SỐNG ĐỨC TIN
Radio 1480 AM - Sống Đức Tin - Phát Thanh Hằng Tuần Từ 8-9 giờ Tối Mỗi Thứ Năm
240926 Radio 240919 Radio 240912 Radio 240905 Radio 240829 Radio 240822 Radio 240815 Radio
240808 Radio 240801 Radio 240725 Radio 240718 Radio 240711 Radio 240704 Radio 240627 Radio
240620 Radio 240613 Radio 240606 Radio 240530 Radio 240523 Radio 240516 Radio 240509 Radio
240502 Radio 240425 Radio 240418 Radio 240411 Radio 240404 Radio 240328 Radio 240321 Radio
240314 Radio 240307 Radio 240229 Radio 240222 Radio 240215 Radio 240208 Radio 240201 Radio
240125 Radio 240118 Radio 240111 Radio 240104 Radio 231228 Radio 231221 Radio 231214 Radio
231207 Radio 231130 Radio 231123 Radio 231116 Radio 231109 Radio 231102 Radio 231026 Radio
231019 Radio 231012 Radio 231005 Radio 230928 Radio 230921 Radio 230914 Radio 230907 Radio
230831 Radio 230824 Radio 230817 Radio 230810 Radio 230803 Radio 230727 Radio 230720.2 Radio
230720.1 Radio 230713 Radio 230706 Radio
(HT 6-10-2024)
RƯỚC LỄ LÀ HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH
Tại sao giữ Ngày Chúa Nhật, Ngày của Chúa
Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là việc cử hành Ngày của Chúa, trong đó các tín hữu tụ tập để tưởng nhớ sự hy sinh của Đức Kitô và Rước Lễ. Sự cam kết kiên định của Hội Thánh sơ khai đối với Thánh Lễ, ngay cả khi đối mặt với sự đàn áp, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể như nguồn nuôi dưỡng và hiệp nhất thiêng liêng.
Trải qua hai ngàn năm lịch sử, các Kitộ hữu đã kiên trì dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để được Rước Lễ. Ở khắp nơi trên thế giới các chứng nhân đức tin đã liều chết để được dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Đối với các ngài “Không có ngày của Chúa, không có bữa ăn của Chúa, không có món quà là Mình và Máu Chúa, thì chúng tôi không thể sống được.” Thực ra, các ngài thà chết chứ không thể không có Thánh Lễ. Và các ngài đã chết. Một ngày, Thánh Lễ đối với các ngài và việc Rước Lễ không chỉ đơn thuần là nghi thức, không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ, mà là sự sống còn.
Bằng một cách nào đó, Hội Thánh là chính mình nhất khi Hội Thánh quy tụ để cử hành Thánh Lễ. Ở đây hiện diện cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Ở đây chúng ta tham dự vào sự thờ phượng đích thực mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Ở đây chúng ta nhận được chính sự sống của Thiên Chúa đổ ra cho chúng ta. Ở đây chúng ta trở thành thân thể của Đức Kitô, là Hội Thánh. Không có gì quan trọng hơn điều này. Và đây là lý do tại sao chúng ta nói về Bí tích Thánh Thể như nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống chúng ta.
Kết luận
Để kết luận, xin mượn lời của Công Đồng Vaticanô II, “Khi tham dự Thánh Lễ, nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, [các tin hữu] dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong Bí tích cực trọng này. Vì vậy, nhờ dâng lễ và qua việc Hiệp Thông Thánh, tất cả đều tham dự vào nghi lễ phụng vụ này, thực ra không phải tất cả đều cùng một cách, nhưng mỗi người theo cách riêng của mình. Được bổ sức trong việc Hiệp Thông Thánh bởi Mình Đức Kitô, họ biểu lộ một cách cụ thể sự hiệp nhất của dân Chúa, được biểu thị một cách thích hợp và thực hiện một cách kỳ diệu bởi Bí tích cao cả nhất này.” (Lumen Gentium, 11).
Câu hỏi để suy nghĩ
1. Tại sao có nhiều người Rước Lễ mỗi ngày hay mỗi tuần hết năm này đến năm khác mà không thay đổi gì cả?
2. Tại sao bạn lên Rước Lễ khi đi dự Thánh Lễ? Bạn đã làm gì trước và sau khi Rước Lễ?
Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ III và hết)
________________________________________________________________________________________________
NHÀ THỜ TƯ GIA VÀ HẦM MỘ
(Loại bài viết về nghệ thuật kiến trúc Kitô giáo trong dòng lịch sử)
Cuối năm 2024 sẽ khai mạc Năm Thánh. Dịp này nhiều anh chị em Công giáo sẽ đi hành hương Roma và các nơi thánh khác bên châu Âu. Quý vị sẽ thăm các hầm mộ âm u và nhiều nhà thờ đồ sộ, lộng lẫy, cũng như chiêm ngắm nhiều tranh tượng của các nghệ sĩ bậc thầy diễn tả về Chúa, về Đức Mẹ Maria, về các thánh và về các mầu nhiệm Kitô giáo.
Để giúp quý vị thăm quan và kính viếng các nơi thánh một cách ý nghĩa và thú vị hơn, đồng thời cũng giúp quý vị sống đạo cách thâm sâu hơn, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu sơ lược về các kiểu kiến trúc thánh đường và một số nhà thờ cũng như một số tranh tượng điển hình mà có thể quý vị sẽ chiêm ngưỡng trên bước đường hành hương.
Đối với mỹ thuật Công giáo thì kiến trúc là căn bản nhất, xuất hiện đầu tiên và có tính bao trùm nhất trong khi hội hoạ và điêu khắc đi theo kiến trúc, nghĩa là thông thường thì người ta xây nhà thờ rồi mới trang trí nhà thờ bằng tranh và tượng. Vì vậy ở đây chúng tôi sẽ lần lượt đề cập đến các kiểu kiến trúc thành đường và sau đó là các kiểu tranh tượng điển hình xuất hiện trong dòng lịch sử của Giáo Hội.
