Chúa đã khai sinh ra dân tộc và sứ mệnh của họ để đi từ nô lệ sang tự do. Do đó, Thiên Chúa phán:

Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng: “Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa, đã truyền cho chúng ta?” Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em): “Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pharaô bên Ai Cập, nhưng Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập. Trước mắt chúng ta, Đức Chúa đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp, phạt Ai Cập, phạt Pharaô và tất cả triều đình vua ấy. Còn chúng ta, Người đã đưa ra khỏi đó, để dẫn chúng ta vào và ban cho chúng ta đất Người đã thề hứa với cha ông chúng ta.” (x. Đnl 6,20-23). Đây là lý do tại sao qua việc tưởng niệm, dân nhìn thấy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, và nhận ra trong đó dấu chỉ rõ ràng về tính hiện thực vĩnh cửu, và theo một cách thức cụ thể, về sự hoàn tất cánh chung.

                                                                                            Lm. Antoine Ndong, SSS (kỳ II)

 

Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ sinh ngày 8 tháng 3 năm 1495 tại Bồ Đào Nha. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng đạo đức và đầy lòng bác ái. Lúc 9 tuổi ngài bỏ nhà trốn đi, theo một nhà mạo hiểm đã khéo kích thích trí tưởng tượng của tuổi thơ. Mẹ ngài đã qua đời sau ba tuần đau khổ vì không biết số phận của con trẻ ra sao. Còn cậu bé bị bỏ rơi, thiếu thốn mọi sự nên đành ở đợ nuôi thân. Ngài giúp việc cho một nhà tiểu nông, hàng ngày lo đi chăn chiên, cho đến khoảng 20 tuổi. Chán với cuộc sống đều đều, ngài đăng lính đi chiến đấu ở Phontarabia. Thật bất hạnh khi kiếp sống suy đồi của các bạn đồng ngũ đã lôi kéo ngài tới chỗ mất cả lòng kính sợ Chúa. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi kẻ Ngài đã chọn. Ngày kia, khi đem thức ăn cho súc vật. Gioan bị té ngựa và bị trọng thương không còn cử động và nói năng gì được nữa. Nhận biết được mối nguy đang đe dọa thân xác tâm hồn, thánh nhân khấn cầu Đức Trinh Nữ và hứa sẽ sửa mình. Nhưng khi vừa hết bịnh, ngài lại trở về đường cũ.

Chúa quan phòng vẫn tiếp tục thể hiện tình thương bằng một hình phạt khác. Vị chỉ huy trao cho Gioan canh giữ chiến lợi phẩm. Nhưng vì bất cẩn nên ngài đã để mất chiến lợi phẩm. Gioan bị án xử giảo, bất kể mọi phân bua kêu khóc. Đến giờ hành hình, may có một cấp chỉ huy cao hơn can thiệp ngài mới được tha với điều kiện là bị giáng cấp. Bất mãn, Gioan trở về chủ cũ và được tiếp đón niềm nở. Gia chủ còn đề nghị gả con gái cho ngài nữa, nhưng ngài đã từ chối và chỉ sống như một kẻ chăn chiên.

Mười năm sau Gioan lại đăng lính làm pháo thủ trong cuộc viễn chinh đánh phá Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh kết thúc, binh đội Tây Ban Nha được giải ngũ. Gioan muốn trở về quê nhà. Nhưng người cậu cho biết mẹ ngài đã qua đời ba tuần sau ngày ngài bỏ nhà ra đi, cha ngài cũng mới qua đời tại một tu viện thánh Phanxicô. Những lời trách móc xâu xé tấm lòng của đứa con hoang đàng...

Gioan quyết sửa những ngông cuồng của tuổi trẻ và muốn hiến thân phục vụ người nghèo khổ yếu đau.

Gioan quyết định đi Phi Châu để giúp đỡ các Kitô hữu bị bắt làm nô lệ, với hy vọng được chết vì đạo. Tới Gibraltar, ngài gặp một nhà quí tộc bị thất sủng và phải đi đày. Cùng ông đáp tàu tới Ceuta, ngài đã phải làm việc để kiếm tiền nuôi ông chủ chẳng may ngã bệnh và lâm cảnh cùng quẫn. Đồng thời ngài đã vào các nhà tù, an ủi các tù nhân và săn sóc họ. Vị lãnh chúa qua đời. Gioan nhận lệnh của một tu sĩ Phanxicô truyền phải trở lại Tây Ban Nha, là nơi Thiên Chúa đã cho biết các ý định của Ngài.

Gioan trở lại Gibraltar. Ngài xin trời cao soi sáng, để nuôi thân ngài đi bán rong giày dép và tranh ảnh nhưng vẫn luôn lo cải hóa các tâm hồn. Một ngày kia ngài gặp trên đường một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với cặp giò trần trụi bị nứt nẻ vì sỏi đá. Ngài vác nó trên vai, dừng lại nghỉ, đứa trẻ chỉ cho vị ân nhân một trái lựu (Grenade) có mọc cây thánh giá và nói:

- Hỡi Gioan Thiên Chúa, trái lựu (Grenade) sẽ là thánh giá của ông.

Rồi đứa trẻ biến mất. Gioan hiểu chính Chúa Giêsu là đứa trẻ ngài đã giúp đỡ.

Vào giờ phút cuối cùng, thánh nhân thú nhận ba thứ lo lắng làm se thắt lòng Ngài:

- bất xứng với ơn phúc đã lãnh nhận
- ưu tư cho những người nghèo mà ngài đã bỏ qua không trợ giúp được
- những món nợ ngài đã mắc phải vì các người xấu số.

Các y tá đã nhận Gioan Thiên Chúa làm thánh bảo trợ.

Chúa đã cho thánh Gioan được đầy tràn tình thương đối với kẻ nghèo và người bệnh tật. Xin cho chúng con cũng biết đem lòng bác ái phục vụ tha nhân hầu đáng hưởng vinh quang Nước Trời với những người được Cha tuyển chọn.

(HT 25-2-2024)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - CUỘC TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ PHỤC SINH CỦA CHÚA                                                                                                     

Dẫn Nhập

Lễ Vượt Qua là một trong những lễ hội ý nghĩa và nổi tiếng nhất trong năm của người Do Thái. Thực chất, vào buổi chiều tối của ngày thứ 14 trong tháng Nissan, lúc trăng tròn, thì dân Israen sát tế Chiên Vượt Qua và lấy máu bôi lên song cửa sổ và cửa ra vào (cửa chính) là nơi ăn chiên ở đó, được chứng thực ở chương 12 của sách Xuất Hành. Cách thức tiếp cận của chúng tôi là khởi đi từ việc cử hành Lễ Vượt Qua của người Do Thái cho đến Lễ Phục Sinh Kitô giáo. Và từ đó, chúng tôi sẽ trình bày mối dây liên kết giữa Lễ Vượt Qua của Do Thái và Lễ Phục Sinh Kitô giáo, một sự kiện duy nhất của ơn cứu độ nhân loại.

1. Việc Tưởng Niệm của dân Do Thái

Đối với người Do Thái, việc tưởng nhớ là một bằng chứng thánh thiêng mà Thiên Chúa đã ban cho dân Người. Dân tộc được kêu gọi phải gìn giữ việc làm này như một kho báu thiêng liêng nhất. Cuối cùng, việc tưởng nhớ này hàm ý tính tiếp diễn, tính vĩnh cửu huyền nhiệm của những hành động thánh thiêng vĩ đại được tưởng niệm ở những ngày đại lễ[1]. Quả thật, như một sự tái hiện trong hiện tại một sự kiện nhờ vào một dấu chỉ cụ thể, theo học giả Servigny thì việc tưởng nhớ có ba đặc điểm chính. Cụ thể là:

·         Nó là một dấu chỉ của hiện tại để hiện thực hóa một sự kiện trong quá khứ.

·         Nó là một bằng chứng về sự trung tín của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Người.

·         Nó dẫn chúng ta đến một tương lai tốt đẹp hơn[2].

Vì vậy, việc cử hành cuộc tưởng niệm biến cố Phục Sinh này phải được lặp lại hàng năm. Và vì mục đích này, có lời chép rằng:

Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là luật quy định cho đến muôn đời. Các ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men, vì vào chính ngày đó, Ta đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải giữ tục lệ mừng ngày lễ ấy; đó là điều luật vĩnh cửu. (Xh 12,14.17)

Do đó, dân Israen có nhiệm vụ giữ việc tưởng niệm về ngày này và cử hành từ đời này đến đời khác. Tuy nhiên, vì Lễ Vượt Qua này là một tập tục, nên Đức Chúa đã nói cho ông Mô-sê và ông A-ha-ron rằng: Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron: “Đây là quy định về chiên lễ Vượt Qua: không người dân ngoại nào được ăn. Chỉ ngoại trừ, mọi nô lệ mua bằng tiền đã được ngươi cắt bì, thì được ăn” (x. Xh 12,43.44). Việc tưởng niệm cho phép những ai cử hành trở thành một phần trong sự kiện đang được cử hành.

Hơn nữa, như lời Louis Bouyer nói: đó là nền tảng của một lời cầu xin chắc chắn, đến nỗi hiệu lực vô tận của Lời đã làm cho những điều kỳ diệu của Thiên Chúa ở trong quá khứ có thể đổi mới chúng và cùng đưa đến trong hiện tại. Đây là lý do tại sao trong lễ tưởng niệm, người ta sẽ luôn lặp lại lời này: “Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con.”[3]

Chính Đức Chúa đã đề nghị điều này khi phán rằng: “Trong ngày ấy, ngươi sẽ kể lại cho con của ngươi rằng: ‘Sở dĩ như vậy là vì những gì Đức Chúa đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai-cập.’” (x. Xh 13,8). Vì vậy, ngoài trách nhiệm ghi nhớ sự việc ra khỏi Ai Cập, còn có nghĩa vụ kể lại những việc làm kỳ diệu của Đức Chúa vào buổi tối của lệnh truyền (của bữa ăn Lễ Vượt Qua). Việc giải phóng khỏi Ai Cập, việc tiến vào và định cư ở vùng đất hứa là các giai đoạn của cùng một quá trình.

Lm. Antoine Ndong, SSS (kỳ I)

 

Ngày 27-2 Thánh Gregorio làng Narek sinh năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Thân phụ của ngài là Cha Khosrov sau này trở thành Tổng Giám mục. Gregorio cùng với em là Gioan được thân phụ ủy thác cho một người họ hàng là bà Anania Narek để chăm sóc. Bà cũng là người đã lập ra trường học và làng Narek.

Lớn lên, Gregorio đi tu làm Đan sĩ, rồi thụ phong Linh mục và trở thành Viện phụ một Đan viện. Ngài sống rất khiêm tốn và bác ái, dấn thân làm việc và cầu nguyện, đầy lòng kính mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Cha Gregorio là một thần học gia nổi bật và là một trong những thi sĩ quan trọng nhất của nền văn chương Arméni. Trong số các tác phẩm của ngài có cuốn chú giải Sách Nhã Ca, nhiều bài tán tụng Chúa và Đức Mẹ, cùng với một bộ sưu tập 95 kinh nguyện dưới hình thức thơ phú gọi là “Narek” cũng là tên Đan viện nơi ngài sinh sống. Ngài qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni.

Trung thành với truyền thống Giáo Hội thánh Gregorio có lòng sùng mộ sâu xa đối với Đức Mẹ và theo lưu truyền Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra. Trong số các tác phẩm của ngài, đặc biệt có bài tụng ca Đức Trinh Nữ Maria và kinh nguyện số 80 mang tựa đề “Từ thẳm sâu tâm hồn, chuyện vãn với Mẹ Thiên Chúa”. Trong kinh nguyện này, ngài cũng đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể, kín múc từ đó những điểm để chúc tụng vẻ đẹp của Đức Mẹ.

Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm. Giáo Hội Arméni ghi tên ngài vào số các vị Tiến sĩ.

(HT 18-2-2024)

HIỆP LỄ VỚI ĐỨC MẸ

 

NƯỚC, MEN VÀ SÁP ONG

 

Thánh Giáo phụ Cyrilô Alexandra dùng ba hình ảnh diễn tả sự kết hợp của Chúa trong việc Hiệp Lễ:"Ai Hiệp Lễ thì được thánh hóa và thần linh hóa linh hồn và thân xác cũng như nước đặt trên lửa sẽ sôi lên...Hiệp Lễ cũng giống như tấm men trộn vào đống bột làm cho bột dậy men...Hiệp Lễ giống như đốt hai cây nến để cho tan chảy thành một cục sáp, vì thế theo tôi, ai rước Mình và Máu Chúa thì được tan chảy với Ngài do Hiệp nhất, linh hồn thấy mình ở trong Chúa và Chúa ở trong mình".

 

Thánh Gemma Galgani thường nói cách bạo dạn về sự hiệp nhất Thánh Thể rằng: "Giêsu là Tất cả và Gemma là không". Khi ngất trí ngài nói: "Ôi Giêsu, dịu dàng chừng nào, khi được nên một với Chúa, con muốn được sống trong sự ấp ủ của Chúa và chết trong sự ấp ủ của Chúa". Chân phúc Contardô Pherrini viết: "Ôi Hiệp Lễ, thật không thể tả được sự cao cả mà linh hồn vươn tới, thế giới này tìm đâu ra sự trong sạch, niềm vui Thiên đàng và cảm nếm vinh quang đời đời?"

 

Không có gì quí giá dành cho ta trong việc Hiệp Lễ hơn là Thiên Chúa Ba ngôi. Một hôm thánh nữ Maria Mađalena Paoãi sau khi Rước Lễ, khoanh tay trước ngực, quì giữa các tập sinh, bà hướng mặt lên trời than thở: "Các chị em ơi, nếu chúng ta thấu hiểu khi Bánh Thánh đang ở trong ta, Chúa Giêsu ở đó và hành động không thể tách biệt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa Ba Ngôi". Thánh nữ không thể ngưng nói, vì người đang ngất trí. 

 

LƯU LẠI ÍT NHẤT MƯỜI LĂM PHÚT

 

Khi có thể, các thánh thường không muốn đặt giới hạn cho việc cảm ơn Chịu lễ, kéo dài ít nhất nửa giờ. Thánh Têrêsa mẹ nói với các con cái trong Dòng: "Ta hãy cầm mình lại cách thân tình với Chúa Giêsu, đừng phí phạm thời giờ sau khi rước Chúa, đó là thời gian tuyệt vời được sống với Chúa, trình bày cho Ngài những vấn đề linh hồn ta...Như ta biết, Chúa Giêsu nhân lành ở lại trong ta tới khi sức nóng của ta làm tan biến phẩm tính của Bánh thánh. Phải rất cẩn thận đừng làm mất cơ hội tốt đẹp như thế để cư xử với Ngài và trình bày nhu cầu của ta cho Ngài biết".

 

Thánh Phanxicô Assisi, Giuliana Phancônieri, Catarina, Paschal, Veronica, Giuse Cupertino, Gemma và nhiều thánh khác thường hay được xuất thần ngay sau khi Rước Lễ. Xuất thần bao lâu thì chỉ có các Thiên thần mới đo được thời gian. Thánh Têrêsa mẹ cũng gần như luôn luôn được xuất thần sau khi Rước Lễ, và đôi khi phải gỡ tay người ra khỏi hàng rào Rước Lễ. Thánh Gioan Avila, Inhatiô Loyola, Lui Gongiaga thường quì gối cám ơn Chúa hai giờ sau Rước Lễ. Thánh Maria Mađalena Paoli muốn được tiếp tục cám ơn không ngừng. Cần phải hãm ngài lại để ngài dùng chút thực phẩm nuôi thân, ngài viết:" Những phút sau Rước Lễ là những phút quí hóa nhất trong đời ta, là những phút thích thuận nhất để ta thân thưa với Chúa, và để Chúa chuyển cho ta ơn thông hiệp với Ngài". Thánh Grinhông Mongphô thường cảm ơn Chúa ít nhất nửa giờ, và ngài không muốn để chuyện gì xảy ra khiến ngài bỏ việc cám ơn Chúa, ngài nói: "Tôi không muốn bỏ giờ cám ơn này để đổi lấy ngay cả một giờ nước Thiên đàng".

 

Ta cũng hãy quyết định như vậy: Hãy tổ chức thì giờ của ta, cuộc sống của ta, để có thể cám ơn Chúa ít là được 15 phút sau khi Rước Chúa. Hơn nữa, đừng để chuyện gì làm ngăn trở ta dùng giờ cám ơn này. Những giây phút này, Chúa Giêsu hiện diệncách thể lý trong linh hồn và thân xác ta, đó là những giây phút Thiên Đàng mà ta không nên lãng phí cách nào.

 

THÁNH PHILIP SAI NGƯỜI CẦM NẾN

 

Thánh Phaolô Tông đồ đã viết:" Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em" (1 Co 6, 20). Không có lúc nào có thể áp dụng sát từng chữ như lúc ta vừa Rước Lễ. Thực là vô tâm chừng nào  những ai vừa xong lễ đã bỏ nhà thờ ra về, vừa mới rước Chúa đã bỏ đi ngay. Lạy Chúa, ta hãy nhớ gương thánh Philip Nêri, ngài cho hai cậu giúp lễ cầm nến đi theo một người vừa Rước Lễ đã bỏ nhà thờ ra về ngay. Thực là bài học đáng nhớ. Nếu không vì lý do nào khác, thường khi đón khách, người ta chú ý tới khách chứ không chú ý tới lợi ích nào khác. Nếu vị khách đó là Chúa Giêsu, ta còn phải phàn nàn vì khi Ngài hiện diện nơi ta cách thể lý như thế mà ta chỉ cám ơn Ngài có hơn kém mười lăm phút. Cũng vì lý do này, thánh Giuse Cottolengo đã đích thân trông coi việc nướng bánh lễ, ngài căn dặn bà sơ trách nhiệm:" Làm cho tôi tấm bánh dầy hơn để tôi đựợc ở với Chúa lâu hơn, tôi không muốn loại bánh mau tan quá".

 

Có lẽ  ta đã làm ngược lại tấm gương lành thánh này khi ta thấy giờ cám ơn quá dài và không đủ kiên nhẫn kéo dài như vậy. Nhưng sự việc ra sao đây, nếu thực sự khi chịu Mình Thánh, Chúa ban "gấp trăm" cho kẻ đón rước Ngài? Thánh Têrêsa mẹ tuyên ngôn cách khôn khéo rằng, ta phải trả gấp trăm lần sự chểnh mảng khi đón tiếp Chúa Giêsu. Một thầy Dòng cùng nhà với cha Piô xưng tội với người. Cha không lưu tâm các tội khác, nhưng khi thầy xưng tội bỏ không cám ơn sau Hiệp Lễ, cha Piô đã nghiêm nghị quở trách, người khẳng định:" Thực ra, ta không muốn sự bất lực của ta. Đối với tôi, tôi luôn luôn phải cám ơn Chúa, cám ơn cách thiết tha".

 

Ta hãy coi đó là điều quan trọng và phải gắng lưu tâm. Còn có việc nào đáng quí bằng việc cám ơn này, hãy để tâm tới lời hiệu triệu của Chúa Thánh Thần: "Đừng để những sự lành đáng ước ao qua đi trong con". (Ec 14,14)

 

CẢM ƠN RƯỚC LỄ VỚI ĐỨC MẸ

 

Thật là tốt đẹp trong việc Tạ ơn, nếu được tạ ơn với Đức Mẹ để tôn kính việc Người được loan tin Chúa Nhập thể. Ngay sau khi Hiệp Lễ, ta mang Chúa Giêsu trong linh hồn và thân xác ta, như Đức Mẹ đã cưu mang Ngài sau khi đón nhận sứ mạng Thiên thần truyền tin. Không thể tìm ra cách nào hay hơn để thờ lạy và yêu mến Chúa Giêsu vào lúc đó bằng cách ta hợp với Đức Mẹ Chúa Trời. Ta hợp nhất những tâm tình thờ lạy và cảm mến của ta với tâm tình của Đức Mẹ đã có với Con của Mẹ trong Trái Tim Vô nhiễm Người. Để được như vậy, tốt hơn, ta suy gẫm kinh Mân côi khi đọc những mầu nhiệm mùa Vui. Cứ thử làm đi. Không thể thất bại khi được kết hợp với Đức Mẹ để yêu mến Chúa Giêsu bằng chính Trái Tim Thiên đàng của Người.

(Trích sách Mến yêu Thánh Thể, kỳ II và hết)

 

23 Tháng Hai - Thánh Polycarp, Giám mục tử đạo

Là môn đệ của Thánh Gioan Tông Ðồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Polycarp, Giám mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ) là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô giáo trong tiền bán thế kỷ thứ II.

Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?

Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ mà Ðức Giêsu không bao giờ nói đến.s

Polycarp, một người thánh thiện và là Giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."

Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Ðức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên, khi đối chất với Ðức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Ðức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan."

Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô hữu, ngài lại rất khoan dung và tôn trọng. Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục sinh. Ðông Phương, là xuất xứ của Thánh Polycarp, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự Thương Khó của Ðức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây Phương cử hành lễ Phục sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt qua. Khi Thánh Polycarp đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Ðức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất đồng ý kiến. Nhưng các ngài cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô Giáo. Và Ðức Anicetus đã yêu cầu Thánh Polycarp cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng.

Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Ðức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương Phúc Âm" - không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Ðức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là "Một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."

Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi hỏi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Thánh Polycarp thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong một nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.

Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kiến kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.

Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ" tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.

Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.

(HT 11-2-2024)

HIỆP LỄ VỚI ĐỨC MẸ

 

Ồ, đẹp lòng Chúa dường nào khi ta rước Chúa với tâm hồn trong sạch và được phủ với Máu Thánh Chúa! Chúa sẽ vui mừng âu yếm linh hồn trinh khiết trong sạch như thế biết bao!

 

Thánh Albetô Cả nói:" Thánh Thể từ Thiên đàng của đức Đồng trinh mà đến" (nghĩa là Đức Maria) Và Chúa Thánh Thể không tìm đâu ra được Thiên đàng ấy ngoài sự trinh khiết. Không ai có thể lặp lại, trừ các kẻ trinh khiết, lời người bạn tình trong Ca đệ Nhất vào lúc Hiệp Lễ:" Tất cả của tôi là tình yêu chân thật và tôi là tất cả của Ngài...Ngài đi vào thung lũng hoa huệ...xin hãy trở lại, Tình yêu của lòng tôi"(Ca 2, 16-17).

 

Một cách rất đáng khen để dọn lòng rước Chúa, là kêu cầu Đức Nữ Đồng trinh Vô nhiễm, cậy nhờ Người để ta có thể rước Chúa với lòng khiêm nhường, lòng trong sạch và tình mến của Người, tốt hơn ta xin Người đến rước Chúa Giêsu với ta.

 

Lối thực hành đạo đức này được các thánh rất khuyến khích, nhất là thánh Lui Mongpho, Phêrô Julianô Eymard, Anphongsô, và Maximiliên Kolbe.  Thánh Phêrô Julianô Eymard viết:" Cách dọn mình hay nhất để rước lễ là dọn mình với Đức Mẹ". Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng cho ta một hình ảnh thích thú, hình ảnh linh hồn ngài như một em bé lúc ba, bốn tuổi, tóc và áo quần nhàu nát, xấu hổ không dám tiến lên hàng rào cung thánh rước Chúa, nhưng em đã cầu xin Đức Mẹ, và thánh nữ viết:" Lập tức Thánh Nữ Đồng Trinh đến với tôi, Ngài thay thế áo dơ của tôi, thắt tóc tôi bằng những sợi chỉ đẹp và thêm vào đó bông hoa xinh ...Thế là tôi trở nên quyến rũ và mạnh dạn tiến đến bàn tiệc các Thiên thần".

 

Ta hãy thử dùng phương pháp dọn mình này, rồi sẽ thấy hài lòng. Có thể nói như thánh Gemma khi ngài ngất trí rằng: "Đẹp thay khi Rước lễ với Mẹ Thiên đàng".

 

CÁM ƠN SAU HIỆP LỄ

 

Thời giờ cám ơn sau khi Hiệp Lễ là thời giờ rất lý tưởng cho cuộc trao đổi thân mật tình yêu với Chúa Giêsu. Hãy để hoàn toàn tình yêu tự hiến đáp lại tình yêu Chúa với tất cả tấm lòng, không còn phải là hai nhưng là một trong linh hồn và trong thân xác. Hãy để cho tình yêu sống động và hiệp nhất, Ngài trong ta và ta trong Ngài, để ta có thể được tiêu tan trong tình yêu độc nhất và hiệp nhất của Chúa Giêsu. Thánh nữ Gemma thưa với Chúa cách thân tình rằng: "Chúa là mồi tình yêu của con như con là đối tượng của tình yêu vô biên Chúa".

 

Thánh Gioan Tông đồ viết:" Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Chúa"(Ap 19,9). Thực vậy, Linh hồn đón nhận Thánh Thể cách sốt mến, sẽ nhận ra sự hiệp nhất trinh khiết Thiên Đàng, tình yêu đôi bạn của Chúa Giêsu: Linh hồn có thể thưa với Phu Quân Giêsu cách ân tình như người bạn trong Ca Đệ Nhất rằng: "Xin để Ngài hôn tôi bằng môi miệng của Ngài" (Ca 1,1).

 

Cảm ơn sau Hiệp Lễ là thấy trước một phần, ngay khi còn ở dương gian, tình yêu sẽ  đạt được trên Thiên Đàng. Thực vậy, trên trời, ta yêu mến Chúa Giêsu thế nào, nếu ta không được nên một với Ngài đời đời? Ôi Chúa Giêsu yêu dấu, Chúa Giêsu dịu dàng, con phải cám ơn Chúa chừng nào khi con được Chúa cho con Rước Chúa, thánh nữ Gemma đã chẳng có lý sao khi người nói, trên Thiên Đàng tôi sẽ phải cám ơn Chúa vì được Hiệp Lễ hơn tất cả các ơn khác. Ôi Chúa Giêsu, thật là phép lạ tình yêu khi con được hoàn toàn kết hợp cùng Chúa.

 

(Trích sách Mến yêu Thánh Thể, kỳ I)

 

Ngày 17 tháng 2 - BẢY ANH EM LẬP DÒNG TÔI TỚ ĐỨC MẸ

Bảy thánh này là những thương gia tên tuổi miền Florence. Là những người có thế giá và giàu có nhưng các Ngài không muốn, các Ngài còn muốn hướng tới một đời sống thánh thiện. Chính vì thế mà các Ngài đã họp lại thành một nhóm huynh đệ đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ.

Cách thức các ngài trở thành những người lập dòng Tôi Tớ cũng thật đặc biệt. Vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, khi bảy anh em đang chìm đắm trong cầu nguyện thì Đức Mẹ đã hiện ra với các ngài. Đức Mẹ gợi hứng cho các ngài từ bỏ thế gian và sống cho riêng mình Thiên Chúa. Sau nhiều năm sống như các ẩn sĩ, các ngài đến gặp đức giám mục và xin đức giám mục ban cho một luật sống để tuân giữ. Vị giám mục khuyến khích các ngài hãy cầu nguyện và xin Đức Mẹ soi sáng hướng dẫn. Rồi một ngày kia Đức Mẹ lại hiện đến với các ngài, mình vận một áo dòng màu đen, bên cạnh là một thiên thần mang theo một cuộn giấy với hàng chữ: “Những Tôi Tớ Đức Mẹ.” Trong thị kiến này, Đức Mẹ nói rằng Đức Mẹ đã chọn các ngài làm tôi tớ của Người. Đức Mẹ xin các ngài mang tu phục màu đen. Và đây chính là bộ tu phục các ngài đã vận từ năm 1240. Các ngài cũng bắt đầu sống cuộc đời tu trì theo luật dòng Thánh Augustinô.