***
1-NHÀ THỜ TƯ GIA
Từ thế kỷ I cho đến đầu thế kỷ IV, tư gia là nơi các Kitô hữu tụ họp để học hỏi lời Chúa và cử hành nghi thức bẻ bánh, như thánh Phaolô đã nói trong các thư của ngài. Nó chưa phải là nhà thờ đúng nghĩa, vì thực chất ban đầu nó là nhà ở và nó thuộc quyền sở hữu cá nhân.
Có nhiều nhà thờ tư gia ở các thành phó có Kitô hữu hiện diện, tuy nhiên nổi tiếng nhất và còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là nhà thờ tư gia nằm ở thành phố Dura Europos, nước Siria. Đây là một căn nhà mặt tiền nằm trên một con phố rải đá gần cổng thành. Toà nhà này gồm 2 tầng; gia chủ ở lầu 1 và tặng tầng trệt cho cộng đoàn làm nhà thờ.
Phần làm nhà thờ được chia thành ba phòng bao quanh một giếng trời: chính giữa là phòng nghe giảng và học giáo lý; bên trái, lớn nhất là phòng dự lễ bẻ bánh và thờ phượng Chúa; bên phải nhỏ nhất là phòng rửa tội, nơi này có bức bích hoạ trang trí những cảnh lấy từ Cựu ước và Tân ước, được vẽ từ năm 232. Nhà thờ này tồn tại cho đến năm 256 thì bị bỏ hoang khi thành phố Dura Europos bị người Ba Tư xâm chiếm và tàn phá.
Từ thế kỷ thứ III, một số nhà thờ tư gia được dâng tặng cho Giáo Hội và các nhà thờ này thường mang tên người dâng tặng. Thành Roma có khoảng 25 nhà thờ như vậy vào thế kỷ IV, trong số đó một số còn tồn tại đến ngày nay như nhà thờ Thánh Prisca, nhà thờ Thánh Clemente, nhà thờ Các Thánh Gioan và Phaolô, nhà thờ Thánh Martino ai Monti, nhà thờ Thánh Cecilia in Trastevere.
Ngày nay, nếu chúng ta đến thăm vương cung thánh đường Thánh Cecilia tử đạo, khi đi xuống tầng hầm, chúng ta sẽ thấy toà nhà Roma cổ đại còn khá nguyên vẹn với các phòng ốc khác nhau và một phần được dùng làm nhà thờ tư gia. Phần này về sau được cải tạo trở thành nhà nguyện kính Thánh Cecilia và xác Thánh Nữ ngày nay được bảo quản và tôn kính ở đây.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT (kỳ I)
Bình đồ và hình ảnh bên trong nhà thờ tư gia tại Dura Europos. Số 1 là nơi cử hành nghi thức bẻ bánh. Số 2 là phòng học giáo lý. Số 3 là nơi rửa tội. Bên phải là phòng rửa tội có giếng rửa tội và các bức bích họa.
(HT 29-9-2024)
RƯỚC LỄ LÀ HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH
Thánh Augustinô thường nói về điều này bằng từ ngữ rất đơn giản. Ngài chỉ nói, bạn trở thành điều bạn lãnh nhận. Nếu bạn Rước Lễ một cách xứng đáng và sốt sắng, bạn sẽ trở nên giống Đức Kitô hơn.
“Bánh mà anh em thấy trên bàn thờ, được lời Thiên Chúa thánh hóa, là Mình Đức Kitô. Chén, hay đúng hơn là điều bên trong chén, được thánh hóa bởi Lời Chúa, là Máu Đức Kitô. Trong những dấu chỉ này, Đức Kitô, là Chúa muốn trao cho chúng ta Mình và Máu Người đã đổ ra để tha tội chúng ta. Nếu bạn đã nhận chúng đúng cách, chính bạn là điều bạn đã lãnh nhận.”
Đó là sự kết hợp thiêng liêng, kết hợp chúng ta cách mật thiết với Thiên Chúa, nên một với Thiên Chúa nhờ quyền năng biến đổi của việc Rước Lễ cách xứng đáng.
Hiệp Thông Thánh cũng là Hiệp Thông với Hội Thánh.
Khi Chúa Giêsu đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, Người thêm sức cho chúng ta để tiếp tục sứ vụ của Người trên thế gian trong Hội Thánh. Qua việc Hiệp Thông Thánh, chúng ta thực sự trở nên Thân Mình của Đức Kitô vì Chúa Giêsu đang sống trong chúng ta. Chúng ta trở thành anh chị em với nhau vì chúng ta có cùng dòng máu chảy trong huyết quản. Thánh Phaolô đã nói về điều này rất rõ ràng rằng “Bởi vì chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một tấm Bánh, một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh này.” (1 Cor 10:17)
Qua việc Hiệp Thông Thánh, Bí tích Thánh Thể trở thành dấu chỉ hữu hiệu và là nguyên nhân cao cả của sự Hiệp Thông trong đời sống thiêng liêng và sự hiệp nhất của dân Thiên Chúa, nhờ đó Hội Thánh được tồn tại. Sách Giáo lý câu 1936 nói rõ rằng nếu không có Thánh Thể, thì chúng ta sẽ không thực sự hiệp nhất với nhau. Chúng ta sẽ không thực sự là một phần của thân thể Đức Kitô. Bằng cách này, “Thánh Thể làm nên Hội Thánh.” Đó là lý do tại sao chúng ta không cho phép những người ngoài Công giáo hay những người đang có tội trọng lên Rước Lễ. Không phải vì chúng ta không tôn trọng đức tin Kitô giáo của họ. Nhưng bởi vì Rước Lễ là một hành động giao ước. Đó là một hành động mà tôi tuyên bố tôi là một phần của Hội Thánh này. Tôi hiệp thông với Hội Thánh này. Chưa theo đạo thì chưa hoàn toàn hiệp thông. Phạm tội trọng là mất sự hiệp thông.
Rước Lễ đòi hỏi một lời thề giao ước long trọng, trong đó các tín hữu khẳng định sự cam kết của họ với Đức Kitô và Hội Thánh. Từ “Amen” cổ trong tiếng Do Thái có nghĩa là đồng ý với sự tự hiến theo giao ước của Chúa Giêsu, tuyên bố ước muốn của một người được kết hợp với Người. Giống như những người lính Rôma ngày xưa đã tuyên thệ ràng buộc với các tướng lĩnh của họ, các Kitô hữu lập lại mối liên hệ giao ước của họ với Đức Kitô qua việc Rước Lễ.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để minh họa mối liên hệ mật thiết giữa các tín hữu và chính Người. Qua việc Rước Lễ, chúng ta ở lại trong Đức Kitô, chia sẻ sự sống của Người và sinh hoa trái. Nếu chúng ta mắc tội trọng là chúng ta đã cắt đứt sự hiệp thông này và chúng ta cần phải giao hoà với Thiên Chúa qua Bí tích Hoà giải trước. Thánh Phaolô giải thích thêm về khái niệm này khi mô tả các tín hữu là chi thể của thân thể Đức Kitô, hiệp nhất qua việc họ tham dự bữa ăn Thánh Thể.
Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II)
_________________________________________________________________________________________________
Thánh Giêrô-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh (St. Jerome) Ngày 30/9
Khi đọc lại hạnh các Thánh, người ta không khỏi ngạc nhiên, có rất nhiều vị Thánh đã được ơn trở lại sau nhiều năm sống trong tình trạng không biết Chúa, sống là dân ở ngoài theo ngôn ngữ của người Do Thái thời đó. Thánh Giê-rô-ni-mô là một trong các vị Thánh đã được ơn quay trở về với Chúa, với Giáo Hội khi Ngài đi học ở Roma.
Cuộc đời của thánh Giêrônimô nối liền với lòng đạo đức, thánh thiện và sự từ bỏ không ham gì lợi danh trần thế. Lịch sử ghi rằng: thánh Giêrônimô sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, Ngài chưa hề biết Chúa, Ngài cất tiếng khóc chào đời tại Stridon, miền Dalmatie thuộc nước Nam Tư. Lớn lên vì gia đình có tiền bạc, có thế giá, thánh nhân được gửi đi du học ở Roma, tại đây Ngài được lãnh nhận bí tích rửa tội trở thành con Chúa và con của Giáo Hội. Với lòng nhiệt tình, hiếu học, Ngài đã tốt nghiệp sau những năm dài miệt mài học tập. Cha mẹ nào lại không muốn cho con mình thành tài và có danh trong xã hội. Chính vì thế, cha của Ngài bắt Ngài trở về quê hương để làm việc cho triều đình tại Trêve, nhưng thánh nhân đã tìm các từ chối. Thánh nhân cảm nghiệm sâu xa lời Chúa:" Hãy từ bỏ, hãy về bán hết của cải, phân chia cho kẻ nghèo khó, rồi đi theo Ta." Thánh nhân đã đi rao khắp Palestina và sau cùng ẩn tu trong sa mạc Syrie để đắm mình trong chiêm niệm, suy nghĩ về thân phận con người và phúc lộc quê trời. Ngài miệt mài học, nghiên cứu Thánh Kinh.
Rời sa mạc Syria, Ngài được Giáo Hội cất nhắc và được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Và vào năm 382, Ðức giám mục Paulinô mời Ngài cùng đi Roma để tham dự công đồng. Vì tài đức, sự thánh thiện và trí thông minh của Ngài, ngài được vô số người ái mộ. Ðức Thánh Cha Ðamasô đã đặt Ngài làm bí thư riêng của Người và trao cho Ngài trách nhiệm nghiên cứu phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng La Tinh.Ngài thông thạo nhiều thứ tiếng: Latinh, Hy Lạp, Do Thái và Chaldée. Thánh nhân sửa chữa các bản dịch Thánh Kinh theo nguyên bản Hy Lạp.Bản Vulgata tiếng La Tinh vẫn còn được Giáo Hội dùng cho mãi tới ngày hôm nay.
Thánh nhân có tấm lòng quả cảm, thái độ cương quyết: Ngài đả phá những thái độ quá khích và sai lạc của một số tu sĩ. Ngài đề cao đức khiết tịnh và lấy Thánh Kinh làm cơ sở, nền tảng, căn bản cho đời sống tu đức. Ðời luôn không xuông xẻ như con người nghĩ tưởng, thánh nhân thành công nhiều, nhưng đó cũng là cái cớ cho nhiềungười ghen ghét Ngài.Năm 385 sau khi Ðức Giáo Hoàng Ðamasô tạ thế, Ngài trở về Palestina sống những ngày cuối đời tại Bêlem. Năm 393, Ngài phải đương đầu quyết liệt với một thầy Dòng Giovênê về đức khiết tịnh và tranh luận với ông Origène về những vụ án sai lầm có liên quan đến tín lý và tinh thần Phúc Âm của Chúa Kitô.
Năm 420, quân Hung Nô tiến chiếm Palestina, phá hủy Tu Viện của Ngài tại Bêlem và Ngài đã tạ thế tại đây. Xác của Ngài được đem về Roma và chôn cất trong đại thánh đường Ðức Bà Cả. Thánh nhân đã được thưởng công và Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô VII suy tôn Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
Các tư tưởng của thánh nhân để lại luôn xuất phát từ nguồn Phúc Âm. Ngài luôn đi theo giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và Hội Thánh. Chính vì thế, cuộc đời của thánh nhân luôn họa lại hình ảnh đích thực của Chúa Kitô. Ngài đã có tấm lòng từ bi nhân hậu của Chúa, nhưng Ngài cũng rất quả cảm khi đứng trước những con người chống phá Hội Thánh và đi ngược lại tinh thần Phúc Âm. Ngài đã thực hiện như lời Chúa phán, Chúa dậy và hành động quả cảm như Chúa Giêsu khi Ngài đuổi quân buôn bán ra khỏi Ðền Thờ.