Các ngài đã giúp nhau yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Sáu người trong nhóm được thụ phong linh mục. Tên của sáu vị là: Bôphiliô, Amađêô, Hiuzơ, Sôstơns, Manêtô và Buônagiunta. Vị sáng lập thứ bảy, Alêxis, ở lại làm tu sĩ vĩnh viễn. Với lòng khiêm nhượng, ngài đã không chọn làm linh mục.

Có nhiều anh em đã đến xin gia nhập hiệp hội của các ngài. Các ngài được biết đến dưới danh hiệu “Những Đầy Tớ của Đức Mẹ” hay “Những Người Tôi Tớ.”

Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Tòa Thánh Vatican chấp nhận năm 1259. Bảy vị sáng lập thánh thiện này đã được Đức Thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1888.

BÀI HỌC:

Các thánh của dòng “Những người tôi tớ” đã chọn 4 qui tắc sau đây để sống cuộc đời của mình:

1. Về đời sống: Cả bảy anh em đều nhất quyết giữ mình độc thân hoặc đời sống khiết tịnh trọn đời, mặc dầu có người chưa lập gia đình, người thì đã thành hôn, người khác lại đã thoát khỏi vướng bận phu thê vì lẽ bạn mình đã chết.

2.Về mặt xã hội: trong bảy anh em, người làm thương mại, kẻ trao đổi hàng hoá, người lại làm nghề buôn. Nhưng khi đã tìm được ngọc quý tức là dòng tu, thì không những anh em phân phát tất cả tài sản cho kẻ nghèo, mà còn vui vẻ dâng mình phục vụ Thiên Chúa và Đức Mẹ cách trung thành.

3. Đặc điểm nổi bật là lòng kính mến Đức Mẹ. Ở Florence bấy giờ có một hội kính Đức Mẹ, thành lập đã từ xưa. Vì hội đã có từ lâu đời nên các thành viên trong hội đã có một đời sống tốt đẹp thánh thiện vượt xa các hội khác và được coi là hội lớn của Đức Mẹ. Bảy anh em trước khi đến sống chung với nhau, đã ở trong hội này, họ tỏ ra yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt.

4. Về đời sống đời sống thiêng liêng, các Ngài hết lòng yêu mến Thiên Chúa với một tình yêu tuyệt đối, tôn vinh và sống theo đúng luật của Chúa trong tư tưởng lời nói và việc làm.

(HT 4-2-2024)

5/2 - Thánh Agatha (c. 251?)

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agatha, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội nên ông nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử -- bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông. Nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con -- chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng."

Sau đó, Quintian tống Agatha vào nhà gái điếm với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Thánh Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy linh hồn con."

Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania.

 

8/2 THÁNH HIÊRONIMÔ EMILIANÔ

Thánh Hiêronimô sinh tại Venise nước Ý vào năm 1481 trong một gia đình đạo đức. Vào tuổi trưởng thành như bao chàng trai khác thời đó, Thánh Hiêronimô gia nhập quân đội Ý để cùng với đất nước bảo vệ miền Castelnovo và miền Quero, thành phố đang bị địch quân chiếm đóng. Như các người lính khác, thánh nhân bị địch bắt làm tù binh và Ngài được Mẹ Maria cứu thoát một cách lạ lùng. Thánh nhân có một tấm lòng bác ái siêu vời, vì thế, Ngài hướng về các trẻ em mồ côi, những trẻ em bị mất cha mất mẹ, giáo dục và yêu thương chúng theo tinh thần Kitô giáo. Bắt đầu công việc bác ái từ thành Venise, thánh nhân rảo qua các miền khác như Brescia, Berfame, Côme và hướng dẫn, điều hành nhiều viện mồ côi và nhiều hội đoàn bác ái. Với tinh thần quảng đại, lòng bác ái vị tha, sự quan tâm yêu thương người nghèo, trẻ mồ côi, thánh nhân đã dừng chân ở Somasque, một miền quê hẻo lánh tại Bergame.

THÁNH NHÂN LẬP DÒNG BÁC ÁI PHỤC VỤ BỆNH NHÂN VÀ TRẺ EM MỒ CÔI:

Thánh Gioan đã ghi lại lời Chúa:” Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13, 35). Tại Somasque, thánh nhân được ơn soi sáng của Chúa và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đã lập một Hội Dòng mới lấy tên là Somasque và Dòng của Ngài đã được Đức Thánh Cha Piô V phê chuẩn. Dòng của thánh nhân thành lập có mục đích chăm sóc bệnh nhân và lo cho các em cô nhi, các trẻ mồ côi không ai chăm sóc. Năm 1537, Ngài bị lây nhiễm bệnh đang khi hăng say săn sóc bệnh nhân và qua đời lúc 56 tuổi.

10/2 THÁNH SCOLASTICA

 

Thánh Scolastica và thánh Bênêđitô là hai anh em sinh đôi. Người là em ruột của thánh Biển Đức. Hai anh em thánh Scolastica được sinh ra trong một gia đình thánh thiện, quảng đại và bác ái, giầu sang miền Norcia. Hai anh em vừa mở mắt chào đời được mấy tháng đã vội mồ côi mẹ. Hai anh em chỉ biết sống nương nhờ vào tình thương ấp ủ của người Cha hiền từ, đạo đức. Trong cảnh gà trống nuôi con, ông Eurôpiô càng tỏ ra là người cha nhân từ, luôn yêu thương con cái với một tấm lòng rộng mở bao la để bù đắp những thiếu thốn của tình mẫu tử. Lớn lên, hai anh em thánh Scolastica và Biển Đức được Cha yêu thương cho đến trường học. Hai thánh nhân đã hết mực yêu thương nhau, khuyên nhủ nhau học hành đến nơi đến chốn để không phụ lòng người Cha đã hết mình yêu thương các Ngài. Hai thánh nhân luôn bắt chước gương nhân đức của Cha mình, lòng yêu mến Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí của các Ngài. Khi thành đạt, hai anh em lại chung một chí hướng tận hiến mình cho Chúa để phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn.

 

Thánh Biển Đức đã lập Dòng, em của Ngài là thánh nữ Scolastica cũng lập nhiều nhà dòng. Hai anh em thánh, ra qui ước với nhau là một năm các Ngài gặp nhau một lần để bàn hỏi đường nhân đức và thăm hỏi nhau. Ba ngày sau gặp gỡ nhau, thánh Biển đức thấy linh hồn của em mình xinh đẹp, sáng láng như chim bồ câu nhẹ nhàng bay về Nước Trời. Tâm hồn đầy hân hoan, vui sướng, thánh Biển đức dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa và sai người đem xác thánh Scolastica về chôn cất trong nhà dòng. Giáo Hội vì nhân đức tuyệt vời của thánh nữ về đức trinh khiết và tinh thần tận hiến trọn vẹn đã tôn phong hiển thánh cho Ngài.

(HT 28-1-2024)

TỪ THÁNH GIÁ ĐẾN THÁNH THỂ

          Lễ suy tôn Thánh Giá (ngày 14/9/), Giáo Hội mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc thương khó Đức Giêsu, và đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa là cái chết của Đức Kitô trên thập giá tại đồi Can-vê. Khi tham dự Thánh Lễ, Giáo Hội trình bày mầu nhiệm Chúa Giê-su hiến tế chính thân mình trên thập giá, làm của lễ dâng lên Chúa Cha và qua cái chết vì tình yêu này, Giáo Hội được khai sinh và loan truyền mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương loài người và mời gọi Kitô hữu chiêm nghiệm để sống mầu nhiệm “Thánh Giá đến Thánh Thể” trong cuộc sống hàng ngày.        

          “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 24) Không có một tôn giáo nào lấy biểu tượng cho tôn giáo của mình bằng hình ảnh cây thập giá với một người bị đóng đinh trên đó như Kitô giáo của chúng ta. Nhìn vào hình ảnh của một người bị chết trần trụi và rất đau thương với mũ gai cuốn trên đầu và khiến cho ai nhìn vào cũng rùng mình và khiếp sợ. Vậy tại sao, Thiên Chúa Cha để Con Một của Ngài lãnh nhận một hình phạt nhục nhã nhất thế gian, hình phạt chỉ dành cho người phản bội tổ quốc hay tên trộm cướp như Barnaba trong cuộc xứ án Chúa mà Chúa Kitô bị xếp ngang hàng với tội xúi dân làm loạn chống lại đế quốc Rôma, “điều người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23)

          Con đường Chúa đi, đích thực là một con đường chẳng ai có thể hiểu nỗi, vì nó đi ngược lại hoàn toàn với những gì lý trí con người có thể nghĩ tới và cảm xúc con người có thể tuân theo. Nhưng thập giá có thân thể Đấng Cứu Thế tựa vào, thì với người Kitô hữu, nó lại trở thành dấu chỉ của tình yêu, của vinh quang và của chiến thắng.

          Chúa không nói chúng ta đi tìm Thập giá, nhưng là hãy vác lấy Thập giá mình. Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi Thập giá trong cuộc sống...Đau khổ không phải là một đày đọa con người phải gánh chịu, mà là một phương thế nên “Thánh”. Mỗi người là một Thập giá, mỗi ngày một Thập giá. Ai trong chúng ta cũng đang chịu một đau khổ nào đó, hãy nghĩ đến tình yêu Chúa mà đón nhận. Ước gì khổ đau “Thánh” là chính thập giá sẽ luyện chúng ta để mỗi lúc được kết hợp với Chúa mật thiết hơn. Vâng, chính trong tình yêu mọi gánh nặng là nhục nhã, đau thương ê chề và bị bỏ rơi sẽ trở nên nhẹ nhàng, như cha thánh Eymard đã trải nghiệm trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài cảm nhận, nhờ vào tình yêu của Chúa Thánh Thể nên Ngài nói “mỗi ngày 15 phút trước Thánh thể bạn sẽ tìm được sức mạnh”. Chúng ta nên nhó rằng Chúa không bao giờ đặt trên vai chúng ta một thập giá nặng hơn đôi vai của chúng ta, nên chúng ta an tâm vì “Ơn Chúa đủ cho con” (2Cr 12,9)

          “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Chúa mời gọi chúng ta “ăn thịt và uống máu của Ngài”, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Hay nói cách khác là đón nhận những “thập giá” hàng ngày là bệnh tật, nghèo khổ hay bị sỉ nhục, bị hiểu lầm mà vẫn kiên nhẫn đón nhận trong sự kết hợp với Đức Chúa Giêsu như trong ngắm thứ thứ hai mùa Thương: “Chúa Giêsu chịu đánh đòn, ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng”.

          Thật vậy, “ăn thịt và uống máu của Ngài”, theo nghĩa ẩn dụ, là khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, là mở lòng ra, mở từng ngày sống ra và mở cuộc đời của chúng ta ra, để đón nhận ơn tái sinh mà Ngài thông truyền cho chúng ta từ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Và đó chính là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, để chúng ta ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, và để chúng ta sống nhờ Ngài.

          “Việc cử hành Lễ Tưởng niệm của Chúa luôn là trung tâm của đời sống chúng tôi, với tư cách cá nhân hay những thành viên của gia đình. Đây là khởi điểm cho chúng tôi thấu hiểu về Thánh Thể và cũng là nguồn khởi hứng cho việc cầu nguyện và dấn thân của chúng tôi.” (LS số 7).

          “Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga.19,25). Đức Mẹ Maria đã đón nhận Thánh Thể là chính mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa làm người trong cung lòng Mẹ, là thân xác Đức Giêsu được lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ Maria, và mẹ đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu khi lắng nghe lời Chúa giảng dạy trong ba năm truyền giáo.

           Đức Maria là người Nữ Thánh Thể khi cưu mang Ngôi Hai làm người, và sau ngày Chúa Lên Trời, Mẹ đã cùng các Tông đồ là Giáo Hội sơ khai cử hành nghi “Lễ Bẻ bánh” là đón nhận Thánh Thể Chúa. Nguyện xin Mẹ Thánh Thể phù hộ chúng ta sống tâm tình của Mẹ để vui lòng đón nhận niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống để hiệp dâng trong Thánh lễ, đem lại nguồn vui có Chúa và Đức Mẹ đồng hành trên dương thế.

Anh chị em thân mến!

          Sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và giãi bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể, chính là sống mầu nhiệm Thánh Giá trong cuộc sống hàng ngày và kết hợp với Chúa Thánh Thể khi tham dự Thánh lễ hay Rước lễ thiêng liêng, chúng ta sẽ hân hoan vui mừng vì mang trong mình mầu nhiệm Phục sinh, để ngày mỗi ngày, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

          Nguyện xin Đức Mẹ Thánh Thể và cha Thánh Eymard, cầu bầu cho chúng con biết làm cho thập giá đau thương trở thánh Thánh Giá yêu thương, Thánh Giá nở hoa làm cho cuộc sống thêm ngát hương tình Chúa và tình người. 

Lm. Giuse Phan Ngọc Trợ, SSS


31 Tháng Giêng - Thánh Gioan Bosco (1815 - 1888)

Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.

Ðược khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.

Sau thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.

Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.

Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales".

Với sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.

Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.

Lời Bàn:

Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện các người trẻ trong các ngành nghề.

Lời Trích:

"Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục" (G.K. Chesterton, The Common Man).

(HT 21-1-2024)

TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (tt)

 

Từ ngữ liên đới:

Từ ngữ liên đới không có trong các sách tin mừng, nhưng xuất hiện trong các phong trào xã hội, nối dài từ ngữ bác ái của kitô giáo, mà nội dung được coi như một giải đáp mới, hợp lý và hữu hiệu cho các vấn đề xã hội. Ngày nay mọi người đang chạy theo kinh tế thị trường, và cố gắng sữa chữa những thiếu sót của chủ nghĩa tự do kinh tế bằng một số tư tưởng xã hội kitô giáo. Từ ngữ liên đới do đó trở thành phổ biến, không những trong những môi trường thế tục, mà cả trong những môi trường đạo đức tôn giáo.

Sự khôn ngoan đòi hỏi chúng ta thận trọng, vì động cơ mạnh nhất nơi nhiều người, cá nhân cũng như tổ chức xã hội, vẫn là khuynh hướng nghiêng về lợi nhuận, về thế lực của đồng tiền. Người công giáo nên noi gương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công nhận những sai lầm của các kitô hữu trong lịch sử. Nhưng công bằng mà nói, cũng phải đề cập tới sự hy sinh và tinh thần phục vụ của nhiều  kitô hữu đã làm xoa dịu bớt những đau khổ của loài người.

Trong những thập niên vừa qua, nhờ những giáo huấn luân lý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, từ ngữ liên đới đã được kitô giáo hoá dần dần và được biến đổi sâu sắc, có thể được thêm vào hai từ quan trọng của kitô giáo là tạ ơn và hiệp thông. Trong chiều hướng này, liên đới có nghĩa: những người này chịu trách nhiệm về những người kia, những ai khoẻ mạnh chịu trách nhiệm về những người đau yếu, những ai giàu có chịu trách nhiệm về những người nghèo khổ, những vùng phát triển chịu trách nhiệm về những vùng chậm phát triển.

Ngày hôm nay tiến trình toàn cầu hoá là một xu thế không thể đảo ngược. Nhưng nó có thể thực hiện theo hai chiều hướng: một là hoàn toàn vì lợi nhuận, hai là thật sự vì con người và cho con người. Sự toàn cầu hoá theo chiều hướng tốt đẹp là cơ hội cho mọi người trả lẽ về những người khác, là nơi mà mỗi người mang gánh nặng của người khác. Chỉ có thể làm được điều đó, nếu chúng ta chú trọng đến những giá trị tôn giáo và đạo đức. Những giá trị này phải có chỗ đứng trong những quyết định về kinh tế. Nếu toàn cầu hoá kỷ thuật và kinh tế mà không kèm theo sự khai mở mới về tinh thần  và ý thức về Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi trách nhiệm, thì sẽ đưa đến đổ vỡ.

Mục đích của kitô giáo nhằm hợp nhất nhân loại, nhờ một Chúa duy nhất, một Bánh duy nhất làm cho chúng ta trở nên một thân thể. Trong khi sự hợp nhất bên ngoài của nhân loại đã là một thực tế không chối cải được, người kitô hữu không thể từ chối trách nhiệm góp phần cho thế giới xoay chiều theo hướng tốt.

Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và là dự phóng cho sứ vụ của người kitô hữu. Việc gặp gỡ Chúa Kitô trong bí tích Thánh thể thúc bách các kitô hữu dấn thân loan báo Tin mừng Cứu độ: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11,26). (xem Mane nobiscum số 24-25)

Đời sống thánh thể là một cách thức hiện hữu được chuyển từ Chúa Kitô sang cho người kitô hữu, và nhờ chứng tá của họ, được lan toả trong văn hoá xã hội. Để có thể thực hiện điều đó, người tín hữu phải dần dần hấp thụ những giá trị mà bí tích Thánh thể diễn tả, những thái độ mà Thánh thể khơi gợi, những quyết tâm mà Thánh thể làm nảy sinh. Ba từ ngữ quan trọng trong dự phóng Thánh thể cần chuyển từ Chúa Giêsu sang cho người kitô hữu là xin vâng, cảm ơn và amen. Đưa dự phóng Thánh thể vào cuộc sống thường ngày là làm chứng rằng thực tại con người sẽ vô nghĩa nếu không quy chiếu về Đấng Tạo Hoá. (x.ib. số 25-26)

Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (kỳ VI và hết)

 

23/1 – THÁNH MARIANNE COPE, TRINH NỮ (1838-1918)

Bệnh phong cùi làm dân Hawaii hoang mang hồi thế kỷ 19, nhưng chứng bệnh này vẫn nảy sinh lòng đại lượng ở người phụ nữ được biết đến là Mẹ Marianne ở Molokai. Lòng can đảm của bà giúp cải thiện các nạn nhân ở Hawaii, một vùng thuộc Hoa kỳ thời bà sống, năm 1898.

Lòng đại lượng và can đảm của Mẹ Marianne được kính nhớ ngày 14-5-2005, ngày Mẹ được tuyên thánh tại Rôma. ĐHY Jose Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ phong thánh, nói rằng Mẹ là một phụ nữ nói với thế giới bằng “ngôn ngữ của chân lý và yêu thương.” ĐHY Martins, người chủ tế lễ tuyên thánh tại Đại Giáo đường Thánh Phêrô, đã gọi cuộc đời Mẹ là “tuyệt tác của Hồng ân Thiên Chúa.” Nói về tình thương đặc biệt của Mẹ dành cho những người phong cùi, ĐHY Martins nói: “Mẹ nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu nơi những người phong cùi. Như người Samaritanô nhân hậu, Marianne đã trở nên hiền mẫu của họ.”

Ngày 23-1-1838, một bé gái được sinh ra là con của Peter và Barbara Cope, người vùng Hessen-Darmstadt, Đức quốc. Bé gái này được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình Cope nhập cư Hoa kỳ và định cư ở Utica, New York. Bé gái Barbara lớn lên và làm việc trong một nhà máy cho đến tháng 8-1862 thì vào Dòng nữ Phanxicô ở Syracuse, New York. Sau khi tuyên khấn vào tháng 11-1863, nữ tu Barbara được gọi là Marianne, và bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Mông Triệu.

Nữ tu Marianne giữ chức vị cao ở vài nơi, hai lần là giáo tập trong hội dòng và ba lần làm trưởng Bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, nơi Mẹ biết sẽ hữu ích trong thời gian ở Hawaii. Được bầu làm giám tỉnh năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử năm 1881. Hai năm sau, chính quyền Hawaii tìm một người để điều hành Trạm Tiếp Nhận Kakaako (Kakaako Receiving Station) lo chăm sóc những người nghi bị phong cùi. Hơn 50 cộng đồng tôn giáo ở Hoa kỳ và Canada đều có yêu cầu. Khi đến dòng nữ ở Syracuse, 35 nữ tu đã tình nguyện ngay. Ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và 6 nữ tu đi Hawaii nhận nhiệm vụ tại Trạm Tiếp Nhận Kakaako ở ngoại ô Honolulu. Trên đảo Maui, các nữ tu mở bệnh viện và trường học cho các em gái.

Năm 1888, Mẹ Marianne và hai nữ tu đi Molokai để thành lập nhà mở cho các phụ nữ và các cô gái không có ai che chở. Chính quyền Hawaii khá lưỡng lự khi để phụ nữ đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Họ không cần lo về Mẹ Marianne như vậy! Thật vậy, tại Molokai, Mẹ đã đảm trách nhà mở mà Chân phước Damien DeVeuster (+ 1889) đã thành lập cho nam giới và các em trai. Mẹ Marianne đã “đổi đời” ở Molokai bằng cách giới thiệu sự vệ sinh, niềm hãnh diện và sự vui vẻ cho kiều dân. Những chiếc khăn quàng màu sáng và những chiếc áo đầm xinh xắn dành cho phụ nữ là một phần kế hoạch của Mẹ.

Chính quyền Hawaii đã tặng Huân chương Hoàng gia (Royal Order) của Kapiolani cho Mẹ, và thi sĩ Robert Louis Stevenson đã nhớ đến Mẹ trong một bài thơ. Mẹ Marianne trung thành tiếp tục trách nhiệm. Nhiều cô gái Hawaii có ơn gọi tu trì và làm việc ở Molokai. Mẹ Marianne qua đời ngày 9-8-1918.

 

24/1 – THÁNH PHANXICÔ SALÊ, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (1567-1622)

 

Người cha muốn Phanxicô làm luật sư để có thể thay thế vị trí thượng nghị sĩ tỉnh Savoy, Pháp quốc, vì thế Phanxicô được gởi tới để học luật. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật, ngài trở về nhà trình bày với cha mẹ về ước muốn làm linh mục. Cha ngài không đồng ý. Sau khi ngài nỗ lực và khôn ngoan thuyết phục, cha ngài đã đồng ý.

 

Phanxicô thụ phong linh mục và được bầu làm Tổng đại diện GP Geneva, rồi ngài chuyên đối phó với giáo phái Calvin. Phanxicô bắt đầu cảm hóa họ, đặc biệt ở quận Chablais. Bằng việc rao giảng và phân phát những tờ rơi mà ngài viết để giải thích về giáo lý Công giáo đích thực, ngài đã thành công đáng kể.

 

Lúc 35 tuổi, ngài dược bổ nhiệm Giám mục GP Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, giải tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Tính cách hiền dịu của ngài là “bí quyết” để ngài chiếm được các linh hồn. Ngài thực hành châm ngôn do ngài đặt ra: “Một muỗng mật ong thu hút nhiều ruồi hơn một thùng giấm.” (A spoonful of honey attracts more flies than a barrelful of vinegar.) – Phần nào tương tự tục ngữ Việt Nam: “Mật ngọt chết ruồi.”

 

Ngoài hai cuốn sách nổi tiếng của ngài (The Introduction to the Devout Life và A Treatise on the Love of God – Giới thiệu Đời sống Thành kính và Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa), ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ (pamphlets) và nhiều lá thư. Sách ngài viết thể hiện tinh thần hiền hậu của ngài và được giới thiệu với người ngoại giáo. Ngài muốn làm cho họ hiểu rằng họ cũng được gọi để nên thánh. Ngài viết trong cuốn The Introduction to the Devout Life: “Đó là một sai lầm, hoặc là một dị giáo, khi nói lòng sùng đạo không tương thích với cuộc đời của binh sĩ, thương nhân, hoàng tử, hoặc phụ nữ có chồng,… Nhiều người đã gìn giữ sự hoàn hảo nơi sa mạc nhưng đã mất nó giữa thế gian.”

 

Mặc dù cuộc đời ngài tương đối ngắn ngủi và bận rộn, ngài đã dành thời gian cộng tác với Thánh Jane Frances de Chantal trong việc lập Dòng nữ Đức Mẹ Thăm Viếng (Sisters of the Visitation). Các nữ tu thực hành các nhân đức theo gương Đức Maria đi thăm thánh Êlidabét: khiêm nhường, sùng mộ và bác ái lẫn nhau. Họ bận rộn với việc thể hiện lòng nhân hậu đối với người nghèo và người bệnh. Ngày nay, một số cộng đoàn lo việc điều hành trường học, một số khác sống chiêm niệm nghiêm ngặt.

 

25/1 – THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

 

Cả cuộc đời thánh Phaolô có thể mô tả trong hai từ “kinh nghiệm” – cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu trên đường tới Damascus. Trong khoảnh khắc, ngài thấy rằng tất cả nhiệt huyết về cá tính mạnh mẽ của mình đều uổng phí, như sức mạnh của lực sĩ quyền anh nhún nhảy với dáng man rợ. Có lẽ ngài chưa bao giờ thấy Chúa Giêsu, người chỉ lớn hơn ngài vài tuổi, nhưng ngài đã thù ghét Chúa Giêsu một cách quá khích, khi ngài bắt đầu làm phiền Giáo hội: “...đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.” (Cv 8:3b) Ngày nay chính ngài được “xem xét,” được sở hữu, tất cả nỗ lực đến một mục đích là làm nô lệ của Đức Kitô trong sự hòa giải, là khí cụ giúp người khác nhận biết Đấng Cứu Thế.

 

Có một câu xác định thần học của Thánh Phaolô: “Tôi là Giêsu, người mà anh đang bắt bớ.” (Cv 9:5b) Chúa Giêsu xác nhận với mọi người một cách mầu nhiệm. Nhóm người thích Saolê đã bỏ của chạy lấy người như những tên tội phạm. Thánh Phaolô thấy Chúa Giêsu khỏa lấp những gì mình đã mù quáng theo đuổi. Từ đó, công việc duy nhất của ngài là “giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô.” Thánh Phaolô xác định: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi.” (Cl 1:28b-29) Ngài cho biết: “Vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.” (1 Tx 1:5a)

 

Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên “bản tuyên ngôn” không ngừng và sống sứ điệp Thập giá: Các Kitô hữu chết cho tội và được mai táng với Đức Kitô. Họ chết cho những gì là tội và chưa được cứu độ trên thế gian. Họ là thụ tạo mới, thông phần chiến thắng của Đức Kitô và một ngày nào đó sẽ sống lại từ cõi chết như Đức Kitô. Qua Đức Kitô phục sinh, Chua Cha ban Thánh Thần trên họ, làm cho họ nên mới hoàn toàn.

 

Sứ điệp quan yếu của Thánh Phaolô gởi cho thế giới là: Người ta được cứu độ hoàn toàn nhờ Thiên Chúa, không nhờ bất cứ thứ gì mà người ta có thể làm. Niềm tin cứu độ là tặng phẩm của sự tín thác nơi Đức Kitô trọn vẹn, tự do, riêng tư, và yêu thương, niềm tín thác sẽ sinh hoa kết trái nhiều hơn là lề luật khả dĩ dự tính.


(HT 14-1-2024)

TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (tt)

Từ ngữ Hiệp Thông:

Sự Hiệp thông với Chúa, chỉ có thể hiểu và sống trọn vẹn trong lòng Giáo hội. Chúng ta nên một với Chúa và nên một với nhau trong Chúa. Hiệp thông Thánh thể làm nên Hiệp thông Giáo hội; Hiệp thông Giáo hội cần thiết cho Hiệp thông Thánh thể. Đức thánh cha lập lại nhiều lần tư tưởng này trong thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể cũng như trong tông thư Mane nobiscum. Trong mầu nhiệm Thánh thể, Chúa Giêsu kiến tạo sự Hiệp thông Giáo hội theo mẫu mực Hiệp thông Ba Ngôi: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21).  (x. Mane nobiscum số 20)

Thượng Hội Đồng giám mục thế giới năm 1980, kỷ niệm 25 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, đã coi ý tưởng Hiệp Thông là tư tưởng nồng cốt của Giáo Hội học Công Đồng. Từ ngữ Hiệp Thông hướng chúng ta đến Thánh thể là trọng tâm của Giáo Hội, và nhìn nơi sự tự hiến của Chúa Giêsu nền tảng cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Coritnô 10, 16 – 17).

Từ ngữ hiệp thông cắm rễ sâu trong bí tích Thánh Thể, đầu tiên có nghĩa là thông phần Mình và Máu Thánh Chúa. Theo quan niệm do thái, máu chỉ sự sống, nên khi chúng ta hiệp thông với Máu Thánh Chúa, có sự thấm nhập hổ tương giữa sự sống của Chúa và sự sống của chúng ta. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, máu còn chỉ sự tự hiến của Chúa Giêsu, cuộc sống tự trao ban vì chúng ta và cho chúng ta. Thông phần với máu của Chúa là được hội nhập vào năng động đời sống của Chúa, của máu Chúa đổ ra, làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống tự hiến, sống cho và sống vì tha nhân, giống như hình ảnh trái tim Chúa.

Bánh chỉ sự thông phần thân thể của Chúa Kitô, mà Phaolô so sánh với sự kết hợp giữa người nam và người nữ (1 Cr 6,17). Bánh, thức ăn manna mới mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là Chúa Kitô duy nhất được ban cho mọi người, Chúa Kitô mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể. Bánh ấy lớn hơn chúng ta, không bị thân xác chúng ta đồng hoá, nhưng làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở thành chi thể của Người và nên một với nhau trong Người. Chúng ta ăn cùng một Chúa Kitô, được lôi kéo khỏi cá nhân đóng kín của mình và được đưa vào Đấng Lớn hơn ta. Chúng ta trở thành chi thể của nhau; hiệp thông với Chúa Kitô cũng là hiệp thông với nhau.

Một nền tu đức Hiệp Thông đương nhiên sẽ mang tính xã hội. Khi rước Chúa Kitô, chúng ta hướng cái nhìn về Người, để cho Người biến đổi ta. Nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô, ta học cởi mở với mọi người, cởi mở với thế giới. Sự cởi mở ấy không chấm dứt ở nhà thờ, nhưng tiếp tục trong cuộc sống. Sự hiệp thông của cá nhân với Chúa và sự sống hiệp thông của Giáo hội gắn chặt với nhau. Giáo hội không là kết quả của một liên minh các cộng đồng. Nhưng Giáo Hội sinh ra từ Đấng Chúa Duy Nhất, và từ Người, làm thành một Giáo hội Duy Nhất, một Thân Thể Duy Nhất từ một bánh duy nhất.

Đoạn kinh thánh thứ hai cần lưu ý khi đề cập đến hiệp thông là thư thứ nhất của thánh Gioan (1 Ga 1,3-7): “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. Đây là lời loan báo của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.”

Thánh Gioan nói đến ơn được gặp gỡ Ngôi Lời Nhập Thể, mà ngài đã thấy tận mắt, và tay ngài đã đụng chạm đến. Sự gặp gỡ đó đã cho ngài được hiệp thông với Chúa Cha và Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Sự hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống ban cho con người ánh sáng, để nhận ra chân lý và tình yêu. Hiệp thông với Lời Sự Sống làm nên một đời sống tốt, làm cho cuộc sống trở thành tình yêu và sự hiệp thông với nhau. Ở đây Gioan và Phaolô gặp nhau: hiệp thông với Chúa Giêsu trở thành hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng và tình yêu, và hiệp thông với nhau trong tình yêu và chân lý.

Hình ảnh lý tưởng của Hiệp thông Giáo hội trong sách Công vụ các tông đồ là Cộng Đồng Giáo hội sơ khai họp lại chung quanh các Tông đồ, được quy tụ bởi Lời Chúa, sẵn sàng chia sẻ những của ăn tinh thần và của cải vật chất (Cv 2, 42- 47): “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”.

Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (kỳ V)

 

17/01/2024 - Thánh Antôn ở Ai Cập (251 - 356)

Cuộc đời Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta nhiều điểm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi. Khi 20 tuổi, người thật cảm kích trước câu Phúc Âm, “Hãy đi và bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo” (Máccô 10:21b), và Thánh Antôn đã thực sự thi hành đúng như vậy với gia tài kếch sù của người. Thánh Antôn khác với Thánh Phanxicô ở cuộc đời ẩn dật. Người nhìn thấy thế gian đầy những cạm bẫy và đã sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật, đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện. Nhưng không vị thánh nào thực sự xa lánh xã hội, và Thánh Antôn đã thu hút người ta đến với người để được hướng dẫn và chữa lành tâm linh.

Lúc 54 tuổi, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, người đã sáng lập một loại đan viện với các phòng ở rải rác cách nhau. Lúc 60 tuổi, người hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và người đã không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người trong tù. Năm 88 tuổi, người chống với bè rối Arian (từ chối thiên tính của Ðức Kitô), vết thương to lớn ấy đã khiến Giáo Hội phải mất nhiều thế kỷ mới phục hồi được.

Ảnh Thánh Antôn thường được vẽ với thập giá hình chữ T, một cuốn sách và một con heo. Thập giá và con heo tượng trưng cho cuộc chiến dũng cảm của người chống với ma quỷ -- thập giá luôn luôn là phương tiện quyền lực giúp người chế ngự ma quỷ, được tượng trưng là con heo. Cuốn sách nói lên sở thích của người là “học hỏi từ thiên nhiên” thay vì sách vở in ấn.

Thánh Antôn chết trong cô độc khi người 105 tuổi.

20/1 – THÁNH FABIANÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO (+ khoảng 250)

K hi Thánh GH Anthêrô qua đời năm 236, một Công đồng được triệu tập về Rôma để bầu người kế vị. Fabianô là thường dân Rôma, từ vùng quê nhập cư thành phố với tư cách là giáo sĩ, và người ta đang chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới. Và tân giáo hoàng chính là Fabianô, người Ý.

Theo Eusebius, sử gia của Giáo hội, một chim bồ câu bay vào và đậu trên đầu Fabianô. Dấu hiệu này khiến mọi người đồng tâm nhất trí bầu ngài. Ngài là người lãnh đạo xuất sắc, tổ chức cấu trúc giáo xứ như vẫn được áp dụng ngày nay. Ngài phát triển thói quen và các nghi lễ tôn vinh các tvị tử đạo trong các hầm mộ, và bổ nhiệm 14 học giả thu thập chứng cớ đời sống của các vị tử đạo để họ không bị quên lãng.

Ngài cai quản Giáo hội 14 năm và chịu tử đạo khoảng năm 250 trong thời Decius bách hại. Ngài bị họ hành quyết rất dã man. Thánh Cyprianô viết cho người kế vị rằng ĐGH Fabianô là người “độc nhất vô nhị” được vinh dự chết tương xứng với sự thánh thiện và sự thuần khiết của cuộc đời ngài. Tại hầm mộ Thánh Callistô, tảng đá trên mộ Thánh Fabianô bị bể làm tư, nhưng vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ Hy Lạp ghi: “Fabianô, Giáo hoàng Tử đạo.”

20/1 – THÁNH SEBASTIANÔ, TỬ ĐẠO (257?-288?)

Lịch sử không có gì chắc chắn về Thánh Sebastianô, chỉ biết ngài là vị tử đạo Rôma, được tôn kính ở Milan ngay từ thời Thánh Ambrôsiô và được an táng ở Appian Way, có thể ở gần Đền thờ Thánh Sebastianô ngày nay. Lòng sùng kính ngài lan tỏa nhanh, và ngài được nhắc đến trong tiểu sử các vị tử đạo từ năm 350.

Truyền thuyết về Thánh Sebastianô quan trọng về nghệ thuật và có cách mô tả bằng hình tượng. Các học giả ngày nay đồng ý rằng có chuyện kể Thánh Sebastianô gia nhập quân đội Rôma, vì chỉ như vậy ngài mới có thể giúp đỡ các vị tử đạo mà không tạo sự nghi ngờ.

Cuối cùng ngài bị phát hiện, bị bắt trước mặt Hoàng đế Diocletian và bị giao cho đội bắn cung Mauritanian. Thi thể ngài đầy mũi tên găm vào và bị bỏ mặc. Những người đến lấy xác đem chôn thì thấy ngài còn sống. Rồi ngài bình phục nhưng không chịu trốn đi. Một hôm, ngài đứng gần chỗ Hoàng đế đi ngang qua, ngài đến gần Hoàng đế và tố cáo Hoàng đế đối xử độc ác với các Kitô hữu. Lần này ngài bị bắt và bị kết án tử hình. Thánh Sebastianô bị đánh đập cho đến chết.

(HT 7-1-2024)

TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (tiếp theo)

Cử hành, tôn thờ, chiêm ngắm

Có một điều bị quên lãng khá nhiều trong những thập niên vừa qua mà Đức thánh cha Gioan Phaolô II nhắc đi nhắc lại trong thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, và trong tông thư Mane nobiscum, đó là việc tôn thờ Chúa Kitô ngoài giờ thánh lễ.

Thánh Thể là mầu nhiệm cực trọng! Mầu nhiệm này trước hết phải được cử hành một cách tốt đẹp. Thánh lễ phải là trọng tâm của đời sống kitô hữu (xem Mane nobiscum số 17). Vì lẽ đó mà Đức thánh cha mời gọi các chủ chăn hãy lưu tâm tới huấn giáo dẫn vào mầu nhiệm (mystagogie), điều mà các thánh giáo phụ rất ưa thích. Giúp cho giáo dân hiểu được ý nghĩa của các dấu chỉ và lời đọc, và từ các dấu chỉ có thể đi vào mầu nhiệm, làm cho cuộc sống bám rễ sâu trong mầu nhiệm. Đức thánh cha yêu cầu học hỏi quy chế tổng quát của sách lễ Roma, để việc cử hành được nghiêm túc và sốt sắng. (x.số 17)

Nhưng có người nhấn mạnh vai trò của Thánh Lễ một cách lệch lạc, loại trừ mọi hình thức tôn thờ và sùng kính khác. Tại một số nhà thờ bên Tây Phương ngày nay, chỗ để Mình Thánh dành cho việc thờ phượng bị giảm thiểu tối đa, rất khó nhìn thấy, làm cho không còn bầu khí linh thiêng nữa. Thánh Lễ kéo dài nửa tiếng đồng hồ hay hơn một chút, không còn tạo được bầu khí của một cảnh vực thần linh cần thiết cho những người muốn tôn thờ Chúa cách xứng đáng. Thời gian và không gian bị giảm thiểu, Thánh Lễ trong thực tế đã trở thành một hòn đảo nhỏ trong thời gian cả một ngày, một tuần, thời gian bận rộn với công việc và nhiều thứ khác. Muốn nhìn vấn đề cách thật đúng đắn, đừng xem việc thờ phượng Thánh Thể ngoài giờ lễ cạnh tranh với Thánh Lễ, làm cho Thánh Lễ không còn vai trò trung tâm nữa. Trái lại hãy xem đó như điều kiện, như môi sinh cần thiết. Việc cử hành Thánh Lễ chỉ có thể sốt sắng và mang lại nhiều hoa trái trong một không gian thánh thiện.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đưa ra một vài suy nghĩ vừa sâu sắc, vừa thực tế, giúp  chúng ta khám phá lại tương quan giữa thờ phượng ngoài thánh lễ và chính Thánh Lễ. Nhờ việc thờ phượng ngoài giờ lễ, chúng ta thấy rõ thêm tương quan giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế cộng đồng được thể hiện trong Thánh Lễ. Hai chức tư tế ấy thấm nhập vào nhau. Tất cả chúng ta, linh mục cũng như tín hữu đều là những người lãnh nhận. Đối diện với Thánh Thể, chỉ có một thái độ đúng, đó là thờ phượng.

Đón Chúa, gặp gỡ Chúa, thờ phượng Chúa là những tâm tình gắn chặt với nhau. Chúng ta tin Chúa, yêu Chúa, ngưỡng mộ Chúa, tôn thờ Chúa. Yêu mến và tôn thờ đi đôi với nhau. Ý thức và tâm tình tôn giáo sâu xa không thể thiếu một trong hai yếu tố. Lời Chúa trong sách Khải Huyền nhắc lại ý nghĩa sâu xa của lòng yêu mến Thánh Thể: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20-20).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy chúng ta không được bỏ việc tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể. Không nên quá tiết kiệm thời gian gặp gỡ thờ phượng Chúa. Sự mật thiết với Chúa Kitô Thánh Thể là cốt lõi của việc sùng kính bí tích Thánh Thể. Thờ phượng Chúa trong bí tích Thánh Thể là trường đào tạo lương tâm kitô hữu. Chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô chịu khổ nạn, không còn hình tượng người nữa, ta sẽ nhận ra sự tàn bạo của loài người trong đó có chúng ta. Ta được mời gọi thanh tẩy lương tâm trước khi cải cách xã hội. Chiêm ngắm Chúa Phục Sinh, lòng ta tràn ngập hân hoan, ta sẽ được đầy sinh lực mới.

Thờ phượng Chúa Kitô Thánh Thể còn là một trường học yêu mến tha nhân. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta không dừng lại việc thờ phượng Thiên Chúa: đời sống phượng tự bí tích không chỉ là tôn thờ Thiên Chúa siêu việt, mà là tôn thờ một Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa hạ mình, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, một Thiên Chúa cứu độ biến đổi thế giới trong trái tim của con người. Trong sự thờ phượng đó chúng ta cảm nghiệm được hy tế của Chúa Giêsu Kitô, gặp được tình Yêu của Chúa. Chúng ta sẽ thông phần tình yêu của Chúa, chúng ta cùng yêu với Chúa. Không những chúng ta biết yêu thương, mà chúng ta thực sự bắt đầu yêu thương.

Điều tối quan trọng khác mà chúng ta khám phá nhờ việc thờ phượng là sự thiêng thánh của bí tích Thánh Thể. Khuynh hướng tục hoá mọi sự trong thế giới hôm nay làm cho chúng ta dễ dàng đánh mất cảm thức về sự thiêng thánh. Chúng ta chiêm ngắm và thờ phượng Chúa Kitô trước hết trong thánh lễ. Việc chiêm ngắm và thờ phượng Chúa ngoài Thánh lễ có mục đích kéo dài sự gặp gỡ, sự kết hợp giữa chúng ta với Chúa, giúp chúng ta đào sâu đời sống chiêm niệm cá nhân và cộng đồng. Chúng ta có thể dùng những bản kinh đậm chất kinh thánh, những kinh nghiệm thiêng liêng của các nhà thần bí và dùng cả tràng hạt mân côi, để cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm Chúa. (x.số 18)

Thánh lễ vẫn là trọng tâm và điểm quy chiếu cho sự thờ phượng của chúng ta, vì trọng tâm của bí tích Thánh thể là mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ, và được mời gọi thông phần, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người. 

Hiệp thông và Liên đới:

Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em (Ga 15, 4).

Đức thánh cha trích Gioan 15,4 là lời mời gọi của Chúa, đối chiếu với Luca 24,29 là lời nài xin của hai môn đệ Emmau, để làm nổi bật tình thương của Chúa. Nơi bí tích Thánh Thể, hồng ân của Chúa còn lớn hơn ước muốn của chúng ta gấp bội. Chúa không những ở lại với chúng ta, mà còn ở trong chúng ta. Rước Chúa là hiệp thông mật thiết với Chúa, là ở lại trong Chúa như Chúa ở lại trong chúng ta. Hạnh phúc của Nước Trời đã bắt đầu từ đây. (xem Mane nobiscum số 19)

Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (kỳ IV)

 

13 Tháng Giêng - Thánh Hilary ở Poitiers (315 - 368)

Vị trung kiên bảo vệ thiên tính của Ðức Kitô này là một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa, và cũng giống như Thầy Kitô, ngài được coi là "người xáo trộn sự bình an." Trong giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của Giáo Hội, sự thánh thiện của ngài nổi bật cả trong lãnh vực uyên bác và tranh luận.

Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, ngài trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Sau khi lập gia đình và có được một người con gái là Apra, ngài được chọn làm Giám Mục của Poitiers nước Pháp trái với ý muốn của ngài. Không bao lâu ngài phải chiến đấu với một tai họa của thế kỷ thứ tư, là bè rối Arian, những người khước từ thiên tính của Ðức Kitô.

   Tà thuyết này lan tràn nhanh chóng. Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải ký vào bản kết án Ðức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Ðông Phương, Ðức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh (khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây Phương"). Vị bảo vệ chính giáo một cách kiên cường này lại là người rất nhân từ khi hòa giải các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. Và trong khi ngài viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết, thì ngài lại ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêät giữa các học thuyết chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ thù mới.

   Trong thời gian lưu đầy và viết lách, ngài được mời tham dự một công đồng do hoàng đế triệu tập để chống với Công Ðồng Nicea. Như chúng ta có thể tiên đoán, Ðức Hilary đã đứng lên bảo vệ Giáo Hội, và khi ngài thách thức tranh luận một cách công khai với vị giám mục đã đầy ải ngài, những người theo Arian, vì sợ buổi tranh luận ấy và những hậu quả của nó, đã xin hoàng đế tống cổ "người xáo trộn sự bình an" này về nhà. Nhưng thay vì về thẳng Poitiers, ngài đã sang Hy Lạp và Ý, rao giảng chống lại tà thuyết Arian.

   Có lẽ một số người hiện nay nghĩ rằng tất cả những khó khăn ấy chỉ trên phương diện ngôn từ. Nhưng Thánh Hilary không chỉ tham dự cuộc chiến ngôn ngữ, mà còn chiến đấu cho sự sống vĩnh cửu của các linh hồn đã nghe theo tà thuyết Arian và không còn tin vào Con Thiên Chúa, là nguồn hy vọng cứu độ của họ.

Cái chết của hoàng đế Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Ðức Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851.
Lời Bàn: Ðức Kitô đã nói Ngài đến thế gian không để đem lại sự bình an nhưng đem lại gươm giáo (x. Mátthêu 10:34). Nếu chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện chói lòa không đem lại nhiều khó khăn thì điều ấy không được thấy trong Phúc Âm. Ngay cả giây phút cuối cùng, Ðức Kitô cũng không thoát, mặc dù từ đó trở đi Ngài đã sống hạnh phúc -- sau một cuộc đời đầy tranh đấu, khó khăn, đau khổ và thất vọng. Ðức Hilary, như mọi vị thánh khác, cũng không khác gì hơn.




(HT 31-12-2023)

TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (tiếp theo)

Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc, vì Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bối cảnh một bữa ăn.  Người còn mời gọi các môn đệ hãy ăn và uống. Nhưng bàn tiệc ấy là bàn tiệc hy tế, bàn tiệc Giao Uớc, nơi chúng ta được ăn Mình và uống Máu Thánh Người. Mục tiêu của hành vi ăn và uống là để thông phần Sự Sống của Chúa; và đó là ơn cứu độ. Mình Thánh Chúa là Bánh Hằng Sống; Máu Thánh Chúa là Chén Cứu Độ.

Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô làm cho hiến tế duy nhất chỉ một lần cho mãi mãi trên đồi Gôngôtha trở thành hiện thực cho chúng ta. Tuy hiện diện trong Thánh Thể như là Đấng Phục Sinh, Người vẫn mang những dấu tích của cuộc khổ nạn. (x. Mane nobiscum, số 15). Do vậy mỗi thánh lễ cũng là một tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Chúa; đồng thời quy hướng chúng ta tới Ngày Quang Lâm của Chúa.

Không những Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, Chúa Sống lại cũng vì chúng ta và cho chúng ta. Chúa Phục Sinh ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Chúa chết là Chúa ra đi, Chúa Phục Sinh là Chúa đến, như Chúa đã nói với các môn đệ: “Thầy ra đi và đến cùng anh em” ( Ga 14, 28 ). Tử nạn và Phục Sinh là hai mặt gắn chặt với nhau của cùng một mầu nhiệm mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ, như lời tung hô sau phần Truyền Phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.”      

Hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể

So với thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể không dành chỗ đặc biệt cho Lời Chúa, tông thư “Xin Thầy ở lại với chúng con” bù lắp vào chỗ trống này cách rất dồi dào. Việc lựa chọn câu truyện hai môn đệ Emmau như sợi chỉ xuyên suốt, hướng tông thư về chiều hướng đó. Trong lần gặp gỡ giữa hai môn đệ Emmau với Chúa Phục Sinh, có hai lúc đặc biệt ý nghĩa. Thời điểm thứ nhất là lúc Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ, nói với họ về Kinh thánh, giải thích cho họ một số nội dung chứa đựng trong đó, cho họ thấy rằng Kinh thánh quy chiếu về Ngài. Thời điểm thứ hai là lúc Chúa ngồi vào bàn với họ, cầm lấy Bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ, bấy giờ mắt họ mở ra và họ mới nhận biết Chúa.

Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm Ánh Sáng, vì Phụng Vụ Lời Chúa luôn đi trước Phụng Vụ Thánh Thể, Lời Chúa gắn liền với Thánh Thể giống như hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Lời Chúa là Lời Sự Sống, nên cũng là lương thực, là bánh để ăn. Lời Chúa là đèn rọi bước chân ta, là ánh sáng chỉ đường cho ta. Lời Chúa hướng chúng ta đến chính Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể hiện diện cách đặc biệt, hiện diện bản thể trong Mình và Máu Thánh Chúa. Lời Chúa giúp ta nhận ra Chúa như hai môn đệ Emmau. Lời Chúa làm cho ta hiểu biết Chúa, đón nhận Tình Yêu tự hiến của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trước hết Chúa Giêsu đã tự hiến qua Lời của Người, Lời của Người đã là lương thực, nhưng sự tự hiến chỉ hoàn tất trong mầu nhiệm Thánh Thể. Trong mầu nhiệm Thánh Thể Chúa tự hiến trọn vẹn cho chúng ta, hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa, tặng ban sự sống bản thân cho chúng ta. Cái chết của Chúa là cái chết cứu độ, Chúa chết cho chúng ta được sống: Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại ý hướng của Công Đồng Vatican II, khi canh tân Phụng Vụ, muốn bàn tiệc Lời Chúa cung cấp kho tàng Lời Chúa trọn vẹn hơn cho các tin hữu (PV 9). Và chính vì thế đã cho phép đọc các bài kinh thánh bằng tiếng bản xứ. Chúa nói với chúng ta qua lời kinh thánh được đọc trong thánh lễ. Chúa đến với chúng ta qua Lời Chúa trước khi đến cách  trọn vẹn và đầy đủ trong bí tích Thánh Thể.

Bàn tiệc Lời Chúa là tất cả phần Phụng Vụ Lời Chúa, bao hàm cả bài giảng lễ của linh mục. Lời lẽ của linh mục cũng là lương thực nuôi dưỡng đức tin của giáo dân. Linh mục vừa cung cấp nội dung đức tin, vừa chia sẻ sự sống đức tin. Nội dung đức tin được cung cấp dựa vào Lời Chúa. Lời Chúa là Lời Sự Sống và là Lời Mặc Khải chờ đợi sự đáp trả. Đức tin không chỉ là một nội dung tư tưởng, mà còn là sự sống, là ân sủng do Thiên Chúa ban qua trung gian của linh mục. Linh mục truyền đạt một đức tin sống động, chứ không phải một mớ ý tưởng.

Thánh Gioan, trong diễn từ Bánh Trường Sinh, cho thấy rõ sự liên tục và gắn bó chặt chẽ giữa Lời Chúa và Mình Máu thánh Chúa, giữa tin vào Người và ăn thịt uống máu Người. Đức Giê-su bảo những người do thái: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6, 35) …vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.(Ga 6, 55). Nhiều người xầm xì khó chịu, nhưng Thánh Phêrô đã khẳng định lòng tin của ông và các tông đồ, cũng là niềm tin của Giáo Hội: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 68).

Trong bài tường thuật của Luca cũng thế, những lời giải thích Sách Thánh của Chúa Giêsu đều hướng tới cái chết và sự sống lại của Người. “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24, 45 - 46). Những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh đi vào trái tim của hai môn đệ Emmau và làm cho lòng họ bừng cháy lên (x. Lc 24, 32), khơi dậy lòng khao khát được gần gũi Chúa, ở lại với Chúa, và họ đã nài nỉ Chúa: Xin Thầy ở lại với chúng con. Trên con đường đi Emmau, hai môn đệ đã được Lời của Chúa chuẩn bị sẵn sàng, nên vừa đến lúc đồng bàn họ tức khắc nhận ra Chúa qua cử chỉ rất đơn giản là Người bẻ bánh. Khi tâm trí đã được soi sáng và trái tim đã được sưởi ấm, thì các dấu chỉ bắt đầu lên tiếng. Qua các dấu chỉ mầu nhiệm Thánh Thể như mở ra trước mắt các tín hữu. (x. Mane nobiscum, số 13 và 14). 


Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (kỳ III)


1 Tháng Giêng - Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Vai trò người mẹ siêu phàm của Ðức Maria đã triển khai tính cách đặc biệt của biến cố Giáng Sinh. Ðức Maria đóng một vai trò quan trọng trong sự Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài chấp nhận lời mời của Thiên Chúa mà đã được sứ thần đưa tin (Luca 1:26-38). Bà Êlizabét đã phải xưng tụng: "Em có phúc hơn mọi người nữ, và phúc thay người con trong lòng em. Bởi đâu tôi được người mẹ của Chúa tôi đến thăm?" (Luca 1:42- 43). Vai trò làm mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria đã đặt ngài vào một vị trí độc đáo trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Tuy không nhắc đến tên Ðức Maria, Thánh Phaolô khẳng định rằng "Thiên Chúa đã sai Con Ngài, sinh bởi một phụ nữ, sinh ra dưới chế độ luật" (Galat 4:4). Thánh Phaolô còn nói thêm "Thiên Chúa đã sai thần khí Con Ngài đến trong tâm hồn chúng ta, để kêu lên 'Abba, Lạy Cha!'" giúp chúng ta nhận thức rằng Ðức Maria là mẹ của tất cả các người em Ðức Giêsu.

Một số thần học gia còn nhấn mạnh rằng vai trò làm mẹ Ðức Giêsu của Ðức Maria là một yếu tố quan trọng trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ý tưởng "đầu tiên" của Thiên Chúa trong sự tạo dựng là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là Ðấng có thể dâng lên Thiên Chúa tình yêu và sự thờ phượng tuyệt hảo nhất thay cho mọi tạo vật. Một khi Ðức Giêsu có trong tâm trí của Thiên Chúa "đầu tiên," thì "thứ đến" phải là Ðức Maria vì ngài đã được chọn từ thuở đời đời để làm mẹ Ðức Giêsu.

Danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa" đã có từ thế kỷ thứ ba hay thứ tư. Từ tiếng Hy Lạp Theotokos (người mang Thiên Chúa), danh xưng ấy đã trở thành nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về sự Nhập Thể. Công Ðồng Êphêsô năm 431 nhấn mạnh rằng các thánh Giáo Phụ đã có lý khi gọi đức trinh nữ rất thánh là Theotokos. Vào lúc cuối của công đồng đặc biệt này, đám đông dân chúng diễn hành trên đường phố, miệng hô lớn: "Ngợi khen đấng Theotokos!" Truyền thống ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong chương về vai trò của Ðức Maria trong Giáo Hội, hiến chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II đã gọi Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa" đến 12 lần.

4/1 – THÁNH ELIZABETH ANN SETON (1774-1821)

Bà là một trong các nhân vật chính của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ. Bà thành lập Dòng Nữ tử Bác ái (Sisters of Charity), dòng nữ đầu tiên của Hoa Kỳ. Bà còn mở một trường Công giáo Hoa Kỳ đầu tiên và thành lập Viện Mồ côi Công giáo Hoa Kỳ đầu tiên. Đó là những việc bà làm trong cuộc đời chỉ 46 năm.