Thánh nhân được Giáo Hội tán dương vì sự trung thành của Ngài đối với Chúa, đối với Giáo Hội. Việc Ngài được Ðức Thánh Cha Bonifaciô VII suy tôn lên bậc tiến sĩ Hội Thánh nói lên rằng Ngài đã để lại cho Giáo Hội và nhân loại những chỉ dẫn, những tư tưởng lỗi lạc nhưng hoàn toàn thuần túy bắt nguồn từ Phúc Âm. Ngài xứng đáng được Giáo Hội tán dương.
Lạy thánh Giêrônimô, xin mở miệng chúng con để chúng con luôn ca ngợi và nói lời Chúa vì chỉ lời Chúa mới làm cho chúng con đi đúng đường và hạnh phúc.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
(HT 22-9-2024)
THÁNH LỄ LÀ HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH
Trong những bài trước, chúng ta đã học về việc Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta đến nỗi tự nguyện chịu chết cho chúng ta. Không những thế, Người còn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể còn được gọi là Sự Hiệp Thông Thánh chính vì, khi đặt chúng ta trong sự hiệp thông với Hy tế của Đức Kitô, chúng ta được hiệp thông mật thiết với Người và với nhau qua Người. Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) là đỉnh cao thiêng liêng, thể hiện sự kết hợp mật thiết nhất giữa Thiên Chúa và con người. Bài này tóm tắt giải thích của Đức Cha Andrew Cozzens về nguồn gốc Thánh Kinh, ý nghĩa thần học và ý nghĩa thực tế của việc Hiệp Thông Thánh, làm sáng tỏ vai trò trung tâm của Bí tích này trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất và hiệp thông trong Thân Mình Đức Kitô.
Hiệp Thông Thánh là Thông Phần vào Sự Sống của Thiên Chúa
Hiệp Thông Thánh là hình ảnh thu nhỏ của cuộc gặp gỡ thân mật giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Bắt nguồn từ tình yêu hy sinh của Đức Kitô, Bí tích này dẫn đến sự kết hợp mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Trong Thánh Lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha những hy sinh nhỏ bé của mình kết hợp với Hy Lễ của Đức Kitô trên Thập giá. Để đáp lại, Ngài ban lại cho chúng ta chính Con Một Ngài. Nhờ ân sủng của Bí tích Thánh Thể, chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao các Giáo Phụ của Hội Thánh khi nói về Bí tích Thánh Thể, thường sự so sánh nó với một tiệc cưới, ý tưởng này cho rằng lễ cưới giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta diễn ra trong Thánh Lễ, và trong sự hiệp thông ấy cả hai trở nên một xương một thịt.
Nền tảng Thánh Kinh của Hiệp Thông Thánh
Nếu quay lại Cựu Ước, chúng ta thấy rằng hình ảnh đám cưới hay hôn nhân là hình ảnh chính được sử dụng trong đó để diễn tả giao ước với Thiên Chúa với dân Ngài. Và tất cả những điều đó được ứng nghiệm trong sách Khải Huyền, trong đó Hội Thánh được mô tả như Tân Nương của Đức Kitô đang sẵn sàng đến và gặp gỡ Tân Lang của mình. Chính Thánh Phaolô đã nói về điều này trong chương 5 của thư Êphêxô, ở đó ngài nói, cuộc hôn nhân thực giữa Đức Kitô và Hội Thánh xảy ra vào lúc trên Thập giá.
“Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.” (Eph 5:25-27)
Điều chúng ta thấy là Thập giá là lúc mà Thiên Chúa kết hợp chính Mình với chúng ta bằng cách hiến mạng sống của Người cho chúng ta. Thánh Phaolô nói, cái chết của Người thanh tẩy và thánh hóa Tân Nương và chuẩn bị cho nàng cho sự kết hợp này. Tiệc cưới này tuy đã xảy ra trong quá khứ, nhưng được tái trình bày, hay hiện tại hoá cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ để chúng ta được cùng tham dự. Do đó, Thánh Lễ là tiệc cưới mà ở đó các tín hữu được kết hợp với Đức Kitô qua sự Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ), thông phần vào tình yêu tự hiến của Người.
Những Giải Thích Thần học về Hiệp Thông Thánh
Các nhà thần học Kitô giáo thời ban đầu, như Thánh Ambrose, Augustinô và Nicholas Kabasilos, đã suy niệm về ý nghĩa thâm thuý của việc Hiệp Thông Thánh. Thánh Ambrose ví việc Rước Lễ như nụ hôn của Đức Kitô dành cho hiền thê của mình, biểu thị sự hiện diện thân mật của Người với chúng ta.
Thần học gia Nicholas Kabasilos của Chính Thống giáo mô tả “mầu nhiệm Thánh Thể hoàn hảo đến độ đưa chúng ta đến đỉnh cao của mọi điều tốt lành.” Đây là mục tiêu cuối cùng của mọi ước muốn của con người bởi vì ở đây chúng ta đạt được Thiên Chúa và Thiên Chúa kết hợp với chúng ta trong sự kết hợp hoàn hảo nhất. Sự thật là Đức Kitô yêu thương chúng ta và khao khát được ở gần chúng ta đến nỗi Người đến sống trong chúng ta và Người muốn kết hợp Chính mình trong chúng ta, với chúng ta để biến đổi chúng ta từ bên trong.
Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ I)
____________________________________________________________________________________________________
Thánh Vinh-sơn Phaolô, linh mục (St. Vincent de Paul)
Ngày 27/9
Nói về một con người, đề cập đến cuộc sống của một con người là nói lên cuộc sống của con người ấy: thời gian họ sống, thái độ, tư tưởng, cách sống của họ.Thánh Vinh-sơn Phaolô,linh mục là nét đẹp tô điểm Giáo Hội Chúa Kitô.
Thánh Vinh-sơn Phaolô,sinh tại Pouy miền Aquitaine nước Pháp vào khoảng năm 1581.Ngài lãnh sứ vụ linh mục vào năm 1600.Cuộc đời của Ngài, ngay từ hồi còn thơ ấu đã nổi rõ nét là một con người đầy vị tha,bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo hèn.Chính vì thế, thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời.Dù với bất cứ chức vụ nào:Bề trên Dòng Thăm Viếng, Bề Trên Tu Hội triều hay trong cương vị� của một mục tử,thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan.Ngài yêu thương các người nghèo khó,những kẻ đau khổ,những kẻ lao động vất vả,đặc biệt Ngài lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ.Lời Chúa trong bài giảng tám mối phúc thật Mt 5, 1tt, được Ngài thực hiện cách tận căn: đi và dậy người ta bước đi trên con đường hiến chương nước trời.Ngài đã sống tận cùng lời Chúa:cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống,cho kẻ rách rưới ăn mặc,thăm viếng kẻ bị tù đầy vv.(Mt 25, 1tt ).
Chúa đã dậy mọi người bài học yêu thương.Yêu thương tận cùng và yêu thương không ngừng.Chính Chúa đã sống tận cùng sự yêu thương bằng cái chết trên thập hình.Chết mới nói lên lời.Trên thập giá, Chúa đã nói lên tất cả:yêu thương và tha thứ.Chúa đã trở nên nghèo, để sống với người nghèo.Thánh Vinh-sơn Phaolô đã yêu thương người nghèo,những kẻ bơ vơ vất vưởng,đầu đường xó chợ,không nhà không cửa.Theo gương Chúa,thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn cứu giúp người nghèo,sống như người nghèo trong việc phục vụ, lao động để gần gũi chúa.Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa.Sống như người nghèo là sống như Chúa.Gặp gỡ người nghèo là gặp gỡ Chúa.
MỘT GƯƠNG SÁNG
Thánh Vinh-sơn Phaolô lúc nào cũng tận tụy với công việc. Dù cuộc đời Ngài đã cao tuổi,thánh Vinh-sơn lúc nào cũng rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin vui của Chúa không mệt mỏi, không chán nản.Người ta không ngại gọi Ngài là vị tông đồ của giới lao động.Vì quả thực,với tuổi già sức yếu,Ngài luôn hoàn thành sứ mạng của vị mục tử, luôn chu toàn trách vụ của đời linh mục.Ngài luôn tâm niệm lời Chúa:" .đến để phục vụ, đến để tìm kiếm và đến để qui tụ ".
Ngài qua đời vào năm 1660 sau khi đang miệt mài với sứ vụ của mình. Chúa thưởng công Ngài bằng muôn vàn phép lạ sau khi an nghỉ, vì thế, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII đã nâng Ngài lên bậc hiển thánh. Với các việc làm mang tính xã hội tuyệt vời của Ngài lúc còn sống, Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn Ngài làm bổn mạng các hội từ thiện công giáo.
Lạy thánh Vinh-sơn Phaolô, linh mục xin cầu bầu cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con biết bắc chước Ngài mà sống yêu thương, bác ái đối với mọi người.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
(HT 15-9-2024)
Bài Giảng của Đức Hồng Y Luis Tagle trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ 2024
Điều Này Dẫn Tôi Đến Điểm Thứ Ba và Điểm Cuối Cùng
Sau khi một số môn đệ rời đi, Chúa Giêsu đã hỏi mười hai Tông Đồ, “Các con cũng muốn bỏ đi sao?” Ông Simon Phêrô thưa Người, “Thưa Thầy, chúng con sẽ theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời. Chúng con đã tin và xác tín rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đang hỏi mỗi người chúng ta, “Các con cũng muốn bỏ Thầy như những người khác sao?” Tôi hy vọng chúng ta có thể trả lời như ông Phêrô, “Chúng con sẽ ở lại với Thầy, lạy Chúa. Chúng con từ chối sống xa Thầy.” Nhưng đừng để những lời này là sáo ngữ. Giống như ông Phêrô, chúng ta nên tin với lòng tin vững chắc. Chúa Giêsu không áp đặt mình lên bất kỳ ai. Người kêu gọi sự tự do nội tâm của chúng ta. Đức tin và sự xác tín là những món quà chúng ta tặng lại cho Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình cho chúng ta. Vậy nên tôi hỏi anh chị em, anh chị em thân mến, anh chị em có ở lại với Chúa Giêsu không? Amen.
Được rồi, tôi chưa nói hết. Những ai chọn ở lại với Chúa Giêsu sẽ được Chúa Giêsu sai đi. Món quà là sự hiện diện và tình yêu của Người dành cho chúng ta sẽ là món quà chúng ta tặng lại cho mọi người. Chúng ta không được giữ Chúa Giêsu cho riêng mình. Đó không phải là môn đệ. Đó là ích kỷ. Món quà chúng ta đã nhận được, chúng ta phải tặng như một món quà. Anh chị em đã trải nghiệm sự dịu dàng của Chúa Giêsu đối với các môn đệ mệt mỏi của Người, cho họ thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống, như được kể lại trong Tin Mừng hôm nay chưa? Hãy đi và chia sẻ tình yêu dịu dàng của Chúa Giêsu với những người mệt mỏi, đói khát và đau khổ. Anh chị em đã trải nghiệm lòng trắc ẩn và sự hướng dẫn của Chúa Giêsu khi anh chị em như những con chiên không có người chăn chưa? Hãy đi và chia sẻ sự vuốt ve của mục tử Giêsu với những người lạc lối, bối rối và yếu đuối. Anh chị em đã trải nghiệm trái tim bị thương tích của Chúa Giêsu kết hợp với những người đang bị xa lìa nhau, như Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô chưa? Bây giờ hãy đi và chia sẻ món quà hòa giải và hòa bình của Chúa Giêsu với những người đang chia rẽ.