Bà sinh ngày 28-8-1774, chỉ 2 ngày trước ngày tuyên bố bản Tuyên ngôn Độc lập. Bà được giáo dục bởi người mẹ ruột và mẹ kế đều theo Giáo hội Tân giáo (Episcopalian), bà học được giá trĩ của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và xét mình mỗi đêm. Người cha là bác sĩ Richard Bayley, ông không quan tâm việc đến nhà thờ nhưng ông sống rất nhân bản, ông dạy con gái mình sống yêu thương và phục vụ người khác.

Người mẹ qua đời sớm vào năm 1777, cái chết của em gái bà năm 1778 đã cho bà cảm giác về sự vĩnh hằng và sự tạm bợ của đời sống trần gian. Lúc 19 tuổi, Elizabeth là hoa khôi của TP New York và kết hôn với một thương gia vừa giàu có vừa điển trai là William Magee Seton. Rồi người chồng qua đời vì bệnh lao phổi. Elizabeth trở thành góa phụ khi mới 30 tuổi, nghèo kiết xác mà phải một mình nuôi 5 đứa con.

Có 3 điểm cơ bản khiến bà theo Công giáo: Tin vào sự hiện hữu thật của Thiên Chúa, sùng kính Mẹ Maria và tin rằng người Công giáo được gặp lại Đức Kitô. Nhiều người phản đối khi bà theo Công giáo hồi tháng 3-1805.

Để kiếm tiền nuôi con, bà mở trường học ở Baltimore. Từ đầu, nhóm của bà theo luật dòng tu, chính thức khai giảng năm 1809. Cả ngàn lá thư của bà cho biết việc phát triển đời sống tâm linh từ những điều tốt hàng ngày tới sự thánh thiện anh dũng. Bà chịu bệnh tật, bị hiểu lầm, mất người thân (chồng và 2 con gái), và khổ sở vì cậu con trai ngỗ nghịch. Bà qua đời ngày 4-1-1821, được an táng tại Emmitsburg, Maryland. Bà là người Mỹ đầu tiên được tuyên chân phước (năm 1963) và được tuyên thánh (năm 1975).



(HT 24-12-2023)

TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (tiếp theo)

Nếu tất cả các chiều kích khác của bí tích Thánh Thể đều đan kết với nhau trong mầu nhiệm của sự hiện diện, thì phải hiểu, chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa gắn liền với các chiều kích khác nhau ấy. Sự hiện diện của Chúa là sự hiện diện hy tế và hiệp thông. Chúa tự hiến cho Chúa Cha làm của lễ và tự hiến cho chúng ta làm của ăn, để  ta được hiệp thông với Chúa và Chúa Cha. Đức thánh cha không quên yếu tố nào trong truyền thống của Giáo hội về bí tích thánh thể, nhưng tất cả những yếu tố ấy đều xoay quanh việc tưởng niệm bàn tiệc hy tế.

Lập lại tư tưởng của Phaolô VI trong thông điệp Mầu nhiệm đức tin, Đức thánh cha Gioan Phaolô II viết: sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể không loại trừ các hình thức hiện diện thực khác của Chúa, nhưng khác biệt ở chỗ là hiện diện bản thể và toàn diện (Mane nobiscum, số 16). Đức tin đòi hỏi chúng ta, khi đứng trước Thánh thể, ý thức rằng mình đang đứng trước mặt Chúa. Và chính sự hiện diện này của Chúa làm cho các khía cạnh khác như bàn tiệc hay bữa ăn, sự tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua, chiều kích cánh chung, không chỉ là biểu tượng thuần túy.

Chúa đến, Chúa hiện diện trong dấu chỉ bí tích, nên chúng ta không thấy Người, mà thấy dấu chỉ. Chúng ta không thấy, nhưng chúng ta tin Chúa hiện diện thực, Chúa hiện diện bản thể. Chúng ta thấy Bánh, nhưng chúng ta tin là Mình Thánh Chúa, chúng ta thấy Rượu, nhưng chúng ta tin là Máu Thánh Chúa. Chúng ta ăn Bánh mà tin là Rước Chúa. Quả thật, đây là mầu nhiệm đức tin!

Chúng ta tin chúng ta đang đón Chúa, đang đối diện với Chúa, dù mắt phàm không thấy Chúa. Chúa ở trước mặt ta;  ta chiêm ngắm Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa. Ánh Sáng của Chúa chiếu toả cho con mắt đức tin của chúng ta, do đó càng tin càng có nhiều ánh sáng. Đức tin mạnh làm cho chúng ta được chan hoà ánh sáng, ngụp lặn trong ánh sáng của Chúa, khám phá ra Chúa, nhận ra Tình Thương của Chúa, của Chúa Cha và của Chúa Thánh Thần. Chúng ta nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi  đang tiếp đón chúng ta, khi chúng ta hiệp thông, nên một với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Ánh sáng cho chúng ta nhận ra mình đang trở thành con cái của Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Ánh sáng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang nhận chúng ta làm con, làm nghĩa tử của Người. Ánh sáng Tình Yêu làm cho chúng ta có thể thốt lên Abba, Cha ơi  với Thiên Chúa.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi nhà tạm trở nên như một thứ nam châm thu hút càng ngày càng đông đảo hơn những người ngưỡng mộ Chúa, sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi nghe tiếng Người, và thậm chí nghe cả nhịp đập của trái tim Người (x. Mane nobiscum, số 17). Chúng ta phải vun trồng một ý thức sống động về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ và nơi nhà tạm sau Thánh Lễ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thúc giục giáo dân, và một cách đặc biệt hơn các tu sĩ: Hãy ở lại lâu giờ phủ phục trước Chúa Giêsu đang hiện diện trong Thánh Thể, đem lòng tin và lòng mến đền bù những khoảnh khắc lơ là, những bổn phận thiếu sót và cả những sỉ nhục Chúa Giêsu phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới. Hãy đào sâu đời sống chiêm niệm của cá nhân, cũng như cộng đoàn nhờ việc thờ phượng (x . Mane nobiscum, số 17).

Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc, vì Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bối cảnh một bữa ăn.  Người còn mời gọi các môn đệ hãy ăn và uống. Nhưng bàn tiệc ấy là bàn tiệc hy tế, bàn tiệc Giao Uớc, nơi chúng ta được ăn Mình và uống Máu Thánh Người. Mục tiêu của hành vi ăn và uống là để thông phần Sự Sống của Chúa; và đó là ơn cứu độ. Mình Thánh Chúa là Bánh Hằng Sống; Máu Thánh Chúa là Chén Cứu Độ.

Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô làm cho hiến tế duy nhất chỉ một lần cho mãi mãi trên đồi Gôngôtha trở thành hiện thực cho chúng ta. Tuy hiện diện trong Thánh Thể như là Đấng Phục Sinh, Người vẫn mang những dấu tích của cuộc khổ nạn. (x. Mane nobiscum, số 15). Do vậy mỗi thánh lễ cũng là một tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Chúa; đồng thời quy hướng chúng ta tới Ngày Quang Lâm của Chúa.

Không những Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, Chúa Sống lại cũng vì chúng ta và cho chúng ta. Chúa Phục Sinh ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Chúa chết là Chúa ra đi, Chúa Phục Sinh là Chúa đến, như Chúa đã nói với các môn đệ: “Thầy ra đi và đến cùng anh em” ( Ga 14, 28 ). Tử nạn và Phục Sinh là hai mặt gắn chặt với nhau của cùng một mầu nhiệm mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ, như lời tung hô sau phần Truyền Phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.” 

Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (kỳ II)

 


25 Tháng Mười Hai - Ngày Sinh Nhật Ðức Giêsu

Ðã đến lúc Con Thiên Chúa làm người vì yêu thương chúng ta. Mẹ Người là Ðức Maria và Thánh Giuse phải rời bỏ căn nhà yêu dấu ở Nagiarét để đến Bêlem. Lý do là vì hoàng đế Rôma muốn kiểm tra dân số. Vì Ðức Maria và Thánh Giuse thuộc về dòng họ vua Ðavít nên các ngài phải về Bêlem. Hoàng đế ra lệnh, nhưng lệnh ấy lại hoàn thành hoạch định của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở Bêlem.

Ðó là một hành trình khó khăn cho Ðức Maria vì núi đồi hiểm trở. Nhưng ngài cảm thấy bình an vì biết rằng đang thi hành ý Chúa. Ngài vui mừng khi nghĩ đến người con sắp chào đời. Khi các ngài đến Bêlem, họ không tìm ra được chỗ trọ. Sau cùng, họ tìm thấy nơi trú ngụ trong một cái hang. Ở đó, trong một cái chuồng thô sơ và Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Ðức Maria bọc Hài Nhi trong tấm vải và đặt nằm trong máng cỏ. Chúa chúng ta đã chọn sinh ra trong cảnh nghèo hèn để chúng ta đừng ao ước sự giầu sang và tiện nghi. Chính đêm Hài Nhi Giêsu giáng trần, Thiên Chúa đã sai các thiên thần loan báo tin vui. Các thiên sứ không được sai đến với vua chúa. Họ cũng không được sai đến với các học giả hay các thầy thượng tế. Họ được sai đến với các mục đồng nghèo hèn, đang chăm sóc súc vật ở mé đồi gần Bêlem. Sau khi được các thiên thần báo tin, các mục đồng đã vội vã đến thờ lạy Ðấng Cứu Tinh của nhân loại. Sau đó họ ra về trong niềm tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa.

Các ngôn sứ và thượng phụ của Cựu Ước được an ủi khi biết rằng sẽ có ngày Ðấng Cứu Thế đến với nhân loại. Giờ đây, Người đã sinh ra giữa chúng ta. Ðức Kitô đã đến vì tất cả mọi người chúng ta. Kinh Thánh viết: "Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi Người đã ban Con một của Người."

Giáng Sinh là thời điểm giúp chúng ta ý thức hơn bao giờ hết là Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

26 Tháng Mười Hai - Thánh Stêphanô (c. 36?)

Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Ðồ 6 và 7. Ðiều đó đã đủ để biết về con người của ngài.

"Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: 'Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy thần khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.' Ðề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần,..." (CVTÐ 6:1-5)

Sách Công Vụ kể tiếp Stêphanô là một người đầy ơn sủng và sức mạnh, đã làm nhiều việc phi thường trong dân chúng. Một vài người Do Thái thời ấy, là thành viên của hội đường nhóm nô lệ được giải phóng, tranh luận với Stêphanô nhưng không thể địch nổi sự khôn ngoan và thần khí của ngài. Họ xúi giục người khác lên án ngài là lộng ngôn, xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài bị bắt và bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng.

Trong phần trình bày, ngài nhắc lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, cũng như việc thờ tà thần và bất tuân phục Thiên Chúa của dân này. Sau đó ngài cho rằng những người bách hại ngài cũng giống như vậy. "Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy" (CVTÐ 7:51b).

Lời ngài nói đã làm họ tức giận. "Nhưng [Stêphanô], tràn đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn lên trời và thấy vinh hiển của Thiên Chúa và Ðức Giêsu Kitô đứng bên hữu Thiên Chúa, và thánh nhân nói, 'Kìa, tôi nhìn thấy thiên đàng mở ra và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa.'... Họ đưa ngài ra ngoài thành và bắt đầu ném đá ngài... Trong khi họ ném đá ngài, thánh nhân kêu lớn, 'Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con... Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ'" (CVTÐ 7:55-56, 58a, 59, 60b).

(HT 17-12-2023)

TÔNG THƯ "MANE NOBISCUM"

CỦA ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Tông thư Mane nobiscum của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhằm mục đích cụ thể là giúp mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội toàn cầu sống năm Thánh Thể, do đó là một hướng dẫn rất chắc chắn, giúp chúng ta hiểu thông điệp Giáo hội sống nhờ Thánh Thể, học hỏi về mầu nhiệm Thánh Thể và đưa mầu nhiệm ấy vào cuộc sống. Tông thư cũng đã trích dẫn Công Đồng Vatican II khá nhiều, và muốn cho chúng ta thấm nhuần giáo lý của Công Đồng về Thánh Thể.

Tông thư rất súc tích và đầy chất liệu thiêng liêng. Ngay từ đầu, trong phần dẫn nhập, hình ảnh hai môn đệ Emmau nổi bật lên, rất gần gũi, làm cho chúng ta thấy như chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang đến với chúng ta và đồng hành với chúng ta, bẻ bánh với chúng ta và cho chúng ta, mỗi khi chúng ta cùng nhau cử hành Thánh lễ trong lòng Giáo hội đang lữ thứ. Câu chuyện các môn đệ Emmau như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đầu chí cuối tông thư, mặc dù trong các phần sau, Đức thánh cha có trích dẫn những câu kinh thánh khác làm tựa đề cho các phần đoạn khác nhau. Tôi có cảm cảm tưởng Đức Thánh Cha đã không ngừng chiêm ngưỡng bức hoạ tuyệt vời của hoạ sĩ Rembrandt vẽ Chúa Giêsu đang đồng bàn và bẻ bánh với hai môn đệ Emmau.

Sau phần nhập đề, tông thư xoay quanh bốn trục chính được xem như bốn phần. 1/. Phần một hướng chúng ta về Công Đồng Vatican II, vẫn là kim chỉ nam cho Giáo hội toàn cầu đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba; Đức thánh cha cũng nhắc lại biến cố Năm Thánh 2000, mở đầu thiên niên kỷ mới, là một biến cố mang tràn đầy ân sủng cho Giáo hội và toàn thể nhân loại (số 6 đến số 10). 2/. Phần hai đề cập đến bí tích Thánh Thể, Mầu nhiệm Ánh Sáng là phần độc đáo của Đức thánh cha, người đã sáng kiến ra năm mầu nhiệm ánh sáng trong tông thư Rosarium Virginis Mariae. Trong số các mầu nhiệm ánh sáng, Thánh Thể là Đỉnh Cao, là Đèn Sáng được đặt trên cao để chiếu soi cho cả ngôi nhà của Thiên Chúa ở trần gian là Giáo hội, cho lịch sử loài người, cho cả gia đình nhân loại (số 11-18). 3/. Phần ba đề cập đến Thánh Thể và mầu nhiệm Hiệp thông: Hiệp thông Ba Ngôi, Hiệp thông Giáo hội. Nhờ Thánh Thể chúng ta nên một với Chúa và nên một với nhau trong Chúa (số 19 – 23). 4/. Phần bốn đề cập đến Thánh Thể là nguồn gốc và là dự phóng cho sứ vụ. Mỗi khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội đều nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Phục Sinh, và Chúa ban cho Giáo hội dự phóng yêu thương và phục vụ như Chúa, dự phóng đó chính là cách hiện hữu của Chúa Kitô phải dần dần trở thành cách hiện hữu của Giáo hội (số 24-28).

Tông thư Mane nobiscum (xin Thầy ở lại với chúng con) rất sống động và đầy chất kinh thánh, được trình bày dựa vào một số câu kinh thánh quen thuộc. Chúng ta dừng lại một số nét cơ bản của nội dung tông thư, giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Thánh Thể cách sâu xa hơn, thấy mầu nhiệm gần gũi với ta hơn và cử hành Thánh lễ sốt sắng hơn.

Các chiều kích khác nhau của bí tích Thánh Thể:

Như đã viết trong thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh thể (Ecclesia de Eucharistia), trong tông thư xin Thầy ở lại với chúng con, Đức thánh cha lưu ý chúng ta không được bỏ sót một chiều kích nào của bí tích Thánh Thể (x.số 14). Trong số 15, ngài tổng hợp cho chúng ta các chiều kích khác nhau của mầu nhiệm : bí tích Thánh Thể tưởng niệm hy tế thập giá trên đồi Golgôta, một lần duy nhất thay cho mọi lần; là mầu nhiệm Hiệp thông (khía cạnh “bàn tiệc”);  trong khi hiện tại hoá mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, bí tích Thánh thể hướng chúng ta tới ngày Chúa trở lại (chiều kích cánh chung).

Mục đích của tông thư không là khai triển hết các chiều kích khác nhau của bí tích thánh thể, nhưng nhấn mạnh nhiều hơn sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta. Trong số 16, Đức thánh cha viết tất cả các chiều kích của bí tích Thánh Thể đan kết lại với nhau trong một khía cạnh thử thách niềm tin của chúng ta hơn bất cứ khía cạnh nào khác, đó là sự hiện diện thực của Chúa. Bí tích Thánh thể là mầu nhiệm của sự hiện diện, là Chúa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Chiều kích quan trọng nối kết các chiều kích khác nhau của mầu nhiệm Thánh Thể là sự hiện diên thực. Vì Chúa đến, Chúa hiện diện, chúng ta mới có thể cử hành hy tế của Chúa trong hiện tại. Thánh lễ hiện tại hoá hy tế thập giá của Chúa, chứ không tái diễn hy tế ấy, vì hy tế ấy chỉ xảy ra một lần và có giá trị cứu độ vĩnh viễn. Chúa đến và hiện diện, chúng ta mới có thể gặp gỡ Chúa, tiếp xúc với Chúa, ở lại với Người, gắn bó và nên một với Người, hiệp thông và chia sẻ sự sống của Người.

Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (kỳ I)

 

23 Tháng Mười Hai - Thánh Gioan ở Kanty (1390 - 1473)

Thánh Gioan là một người sinh trưởng ở thôn quê nhưng biết lợi dụng thị thành cũng như Ðại Học Krakow ở Ba Lan để trau dồi thêm kiến thức. Sau khi hoàn tất việc học, ngài được thụ phong linh mục và là giáo sư thần học. Không may, vấn đề phe cánh thời ấy còn rất nặng nề nên những người ganh tị sự nổi tiếng của ngài đã lập mưu để đẩy ngài ra khỏi chức giáo sư. Ngay cả ngài không được phép lên tiếng và dẫn chứng để bào chữa. Bởi thế, vào lúc 41 tuổi, ngài bị đẩy về giáo xứ Olkusz, để học làm cha xứ.

Người dân ở Olkusz, Bohemia có đủ lý do để nghi ngờ vị cha xứ mới. Họ biết một giáo sư đại học nghĩ gì về cái thành phố quê mùa nhỏ bé của họ. Tệ hơn nữa, thành phố của họ đã từng được coi là nơi chứa chấp các linh mục bị "thất sủng."

Chắc chắn rằng nếu ngài nổi cơn thịnh nộ trước sự bất công ấy, có lẽ không một người giáo dân nào đổ lỗi cho ngài. Nhưng vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình nên ngài đã im lặng.

Cuộc sống ở Olkusz cũng không dễ dàng gì. Ngài lo sợ trách nhiệm của một cha xứ. Bất kể ngài có cố gắng đến đâu, giáo dân vẫn giữ một thái độ lạnh lùng, xa cách. Nhưng hoạch định của Cha Gioan rất đơn giản, và hoạch định ấy xuất phát từ con tim chứ không phải trí óc. Trong bất cứ chương trình nào thực hiện, ngài đều cho họ thấy ngài thực sự lưu tâm đến người dân. Mặc dù sau nhiều năm vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự thành công, ngài thận trọng không lộ vẻ tức giận hay thiếu kiên nhẫn. Ngài biết, người ta không thể bị ép buộc sống bác ái, bởi thế ngài đã cho họ những gì tốt đẹp nhất mà ngài hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy.

Sau tám năm trường, ngài được miễn tội và được trở về Krakow. Lúc ấy, ngài đã thu phục được lòng dân ở Olkusz, nên những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân ngài đến vài dặm để năn nỉ xin ngài ở lại với họ.

Trong quãng đời còn lại, ngài là giáo sư Kinh Thánh của trường đại học. Ngài được người ta mến chuộng đến nỗi thường được giới quý tộc mời ăn uống. Có lần, ngài bị người gác cửa từ chối không cho vào dự tiệc chỉ vì chiếc áo chùng thâm bạc phếch của ngài. Cha Gioan cũng không cãi lại mà trở về nhà, thay chiếc áo mới rồi trở lại. Trong bữa tiệc, người hầu bàn sơ ý làm đổ thức ăn trên chiếc áo mới của ngài. Thay vì khó chịu, ngài lại pha trò, "Không có gì. Chiếc áo của tôi cũng được ăn uống chứ. Nếu không vì lý do đó thì tôi đâu có đến đây."

Có lần Cha Gioan đang ngồi ăn và thấy người ăn xin đi qua trước cửa, ngài đứng dậy, đi theo, và cho họ tất cả những thức ăn ngài có. Không hỏi một lời, cũng không yêu cầu gì, khi nhận thấy nhu cầu của người khác ngài lập tức giúp đỡ họ với bất cứ gì ngài có.

Cha Gioan luôn lập đi lập lại cho các sinh viên về triết lý này, "Chiến đấu với mọi sai lầm, nhưng hãy thi hành với sự vui vẻ, kiên nhẫn, ân cần, và bác ái. Sự khắc nghiệt chỉ làm hại chính linh hồn bạn và phá đổ mục đích tốt đẹp nhất."


(HT 3-12-2023)

8 Tháng Mười Hai - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1, 26-38)

 

Mỗi người chúng ta đều có một bà mẹ trần thế. Mẹ là người sinh ra ta, cho ta bú mớm vỗ về, an ủi ta. Mẹ là người dậy ta tiếng nói đầu đời. Mẹ đưa ta tới trường ,mở rộng chân trời cho ta tiến bước. Mẹ dậy ta biết vượt thắng gian nan, đẩy lui thử thách, biết quí trọng thời gian. Mẹ làm gương cho ta về lòng bao dung, chia sẻ, nhân ái. Mẹ dậy ta phải sống công bằng bác ái. Mẹ giúp ta ham sống và tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Mẹ là niềm an ủi, là hạnh phúc và là sức mạnh để ta lướt thắng gian nguy .Vâng, Chúa đã trao cho mỗi người một bà Mẹ đáng yêu, đáng quí trọng, Chúa lại ban tặng cho nhân loại một bà Mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần. Mẹ có tên tuyệt vời không tên nào dưới thế có thể diễn tả hết như Mẹ đã được gọi : MARIA .

 

 -Maria là ai ?

 

-Tại sao Mẹ lại vô nhiễm nguyên tội ?

 

-Đặc ân vô nhiễm nguyên tội giúp ích gì ta ?

  

I. MARIA LÀ AI ?

 

Ở đây , ta chỉ nói lướt qua về Maria qua đoạn suy niệm này vì bài này không phải là một nghiên cứu về tiểu sử của Mẹ theo nhãn giới Kinh Thánh hay suy tư thần học mà người viết chỉ phác hoạ đôi nét cơ bản để người đọc dễ nhận ra Maria là ai. Maria là Mẹ Đấng cứu thế, đã sinh ra Chúa Giêsu. Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha Người là thánh Gioankim và mẹ Người là bà thánh Anna. Maria được sinh ra vào lúc hai ông bà Gioankim và Anna đã già nua, tuổi tác .Maria sống ở làng quê Nazarét, miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó, Maria đã đính hôn với Giuse, làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét, thuộc dòng dõi vua Đavít.

 

Tuy đã đính hôn với Giuse, nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh để đời đời dành riêng cho Thiên Chúa, nên chính trong thời điểm này, ý định của Thiên Chúa đã đổ xuống trên trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp trinh nữ Maria và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa, chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế . "...và này đây bà sẽ thụ thai,sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu "(Lc 1, 31 )

 

Maria bối rối, hoang mang, thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !"(Lc 1,34 ). Thiên sứ đã giải thích cho Maria rằng: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa "(Lc 1, 35 ) Sau khi được giải thích về việc thụ thai mà vẫn giữ mình thuộc trọn Thiên Chúa, Maria dứt khoát nói lời xin vâng: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói "(Lc 1,38 ) . Và Ngôi Hai là Chúa Giêsu đã ngự trị trong lòng Đức Trinh nữ Maria .

 

Rồi lúc đến ngày sinh con, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem(Lc 2,7 ), khi hai ông bà Giuse và Maria phải trở về quê quán để khai hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô (Lc 2,1 ) . Sau đó hai ông bà Giuse và Maria lại phải đem Chúa Giêsu lánh qua nước Aicập để tránh việc tàn sát con trẻ của hoàng đế Hêrôđê cho tới khi Hêrôđê băng hà; hai ông bà Giuse và Maria lại bồng bế Hài nhi Giêsu trở về Nazarét quê nhà.

 

Mẹ Maria đã sống một cuộc đời hết sức âm thầm với Chúa Giêsu và thánh Giuse suốt 30 năm Chúa ở với hai ông ba. Trong ba năm Chúa đi rao giảng và kết nạp các môn đệ, chúng ta chỉ gặp Đức Mẹ một lần ở tiệc cưới Cana. Lần khác nữa khi Mẹ Maria và vài người bà con đi tìm Chúa Giêsu, Chúa đã trả lời : "...Những người nghe và giữ lời Ta giảng dậy, đó là Mẹ và anh em của Ta " (Mc 3,31-35 ) . Một lần nữa , chúng ta bắt gặp Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu trên đồi Canvê(Ga 19,25 ). Lần cuối cùng,chúng ta thấy Mẹ Maria và các môn đệ cầu nguyện chung trong nhà tiệc ly để chờ đợi Chúa Thánh Thần (Cv 1,14 ). Rồi sau đó, có lẽ Đức Mẹ đã theo thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Tiểu Á và đã qua đời ở Êphêsô .

 

Maria đã sống ẩn dật, âm thầm nhưng vì Mẹ là Mẹ Đấng cứu thế , nên muôn đời mọi thế hệ đều ngợi khen, tung hô Mẹ .

 

II. TẠI SAO MẸ LẠI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI ?

 

Tội nguyên tổ do hai ông bà tổ tiên Adong và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Riêng Mẹ Maria vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng cứu Thế, Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh Anna, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ sinh ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria nguyên tuyền, trinh trắng,không hề mang tì vết : đó là đặc ân vô nhiễm nguyên tội Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi .

 

Chính vì thế, không một phút, một giây nào trong đời sống, Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ, đã ở trong tình trạng tội lỗi. Dù khi thụ thai, dù lúc sinh con, Mẹ Maria luôn thuộc trọn về Chúa, nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần, lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc. Mẹ không hề mắc tội dù tội riêng mình làm vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người. Mẹ là "Evà mới " như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ "Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ" . "Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ".

 

Đức thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngày 8 tháng 12 năm 1854 và chỉ bốn năm sau đó chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858 đã xác nhận: "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".

 

III. ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA ?

 

Chúng ta là con cái Đức Mẹ, Một người Mẹ hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng, luôn tươi xinh, không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ .

 

Với đặc ân vô nhiễm nguyên tội, đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn , Mẹ Maria là "Evà mới ", Evà mang sự sống, chứ không mang cái chết, chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người , còn Mẹ vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa ấp ủ, bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa, nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối cho ta về đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ trở thành sao mai dẫn lối nhân loại vượt qua cuộc hải hành trần gian đầy cam go thử thách nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển qua lời thưa Xin Vâng của Mẹ. Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân vô nhiễm nguyên tội , Mẹ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng nguyên vẹn, ngàn trùng chí Thánh , Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này .

 

Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội ,xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa đã yêu thương Mẹ, yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được .

 

Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã , để chúng con luôn chỗi dậy và được Mẹ dắt tay chỗi dậy.

 

Xin Mẹ giúp chúng con và nhân loại biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa, làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

(HT 26-11-2023)

THÁNH THỂ - BÍ TÍCH CỦA HIỆP HÀNH

       Các chuyên gia thường nhắc nhở chúng ta rằng; chúng ta đang sống trong một thế bị phân hóa và chia rẽ nghiêm trọng - về nhiều mặt chính trị, văn hóa và kinh tế... Chúng ta hầu như khó có thể đồng ý về bất cứ điều gì, ngay cả những lĩnh vực chân lý và những giá trị cơ bản. Chúng ta cũng không ngần ngại quy trách nhiệm nguyên nhân gây ra những đổ vỡ này cho bất cứ ai. Ai có khả năng tiếp xúc các thiết bị truyền thông đại chúng đều có thể tham gia vào những cuộc xung đột này và thực sự có nhiều người đang đổ thêm dầu vào lửa qua những phương tiện đó. Trái lại, chẳng có mấy ai, hứng thú đứng ra gợi ý những đề xuất để hàn gắn những rạn nứt sâu sắc đáng ngại này.

       Chúng ta nhiều lúc có thể nghĩ rằng; Giáo hội Công Giáo của chúng ta đã vượt lên trên những văn hóa chia rẽ bất đồng này, nhưng điều đó chưa bao giờ là hiện thực. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kêu gọi Giáo hội của Ngài, nhanh hoàn tất sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình giữa lòng thế giới. Trên hết tất cả, sứ mệnh của Giáo hội vừa là loan báo Tin Mừng cho từng cá nhân con người cũng như cho chính từng nền văn hóa - để biến đổi và tô điểm cho các nền văn hóa khắp nơi bằng các nhân đức và giá trị của Tin Mừng.

       Điều này nói lên ý nghĩa rằng Giáo hội mặc dù không thuộc về thế gian, nhưng thực sự hiện hữu cách rõ ràng không thể nghi ngờ giữa thế giới này. Không thể phủ nhận rằng sự chia rẽ đang vây bủa chúng ta, thậm chí ngấm sâu vào chính hàng ngũ Giáo Hội của chúng ta. Những thứ văn hóa bất đồng được phản ánh qua những chia rẽ đang bao phủ Giáo hội, ngay ở giữa chúng ta và ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài đã cho chúng ta một liều thuốc giải độc cho căn bệnh “bất Hiệp hành”, đó là Bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất, Bí tích giúp mọi người có thể cùng ngồi chúng ngồi chúng, cùng đồng đạo và nhất là cùng nhau hành động trong yêu thương.

       Trong thời gian này, thời gian được đánh dấu bởi lời mời gọi bước vào tiến trình Hiệp hành toàn thể thế giới, chúng ta đặc biệt được thúc đẩy một cách cấp bách cần phải hiểu thật sâu và nắm bắt đầy đủ ý nghĩa giáo huấn của Giáo Hội về Bí tích Thánh Thể. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô kêu mời chúng ta “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” vì chúng ta là “một thân thể và một Thần khí”. (Ep 4, 3). Thánh Phaolô tiếp tục kêu gọi chúng ta đến với niềm hy vọng duy nhất mà chúng ta được chia sẻ: “Một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người... (Ep 4,6). Lời khuyên dạy của Thánh Phaolô phản ánh lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu rằng chúng ta, các môn đệ của Ngài, sẽ chia sẻ sự hợp nhất của sự thật và tình yêu thương mà Ngài đã chia sẻ với Cha mình từ muôn thuở. “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và Con ở trong Cha... để thế gian tin” (Ga 17:21). Bản chất và sứ mạng của Giáo hội phụ thuộc vào sự hợp nhất và khả năng Hiệp hành sâu sắc của chúng ta với Chúa và với nhau.

       Vì vậy, mối quan tâm đến sự hợp nhất của Giáo hội không chỉ đơn chỉ là thuần là một sự mong muốn được an bình mang tính lý thuyết - như kiểu nói, “ Này bạn, chúng ta có thể sống hòa hợp với nhau không?” Nhưng chúng ta phải hành động để đạt đến mức cao, sâu hơn thế. Hành động, như Thánh Giacôbê khuyên dạy để chứng tỏ đức tin của một tín hữu đang thực sự sống đạo của mình. Trong sự hợp nhất phong phú và đa dạng của mình, Giáo hội được mô phỏng dựa trên sự hiệp nhất của các Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa (xem Lumen Gentium, số 4). Hòa mình vào sự hợp nhất trong tình yêu và chân lý của Thiên Chúa là trọng tâm của bản chất và sứ mệnh của chúng ta. Thật vậy, chúng ta phải là một bí tích - một dấu chỉ sống động và hữu hiệu - của sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong một thế giới đầy rạn nứt.

 

       Trung tâm của đời sống Giáo hội là Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiệp nhất và hành động trong bác ái yêu thương. Chia sẻ với nhau trong bữa tiệc của Thiên Chúa hiến mình vì yêu - qua đó Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết - chúng ta gắn kết với nhau bằng một tình yêu hiệp nhất. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa bị đóng đinh và phục sinh kéo chúng ta đến với chính Ngài và kết hợp chúng ta với Cha trên trời và với nhau. Như các tác giả thời xưa thường nói, “Bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo hội”. Giáo hội lại tiếp tục mang lại sự hiệp thông của tình yêu và sự sống cho thế giới.

       Sự hiệp thông là Bí tích Thánh Thể cũng trang bị và đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và thay đổi cách sống - không thể để “sóng đánh tung và gió cuốn mất những lời giảng dạy” trong Thư của Thánh Phao Lô (Ep 4,14). Đúng hơn, chúng ta phải “sống theo sự thật trong tình yêu”. Sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu Thánh Thể phát xuất trong sự kết hợp giữa đức tin và hy vọng nhưng cũng là sự hiệp nhất trong tình yêu và đón nhận những gì là chân chính và tốt lành về mặt luân lý, hoàn toàn phù hợp với phẩm giá con người. Đây là cách chúng ta thực hành tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích Thánh Thể. Đây cũng là cách chúng ta xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.

       Trong thế giới ngày nay, sự hiệp nhất của Giáo hội sẽ luôn chưa hoàn hảo và vì thế lời khuyên của Thánh Phaolô hãy luôn cố gắng xây dựng sự hiệp nhất vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, càng có nhiều lý do để chúng ta mở lòng đón nhận Bí tích Thánh Thể, nguồn hiệp nhất của chúng ta và là nguồn sức mạnh mà chúng ta cần để xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô.

       Hiệp hành – bước đi nếu được khởi hứng và trung thành bước đi trong Thánh Thể chắc chắn sẽ luôn được cả thế giới tin tưởng dõi theo!

Lm. Giuse Trần Ngọc Tân, SSS. Trưởng Ban sứ vụ.

 

30 Tháng Mười Một - Thánh Anrê Tông Đồ

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc. "Khi Ðức Giêsu đi trên bờ biển Galilee, Người trông thấy hai anh em, ông Simon mà bây giờ gọi là Phêrô, và anh của ông là Anrê, đang quăng lưới xuống biển; họ là các ngư dân. Người nói với họ, 'Hãy đến theo tôi, và tôi sẽ làm cho các anh trở thành kẻ lưới người.' Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người" (Mt 4:18-20).

Thánh Sử Gioan mô tả Thánh Anrê như một môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Một ngày kia, khi Ðức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả nói, "Ðây là Chiên Thiên Chúa." Anrê và các môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. "Ðức Giêsu quay lại và thấy họ đi theo mình, Người hỏi, 'Các anh muốn tìm gì?' Họ trả lời, 'Thưa Thầy, Thầy ở đâu?' Ngài nói, 'Hãy đến, và các anh sẽ thấy.' Bởi đó họ đi theo và đã thấy nơi Người cư ngụ, và họ ở với Người cả ngày hôm ấy" (Gioan 1:38-39a).

Trong Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Anrê. Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chính Anrê là người cho biết về đứa bé trai có một ít bánh và cá (x. Gioan 6:8-9). Khi dân ngoại muốn đến gặp Ðức Giêsu, họ đến với ông Philíp trước, nhưng ông Philíp lại bàn hỏi với ông Anrê (x. Gioan 12:20-22).

Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, và bị chết trên thập giá ở Patras.

(HT 19-11-2023)

MẦU NHIỆM THÁNH THỂ: TÌNH YÊU ĐI BƯỚC TRƯỚC (tt)

 

Sáng kiến Tình Yêu của Chúa Cha

Thánh Gioan nhấn mạnh sáng kiến Tình Yêu của Chúa Cha trong chương trình cứu độ: “Tình Yêu cốt ở điều này: không phải ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Khi cử hành thánh lễ, chúng ta hãy tin một cách tuyệt đối vào sáng kiến tình yêu của Chúa Cha, tình yêu tạo dựng và cứu độ của Người.

Hãy đón nhận tình yêu của Người bằng cách đón nhận Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu mà Người đã tặng ban cho chúng ta. Trong Mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Kitô là Tặng Phẩm thần linh, là món quà lớn nhất, quý trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Không thể có món quà nào quý trọng hơn là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Thiên Chúa. Thiên Chúa ban tặng Chúa Kitô cho ta, là ban tặng chính bản thân mình cho ta. Chúa Kitô là Bánh Sự Sống, Bánh bởi Trời mà Chúa Cha ban cho ta để ta có sự sống đời đời.

Mọi người chúng ta là số không đời đời nếu không có sáng kiến tạo dựng của Thiên Chúa, và mọi người chúng ta đều phải chết nếu không có sáng kiến cứu độ của Người.

Sáng kiến Tình Yêu của Chúa Kitô

Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta và đi bước trước. Chúa Kitô, Con Một yêu dấu của Người cũng đi bước trước. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận sáng kiến tình yêu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Lời Nói vĩnh hằng của Chúa Cha. Người không ngừng sinh ra từ Chúa Cha; không ngừng đón nhận bản thân mình từ Tình Yêu của Chúa Cha và dâng hiến lại cho Chúa Cha.

Người đã làm người và ở giữa chúng ta để nói lên Tình Yêu của Chúa Cha. Người đến với chúng ta nhân danh Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu ý thức Người là Hồng Ân, là Tặng Phẩm thần linh mà Chúa Cha ban cho nhân loại: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian…” (Ga 6,33).

Đáp lại sáng kiến yêu thương của Chúa Cha và tiếp nối sáng kiến ấy, Chúa Giêsu đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa trên thập giá, và đã tự hiến làm lương thực cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của Chúa Giêsu, nơi Người chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa Cha với tư cách là Thượng Tế Giao Ước Mới, nơi Người không ngừng đến với chúng ta và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Chúa Giêsu rất muốn chúng ta đón nhận Người, vì đón nhận Người là đón nhận hồng ân Chúa Cha ban, là đón nhận chính Chúa Cha. Đó là lý do khiến Người mời gọi tha thiết: “Chính tôi là Bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,35.38).

Trong diễn từ Bánh Sự Sống trong đoạn 6 Tin Mừng Gioan, có chỗ Chúa diễn tả sự thất vọng của mình trước đám đông người Do Thái chỉ đi tìm của ăn trần thế: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông…” (Ga 6,27).

Có tương quan mật thiết giữa Mầu nhiệm Nhập Thể và Mầu nhiệm Thánh Thể: Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để trở thành bánh. Trong đoạn 1 Tin Mừng Gioan và trong đoạn 6, tác giả dùng cùng chữ sarx để chỉ thịt mình (caro, chair): Verbum caro factum est (Ga 1,14); Caro enim mea vere est cibus: Thịt tôi thật là của ăn (Ga 6,55). Cử hành Thánh Thể là đón nhận Lời của Chúa Cha, đón nhận Tình Yêu mà Chúa Cha biểu lộ nơi Chúa Giêsu, đón nhận Giao ước mới mà Chúa Cha ký kết nhờ Máu của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã tự nguyện trở thành Giao ước mới và vĩnh cữu giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Sáng kiến Tình Yêu của Chúa Thánh Thần

Bí tích Thánh Thể còn là sáng kiến tình yêu của Chúa Thánh Thần, là một mầu nhiệm thánh, là công việc thần thiêng. Trước khi rước Mình và Máu thánh Chúa, linh mục chủ sự đọc thầm: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha, và sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống.”

Chúa Thánh Thần luôn hợp tác rất mật thiết với Chúa Giêsu. Ngài là Dầu xức của Chúa, khiến Chúa có tước hiệu là Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha xức dầu và sai đi rao giảng tin mừng. Ngài luôn cộng tác với Ngôi Lời Thiên Chúa, ngay từ lúc tạo dựng; cùng với Ngôi Lời, Ngài được Thánh Giáo phụ Irênê ví như hai bàn tay của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng. Ngài đã cộng tác đặc biệt trong biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, và không ngừng cộng tác trong cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu, trong cái chết hy sinh của Chúa (x. Dt 9,14). Ngài đã tác động mạnh mẽ trong sự Phục sinh của Con Thiên Chúa.

Mỗi lần Giáo Hội cử hành Phụng vụ, đều có Thần Khí Chúa tác động mạnh mẽ. Thần Khí Chúa cũng đi bước trước như Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ chúng ta thành Giáo Hội là Cộng Đồng tư tế (Kahal) để chúng ta có thể cử hành Thánh lễ. Chúa Thánh Thần khơi dậy lòng thống hối nơi mỗi người tín hữu. Thánh Thần khai mở tâm hồn chúng ta để chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Ngài làm cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm trí của chúng ta. Ngài tác động trên linh mục chủ sự, để linh mục giảng giải Lời Chúa.

Nhưng quan trọng hơn cả là Chúa Thánh Thần làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Thánh Thần đưa Chúa Kitô đến cho chúng ta, như Ngài đã làm cho Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria; đã làm cho Đức Giêsu Kitô trỗi dậy từ cõi chết. Nhờ quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần, chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện và trở thành nơi gặp gỡ trọn vẹn giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên một với nhau trong Chúa Kitô, khi chúng ta được thông phần Mình và Máu Thánh. Chúa Thánh Thần là Ơn thông hiệp.

Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc (đăng kỳ II và hết)


 21/11 - Lễ Dâng Ðức Maria Vào Ðền Thánh

Ngày lễ dâng Ðức Maria được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây để kính nhớ. Giáo Hội Ðông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội.

Như sự sinh hạ của Ðức Maria, chúng ta biết về việc dâng Ðức Maria vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư. Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tiền Tin Mừng Giacôbê cho chúng ta biết, khi Ðức Maria lên ba tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Ðền Thánh để dâng người cho Thiên Chúa. Ðiều này được thực hiện là vì một lời hứa với Thiên Chúa của Thánh Anna khi người còn hiếm muộn.

Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Ðức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng. Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của Ðức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Ðức Maria từ lúc lọt lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.

24/11 - Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn

Thánh Anrê Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến 1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau cùng, các ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.

Kitô Giáo được người Bồ Ðào Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh mục dòng Tên mở khu hội truyền giáo đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc các người Công Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.

Vua chúa thời ấy cấm các nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ dỗ người Việt chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở bên Anh, các linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.

Có đến ba lần bắt đạo cực kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập niên, có khoảng 100,000 đến 300,000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải. Trong đợt bách hại đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của Tu Hội Thừa Sai Ba Lê, cũng như các linh mục Ða Minh người Tây Ban Nha và các người dòng ba.

Vào năm 1847 xảy ra cuộc bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và giáo dân Việt Nam đồng loã với lực lượng phản loạn để giết các con trai của vua.

Các vị tử đạo sau cùng là 17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính năm đó một hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn giáo cho người dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.

Vào năm 1954, có khoảng một triệu rưỡi người Công Giáo -- khoảng bảy phần trăm dân số -- sống ở miền Bắc. Người Phật Giáo chiếm khoảng 60 phần trăm dân số. Vỉ sự tàn ác của chế độ cộng sản, 670,000 người Công Giáo đã từ bỏ đất đai, nhà cửa và tài sản để di cư vào miền Nam. Sau cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1975 cộng sản đã làm chủ toàn thể lãnh thổ quốc gia này.

(HT 12-11-2023)

MẦU NHIỆM THÁNH THỂ: TÌNH YÊU ĐI BƯỚC TRƯỚC 

 

PHÚC CHO AI ĐƯỢC MỜI ĐẾN DỰ TIỆC CHIÊN THIÊN CHÚA 

Lời mời gọi đó của linh mục chủ sự trước lúc rước lễ và trao Mình Thánh cho giáo dân, nhắc nhớ cho mọi người tham dự niềm vui, hạnh phúc được Chúa mời đến dự tiệc. Khi nghe những lời đó, chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn của Chúa Giêsu về Nước Trời như bữa tiệc mà Vua Cha tổ chức cho Hoàng Tử và mời gọi mọi người, trong đó có chúng ta đến dự tiệc (x. Mt 22,1-14; Lc 14,15-24). 

Chúng ta là khách mời của Ba Ngôi Thiên Chúa 

Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta là những khách mời của Thiên Chúa Cha, của Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không tự động đến bàn tiệc Thánh Thể, nhưng chính vì Thiên Chúa mời ta. Thiên Chúa luôn đi bước trước, vì Người quý trọng yêu thương ta. 

Trên con đường đi Emmaus, chính Chúa Kitô Phục Sinh đã đến, đồng hành với hai môn đệ, đã dừng lại bẻ bánh trao cho họ, và bấy giờ họ mới nhận ra Người. Ngày hôm nay cũng thế, chính Người đến hiện diện với chúng ta, gặp gỡ chúng ta, qua Phụng vụ Lời Chúa và việc Bẻ Bánh. Đừng băn khoăn lo lắng đến mức độ quên rằng chúng ta là những khách mời đến bàn tiệc mà Thiên Chúa chuẩn bị và chờ đón chúng ta. 

Không phải chỉ đến lúc rước lễ chúng ta mới được mời, nhưng chúng ta đã được mời ngay từ đầu. Ngay từ đầu, linh mục chủ sự đã chào đón và mời gọi mọi người trong cương vị Chúa Kitô (in persona Christi). Mời gọi mọi người thống hối, lắng nghe Lời Chúa, rồi mời gọi đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Lời mời gọi của linh mục phải làm nổi bật sáng kiến Tình Yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đi bước trước. 

Thánh Lễ bắt đầu thực sự với dấu thánh giá của linh mục chủ sự nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngay từ đầu mọi người đều được mời gọi trở về nguồn suối đầu tiên của mọi thực tại, mọi ân sủng, đó là Tình Yêu Ba Ngôi được mặc khải nơi Thập giá Chúa Kitô. Nguồn gốc của Mầu nhiệm Thánh Thể là Tình Yêu Ba Ngôi và là Thập Giá Chúa Kitô. 

Thập Giá Chúa Kitô mặc khải Tình Yêu Ba Ngôi. Cử hành Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá của Chúa Giêsu, hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc loài người chúng ta. Cử hành Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho thế gian, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (x. Ga 3,16 ). Cử hành Công Việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy Chúa Kitô hiến mình làm Lễ Hy Sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (x. Dt 9,14). 

Cử hành Thánh Thể là cử hành Mầu nhiệm Tình Yêu và Sự Sống Ba Ngôi mà chúng ta được thông phần nhờ Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta. Nhờ bí tích Thánh Tẩy chúng ta được đưa vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, tháp nhập vào Thân Thể huyền nhiệm của Chúa. Trong bí tích Thánh thể, ta được mời đến chia sẻ Tình Yêu và Sự Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, được mời gọi đồng bàn để thông phần Tiệc Chiên Con. 

Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc (kỳ I) 

 

13 Tháng Mười Một - Thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917) 

Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô. 

Thánh Frances sinh ở Lombardi, nước Ý vào năm 1850, trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý. Vào tháng Chín 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng. 

Khi đức giám mục đóng cửa cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo và bảy phụ nữ khác làm việc ở cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này. 

Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây. 

Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước, căn nhà được hứa để làm cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức tổng và tự tay gầy dựng cô nhi viện. Và ngài đã thành công. 

 Trong 35 năm, Thánh Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý cho người lớn. 

Cho đến ngày ngài qua đời ở Chicago, tiểu bang Illinois ngày 22-12-1917, tu hội của ngài đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ. 

Vào năm 1946, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong hiển thánh và đặt làm quan thầy của người di dân. 

Ngày 15/11 - Thánh Albert Cả (1206-1280) 

Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo. 

Các sinh viên triết biết đến người như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của người về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù. 

Người là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giầu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ người đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, người vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây người gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu. 

Sự lưu tâm vô bờ của người đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục người viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Người nói, “Mục đích của chúng ta là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được.” 

Người đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg. Người bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống với sự tấn công của William ở St. Amour, và giúp Thánh Tôma chống với tà thuyết Averroist. 

Người từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Người được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931. 


(HT 5-11-2023)

Thánh Thể: Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Cánh Chung (tt)

4. Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh Cánh Chung của Thánh Thể

Thánh Thể là cảnh vực thần linh, là cảnh giới linh thiêng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban sự sống cho con người. Khi cộng đồng Kitô hữu quây quần để cử hành bí tích thánh thể, cộng đồng ấy trở thành cộng đồng cánh chung nối kết trực tiếp với chính sự sống của Thiên Chúa. Đặc biệt Lời Nguyện Thánh Thể gói trọn, trong ngôn từ và cử chỉ, niềm hy vọng Kitô Giáo. Lời tung hô: ‘Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời’ hướng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Trong Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi liên kết với từng Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Lời mời gọi này đưa người tính hữu đến hiệp thông trong và với sự sống của thần linh, được gói ghém trong lời nguyện dâng lên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, và nguyện cầu trong Chúa Thánh Thần.

Mục đích của Thánh Thể gồm hai phần: thần hóa cộng đồng Kitô hữu, có nghĩa là hiệp thông của cộng đồng đức tin với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; thứ hai, hiệp thông giữa các tín hữu với nhau. Khi được thánh hóa và biến đổi bởi Thánh Linh trở nên Thân Thể của Chúa Kitô, cộng đồng Kitô hữu trở nên nhân chứng cho vinh quang của Thiên Chúa, và được tái tạo trong sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa

5. Bí tích Thánh Thể như là mẫu thức cho các hoạt động hướng về tha nhân và xã hôi.

Hy vọng cánh chung là nền tảng cho các hành động về công lý, công bình xã hội. Như là Bí tích hy vọng, hợp nhất và hòa giải, Bí tích Thánh Thể nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Bởi vì lịch sử của thế giới nằm trong lịch sử của ơn cứu độ, nên việc góp phần xây dựng công lý và hòa bình, tham gia thăng tiến xã hội, chống lại những bất công xã hội và sự tha hóa con người cũng là những trách nhiệm của chúng ta trong hành trình tiến về Nước Chúa.

Như là bí tích hiệp thông, Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta nhận thức được cách sống như thế nào để phù hợp với trật tự mới trong đó mọi người cùng tụ họp, hiệp nhất với nhau trong sự chết và sống lại của Đức Ki-tô (Rom. 6:4-5). Trật tự mới này là niềm hy vọng cánh chung vì tất cả cùng hướng về Nước Chúa, Nước của công lý và hòa bình. Để sống đời sống Thánh Thể, cuộc sống của chúng ta không phải chỉ là sống với, sống bên cạnh người khác, nhưng còn là sống cho người khác và vì người khác trong sự thông hiệp và trong tình tương thân tương ái bởi vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, không phải chỉ ở bản chất thiêng liêng của mình, nhưng còn do bản chất xã hội của mình qua hình ảnh của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

6. Kết Luận

Nếu Bí tích Thánh Thể là bí tích cánh chung, bí tích toàn hảo của thời sau hết, thì bí tích này không chỉ đem lại cho cộng đồng tín hữu một niềm hy vọng của “trời mới, đất mới,” nhưng còn làm cho chúng ta nhận thấy những việc phải làm trong mối quan hệ với Thiên Chúa và trong quan hệ với tha nhân, thế giới và vũ trụ trong cuộc hành trình tại thế. Do sự liên đới và niềm hy vọng mai sau, chúng ta không thể nói đến số phận sau cùng của mỗi người mà không nói đến số phận chung của toàn thế giới và nhân loại. Vì thế, sống đời sống Thánh Thể không phải chỉ là việc lo việc cứu rỗi cho riêng mình, nhưng đồng thời còn là sự cộng tác với Thiên Chúa trong việc làm thăng tiến, đổi mới xã hội để thế giới trở nên một ngày một tốt đẹp hơn, để mọi người có thể sống xứng đáng với nhân phẩm của mình theo như Tin Mừng.

Là Nhiệm The của Đức Ki-tô, cộng đồng tín hữu cũng là cộng đồng Thánh Thể và cánh chung. Chính qua chiều kích cánh chung mà chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể như là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo.”(Hiến Chế về Giáo Hội, no. 11) , là ”trung tâm điểm của cộng đoàn tín hữu” (Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, no. 5), là ”nguồn mạch ơn thánh hóa cho con người và làm vinh danh Thiên Chúa”, và là “bí tích của tình yêu, dấu chỉ của sự hiệp nhất, mối dây ràng buộc đức ái, và là bữa tiệc vượt qua trong đó của ăn là chính Đức Kitô, tâm trí chúng ta được tràn đầy ân sủng, và chúng ta nhận được lời hứa ban vinh hiển mai sau.” (Hiến chế về Phụng Vụ, no.10),

Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS  (kỳ IV và kết)

 

Ngày 9/11 - Lễ Cung Hiến Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô

Nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Ðền Thánh Phêrô là nhà thờ của đức giáo hoàng, nhưng sự thật không phải vậy. Ðền Thánh Gioan Latêranô mới là nhà thờ của đức giáo hoàng, là vương cung thánh đường của Giáo Phận Rôma, nơi Ðức Giám Mục của Rôma trụ trì.

Vương cung thánh đường đầu tiên ở đây được xây cất vào thế kỷ thứ tư khi Hoàng Ðế Constantine dâng cúng phần đất mà ông nhận được từ gia đình Latêranô giầu có. Kiến trúc đó và những đấng kế vị phải trải qua những tai nạn như hoả hoạn, động đất và chiến tranh, nhưng thánh đường Latêranô vẫn là nơi các giáo hoàng được tấn phong mãi cho đến thế kỷ 15, khi các giáo hoàng từ Avignon trở về thì thánh đường và công trường cạnh đó đã đổ nát.

Thánh đường hiện nay được xây cất vào năm 1646 theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Innocent X. Là một trong những thánh đường uy nghi nhất ở Rôma, ngọn tháp mặt tiền của đền Latêranô được trang hoàng với 15 bức tượng của Ðức Kitô, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Gioan Tông Ðồ và 12 vị tiến sĩ của Giáo Hội. Bên dưới bàn thờ sang trọng là một bàn nhỏ bằng gỗ mà truyền thuyết cho rằng chính Thánh Phêrô đã cử hành Thánh Lễ ở bàn này.

10 Tháng Mười Một - Thánh Lêo Cả (c. 461)

Ý thức được tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo hoàng. Ðược chọn làm "đấng kế vị Thánh Phêrô" vào năm 440, ngài làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như "những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người."

Thánh Lêô nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.

Sự nghiệp của Ðức Giáo Hoàng Lêô luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của ngài dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.

Ngài từ trần năm 461, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.

(HT 29-10-2023)

Thánh Thể: Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Cánh Chung (tiếp theo)


3. Hy vọng Thánh Thể là sự hiệp thông cánh chung

Theo thần học về cánh chung, lịch sử chỉ có thể tiến đến toàn kết viên mãn qua sự hiệp thông với Thiên Chúa qua Chúa Kitô, trong Chua Thanh Than. Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hiệp thông “bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1 Cor. 10:17).

3.1 Chiều kích bản vị của sự hiệp thông cánh chung

Con người là một tinh thần nhập thể. Chúng ta không chỉ là một chủ tri, một ý thức tự do, một tinh thần thuần túy, nhưng là một tinh thần hiện diện trong thân xác, một chủ thể có ý thức, có ý hướng tính và có lịch sử tính.