Trong thư gửi cho tôi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ hy vọng, và tôi xin trích dẫn, “Những người tham dự Đại hội, nhận thức đầy đủ về những món quà phổ quát mà họ nhận được từ lương thực bởi Trời, có thể truyền đạt chúng cho người khác.” Vì vậy, một dân tộc Thánh Thể là một dân tộc truyền giáo và Phúc Âm hoá.
Kết Luận
Giờ đây, tôi thực sự kết thúc bài này ngay bây giờ. Tôi xin phép được kết thúc bằng cách chia sẻ một kinh nghiệm. Khi tôi còn là một Linh mục coi giáo xứ, tôi để ý thấy một người phụ nữ vô cùng tận tụy với nhà thờ. Vào các ngày Chủ Nhật, bà đến sớm vào buổi sáng để giúp đỡ trong tất cả các Thánh Lễ và các hoạt động khác và chỉ về nhà khi nhà thờ đã được dọn dẹp và đóng cửa. Một ngày nọ, tôi cảm ơn bà vì sự tận tụy của bà, và tôi cũng cảm ơn gia đình bà đã cho phép bà phục vụ. Câu trả lời của bà khiến tôi ngạc nhiên. Bà nói, “Cha ơi, đừng lo lắng về gia đình con. Con ở lại đây trong nhà thờ và tham dự tất cả các Thánh Lễ vì con không muốn gặp chồng con. Con ước gì ngày nào cũng là Chúa Nhật để con có thể tránh xa gia đình con.”
Các bạn thân mến, khi Linh mục hoặc Phó tế nói “Thánh Lễ đã hết, chúc anh chị em ra về bình an”, xin hãy đi! Hãy đi ngay! Đừng dành cả ngày để uống cà phê với Đức Ông hoặc các Cha. Hãy đi! Hãy đi! Và những gì bạn đã nghe, đã chạm vào và đã nếm thử, bạn phải chia sẻ với người khác. Chúng ta đã nhận được món quà của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đi để rao giảng Chúa Giêsu một cách sốt sắng và vui tươi để cho thế gian được sống.
Phaolô Phạm Xuân Khôi, Phỏng dịch theo video YouTube (kỳ III và hết)
___________________________________________________________________________________________-
Thánh Gia-nu-a-riô, Giám Mục, Tử Ðạo, Ngày 19/9
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II,vào buổi trưa đọc kinh truyền tin tại Castel Gandolfo 26/7/2002 trước khi đi Canada,dự ngày quốc tế giới trẻ đã tuyên bố với những người có mặt trong khi đọc kinh nhật một:Angélus rằng:" Chúng con ở đây,chúng con ở đó !Nghe lời Chúa,và không sợ,chúng con sẽ quăng lưới Tin Mừng( Lc 5, 5 ).Lời của Ðức Giáo Hoàng vang dội :Tin Mừng cứu độ của Chúa phải được tung vãi cho muôn dân khi xưa cũng như hôm nay. Vì Tin Mừng, đã có biết bao nhiêu người hy sinh mạng sống. Thánh giám mục Gianuariô cũng không ở ngoài định luật của Phúc Âm, Ngài đã liều mình vì Tin Mừng và đã trả giá bằng chính mạng sống của mình.
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ÐỜI
Thánh Gianuariô sinh năm 270 tại nước Ý. Với tính tình cương nghị, lòng nhiệt thành đạo đức, thánh nhân không tha thiết gì cuộc sống trần gian. Lúc nào trong thâm tâm sâu thẳm của Ngài cũng vang lên tiếng Chúa:"Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho ngươi trở nên kẻ đánh lưới người ". Nghe tiếng Chúa gọi mời, thánh nhân mau mắn đáp trả tiếng Chúa gọi, bằng tất cả lòng yêu thương, vô vị lợi của mình. Vì thế, năm 320, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và chỉ ít lâu sau, Ngài được bầu làm giám mục Bénévent. Vào thời kỳ Ngài làm giám mục cũng là lúc các Hoàng đế Ðiôclitianô và Maximiô ra tay bách hại Giáo Hội Chúa Kitô một cách gắt gao, không hề tiếc xót. Dù rằng cuộc bách hại đạo mỗi lúc mỗi gia tăng, thánh nhân vẫn nhiệt tình phục vụ Giáo phận, phục vụ mọi người không hề mảy may nao núng, danh tiếng của Ngài vang dội khắp nơi. Ngài cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong cộng đồng Sardique, nên Thánh nhân là đích tấn công của các kẻ thù ghen ghét Giáo Hội nhắm tới. Thánh Gianuariô thường đi thăm viếng các tù nhân để củng cố đức tin cho họ và động viên họ giữ đạo, tìm được sự an bình tâm hồn, thể xác. Cuộc bách hại đạo công giáo càng lúc càng trở nên khốc liệt, gay gắt và nguy hiểm. Thánh nhân tới miền Pouzzoles và� bị sa vào tay kẻ thù. Thánh hân bị tra tấn cách hết sức dã man, sau cùng bị án tử hình và Ngài bị người ta ném cho thú dữ xâu xé thân xác, nhưng Chúa làm phép lạ tỏ tường để chứng tỏ quyền năng Chúa gìn giữ thân xác thánh nhân vẹn toàn. Thánh nhân,lãnh phúc tử đạo tại Pouzzoles vào năm 350.