Trong Bí tích Thánh Thể, thân xác của Con Người được trao ban như của ăn, cũng chính là thân xác của Đấng Phục Sinh trong vinh hiển. Chung ta duoc tro nen tron ven, tro nen chinh minh, mot ca the hoi nhap va hiep nhat.

3.2 Chiều kích liên chủ vị và cộng đồng

Tuy mỗi người là một chủ thể duy nhất, tự do, có ý thức và trách nhiệm với đời mình, nhưng không ai là một hữu thể khép kín.

Theo Zizioulas, “một người không phải là người”, hoặc theo Ernst Bloch, “unus Christianus nullus Christianus” (một người Ki-tô hữu không phải là người Ki-tô hữu). Từ nhận thức này mà chúng ta cảm nhận được sự liên kết gắn bó với toàn thể thế giới như một cộng đồng hiệp nhất. Chính trong chiều kích tương quan liên chủ vị này mà chúng ta thấy được ý nghĩa cánh chung của Bí tích Thánh Thể.

Là Bí tích hy vọng của cộng đồng, Thánh Thể biểu hiện hiệp thông nên chúng ta có thể nói về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể như là sự đồng hiện diện với Giáo hội, hien dien cho Giao Hoi va vi Giao Hoi.

Như bánh và rượu trở thành lương thực của Nước Trời, thì những người tham dự vào Bí tích Thánh Thể cũng hiệp nhất với nhau để cùng hướng về một thế giới mới, một nhân loại mới trong Đức Ki-tô, qua quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần.

3.3 Chiều kích vũ trụ

Chúng ta không chỉ hiệp thông với tha nhân nhưng còn là thông hiệp với toàn thể vũ trụ vạn vật. Sự hoàn kết tương lai của con người không thể tách rời với sự biến đổi của thế giới, nơi mà con người gắn bó tron cả mot đời.

Niềm hy vọng Ki-tô giáo, do đó, bao gồm tất cả mọi tạo vật và sự biến đổi là biến đổi toàn thể vũ trụ. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể nhìn thế giới như là “Nhiệm Thể của Đức Ki-tô,” vì mọi tạo vật đều là hình thức biểu đạt của Thiên Chúa, là Lời Chúa, là dấu chỉ, là hiện thể thần thiêng, là nhiem tích và là công trình nghệ thuật của Thiên Chúa.

Theo niềm hy vọng cánh chung, thì tận thế không phải là sự hủy diệt vũ trụ, nhưng là sự biến đổi và hoàn thiện tất cả để trở thành “một trời mới, đất mới.” (Rev. 21:1).


Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS (kỳ III)

 

3 Tháng Mười Một - Thánh Martin Người Nghèo (1579-1639)

 

 

Hàng chữ thật lạnh lùng "không có cha" được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ "con lai" hay "vết tích cuộc chiến" là cái tên ác nghiệt mà những người "thuần chủng" gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.


Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.

 

Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

 

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm "người giúp việc," vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề "chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!" Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, "Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ."

 

Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

 

Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ nghèo hèn." Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày 3-11-1639.

(HT 15-10-2023)

Thánh Thể: Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Cánh Chung (tiếp theo)

1.1 Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội

Trong phần mở đầu, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội đã nói lên niềm hy vọng và những quan tâm trên như sau: (cf. GS #1) - (GS #38)

1.2 Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia”

Đức thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” về chiều kích cánh chung của Bí Tích Thánh Thể và niềm hy vọng Kitô giáo như sau: (cf. # 33, 34).

Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Sự bảo đảm về sự sống lại mai sau ấy bắt nguồn từ sự kiện: thân xác của Con Người được trao ban như của ăn, lại chính là thân xác của Đấng Phục Sinh trong vinh hiển. Chinh trong bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể thấu triệt “bí ẩn” của sự sống lại.”

2. Bí tích Thánh Thể là một cử hành cánh chung

Bí Tích Thánh Thể được cử hành trong bối cảnh của việc Chúa Ki-tô sống lại, và trong sự trông chờ nước Chúa trị đến.

Thánh Phao-lô nói đến Bí Tích Thánh Thể như là bí tích cánh chung trong đó cộng đồng tín hữu được nhắc nhở về niềm hy vọng ngày trở lại của Chúa Kitô: “Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền việc Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1 Cor. 11:26)

Trong sách Giáo Huấn, kinh nguyện “Maranatha” được dùng trong nghi thức phụng vụ để nói lên cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và niềm hy vọng cánh chung về ngày trở lại Chúa Kitô:

“Xin ân sủng Chúa đến!.. Lậy Chúa, xin ngự đến! Amen.”

Tự bản chất, bí tích Thánh Thể mang tính cánh chung vì là bí tích của Nước Trời. Những gì mà cộng đồng tín hữu cử hành tại thế là một dấu chỉ cho sự việc sẽ được tham dự vào bữa tiệc vĩnh cửu mai sau, một sự tụ họp chung cục của mọi thời trên ngọn núi thánh của Thiên Chúa. Những lời tung hô trong phụng vụ: “Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang,” hay “Chúc tung Dang nhan danh Chua ma den”, và trong lời nguyện Thánh Thể “Vì Chúa là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” đều nói lên tính cánh chung của việc cử hành bí tích Thánh Thể.

Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS (kỳ II)

 

16 tháng 10 - Thánh Marguerite d'Youville (1701-1771)

Chúng ta có thể học cách thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng nhân hậu, bởi nhìn vào đời sống qua quan điểm của họ và suy nghĩ lại những gì chúng ta coi là giá trị.

Sinh ở Varennes, Gia Nã Ðại, cô Marie Marguerite Dufrost de Lajemmerais phải thôi học vào lúc 12 tuổi để giúp đỡ người mẹ goá. Tám năm sau cô kết hôn với Francois d'Youville; họ có sáu người con, trong đó bốn người chết khi còn nhỏ. Mặc dù chồng bà thích cờ bạc và buôn bán rượu lậu cho người thổ dân Mỹ Châu và đối xử với bà cách tàn tệ, bà Marguerite vẫn chăm sóc chồng với lòng thương mến trong hai năm trước khi ông từ trần vào năm 1730.

Dù phải chăm sóc hai con nhỏ và trông coi tiệm tạp hóa để trả nợ cho chồng, bà Marguerite vẫn thường giúp đỡ người nghèo. Khi các con đã khôn lớn, bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy sụp. Bà đặt tên cho cộng đoàn của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal; dân chúng gọi họ là các "Nữ Tu Áo Xám" vì y phục họ mặc. Vào lúc ấy, những người nghèo ở Montréal thường nói với nhau, "Ðến với các Nữ Tu Áo Xám; họ không bao giờ bị từ chối giúp đỡ." Cho đến lúc bấy giờ, năm cộng đoàn tôn giáo khác được bắt nguồn từ các Nữ Tu Áo Xám.

Bệnh Viện Công ở Montréal trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng nhân hậu Kitô Giáo. Khi bệnh viện bị hỏa hoạn vào năm 1766, bà Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu xây dựng lại. Bà đã chống trả với mưu toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là "Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung". Bà được phong thánh năm 1990.

18 tháng 10 - Thánh Luca

Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là "người thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.

Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, "Chỉ có Luca là ở với tôi" (2 Tim 4:11).

(HT 8-10-2023)

Thánh Thể: Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Cánh Chung

O Sacrum convivium

In quo Christus sumitur

Recolitur memoria passionis eius

Mens impletur gratia et futurae gloriae nobis pignus datur

Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô thành lương thực nuôi chúng ta

Tiệc tưởng nhớ Người đã chịu khổ hình

Và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế

Tiệc bảo đảm cho chúng ta một tương lai huy hoàng rực rỡ.

(Thomas Aquinas, Corpus Christi)

Nhập Đề

Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá và vượt qua của Chúa Kitô.

Cử hành Thánh Thể cũng là cử hành mầu nhiệm cánh chung vì Bí tích Thánh Thể vừa là bí tích của sự hiệp nhất, vừa là bí tích toàn hảo của thời sau hết.

Một Chúa Kitô hiện diện “hôm qua, hôm nay, và mãi mãi như vậy cho đến muôn đời” (Heb. 13:8). Mỗi người cùng với tất cả mọi người hiệp thông với nhau trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, cùng một niềm tin vao Chúa Kitô là “lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68), cùng lãnh nhận chính Chúa Kitô như lương thực than linh trong cuộc lữ hành tại thế, cùng quy hướng về tương lai, cùng trông chờ nước Chúa trị đến, cùng hy vọng về một “trời mới, đất mới”, và “lời hứa về sự sống vĩnh cửu mai sau.”

Bí Tích Thánh Thể, theo như lời của A. Schmemann, là sự quy hướng về “quê hương trên trời.” Trong thời sơ khai, các cộng đồng Ki-tô hữu đã coi những bữa tiệc diễn ra trong sứ vụ của Chúa Kitô như là những “bữa tiệc Nước Trời.” Việc ăn bánh và uống rượu nho trong Bí Tích Thánh Thể không chỉ đơn thuần là việc tưởng nhớ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, nhưng còn là một dự kiến về ngày trở lại của Chúa Kitô, như một thông phần trước về sự hoàn kết của những công trình mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho thế giới và nhân loại.

1. Bí tích Thánh Thể là bí tích của niềm hy vọng cánh chung

Thần học truyền thống và tân kinh viện chú trọng đặc biệt đến các tín lý về mầu nhiệm hy tế, vượt qua và sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô nơi Bí Tích Thánh Thể.

Trong khi ấy, thần học cánh chung chỉ được coi như phần phụ lục. Theo cách hiểu thông thường, thì cánh chung là những thực tại cuối cùng.

Cánh chung quan cá nhân đề cập đến số phận hay thực tại cuối cùng của mỗi người sau khi chết như sự phán xét, thiên đàng, luyện ngục, hỏa ngục.

Cánh chung quan tập thể đề cập đến những thực tại cuối cùng của thế giới và lịch sử nhân loại như ngày tận thế, sự sống lại chung cuoc, sự trở lại của Chúa Kitô, thời đại trị vì của Chúa Kitô, và sự phán xét chung cho toan the nhan loai.

Đến thế kỷ 20, nhất là từ sau Cộng đồng chung Vatican II, thần học cánh chung đặt trọng tâm vào niềm hy vọng Kitô giáo. Văn kiện Hiến Chế về Giáo Hội của Cộng Đồng Vatican II, khi nói về vai trò của Giáo Hội trong thế giới hôm nay, đã nhấn mạnh đến bối cảnh lịch sử và vũ trụ của niềm hy vọng này.

Thần học cánh chung, vì vậy, đã chuyển hướng, không còn đề câp nhiều đến cấu trúc của những thực tại cuối cùng, hay coi những thực tại này như những đối tượng, những nơi chốn, những thực tại có thể tiên đoán được, nhưng nhấn mạnh về bản chất của niềm hy vọng Kitô giáo.

Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS (kỳ I)

 

 14 tháng 10 - Thánh Giáo Hoàng Callistus I (c. 223?)

Chúng ta có được những dữ kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.

Callistus là một nô lệ trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Ðược giao cho công việc giữ tiền của chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.

Sau đó ngài được giao cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Ðức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là bạn và là người cố vấn.

Về sau chính ngài được bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.

Hippolytus được kính trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm -- học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do -- trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.

Ðức Callistus bị tử đạo trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.

(HT 1-10-2023)

Chầu Thánh Thể - Cửa Hướng Đến Thiên Đàng

 

   Giáo lý về sự Hiện Diện Đích Thực có nghĩa là Chúa Giê-su hiện diện ngày hôm nay trong nhiệm tích Thánh Thể cũng không kém chi việc Người có mặt ở nhà của hai chị em Mat-ta và Ma-ri-a. Người ta có thể nói, “Chúng ta có Thánh Thể trên trần gian: Đức Giê-su lịch sử đã sống như xưa; còn Đức Ki-tô phục sinh đang ngự trên thiên đàng.” Tuy nhiên, chúng ta đã nói rồi, trong Chúa Giê-su Thánh Thể, trời và đất đã giao duyên thành một hoàn toàn. Trong Chúa Giê-su, lễ thành hôn đã bắt đầu. Người là Thiên Chúa, Đức Chúa của trời cao, đã trở nên hữu hình và chúng ta có thể sờ chạm Người: ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Con mắt xác thịt chúng ta thấy tấm bánh và chén rượu, nhưng bên dưới hình bánh và hình rượu đó, với con mắt đức tin, là chính Chúa Giê-su mà thân xác phục sinh của Người đang ngự trên thiên đàng. Đoàn các thiên thần và các thánh hân hoan nhảy mừng, thờ lạy Chúa. Một số trẻ em dưới thế quỳ gối và ngồi tại cánh cổng hướng đến thiên đàng, chúng nhìn lên vòng tròn ánh sáng là trung tâm của thiên đàng một cách đầy khát mong, và trong khi chúng ở đó, toàn trái đất như cây cỏ nở hoa: trong sự hiện diện của Người, tất cả đều bình an, tất cả đều là ánh sáng.

 

   Thánh Thể là sự hiện diện đích thực và liên tục của Chúa Giê-su, không chỉ là một thời khắc hiệp thông, nhưng là một sự hiện hữu, một sự cư ngụ liên tục, một thực tại vĩnh cửu của Nhập Thể, Người hiện diện “trong mọi Nhà Tạm trên trần gian cho đến tận thế.” Trong thời đại chúng ta, chầu Thánh Thể đã trở thành một cách thế phổ biến mãi mãi để chúng ta ở trong sự hiện diện của Chúa Giê-su, để chúng ta tôn thờ Người: đó là một cách thế để ở trong thiên đàng đang khi chúng ta vẫn còn trên dương thế.

 

   Sự bình an, trầm lắng và hân hoan tuyệt vời nhất sẽ đến cho những ai ở lại trước sự hiện diện của “chàng rể của linh hồn chúng ta”. Không ai, và chắc chắn rằng không gì khác trên dương gian làm thỏa mãn trọn vẹn nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy một chút nào đó về Thiên Chúa nơi các loài thọ tạo, nơi mọi thứ đẹp tươi – và nơi mọi người Chúa đã dựng nên. Còn nơi nhiệm tích Thánh Thể, chúng ta sẽ thấy Người. Không như thấy Người khi chúng ta rời bỏ trần gian, không như Người muốn chúng ta biết về Người trong cõi trường sinh, nhưng trong dạng thức Người đã chọn lựa để đến với chúng ta trên hành trình dương thế của nhân loại. Ngày nào đó, khi sự tối tăm hiện tại này chấm dứt và Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong mọi sự”, bấy giờ chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan yêu dấu của Đấng đã tác tạo chúng ta bởi yêu thương, đã cứu chuộc và hiến dâng chính mình Người cho chúng ta trong cái chết ô nhục nhất, Người sẽ ôm lấy chúng ta.

 

   Giờ đây, chúng ta đăm đăm nhìn lên Chúa Giê-su. Người như thần lương của chúng ta được bao quanh bởi ánh sáng. Thánh Thể mà chúng ta tôn thờ là cửa sổ hướng đến thiên đàng, hướng đến Thân Mình đích thực của Chúa chúng ta. Chính Người, chứ không phải ai khác đang ở đây. Chúng ta hãy đến thờ lạy Người.

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái SSS chuyển ngữ (tiếp theo và hết)

 

 2 Tháng Mười - CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ (Mt 18,1-5.10)

Nếu sức mạnh của sự dữ và ma quỉ đông hàng hà sa số, đang ngày đêm bay lượn quanh nhân loại, xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người thì sung sướng và hạnh phúc, vững dạ thay khi Chúa gửi đến cho loài người một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên Thần. Sự trợ giúp này, Chúa và Giáo Hội gọi là các Thiên Thần Hộ Thủ hay Bản Mệnh. Các Thiên Thần Bản Mệnh gìn giữ con người khỏi hiểm nguy, khỏi mọi sự dữ quấy phá, đưa con người tránh xa dịp tội để con người kết hợp và tiến bước tới Chúa.

THIÊN THẦN BẢN MỆNH LÀ AI?

Thiên Chúa thiết lập vũ trụ, tạo dựng con người. Sách khải nguyên ngay từ những trang đầu đã thuật lại việc Thiên chúa tạo dựng Trời Đất, tạo nên Con người. Trong vũ trụ hỗn mang đan xen bóng tối và sự sáng. Lực của bóng tối, của ma quỉ mạnh mẽ vô cùng. Ma quỉ có số đông vô số kể lúc nào cũng lượn quanh con người, rình mò cắn xé. Ngay trang đầu khởi nguyên, Kinh Thánh đã viết: "thần khí Chúa bay lượn là là trên mặt nước" và trong Tân Ước, trong đêm Giáng Sinh, Thiên Thần của Chúa với muôn cơ binh đàn ca, vinh tụng xướng hát, tôn vinh con Thiên Chúa là Đức Giêsu xuống thế làm người. Đây là các Thiên thần luôn túc trực để thờ phượng Chúa và nâng đỡ con người. Trong số này, có muôn vàn Thiên Thần Bản Mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ, gìn giữ từng người. Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội, thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm, nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn. Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối, sa ngã, cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng, thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối, nguy tử vv… Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn, an ủi và che chở con người. Nên, Thánh vịnh 137,1 đã viết: " Lạy Chúa giữa chư vị Thiên Thần, Con đàn ca kính Chúa " hoặc trong lời nguyện nhập lễ ngày 2/10, Giáo Hội đã cất tiếng nguyện xin: " …Chúa sai các Thiên Thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời này được các Ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các Ngài hưởng phúc vinh quang".

 

7 tháng 10 - Ðức Mẹ Mân Côi

"Lần hạt Mân côi từ bao năm tháng đã là tỏ lòng kính mến Ðức Mẹ. Thực hành này đã có một chiều sâu mới trong thời chúng ta. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, một thuyền đoàn Kitô Giáo gồm 206 chiếc thuyền với 80 ngàn người do thánh Giáo Hoàng Piô thứ V tổ chức, và do Don John của Áo Quốc lãnh đạo đã quyết thắng thuyền đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo với 320 chiến thuyền và 120 ngàn binh sĩ và người chèo tù nhân Kitô giáo của Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh biển Hy Lạp. Một lần nữa, đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo không chế ngự được đoàn quân Kitô giáo Âu châu. Trong trận hải chiến này, nhóm Mân Côi Rôma đã lần chuỗi Mân Côi để cầu thắng cho Hải đội Kitô Giáo trong nhà thờ Ðức Bà. Khi tin đoàn thắng được loan ra, ai ai cũng nhìn nhận đó là sự bầu cử của Ðức Mẹ. Ðức Giáo Hoàng Piô thứ V thuộc dòng Ðaminh rất sùng kính Kinh Mân côi đã lập ra lễ Ðức Bà Toàn Thắng để đánh dấu sự chiến thắng nói trên. Về sau lễ này được đổi ra là lễ Ðức Mẹ Mân Côi mà Giáo hội vẫn giữ vào ngày 7/10 mỗi năm. Khi người ta lần hat ở các đám tang đêm trước ngày chôn cất, người chủ sự thường nhân cơ hội dể đọc hết 150 kinh Mân côi, các Sự Vui, Sự Thương, và Sự Mừng, với kinh mở đầu cho lễ Ðức Mẹ Mân Côi. Ðó là tóm tắt đầy đủ nhất của cuộc đời Mẹ Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ. Mặc dù Ðức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho thánh Dômincô không được coi có tính cách lịch sử, nhưng sự phát triển của kinh nguyện này là nợ lớn đối với những đệ tử của thánh Ðôminicô.

Lạy Chúa xin đổ tràn tim chúng con với tình thương của Chúa. Chúa đã sai thiên thần báo cho chúng con, Con Chúa giáng trần làm người. Xin hãy đưa chúng con đến sự vinh quanh phục sinh nhờ cuộc khổn nạn và cái chết của con Chúa. Amen.

(HT 24-9-2023)

Chầu Thánh Thể - Cửa Hướng Đến Thiên Đàng

Trước Mặt Nhật được đặt trên bàn thờ, đơn giản là chúng ta chỉ ngồi và nhìn chăm chú vào Mình Thánh được bao quang bằng ánh sáng. Đó là chính Thân Mình Chúa Ki-tô, là Bánh đã được truyền phép. Vô số những người công giáo trên khắp thế giới cũng đăm đăm nhìn lên như thế trong những giờ chầu Thánh Thể.

 

   Tại sao chỉ là ngồi và chiêm ngắm Thánh Thể? Vâng, dường như không có hành động nào ở đây: hành động ở đây chỉ là hiện diện, là chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu chuyện xảy ra ở Bê-ta-ni-a cho thấy, chị Mác-ta lo lắng bận bịu với công việc nhằm đáp ứng những nhu cầu của thế gian. Nhưng ở đây, trước Chúa Giê-su Thánh Thể trong dạng thức bí tích, giống như người em Ma-ri-a, chúng ta tìm thấy nơi chỗ cho mình, đó là ngồi bên chân Đấng Mến Yêu.

 

   Chúa Giê-su Ki-tô đang hiện diện ở đây với mình, máu, linh hồn và thiên tính của Người. Nếu ai đó nghi ngờ về những gì xảy ra đối với tấm bánh trong Thánh Lễ, họ cần được nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh về bánh sau khi được truyền phép đã biến thể trở thành Chúa Giê-su. Người cũng chính là Thiên Chúa. Nếu đọc Tin Mừng theo thánh Gio-an chương VI với tâm trí của Hội Thánh, rõ ràng là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã kéo dài sự nhập thể của Người trên trần gian bằng việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nhờ đó trong mỗi Thánh Lễ, bánh và rượu được biến đổi thành chính bản thân Người vì chúng ta. Những lời cốt lõi, phản ánh một cách sinh động và không còn úp mở nữa trong phụng tự Công giáo chúng ta là: “Này là Mình Thầy….Này là Máu Thầy.” Giây phút linh mục đọc những Lời truyền phép đó, trời đất đã giao duyên gặp gỡ trong bánh và rượu, Thiên Chúa trở thành thần lương cho chúng ta.

 

   Các nhà thần bí suốt dòng lịch sử đã nghiệm thấy những hồng ân vĩ đại nơi sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Dân chúng cũng thế, nhờ đức tin, cặp mắt trái tim của họ đã mở ra. Có người nghĩ rằng chỉ trong các tu viện hay đan viện, may ra chúng ta mới thoát khỏi những áp lực của thế gian và có thể gần gũi được với Thiên Chúa. Thực ra, Chúa Ki-tô vẫn ở ngay bên chúng ta trong Thánh Lễ, trong Nhà Tạm Thánh Thể ở nhà thờ và chúng ta không cần phải tìm kiếm Người ở nơi đâu khác. Thực sự không có nơi nào trên trái đất này thánh thiêng hơn là Nhà Tạm. Mỗi một Thánh Lễ, sự truyền phép đều là một phép lạ, vượt xa hơn bất kỳ một phép lạ nào khác, hơn cả sự tạo thành vũ trụ. Bởi đó, người công giáo chúng ta luôn luôn bày tỏ sự cung kính một cách đặc biệt mỗi khi vào nhà thờ. Chúng ta bái gối hay cúi sâu trước sự hiện diện đích thực và chân thực của Đức Vua – Đấng nắm trọn chủ quyền đang ở đó trong Nhà Tạm. Chúng ta tôn thờ, quỳ gối vì Thiên Chúa đang hiện diện nơi đó. Chúng ta giữ thing lặng trước sự hiện diện của Người để lắng nghe điều Người nói.

   Thực tại của chúng ta nơi trần gian này sẽ qua đi. Bây giờ chúng ta mang hình dạng con người, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều đó tùy thuộc vào Thiên Chúa: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.” (1Ga 3,2). Dường như chúng ta chỉ là một ảo ảnh của kiếp sống và thân xác như cỏ cây của chúng ta sẽ được biến đổi khi rơi vào lòng thương xót không thể hiểu nổi của Thiên Chúa. Lúc này đây, Người đến với chúng ta như của nuôi dưỡng, như thần lương sự sống. Khi được thay đổi, chúng ta sẽ thấy khuôn mặt của Đấng đã chọn lựa ở giữa chúng ta như một người tôi tớ phục vụ và Người phục vụ chúng ta bằng cách hiến trao thịt Người làm của ăn, máu Người làm của uống.

 Lm. Giuse Phạm Đình Ái SSS chuyển ngữ (kỳ II và hết)

 

 29 Tháng Chín - Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael

Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.

Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là "đại hoàng tử" để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Ðông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.

Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Ðức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.

Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.

Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.

(HT 17-9-2023)

Chầu Thánh Thể - Cửa Hướng Đến Thiên Đàng


Trước Mặt Nhật được đặt trên bàn thờ, đơn giản là chúng ta chỉ ngồi và nhìn chăm chú vào Mình Thánh được bao quang bằng ánh sáng. Đó là chính Thân Mình Chúa Ki-tô, là Bánh đã được truyền phép. Vô số những người công giáo trên khắp thế giới cũng đăm đăm nhìn lên như thế trong những giờ chầu Thánh Thể.

 

   Tại sao chỉ là ngồi và chiêm ngắm Thánh Thể? Vâng, dường như không có hành động nào ở đây: hành động ở đây chỉ là hiện diện, là chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu chuyện xảy ra ở Bê-ta-ni-a cho thấy, chị Mác-ta lo lắng bận bịu với công việc nhằm đáp ứng những nhu cầu của thế gian. Nhưng ở đây, trước Chúa Giê-su Thánh Thể trong dạng thức bí tích, giống như người em Ma-ri-a, chúng ta tìm thấy nơi chỗ cho mình, đó là ngồi bên chân Đấng Mến Yêu.

 

   Chúa Giê-su Ki-tô đang hiện diện ở đây với mình, máu, linh hồn và thiên tính của Người. Nếu ai đó nghi ngờ về những gì xảy ra đối với tấm bánh trong Thánh Lễ, họ cần được nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh về bánh sau khi được truyền phép đã biến thể trở thành Chúa Giê-su. Người cũng chính là Thiên Chúa. Nếu đọc Tin Mừng theo thánh Gio-an chương VI với tâm trí của Hội Thánh, rõ ràng là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã kéo dài sự nhập thể của Người trên trần gian bằng việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nhờ đó trong mỗi Thánh Lễ, bánh và rượu được biến đổi thành chính bản thân Người vì chúng ta. Những lời cốt lõi, phản ánh một cách sinh động và không còn úp mở nữa trong phụng tự Công giáo chúng ta là: “Này là Mình Thầy….Này là Máu Thầy.” Giây phút linh mục đọc những Lời truyền phép đó, trời đất đã giao duyên gặp gỡ trong bánh và rượu, Thiên Chúa trở thành thần lương cho chúng ta.

 

   Các nhà thần bí suốt dòng lịch sử đã nghiệm thấy những hồng ân vĩ đại nơi sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Dân chúng cũng thế, nhờ đức tin, cặp mắt trái tim của họ đã mở ra. Có người nghĩ rằng chỉ trong các tu viện hay đan viện, may ra chúng ta mới thoát khỏi những áp lực của thế gian và có thể gần gũi được với Thiên Chúa. Thực ra, Chúa Ki-tô vẫn ở ngay bên chúng ta trong Thánh Lễ, trong Nhà Tạm Thánh Thể ở nhà thờ và chúng ta không cần phải tìm kiếm Người ở nơi đâu khác. Thực sự không có nơi nào trên trái đất này thánh thiêng hơn là Nhà Tạm. Mỗi một Thánh Lễ, sự truyền phép đều là một phép lạ, vượt xa hơn bất kỳ một phép lạ nào khác, hơn cả sự tạo thành vũ trụ. Bởi đó, người công giáo chúng ta luôn luôn bày tỏ sự cung kính một cách đặc biệt mỗi khi vào nhà thờ. Chúng ta bái gối hay cúi sâu trước sự hiện diện đích thực và chân thực của Đức Vua – Đấng nắm trọn chủ quyền đang ở đó trong Nhà Tạm. Chúng ta tôn thờ, quỳ gối vì Thiên Chúa đang hiện diện nơi đó. Chúng ta giữ thing lặng trước sự hiện diện của Người để lắng nghe điều Người nói.