CHÚA THƯỞNG CÔNG NGÀI
Chúa đã nói với các môn đệ của Người:" Ai theo Ta sẽ được gấp trăm ở đời này và lãnh phần thưởng đời sau ". Thánh nhân được nhiều người tôn kính vì những nhân đức anh hùng của Ngài: lòng nhiệt thành, sự thương giúp người nghèo, lòng đạo đức, thánh thiện của Ngài, đặc biệt phép lạ Chúa làm cho máu Ngài luôn tươi tốt và có đủ mọi đặc tính như khi Ngài còn sống. Khoa học và Y khoa đã chứng minh điều đó. Bình thường, hàng ngày máu ấy đọng khô và đen sẫm. Tuy nhiên, Chúa làm cho máu Ngài loãng ra một năm 3 lần vào tháng 5, tháng 9 và tháng 12, và trong quá khứ máu của Ngài đã báo trước những thiên tai khủng khiếp đã xẩy ra tại nước Ý. Phép lạ máu loãng, tươi tốt như khi còn sống đã chứng tỏ quyền năng vô biên của Chúa. Qua phép lạ này, nhiều người nhận ra uy quyền tuyệt đối của Chúa. Ngài có quyền trên sự sống và cả trên sự chết nữa. Tại nhà thờ Naples nước Ý Ðại Lợi, phép lạ máu của thánh Gianuariô loãng ra vẫn xẩy ra hằng năm 3 kỳ như đã nói ở trên. Dân thành Naples đã chọn thánh nhân làm bổn mạng của thành họ.
Lạy thánh Gianuariô, xin cầu bầu cho chúng con có đức tin bền vững để nhận ra phép lạ Chúa vẫn thực hiện trong đời sống hằng ngày của mỗi người chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
(HT 8-9-2024)
Bài Giảng của Đức Hồng Y Luis Tagle trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ 2024
Và khi sự bi quan chiếm ưu thế, chúng ta chỉ thấy bóng tối, thất bại, vấn đề, những điều đáng phàn nàn. Chúng ta không còn nhìn thấy các món quà trong những con người và các sự kiện. Và những người không nhìn thấy món quà trong chính mình và trong người khác sẽ không biết tặng quà. Họ sẽ không đi ra truyền giáo được. Thực ra, tôi nghe nói rằng một số người thích liên hệ với những người được gọi là bạn bè hoặc hẹn hò do trí tuệ nhân tạo làm ra vì họ không nhìn thấy món quà ở những người thực sự bằng xương bằng thịt.
Với những người chồng và người vợ ở đây, có thể cho tôi biết những ai đã kết hôn ở đây, những ai là những người chồng và những người vợ ở đây không? Chà! Những người chồng và người vợ, các bạn nhìn thấy điều gì ở nhau? Một món quà hay một vấn đề? Câu trả lời không rõ ràng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi không có sứ vụ giữa vợ và chồng. Nếu bạn không coi họ là món quà, thì, hỡi ôi! Những người con, có ai là những người con ở đây không? Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều là những người con. Những người con, các bạn nhìn thấy gì ở cha mẹ mình? Một món quà hay một thẻ ATM? Các bậc cha mẹ, các cha mẹ, các anh chị thấy gì ở con cái mình? Một món quà hay gánh nặng? Linh mục và Phó tế, các bạn thấy gì ở Giám mục của mình? Xin lỗi, phải không? Các tu sĩ nam nữ, các bạn thấy gì ở Bề trên nhà dòng của mình? Giám mục, các bạn thấy gì ở các Linh mục và Phó tế của mình? Ồi, các ngài nói là vấn đề. Một món quà, món quà, món quà.
Hỡi các bạn, các bạn thấy gì ở một người nghèo, một người vô gia cư, một người bệnh? Các bạn thấy gì ở một người khác biệt với các bạn? Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy trao tặng cho nhau món quà là sự hiện diện. Hãy đến nhà thờ, đi Lễ, với món quà là thân xác, giọng hát, mồ hôi, nước mắt, nụ cười của bạn. Chúa Giêsu trao tặng Thịt của Người. Tại sao chúng ta không thể trao tặng Người và cộng đồng món quà là sự hiện diện thể xác của mình?
Điểm Thứ Hai Chúa Giêsu Là Một Món Quà
Chúa Giêsu, một món quà hay một vấn đề? Một món quà. Vâng, Chúa Giêsu đã nói với những người nghe Người trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chương 6, rằng để tiếp nhận Người, chấp nhận Người, trước hết có nghĩa là tin vào Người và thứ đến là ăn Thịt và uống Máu Người. Các môn đệ, những người ban đầu háo hức lắng nghe Người, bắt đầu nghi ngờ. Họ nói, “Câu nói này khó nghe quá. Ai có thể chấp nhận được?” Họ cũng đặt câu hỏi liệu Chúa Giêsu có được Thiên Chúa sai đến hay không vì họ biết Người là con ông Giuse và bà Maria. Kết quả là, nhiều môn đệ của Người đã rời bỏ Người, nghĩa là, và tôi trích dẫn, “Họ trở lại lối sống trước đây của họ và không còn đi theo Người nữa.” Họ trở lại lối sống trước đây của họ và không còn đi theo Người nữa. Họ trở lại lối sống không có Chúa Giêsu. Họ chọn sự vắng mặt của Người hơn là sự hiện diện của Người trong cuộc đời của họ. Thay vì đi cùng Người, họ đi một mình. Việc họ từ chối món quà là Lời, Mình và Máu của Chúa Giêsu có nghĩa là họ sẽ không bước đi theo Người. Và Người cũng không thể sai họ đi ra truyền giáo.