   Thực tại của chúng ta nơi trần gian này sẽ qua đi. Bây giờ chúng ta mang hình dạng con người, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều đó tùy thuộc vào Thiên Chúa: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.” (1Ga 3,2). Dường như chúng ta chỉ là một ảo ảnh của kiếp sống và thân xác như cỏ cây của chúng ta sẽ được biến đổi khi rơi vào lòng thương xót không thể hiểu nổi của Thiên Chúa. Lúc này đây, Người đến với chúng ta như của nuôi dưỡng, như thần lương sự sống. Khi được thay đổi, chúng ta sẽ thấy khuôn mặt của Đấng đã chọn lựa ở giữa chúng ta như một người tôi tớ phục vụ và Người phục vụ chúng ta bằng cách hiến trao thịt Người làm của ăn, máu Người làm của uống.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái SSS chuyển ngữ (kỳ I)

 

20 Tháng Chín - Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn

 Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.

Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.

Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.

Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

(HT 10-9-2023)

TẶNG PHẨM HY TẾ CỦA ĐỨC KITÔ

Thánh Eymard đã nói về Thánh Thể bằng một ngôn ngữ rất cảm động, đó là Bí tích mà cái chết cứu độ của Chúa Giêsu vươn chạm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta. Điều này, chúng ta có thể biết được qua việc trích dẫn vài hàng tư tưởng của ngài: "Hy tế Thánh Lễ chính là biểu tượng cho hy tế thập giá... Chúa Giêsu đã khám phá ra những phương thế để tự hiến mình làm của lễ trong một cách thức thường xuyên, thậm chí trong tình trạng vinh quang của Ngài." "Thánh Lễ ...là hành vi tôn vinh cao cả nhất có thể được dâng lên Thiên Chúa, là hành vi thánh thiện và lợi ích nhất cho chúng ta." "Thánh Thể làm đại diện, gợi nhớ lại cái chết của Chúa chúng ta xét như là hành động tối cao và cuối cùng của tình yêu thương. ...Bí tích Thánh Thể không có gì khác hơn là tình yêu bùng phát ra từ phòng Tiệc Ly." Sự trân quý sâu sắc của thánh Eymard đối với Thánh Lễ luôn luôn như vậy trong suốt cuộc sống của cha, và dấu hiệu đầu tiên của sự trân quý đó được thể hiện rõ nét ngay trong thời thơ ấu của ngài. Cậu Phêrô Giuliano Eymard phải chờ đợi cho đến khi mười hai tuổi mới có thể được Rước Lễ Lần Đầu (điều này khá nghiêm ngặt vào thời đó). Nhưng trước đó vài năm, không gì có thể ngăn cản cậu phục vụ Thánh Lễ, và chúng ta biết rằng, cậu đã làm như vậy một cách chăm chỉ thường xuyên với tâm tình vui tươi, sự chu đáo và lòng đạo đức tuyệt vời. 

Có nhiều điều để suy ngẫm, với lời ngợi khen và lòng biết ơn, về sự kiện cử hành Hy Lễ Tạ Ơn làm cho cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu vươn đến và mở rộng đến thời gian cũng như không gian của riêng mỗi người chúng ta. Thông qua Thánh Lễ, chúng ta đang được liên tục tái kết nối với Chúa Giêsu, nối kết giữa lễ vật hy sinh của con người và Thiên Chúa phục sinh. Thông qua tặng phẩm Thánh Thể - vừa trong cử hành phụng vụ và vừa trong Bí tích được lưu giữ nơi Nhà Tạm - chúng ta đều có thể sống liên tục trước sự hiện diện của Thiên Chúa Cha qua sự hiện diện của Chúa Con và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Một món quà như vậy - thử xem liệu chúng ta có thể nói được điều gì đó cách đặc biệt và trọn vẹn ý nghĩa về Bí tích Cực Thánh không - cuối cùng, thực sự ngôn từ không sao diễn tả được.

Lm. Bernard Camiré, SSS (kỳ II và hết. Nguồn: dongthanhthe.net)


14 Tháng 9 - Sự Chiến Thắng của Thánh Giá

 

Vào đầu thế kỷ thứ tư, Thánh Helena, mẹ của Hoàng Ðế La Mã Constantine, đến Giêrusalem để tìm kiếm các nơi linh thiêng mà Ðức Kitô đã từng đặt chân đến. Thánh nữ san bằng Ðền Aphrodite (thần Hy Lạp) mà truyền thống cho rằng được xây trên phần mộ của Ðấng Cứu Thế, và sau đó Constantine đã xây Ðền Mộ Thánh lên trên. Trong cuộc đào xới, các công nhân tìm thấy ba thập giá. Truyền thuyết nói rằng một thập giá được coi là của Ðức Giêsu khi thập giá ấy chữa lành một phụ nữ đang hấp hối khi thập giá chạm vào bà.

Ngay sau đó, thập giá ấy trở nên mục tiêu cho sự sùng kính. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem, theo lời một nhân chứng, thập giá được lấy ra khỏi hộp đựng bằng bạc, và được đặt trên bàn cùng với tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ mà Philatô đã ra lệnh treo trên đầu Ðức Giêsu. Sau đó "từng người một đến kính viếng; tất cả đều cúi đầu; trước hết họ dùng trán sau đó dùng mắt để chạm đến thập giá và tấm bảng; và sau khi hôn kính thập giá họ mới lui bước."

Cho đến ngày nay, các Giáo Hội Ðông Phương, Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo đều cử hành ngày Tôn Kính Thánh Giá vào tháng Chín để kỷ niệm ngày cung hiến Ðền Mộ Thánh. Ngày lễ này được du nhập vào niên lịch Tây Phương trong thế kỷ thứ bảy sau khi Hoàng Ðế Heraclius khôi phục được thập giá này khỏi tay người Ba Tư mà họ đã chiếm đoạt vào năm 614, trước đó 15 năm. Theo một truyện kể, vị hoàng đế định tự mình vác thập giá ấy vào Giêrusalem, nhưng không thể nào tiến bước được cho đến khi ông cởi bỏ phẩm phục sang trọng vua chúa và trở nên một người nghèo hèn đi chân đất.

 

15 Tháng  Chín - Ðức Mẹ Sầu Bi

Trong một thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Ðức Mẹ: một ngày lễ xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ trong tháng Chín.

Những dữ kiện chính yếu trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Ðức Mẹ là trong các đoạn của Thánh Luca 2:35 và Gioan 19:26-27. Ðoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên đoán của cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria; đoạn của Thánh Gioan nói về lời trăn trối của Ðức Kitô với Ðức Maria và người môn đệ yêu dấu.

Nhiều học giả thời Giáo Hội tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Ðức Maria, nhất là khi nhìn Ðức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như điều tiên đoán đã được thể hiện.

Ðặc biệt Thánh Ambrôsiô coi Ðức Maria như một hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Ðức Maria đứng đó một cách không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Ðức Maria nhìn đến các thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó ngài nhìn thấy sự cứu chuộc nhân loại. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập giá, Ðức Maria không sợ bị chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.

(HT 3-9-2023)

TẶNG PHẨM HY TẾ CỦA ĐỨC KITÔ

Nếu một người công giáo bình thường được hỏi: "Khi nghe nói đến hạn từ "Bí tích Thánh Thể", hình ảnh nào sẽ nổi lên trong tâm trí của bạn? ", chắc chắn, câu trả lời sẽ cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh của Bí tích Thánh Thể. Ví dụ, hình ảnh có thể đến với tâm trí người ta là một linh mục đang hơi cúi mình xuống trên bánh hay chén tại bàn thờ mà đọc: "Này là Mình Thầy...sẽ bị nộp vì các con...Này là chén máu Thầy...sẽ đổ ra cho các con." Tiếp nữa, có lẽ là hình ảnh dân chúng xếp hàng lên hiệp lễ, họ đón nhận Mình Thánh với niềm xác tín qua lời đáp "Amen". Hay một bức tranh khác nữa là hình ảnh của những người đang cầu nguyện thinh lặng trước Hào Quang hoặc trước Nhà Tạm chứa đựng Mình Thánh Chúa. Tất nhiên, đây chỉ là một vài hình ảnh tiêu biểu trong rất nhiều hình ảnh về Bí tích Thánh Thể có thể đến với tâm trí người ta và chúng toát lên một số chân lý cũng như một số chiều kích của Nhiệm tích Thánh Thể. Thực tế, Hy Lễ Tạ Ơn là một Bí tích chứa đựng nhiều nét rạng ngời thiêng liêng. Trong những bài chia sẻ sau, chúng ta sẽ nỗ lực để khai mở một ít trong những nét huy hoàng rực rỡ đó.

Chúng ta sẽ bắt đầu với ví dụ đầu tiên ở trên mà hạn từ Bí tích Thánh Thể gợi lên cho tâm trí người ta: đó hình ảnh của vị tư tế lúc truyền phép, ngài đọc: "Này là Mình Thầy...sẽ bị nộp vì các con; Này là chén máu Thầy ...đổ ra cho các con." Chân lý của Bí tích Thánh Thể làm nền tảng cho khoảnh khắc truyền phép là gì? Tất cả chúng ta đều biết, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Bữa Tiệc này là một nghi lễ nhằm kỷ niệm một biến cố trọng tâm trong lịch sử của người Do Thái, tức biến cố giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Khi người Do Thái dùng bữa ăn nghi thức đó trong Lễ Vượt Qua, họ không chỉ nhớ lại một biến cố của quá khứ mà còn là một lời hứa tiên tri cho họ về một cuộc giải thoát chưa đến, một cuộc giải thoát sẽ còn sâu rộng hơn, phổ quát và triệt để hơn. Về sau, đây chính là bối cảnh mà Chúa Giêsu giới thiệu tặng phẩm Thánh Thể của Ngài. Trong diễn tiến của bữa ăn nghi thức, Chúa Giêsu cầm lấy bánh không men từ bàn và nói trên bánh: "Này là Mình Thầy...sẽ bị nộp vì các con ". Tiếp theo, Ngài nâng chén rượu lên và nói trên chén rằng: "Này là máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho các con...Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy." Với những lời long trọng ấy, Chúa Giêsu mặc khải Ngài chính là Con Chiên Hy Tế xóa tội trần gian. Khi Chúa Giêsu nói về thân mình Ngài "bị nộp vì các con" và về máu huyết Ngài "đổ ra cho các con", Ngài đang tỏ cho thấy cái chết của Ngài trên thập giá là một biến cố cứu chuộc toàn thể nhân loại, một biến cố làm biến đổi và canh tân toàn diện lịch sử tâm linh của con người.

Sau này, việc gì sẽ xảy ra nếu những điều Chúa Giêsu đã truyền dạy thực hiện để tưởng nhớ đến Ngài được chúng ta làm lại, tức là, cử hành Hy Lễ Tạ Ơn? Điều sẽ "xảy ra" là cái chết trao ban sự sống và cứu độ của Đức Giêsu trên thập giá, nghĩa là, sự hiến thân hoàn hảo của Chúa Giêsu cho Chúa Cha vì chúng ta, sẽ đi vào thời khắc đặc biệt của chúng ta trong lịch sử cũng như liên hệ với cuộc sống của chúng ta ở đây và bây giờ. Hy tế đó của Chúa Giêsu được trao ban cho chúng ta, một cách Bí tích, nhằm giúp chúng ta có thể nhập cuộc vào sự dâng hiến bản thân của Chúa Giêsu, để rồi chúng ta có thể nên một với Ngài trong hành động yêu mến và chúc tụng Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Như Đức Thánh Cha Benedicto XVI nói trong thông điệp đầu tiên của ngài: "Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào trong hành động tự hiến của Chúa Giêsu ... chúng ta bước vào trong chính sự tự hiến năng động của Ngài." Nếu đây là những gì cử hành Thánh Thể hướng về, thì sẽ chẳng khó khăn gì mấy để hiểu lý do tại sao Thánh Lễ, xét như là phương thế, mà nhờ đó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô vươn chạm đến cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, phải có một vị trí trung tâm trong đời sống của người tín hữu công giáo. 

Lm. Bernard Camiré, SSS (kỳ I. Nguồn: dongthanhthe.net)


8 Tháng Chín - Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria

Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Ðức Maria từ thế kỷ thứ sáu. Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Ðông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín. Ngày mùng tám là vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng Mười Hai (chín tháng trước).

Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Ðức Maria. Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này. Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng đạo của Kitô Hữu. Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con. Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa. Câu truyện trên (cũng như nhiều câu truyện khác trong phúc âm) cho thấy sự hiện diện quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời Ðức Maria ngay từ đầu.

Thánh Augustine nối kết việc sinh hạ của Ðức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Ðức Maria. "Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nẩy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ. Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi."


(Nguồn: nguoitinhuu.org)

(HT 27-8-2023)

Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ

NGOÀI THÁNH LỄ

b. Một khi cảm biết tình yêu Chúa Thánh Thể và sự thật về Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ được chính Tình Yêu biến đổi thành khí cụ của tình yêu.

«Chúa Giêsu đã muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, bằng cách làm cho sự hiện diện của Chúa trong bữa ăn và trong hy tế, trở nên lời hứa đổi mới nhân loại bằng tình yêu của Chúa». Khi chiêm ngắm Thánh Thể, chúng ta có thể trở thành điều mình chiêm ngắm và học biết hiến dâng sự sống mình cho Thiên Chúa và nhân loại.

Một khi cảm nhận tình Chúa sâu xa, thì yêu người không còn là bổn phận phải làm, mà là một ân huệ trong đời, thúc bách ta hân hoan thực thi và chối từ yêu thương là một mất mát lớn lao trong đời. Lòng mến Thánh Thể thôi thúc lòng mến tha nhân. Bánh Thánh Thể “chuyên chở tình yêu của Đức Kitô” thì khi đón nhận và chiêm ngắm Thánh Thể, chúng ta cũng trở nên người chuyên chở tình yêu Đức Kitô đến cho mọi người.

Mẹ Têrêxa Calcutta có thể cho ta kinh nghiệm đáng tin này: «Trong Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu dưới hình bánh, còn trong các khu nhà ổ chuột, chúng ta nhìn thấy và sờ được Đức Kitô nơi những thân xác nát tan và những trẻ thơ bị ruồng bỏ. Nếu bạn không nhận ra Chúa Giêsu nơi Thánh Thể thì bạn cũng không thể nhận ra Chúa Giêsu trong người nghèo». Việc tôn thờ Thánh Thể giúp ta biết tôn trọng sự hiện diện của Đức Kitô trong những kẻ nghèo đói, khổ đau, bị bỏ rơi… Họ như là “bí tích” sống động đầy sự hiện diện của Chúa.

Kết luận

Ước gì nhờ nỗ lực học tập, cử hành và sống linh đạo Thánh Thể, chúng ta được trang bị một hiểu biết giáo lý sâu xa về Bí tích Cực Thánh, thắp bừng lên trong lòng mỗi người niềm say mến Chúa Giêsu, quyết tâm nên giống Chúa, để Bí tích Thánh Thể thực sự trở thành “chóp đỉnh và trung tâm”, thành “dự án sống” của mỗi người, của từng gia đình và của cộng đoàn giáo xứ.

Đức Thánh Cha Phanxicô ân cần nhắc nhở chúng ta: «Một buổi cử hành có thể rất đẹp trên bình diện bề ngoài, nhưng nếu nó không đưa chúng ta tới chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu, thì nó có nguy cơ không đem lại sự dưỡng nuôi nào cho con tim và cuộc sống chúng ta. Trái lại, qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn bước vào cuộc sống chúng ta, thấm nhuần nó với ơn thánh của Chúa, dẫn đưa ta tới cuộc sống bác ái, quảng đại, thứ tha và hòa giải… và như thế, trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu có sự liên hệ giữa phụng vụ và đời sống».

Vì vậy, «điều quan trọng nhất trong đời là học biết cách để Chúa Giêsu chạm đến và biến đổi ta bằng tình yêu trìu mến của Chúa». Chúa đang chờ đợi chúng ta trong Bí tích tình yêu. Chúng ta hãy mau mắn và hân hoan tìm gặp Chúa.

Nhớ rằng, linh đạo Thánh Thể là một “cảm nếm” hơn là “suy nghĩ”, là dìm mình trong sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa để con tim được lôi cuốn, hơn là lý trí được thuyết phục bởi các chân lý đức tin được bàn luận. Ước gì, nhờ sự nhiệt thành và sốt sắng hơn trong cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chúng ta sớm được Chúa Thánh Thần dẫn vào một kinh nghiệm sâu xa về Chúa, để cuộc đời chúng ta tràn đầy ý nghĩa và niềm vui đức tin như cha Henri M. Nouwen xác quyết: “Niềm vui không tự đến với chúng ta. Chúng ta phải chọn niềm vui và gìn giữ nó trong suốt cuộc đời. Đó là chọn lựa đặt nền tảng trên sự hiểu biết rằng chúng ta sống với Thiên Chúa, tìm thấy nơi Thiên Chúa chỗ trú ẩn, sự an toàn và không gì cất Thiên Chúa đi khỏi chúng ta, kể cả cái chết.” (kỳ V và hết, Nguồn: dongthanhthe.net)


27 Tháng Tám - Thánh Monica (322?-387)

Hoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng. Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.

Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng. Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà. Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con. Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình

Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện. Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.

Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica. Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu. Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục. Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh. Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu. Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, "Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất." Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.

Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.

(Nguồn: nguoitinhuu.org)

(HT 20-8-2023)

Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ
NGOÀI THÁNH LỄ

2. Hãy đến với Thánh Thể để cảm nếm Tình Yêu của Chúa.

Mọi điều chúng ta có đều là ơn ban của Chúa. Sự sống, tài năng, của cải, “tất cả là hồng ân”. Trong cái nhìn của đức tin, chúng ta có thể khám phá Chúa đang hiện diện rất gần, rất sâu trong chúng ta, vì Ngài là chính sự sống của ta.

Ơn tự nhiên đã diệu kỳ, mà ơn siêu nhiên còn cao quý gấp bội. Để phục hồi sự sống siêu nhiên đã mất vì tội, Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta chính Con của Ngài là Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình đến chết trên Thập giá để ta được giải thoát, được cứu độ, được sống đời đời. 

Thánh Thể tiếp tục là tình yêu tự hiến này vì «Trong Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu, chúng ta có hy tế cứu độ của Chúa, chúng ta có sự sống lại của Chúa, chúng ta có ân ban của Chúa Thánh Thần, chúng ta có sự tôn thờ, vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha».

«Tôn thờ Thánh Thể là lúc chúng ta ở lại bên Chúa để học biết sự thật về Chúa là Đấng… đã trở nên nghèo khó, để ta nên giàu có ơn sủng, đã tự hiến chính mình, để ta được sống dồi dào (x. Ga 10,10). Người mặc lấy thân phận mỏng manh thấp hèn của tấm bánh, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, không còn sống cho chính mình nữa. Tất cả hiện hữu của Chúa Giêsu là trọn vẹn hiến dâng, là sống vì ta và để cứu rỗi ta, cho ta được bước vào cảnh vực thần thiêng, được “ở cùng Chúa” và “Chúa ở cùng ta”. Đức Kitô là Đấng duy nhất, đứng trên đỉnh viên mãn của thời gian, đã mặc lấy thân phận thời gian của con người, để dẫn đưa con người vào trong chính Chúa, là “Hiện Tại Vĩnh Hằng”».

Nếu chúng ta mở rộng đôi mắt đức tin chiêm ngắm, mở rộng con tim để nhận biết tình yêu cứu độ của Chúa dành cho ta, đưa ta từ một tội nhân vào huyền nhiệm tình yêu vĩnh cửu của Chúa, thì giây phút trước Thánh Thể, lòng chúng ta phải sửng sốt yêu mến thốt lên như Phaolô: Con Thiên Chúa «… đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi»(Gl 2,20).

3. Đến với Thánh Thể để hiệp nhất với Chúa và hiệp thông với tha nhân.

Các lần gặp gỡ thân tình với Đấng mà chúng ta xưng tụng là Chúa, là Đấng Cứu Độ, phải mang lại cho đời sống chúng ta «chân trời mới và hướng đi mới mang tính quyết định». Như thế, «Tôn thờ Thánh Thể mở cho ta cơ hội để sống “nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa”, để ra khỏi chính mình và trải rộng thân mình đến mức vô biên vô tận là được hiệp nhất với Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu».

a. Một khi cảm biết tình yêu Chúa Thánh Thể và sự thật về Chúa, chúng ta phải được thúc đẩy cách mãnh liệt để «giao nộp đời mình cho Chúa Giêsu để sống thiết thân với Chúa», để Chúa làm chủ và uốn nắn đời ta theo tình yêu Thánh Thể của Chúa. Một tình yêu có khả năng làm cho cuộc đời chúng ta vươn đến một sự “hiện hữu” chân thực, thánh thiện, vĩnh cửu, tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Giữa dòng đời, trong đó, người ta chạy theo sự khôn ngoan nhân loại để khẳng định mình đẹp, mình giàu và quyền lực hơn người, phải rất quả cảm ta mới dám đặt tất cả hy vọng và ý nghĩa tối hậu đời mình nơi mình Chúa, sống theo thánh ý Chúa, thực hành những giá trị Tin Mừng. Họa theo nếp sống của Chúa Giêsu: giản dị và nghèo khó, khiêm tốn và hiền hậu, bao dung và phục vụ, ra khỏi chính mình để sống cho tha nhân là đi theo lẽ khôn ngoan của thập giá, là đường dẫn ta đi vào tương quan với Chúa ngày mật thiết hơn. Nhờ việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chúng ta tìm thấy căn nguyên, mẫu mực và niềm hy vọng cho đời sống Kitô hữu của mình.

(kỳ IV, Nguồn: dongthanhthe.net)

23 Tháng Tám - Thánh Rôsa ở Lima (1586-1617)

Vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới này có cùng một đặc tính như tất cả các thánh khác -- đó là bị đau khổ vì sự chống đối -- và một đặc tính khác được khâm phục hơn là nên bắt chước -- đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.

Thánh nữ sinh trong một gia đình Tây Ban Nha ở Lima, Peru, vào lúc Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên. Dường như ngài muốn noi gương Thánh Catarina ở Siena, bất kể những chống đối và nhạo cười của cha mẹ, bạn hữu.

Vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà các thánh có những hành động kỳ dị đối với chúng ta, và quả thật đôi khi thiếu khôn ngoan, nhưng đó chỉ để nói lên sự tin tưởng của các ngài là bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự tương giao với Thiên Chúa đều bị tiêu trừ. Do đó, vì sắc đẹp của ngài được nhiều người ngưỡng mộ nên Thánh Rôsa đã dùng hạt tiêu chà sát lên mặt để tạo thành các vết sưng xấu xí. Sau này, ngài còn đội một vòng bạc dầy cộm trên đầu, bên trong nhét đinh giống như mão gai.

Khi cha mẹ ngài rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, ban ngày Thánh Rôsa phải làm việc nơi đồng áng và ban đêm phải khâu vá để giúp đỡ gia đình. Mười năm dài tranh đấu với gia đình được khởi đầu khi cha mẹ ép buộc ngài phải kết hôn. Cha mẹ ngài không cho đi tu, và vì vâng lời ngài tiếp tục đời sống cô độc và ăn chay hãm mình ngay tại nhà như một thành viên của Dòng Ba Ðaminh. Vì lòng ước ao muốn được trở nên giống như Ðức Kitô nên hầu hết khi ở nhà, ngài sống trong cô độc.

Trong những năm cuối đời, Thánh Rôsa lập một căn phòng ngay trong nhà để chăm sóc các trẻ em bụi đời, người già yếu và bệnh tật. Ðây là khởi đầu của dịch vụ xã hội ở Peru. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Toà Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.

Ðiều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong. Nếu chúng ta nhớ đến cách ăn năn đền tội bất thường của ngài thì chúng ta cũng phải nhớ một điều vĩ đại của Thánh Rôsa: tình yêu Thiên Chúa của ngài quá nồng nhiệt đến nỗi ngài sẵn sàng chịu đựng sự nhạo cười của người đời, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài. Khi ngài từ trần năm 31 tuổi, cả thành phố đã tham dự tang lễ của ngài và các chức sắc trong xã hội đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.

24 Tháng Tám -Thánh Batôlômêô

Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: "Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng" (Gioan 1:47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Ngài biết ông, Ðức Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây vả" (Gioan 1:48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel" (Gioan 1:49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!" (Gioan 1:50)

Quả thật Natanien đã được nhìn thấy những điều trọng đại. Ngài là một trong những người được Ðức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x. Gioan 21:1-14). Lúc ấy các ngài chài lưới cả đêm mà không được gì cả. Vào buổi sáng, họ thấy có người đứng trên bờ dù rằng không ai biết đó là Ðức Giêsu. Ngài bảo họ tiếp tục thả lưới, và họ bắt được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lưới lên nổi. Sau đó Gioan nói với Phêrô, "Chính Thầy đó."

Khi họ dong thuyền vào bờ, họ thấy có đám lửa, với một ít cá đang nướng và một ít bánh. Ðức Giêsu bảo họ đem cho mấy con cá tươi, và mời họ đến dùng bữa. Thánh Gioan kể rằng mặc dù họ biết đó là Ðức Giêsu, nhưng không một tông đồ nào dám hỏi ngài là ai. Thánh Gioan cho biết, đó là lần thứ ba Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ.

Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages. (Nguồn: nguoitinhuu.org)

(HT 13-8-2023)

Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ
NGOÀI THÁNH LỄ

III. GIÁO PHẬN SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ

Năm Thánh là cơ hội thuận lợi thúc đẩy chúng ta canh tân đời sống đức tin. Con đường đổi mới này phải ngang qua Thánh Thể, bởi vì: «Mọi cam kết nên thánh… phải múc lấy sức mạnh cần thiết từ mầu nhiệm Thánh Thể và quy hướng về mầu nhiệm đó như là tột đỉnh của mình…» Trọn chương trình mục vụ của Giáo Phận được đặt trong viễn tượng của “sự thánh thiện”, khi làm cho Năm Thánh này hoàn toàn thấm nhuần trong linh đạo Thánh Thể. Bí tích làm cho chúng ta trở thành những người thánh và không thể nào có sự thánh thiện mà không được hòa nhập vào trong đời sống Thánh Thể: «Ai ăn Thịt Ta thì sẽ sống nhờ Ta» (Ga 6,57).

Mỗi Giáo xứ cần tổ chức việc cử hành Thánh lễ trong bầu khí tràn đầy đức tin và ân sủng. Mỗi người và mỗi gia đình cần nỗ lực thực hiện một linh đạo Thánh Thể toàn vẹn nghĩa là không chỉ dừng lại ở việc siêng năng dự lễ và thực hiện lòng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ cách ý thức, mà còn để cho Nhiệm tích Thánh Thể nuôi sống và định hướng cuộc đời ta, uốn nắn ta sống những đòi hỏi của một Kitô hữu như là một «việc tôn thờ thiêng liêng» (x. Rm 12,1). «Không có việc vun trồng một “linh đạo phụng vụ”, thì hành động phụng vụ dễ dàng bị rút gọn về một thứ như là “cử hành hình thức” và làm vô ích ân sủng phát sinh từ việc cử hành».

Vì Thánh Thể trên hết không phải là “chủ đề” được bàn luận, mà là “con tim” của đời sống Kitô hữu, nên «Bí tích Thánh Thể không thể bị đóng khung trong nhà thờ, nhưng phải trở thành “dự án đời sống” và nằm ở nền tảng của một linh đạo Thánh Thể đích thật». Chúa Giêsu đang ân cần chờ đợi ta, chúng ta hãy đến với Người:

1. Hãy đến với Thánh Thể để cảm nếm sự Hiện Diện của Chúa.

Tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa cao cả tự hủy đến cùng, hiện diện khiêm hạ trong Thánh Thể vì chúng ta và cho chúng ta. Cách tốt nhất để chúng ta ý thức và cảm nếm sự hiện diện của Chúa là sống với Chúa.

Có những lúc chúng ta cùng nhau chiêm ngắm và tôn thờ Chúa Thánh Thể, nhưng hãy tập có được những phút giây quỳ lặng một mình trước Thánh Thể, bởi cầu nguyện không nhất thiết phải nói nhiều mà là yêu mến nhiều. Sự thinh lặng từ môi miệng đến cõi lòng khi không nói, không xin, mà chỉ để được ở bên Chúa, để được Chúa phủ lấp ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Người. Cầu nguyện trong thinh lặng là để con tim tự do mở ra chiêm ngắm và lãnh nhận tình yêu, là cách thế tuyệt vời để cảm nhận sự hiện diện thân tình của Chúa với mỗi người! Đó là lúc chúng ta đang nghe Chúa ân cần bảo ta: “Hãy ở thinh lặng và lắng nghe, bây giờ con hãy nghỉ ngơi và để Cha hành động!”

Giữa xã hội náo động ngày nay, dành được mười lăm phút bên Chúa mỗi ngày đã khó, mà bỏ lại mọi lo âu để thanh thản hiện diện bên Chúa còn khó gấp bội. Nhưng đó là điều cần vì «Không có sự thinh lặng thì hầu như không thể sống đời sống thiêng liêng. Sự thinh lặng bắt đầu với việc dành một thời gian và không gian nào đó cho Chúa và chỉ cho một mình Chúa mà thôi. Nếu ta thực sự tin rằng Thiên Chúa không chỉ hiện hữu mà còn hiện diện sống động để chữa lành và hướng dẫn đời ta, thì ta cần phải sắp xếp một nơi tĩnh lặng, một giờ nhất định nào đó để chỉ quan tâm tới một mình Chúa (x. Mt 6,6)».

Vì «cảm thức về sự hiện diện của Chúa là một hồng ân Chúa ban, chứ không là kết quả do con người thủ đắc», nếu nỗ lực tập luyện, những khó khăn ban đầu sẽ được vượt thắng và rồi nhờ ơn Chúa, «Kỷ luật của sự thinh lặng cho phép ta dần dần đụng chạm được sự hiện diện đầy hy vọng của Thiên Chúa trong đời ta, và nếm cảm ngay từ bây giờ niềm vui và bình an thuộc về trời mới, đất mới».Một khi có được kinh nghiệm về Chúa, chúng ta sẽ thấy Chúa quý giá tuyệt đối và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có Ngài. Sự cầu nguyện trong thinh lặng dần có sức lôi cuốn ta cách mãnh liệt, mang lại cho đời ta sự biến đổi và bình an diệu kỳ.

(kỳ III, Nguồn: dongthanhthe.net)
14 Tháng Tám - Thánh Maximilian Mary Kolbe (1894-1941)

Không hiểu tương lai của con sẽ ra sao!" Ðó là câu mà nhiều cha mẹ từng than thở với đứa con hay đau yếu. Nhưng với Thánh Maximilian Mary Kolbe thì khác. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, "Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không -- mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, 'Con muốn cả hai.' Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất." Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilian Kolbe không còn giống như trước.

Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập "Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm" - Niepolalanow -- mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. "Tên này." "Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.

"Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con."

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

"Mày là ai?"

"Là một linh mục." Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.
(Nguồn: nguoitinhuu.org)

(HT 6-8-2023)

Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ
NGOÀI THÁNH LỄ


4. Chầu Thánh Thể

«Việc chầu Thánh Thể thôi thúc các tín hữu ý thức về sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô và là một lời mời gọi họ hiệp thông thiêng liêng với Chúa. Hơn nữa, đó còn là sự thúc đẩy tuyệt vời để hiến dâng Thiên Chúa sự thờ phượng xứng hợp trong tinh thần và chân lý ».

«Niềm tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa đương nhiên đưa tới việc biểu lộ công khai niềm tin ấy. Lòng sùng mộ thúc đẩy các tín hữu đến với Bí tích Thánh Thể cũng lôi cuốn họ tham dự sâu xa hơn vào Mầu nhiệm Vượt Qua và đáp lại với lòng biết ơn Đấng, qua nhân tính của mình, không ngừng tuôn đổ sự sống thần linh cho các chi thể của Thân Mình Người. Ở bên Đức Kitô, họ được hưởng tình thân sâu xa của Chúa, được gần gũi, tâm sự, cầu xin Chúa cho bản thân, cho người thân, cũng như cho sự bình an và ơn cứu độ của thế giới. Dâng hiến trọn đời sống mình cho Chúa Cha cùng với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, họ được gia tăng đức tin, cậy, mến nhờ những cuộc trao đổi tuyệt vời này. Nhờ vậy, họ được nuôi dưỡng những tâm tình chân thực khiến họ có thể cử hành việc tưởng niệm Chúa với lòng sùng mộ thích đáng và năng rước lấy Bánh Thánh mà Chúa Cha đã ban cho ta».

Chúng ta “thinh lặng” trước sự hiện diện của Chúa và mở lòng đón nhận ân sủng tình yêu… «Nhờ phụng thờ Chúa Thánh Thể, ta được biến đổi nên người Chúa muốn! Theo nghĩa đầy đủ, chầu Thánh Thể có nghĩa là “Thiên Chúa và con người vươn đến nhau cùng một lúc!”».

5. Phép lành Thánh Thể

Linh mục hay Phó tế kết thúc Giờ Chầu Thánh Thể bằng việc ban phép lành Thánh Thể cho những người hiện diện. Đây là một trong những á Bí tích.

Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen, tạ ơn Thiên Chúa và là lời cầu xin các ân huệ của Ngài. Trong Đức Kitô, các Kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha bằng mọi thứ chúc lành thiêng liêng. Bởi vậy, Giáo Hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Đức Kitô.

6. Cung nghinh Thánh Thể

«Rước kiệu ngày lễ trọng kính Mình Máu Chúa là “hình thức tiêu biểu” của những cuộc rước kiệu Thánh Thể. Đó là phần nối dài việc cử hành phụng vụ Thánh Thể: ngay sau lễ kính Mình Máu Chúa, Bánh Thánh được truyền phép trong thánh lễ được rước ra khỏi nhà thờ để giáo dân “bày tỏ công khai lòng tin và lòng mến đối với Bí tích Thánh Thể”». «Các tín hữu hiểu rõ và yêu thích những giá trị của việc rước kiệu Thánh Thể: họ ý thức mình là thành phần của “dân Chúa”, đi cùng đường với Chúa và tuyên xưng niềm tin nơi Đấng thật sự là “Chúa ở cùng chúng ta”». «Thánh Thể được rước đi cũng còn là nguồn mạch phúc lành và vô vàn ơn sủng» (x. Cv 10,38).

7. Đại hội Thánh Thể

Thường tổ chức theo từng cấp từ Giáo Hội địa phương tới hoàn vũ. Trong Đại hội Thánh Thể, các Kitô hữu học hỏi về Mầu nhiệm Thánh Thể sâu xa hơn qua việc nghiên cứu về nhiều khía cạnh thần học hay tu đức.


(kỳ II, Nguồn: dongthanhthe.net)

10 Tháng Tám - Thánh Lôrensô (thế kỷ thứ ba)

Thánh Lôrensô là một trong bảy nô bộc (phó tế) của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao cho trách nhiệm "quản lý tài sản của giáo hội". Khi sự cấm đạo dưới thời hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế khác. Khi đức giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Lôrensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi, "Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?" Ðức giáo hoàng trả lời, "Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta." Nghe thấy thế, Lôrensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Quan Tổng Trấn Rôma, một người tham lam, nghĩ rằng Giáo Hội có giấu giếm nhiều của cải. Do đó, ông ra lệnh cho Lôrensô phải đem hết tài sản của Giáo Hội cho ông. Vị thánh trả lời, xin cho ba ngày. Thế là ngài đi khắp thành phố, quy tụ mọi người nghèo khổ, đau yếu được Giáo Hội giúp đỡ. Khi trình diện họ trước mặt quan, ngài nói: "Ðây là tài sản của Giáo Hội!"

Giận điên người, quan tổng trấn xử phạt Lôrensô phải chết cách thê thảm và chết dần mòn. Vị thánh bị cột trên một vỉ sắt lớn với lửa riu riu để từ từ thiêu đốt da thịt của ngài, nhưng thánh nhân đang bừng cháy với tình yêu Thiên Chúa nên hầu như ngài không cảm thấy gì. Thật vậy, Thiên Chúa còn ban cho ngài sức mạnh đến độ có thể đùa bỡn. Ngài nói với quan tòa, "Lật tôi đi chứ. Phía bên này chín rồi!" Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài nói, "Bây giờ thì đã chín hết rồi." Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Và ngài tiến lên lãnh nhận triều thiên tử đạo.


(Nguồn:nguoitinhuu.org)

(HT 30-7-2023)

Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ
NGOÀI THÁNH LỄ


I. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH LỄ VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

Giữa Thánh lễ và việc Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một mối liên hệ nội tại. «Cử hành Hy tế Thánh Thể là nguồn gốc và đích tới của việc tôn thờ được tỏ bày đối với Thánh Thể ngoài thánh lễ». Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ chính là sự kéo dài thánh lễ chúng ta cử hành, đưa ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. «Bao lâu mà Thánh Thể còn được lưu giữ trong các nhà thờ, Chúa Kitô thực là Đấng Emmanuel, là “Chúa ở với chúng ta”. Chúa ở giữa chúng ta ngày và đêm; đầy tràn ân sủng và sự thật».


II. CÁC VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

Các việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ bao gồm:


1. Việc Rước lễ ngoài Thánh lễ

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, «Lý do tiên quyết và căn nguyên của việc lưu giữ Thánh Thể ngoài Thánh lễ là để trao ban “của ăn đàng” (Viaticum)» cho các bệnh nhân.

Những tín hữu không thể tham dự Thánh lễ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ, «để họ được liên kết với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài được cử hành trong Thánh lễ». Người nhà của bệnh nhân không thể dự lễ, nên dọn lòng rước lễ cùng với bệnh nhân, để nhờ hiệp nhất với Chúa, họ hiệp thông sâu xa hơn với người bệnh trong lời khẩn nguyện và lễ dâng thập giá. 


2. Rước lễ thiêng liêng

Rước lễ thiêng liêng là việc sùng kính riêng tư. Một người yêu mến Chúa Thánh Thể sẽ liên lỉ ước ao kết hiệp với Chúa và vì không thể rước cách Bí tích (rước lễ) thì lòng họ khao khát rước Chúa cách thiêng liêng.

Hiệu quả của việc sùng kính này tùy thuộc lòng nhân từ của Chúa đối với lòng yêu mến khao khát nơi mỗi người. Thực hành này đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ gìn giữ họ luôn sống trong ân sủng và ban ơn giúp họ ngày càng kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết: "Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự Thánh lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành đem lại nhiều ơn ích; qua đó tình yêu của Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên bạn".

Một điểm thuận lợi là ta có thể rước lễ thiêng liêng mỗi ngày nhiều lần, ở bất cứ nơi nào, lúc nào, làm cả ngày sống của ta luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, thành lời cầu nguyện liên lỉ như Chúa dạy (x. Lc 18,1; 21,36).


3. Viếng Chúa

 «Viếng Thánh Thể lưu giữ trong nhà tạm là việc gặp gỡ Chúa cách ngắn ngủi, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Chúa đang hiện diện tại đây và có đặc điểm là cầu nguyện trong thinh lặng». «Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng của lòng tri ân, một dấu hiệu của tình yêu mến và một bổn phận tôn thờ của ta đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta». Thánh Anphonsô Liguori viết: «Trong số các việc đạo đức, việc thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta».


(kỳ I, Nguồn: dongthanhthe.net)
 

1 Tháng Tám: Thánh Anphong Liguori (1696-1787)

Công Ðồng Vatican II xác định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Ðức Piô XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.

Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.

Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế năm 1732. Ðó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy theo gương Ðức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.

Sự canh tân mục vụ lớn lao của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong 26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.

Ngài được tấn phong giám mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.

Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính.

Thánh Anphong nổi tiếng về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Ðức Maria là một trong những công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40 lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.

Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

(Nguồn:nguoitinhuu.org)

(HT 23-7-2023)

LỊCH SỬ CỦA BÁNH LỄ: TỪ Ổ BÁNH MÌ ĐẾN BÁNH LỄ HIỆN NAY (Lucia Graziano)

Bánh lễ phổ biến tại Âu châu thời Caroling

Câu chuyện về Wandregisel chỉ là một truyền thuyết – tuy nhiên, một truyền thuyết có cơ sở xác thực, ít nhất là từ quan điểm niên đại. Vị tu sĩ người Pháp này qua đời năm 665, và chính xác là vào cuối thế kỷ đó, ý tưởng cho rằng bánh được truyền phép trong Thánh lễ tốt nhất nên là bánh dẹt và không men dần bắt đầu được áp dụng trong các giáo phận ở Pháp. Cũng có thể không phải Wandregisel là người đầu tiên đã phát minh ra những tấm bánh thánh Rước lễ, mà là một số “đồng sự” của ngài đã nghĩ ra chúng, những người sống cùng thời và cùng địa hạt với ngài.

Trong thế kỷ thứ VIII, tục lệ truyền phép bánh lễ bắt đầu lan rộng dần. Năm 798, Alcuin thành York đã lên tiếng ủng hộ, nhấn mạnh sự giống nhau của bánh lễ với bánh không men mà Đức Giêsu đã ăn trong Bữa Tiệc Ly. Vài năm sau, Thánh Rabanus Maurus chỉ ra rằng Cựu Ước nghiêm cấm việc sử dụng bánh mì có men làm của lễ hy tế. Hẳn nhiên, Giao ước mới đã cho phép Kitô hữu bỏ đi nhiều luật cấm trong Cựu ước, nhưng vị thánh ở Mainz này vẫn giữ quan điểm cho rằng bánh lễ không men nên được ưu tiên hơn trong bối cảnh đó.

Đến thế kỷ thứ IX, tập tục này coi như đã xác định: nhiều nhà phụng vụ dường như xem đó là điều hiển nhiên, và các văn khố của giáo hội bắt đầu ghi lại nhiều thương vụ về các khuôn đúc bánh lễ, thường được trang trí để in các hình ảnh có chủ đề thánh thiêng trên tấm bánh lễ xốp. Đáng kể hơn nữa, các bản văn của thế kỷ X và XI ghi lại những phản đối của một số “người theo chủ nghĩa truyền thống” (hăng hái nhất trong số họ là Tu viện trưởng Eccard IV và Thánh Gallen), những người không đánh giá cao cách tân này và muốn tiếp tục thánh hiến những ổ bánh mì có men thông thường; và chính những lời chỉ trích lẻ tẻ này cho phép chúng ta đoán được mức độ phổ biến của thực hành mới đã hiện diện vào thời điểm đó.

Dù Eccard có nói gì thì nói, các tấm bánh lễ đã tự khẳng định mình cách dễ dàng trên khắp Giáo hội Tây phương. Chúng được giới giáo sĩ độc quyền chuẩn bị, theo một nghi thức long trọng mà một số người thậm chí mô tả là có “mùi thánh”: các hạt ngũ cốc được chọn ra từng hạt, trút vào những chiếc bao được làm đặc biệt cho mục đích này rồi được các tu sĩ đem đi xay trong thinh lặng thánh, họ dùng những khoảnh khắc này để cầu nguyện. Ngược lại, công việc nướng bánh đi kèm với hát kinh và các bài thánh ca: sau đó những chiếc bánh lễ sẵn sàng được mang đến các tu viện và phân phát cho các nhà thờ có nhu cầu.

Như những đồng xu nhỏ làm phong phú tâm hồn

Đây chưa phải là những tấm bánh lễ xốp mà chúng ta biết ngày nay: thẩm định từ những gì mà các nguồn tài liệu của thời đại ấy đã viết, mọi thứ đều khiến chúng ta tưởng tượng được rằng những tấm bánh lễ đầu tiên dùng trong nghi lễ vẫn giữ nguyên kích thước đường kính của những chiếc bánh được mang lên bàn ăn. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng người ta thường lấy chúng để đậy lên trên chén lễ (cho thấy rõ ràng là các tấm bánh phải lớn hơn miệng chén lễ); một vài nguồn tài liệu còn cho chúng ta biết về những chiếc bánh Thánh Thể thậm chí còn đủ lớn để bẻ ra thành những miếng bánh nhỏ đủ cho cả tuần.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta nhận ra rằng hình thức của những chiếc bánh thánh lớn như vậy khiến chúng trở nên cực kỳ dễ vỡ: để tránh khả năng khi bẻ bánh nhiều lần, những mảnh nhỏ có thể vô tình bị rơi vãi, các tu sĩ thấy cần phải chuyển sang dạng một phần nhỏ, có thể nói như vậy. Do đó, những chiếc bánh lễ xốp tròn nhỏ mà ngày nay chúng ta vẫn nhận được khi Rước lễ đã ra đời như thế đó; và ngay cả trong trường hợp này, một số nhà luân lý vẫn nhíu mày: nhìn từ xa, những tấm bánh lễ đó trông giống như những đồng xu, phù hợp với quầy đổi tiền hơn là nơi cầu nguyện!

Nhưng lời chỉ trích đó đã sớm được giải thích lại theo hướng tích cực. Vào thế kỷ XII, thần học gia Honorius thành Autun đã chỉ ra rằng sự so sánh đó là hoàn toàn thích hợp; và quả thực, nó có tính tượng trưng khi tên của Thiên Chúa được in trên bánh lễ, giống như tên của vị vua trị vì được in trên các đồng xu ở trần gian. Theo đánh giá của nhà thần học này, phép loại suy này thật hoàn hảo và đầy tính biểu tượng: ngay cả khi bánh thánh là những đồng xu, theo cách riêng của chúng, thì chúng cũng được Vua trên trời phân phát cách hào phóng. Chúng thực sự là những đồng xu, và nằm trong số những đồng tiền quý giá nhất: những đồng quý kim duy nhất mà nhờ đó ta có thể nếm hưởng đặc ân đối diện với Chúa, mặt đối mặt.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: aleteia.org
Nguồn: gpquinhon.org / hdgmvietnam.com
(đăng tiếp kỳ trước và hết)


26 Tháng Bảy: Thánh Gioankim và Thánh Anna

Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Ðức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Ðức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Ðức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Ðức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Ðức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.

Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Ðức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Ðức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Ðức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.

Các đức tính nổi bật của Ðức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.

Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.

(nguồn từ nguoitinhuu.org)

(HT 16-7-2023)

LỊCH SỬ CỦA BÁNH LỄ: TỪ Ổ BÁNH MÌ ĐẾN BÁNH LỄ HIỆN NAY (Lucia Graziano)

Các Tin Mừng đã nói rõ ràng: trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu “cầm lấy bánh”. Hẳn nhiên, ta biết rõ rằng bánh mà Đức Giêsu sử dụng phải là bánh không men, biểu tượng của Lễ Vượt Qua (thông tin ít oi này cũng không ngăn được nhiều họa sĩ vẽ Bữa Tiệc Ly mô tả Đức Giêsu cầm một ổ bánh mì có men bình thường). Tuy nhiên, bánh không men và bánh lễ không cùng một sự việc và trông cũng không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, khi nào (và tại sao) có phong tục sử dụng những mẫu bánh lễ xốp nhỏ, màu trắng, trong các cử hành phụng vụ?

Tập tục chắc là có từ lâu, nhưng không phải từ thời đầu của Kitô giáo: các linh mục trong những thế kỷ đầu đã thánh hiến những chiếc bánh mì có men thông thường rồi phân phát các miếng nhỏ cho các tín hữu. Nhưng bánh lễ hiện đại bắt nguồn từ khi nào?

Để trả lời câu hỏi này, ta có thể nại đến một truyền thuyết hay vài nguồn tài liệu lịch sử. Và vì truyền thuyết thì luôn có tính hấp dẫn, nên chúng ta sẽ bắt đầu bằng lựa chọn này trước khi chuyển sang lựa chọn thứ hai để có câu trả lời chặt chẽ hơn.

Bánh lễ hiện đại: Do một tu sĩ phát minh khi đưa ra quyết tâm cho Mùa Vọng (theo truyền thuyết)

Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta là Thánh Wandregisel, người thành lập tu viện Fontanelle ở Pháp. Vào thời ấy (tiền bán thế kỷ VII), gia đình quý tộc của ngài được coi là quan trọng: thật thú vị khi biết rằng bác của Wandregisel là ông tổ của vương triều Caroling. Nhưng, bất cần đến những vinh dự của gia đình (và nói thẳng ra là không quan tâm đến những thứ mà ngài có thể kiếm chác được từ đó), Wandregisel đã chọn cuộc sống sám hối và hãm mình, mặc áo tu sĩ.

Truyền thuyết kể rằng ngài được giao nhiệm vụ chuẩn bị những ổ bánh mì sẽ được thánh hiến trong Thánh lễ Giáng Sinh. Lúc đó là giữa mùa đông, và đó là tháng 12 lạnh nhất. Vài tuần trước, ngay đầu Mùa Vọng, Wandregisel đã quyết tâm chịu lạnh mà không làm bất cứ điều gì để sưởi ấm mình, dâng hiến việc hãm mình đó để đền tội mình và vì lợi ích của Giáo hội.

Vì thế, khi được chỉ định ngồi lò để chuẩn bị bánh cho phần Rước lễ, ngài ta thấy mình trong một tình thế khó xử: làm sao có thể nướng bánh mà không hưởng lấy hơi ấm của lò mà ngài đã hứa là phải nhịn? Chắc chắn ngài không thể từ chối nhiệm vụ đã nhận (vì việc hãm mình có ảnh hưởng đến những người lựa chọn chúng mà không được ảnh hưởng đến những người khác, tạo ra một phản ứng dây chuyền về các vấn đề liên quan); tuy nhiên, Wandregisel tìm cách để không vi phạm quyết tâm của mình trong Mùa Vọng đó, điều mang lại cho ngài rất nhiều lợi ích.

Sau khi xoay trở vấn đề, vị tu sĩ này ra ý tưởng dùng chiếc kẹp sắt dài, giống như những chiếc kẹp mà người thợ rèn dùng để cầm những vật nóng chảy trong lò rèn. Ngài gắn vào lưỡi kẹp hai dĩa kim loại thích hợp để giữ hỗn hợp bột và nước; và rồi cầm cán dài của dụng cụ đó, đứng ở một khoảng cách an toàn với lò sưởi, vị ẩn tu đã xoay sở để nướng hàng trăm ổ bánh mì mà không hề “bị” ấm một chút nào!

Vấn đề phức tạp đã xảy ra: những chiếc bánh quy giòn ra khỏi lò nướng thay vì những ổ bánh mì. Khi bị ép bằng kẹp, bánh mì có hình tròn và dẹt, thành một chiếc bánh xốp giòn. Nhưng kết quả đã không làm phật lòng các tu sĩ trong tu viện chút nào, họ thực sự đánh giá cao loại bánh mì mới này vì giữ được lâu và dễ bảo quản. Trong vòng vài năm, khám phá của Wandregisel đã được chấp nhận đến mức nó trở thành quy chuẩn cho toàn thể Giáo hội Công giáo: tất cả là nhờ một tu sĩ không muốn phá vỡ quyết tâm Mùa Vọng của mình!

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: aleteia.org
Nguồn: gpquinhon.org / hdgmvietnam.com
(sẽ đăng tiếp kỳ sau)

16 Tháng Bảy: Ðức Bà Núi Camêlô

Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Ðức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là "Các Tiểu Ðệ của Ðức Bà Núi Camêlô." Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Ðức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Ðức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Ðức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Ðức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria.

Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là "Dòng của Ðức Trinh Nữ." Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Ðức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu tin rằng Ðức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Ðầu, ngài dâng mình cho Ðức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Ðức Maria.

Có một truyền thuyết nói rằng Ðức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy. Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Ðức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Ðức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Ðúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội -- là lời mời gọi mà Ðức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.

22 Tháng Bảy: Thánh Maria Mađalêna

Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Ðức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tuy nhiên, người rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng, vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng người là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36-50.

Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm. Maria Mađalêna, chính là “Maria Mácđala”, người được Ðức Kitô chữa khỏi “bảy quỷ” (Luca 8:2) -- đó là một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.

Cha W.J. Harrington, dòng Ða Minh, trong cuốn New Catholic Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), người viết “bảy quỷ” “không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại -- đó là một kết luận do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna “không phải là người tội lỗi như được viết trong Luca 7:37, dù rằng sau này Tây Phương có truyền thống gán ghép điều ấy cho người.”

Maria Mađalêna là một trong những người “đã giúp đỡ các người (Ðức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ.” Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ. Và, trong các nhân chứng “chính thức” đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì người là một trong những người được ưu tiên đó.

Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị “nhận diện sai lầm” trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng người không cho đó là điều khác biệt. Tất cả chúng ta là kẻ có tội đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng “bán chính thức” của sự Phục Sinh.
(nguồn từ nguoitinhuu.org)

(HT 9-7-2023)

11 Tháng Bảy: Thánh Bênêđích (Biển Ðức) (480?-543)

Thật đáng tiếc là không ai viết nhiều về một vị đã thể hiện biết bao kỳ công ảnh hưởng đến nếp sống đan viện Tây Phương. Thánh Bênêđích được đề cập đến nhiều trong các Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả sau khi ngài chết khoảng năm mươi năm, nhưng đó chỉ là các sơ thảo của biết bao điều lạ lùng trong cuộc đời thánh nhân.

Ngài sinh trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, thuộc miền trung nước Ý, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, ngài đã thích đời sống đan viện. Lúc đầu, ngài là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất.

Sau đó không lâu, ngài thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó ngài đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm. Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn ngài làm vị lãnh đạo, nhưng họ cảm thấy không thể theo được sự nghiêm nhặt của ngài. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Ngài có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một "Ðại Ðan Viện", đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà. Sau cùng, ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.

Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong một cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng. Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh. Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.

15 Tháng Bảy: Thánh Bônaventura (1221-1274)

Thánh Bônaventura -- một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh --vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Ðạo Ðức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương "Cha Thánh" là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô

Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.

Vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Ðồng Lyon II đang khai diễn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Ðồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Ðức Bônaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: "Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành."
(nguồn từ nguoitinhuu.org)

(HT 2-7-2023)

3 Tháng 7: Thánh Tôma Tông Ðồ

Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Ðức Giêsu: "Anh tin là vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin" (Gioan 20:29).

Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Có thể điều ngài nói là do bốc đồng -- vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Ðức Giêsu bị bắt bớ -- nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Ðức Giêsu. Ðó là khi Ðức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, "Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy" (Gioan 11:16b). Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Ðức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Ðộ, đem Ðức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô Hữu của Thánh Tôma." Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.

6 Tháng 7: Thánh Maria Goretti (1890-1902)

Thánh Maria Goretti sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn.

  Maria Goretti là con gái của một gia đình nghèo người Ý, mà cha chết sớm, chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi con. Cô không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.

  Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng cơ thể cô đã phát triển đẫy đà. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn là phạm tội. "Ðó là tội. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này." Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria Goretti.

  Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi từ trần.

  Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.

  Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ phong chân phước, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Piô XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô. Ba năm sau, vào năm 1950, ngài được phong thánh. Trong đám đông những người dự lễ có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.

Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp.

(nguồn từ nguoitinhuu.org)