Tôi mời các bạn, cùng với anh chị em của mình, hãy dừng lại và đặt ra những câu hỏi khá đớn đau về sự từ bỏ Chúa Giêsu cách bí ẩn này của các môn đệ. Liệu chúng ta, những môn đệ của Người, có thể cũng một phần nào làm cớ cho những người khác rời bỏ Chúa Giêsu mà đi không? Tại sao một số người lại bỏ Chúa Giêsu khi Người ban tặng cho họ món quà quý giá nhất là sự sống đời đời? Tại sao một số người đã được rửa tội lại quay lưng lại với món quà của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể? Liệu việc đào luyện về Kinh Thánh, giáo lý và phụng vụ của chúng ta có cho phép món quà là Con Người của Chúa Giêsu tỏa sáng một cách rõ ràng không? Việc cử hành Thánh Lễ của chúng ta có biểu lộ sự hiện diện của Chúa Giêsu hay nó làm lu mờ sự hiện diện của Người? Những người đi Lễ có biểu lộ sự hiện diện của Đức Kitô qua các chứng từ về cuộc sống, lòng bác ái và sứ vụ của họ không? Các cộng đồng giáo xứ của chúng ta có cung cấp những kinh nghiệm về sự gần gũi và quan tâm của Chúa Giêsu không? Gia đình chúng ta có vẫn là những thày dạy và truyền đạt đức tin chính không? Những người trẻ có cảm thấy được lắng nghe và nghe về cuộc tìm kiếm Chúa Giêsu của họ không? Những tư duy văn hóa nào thách đố đức tin vào Lời Chúa Giêsu và Món quà Tự hiến của Người?
Bây giờ tôi chuyển hướng câu hỏi của mình. Có thể có những người mong muốn được hiện diện với Chúa, nhưng họ ngần ngại không dám đến, giống như những người nghèo, vô gia cư, di cư, tị nạn, dân bản địa, khiếm thính, người già và nhiều người vô danh khác, có thể cảm thấy họ không thuộc về nơi này. Nhưng chúng ta đừng nản lòng. Chúa Giêsu sẽ không mệt mỏi khi đến với chúng ta với món quà là Chính Người, ngay cả khi Ngài bị thương tích.
Phaolô Phạm Xuân Khôi, Phỏng dịch theo video YouTube (kỳ II)
______________________________________________________________________________________---
Ngày 13 tháng 09 THÁNH GIOAN KIM KHẨU, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Thánh Gioan Kim Khẩu sinh năm 347, tại Antiochia, Nước Syria. Ngài là con trai duy nhất của một sĩ quan cấp cao thời đó. Thánh nhân được gọi là “Kim Khẩu”, vì khi giảng dạy, ngài phát ra những lời quý giá như vàng; ngài có tài hùng biện, trí khôn ngoan sắc sảo và uyên thâm. Qua các bài giảng và tác phẩm của ngài, người ta cảm nhận được nơi ngài một con người nhân bản, thánh thiện, nhẫn nại và giàu sức sống.
Chúng ta cùng dừng lại ở ba điểm sau:
· Một người mẹ hy sinh tất cả vì con
Người cha qua đời để lại người vợ còn rất trẻ khi mới 20 tuổi đời, và đứa con thơ bé là thánh Gioan Kim Khẩu. Giữa lúc khó khăn vì mất chồng, mẹ thánh nhân đã đưa ra một quyết định quả cảm: từ chối tái hôn để nuôi dạy con cho đến chết. Từ đây, người mẹ đơn thân tập trung nuôi dạy Gioan nên người tốt và hữu ích cho Giáo hội. Thánh nhân được mẹ dạy về nhân bản, đạo đức, thói quen cầu nguyện và thinh lặng.
Nhờ sự chăm sóc tận tình của người mẹ đạo đức, thánh Gioan Kim Khẩu sớm trổi vượt trên đường nhân đức, nổi tiếng về trí thức và tài hùng biện. Năm 20 tuổi, thánh nhân đã đứng ra trước tòa để biện hộ: tài lợi khẩu của ngài đã làm cho nhiều người cảm phục.
Tuy nhiên, mẹ ngài đã qua đời vào năm 372. Với biến cố đau thương này, ngài cảm thấy sự chống qua của thế gian và danh vọng, nên quyết tâm dứt bỏ tất cả để nhất tâm hiến dâng đời mình cho Chúa.
· Cầu nguyện và phục vụ
Năm 374, thánh Gioan ẩn mình trong miền núi Syria, thụ giáo với tu sĩ thánh thiện trong bốn năm. Sau đó, ngài ẩn mình trong một hang đá hai năm để cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh. Những năm sống trong hang động (374-378) làm sức khỏe của ngài suy giảm rất nhiều; ngài ngã bệnh vì cuộc sống quá khắc khổ. Sau đó, ngài theo thánh Meletô (+381), vị Giám mục Antiochia, là đấng đã dạy dỗ, rửa tội và phong cho ngài tác vụ đọc sách. Ngài gia nhập hàng giáo sĩ Antiochia, và được thánh giám mục Meletô cho lãnh nhận chức phó tế năm 381 và chức linh mục vào năm 386. Từ đó, ngài bắt đầu giảng dạy, một phận vụ lúc ấy chỉ do các giám mục phụ trách. Suốt 38 năm, tài lợi khẩu của ngài thật đặc biệt có sức lôi cuốn cả dân thành Antiochia.
Ngày 26 tháng 02 năm 398, thánh Gioan được tấn phong Giám Mục thành Constantinople. Ngài mau mắn sửa đổi lại tòa Giám mục, chấn chỉnh hàng giáo sĩ, quyết tâm nhổ tận gốc rễ những lạm dụng trong giáo đoàn và nhiệt tâm chăm lo đời sống tinh thần cũng như vật chất cho đoàn chiên. Ngài bán của cải và phân phát cho người nghèo khó và xây dựng một nhà thương, thăm viếng những người bất hạnh. Ngài khuyến khích rước lễ thường xuyên và thành tâm trước các mầu nhiệm của đạo. Ngài cách chức các Giám Mục bất xứng, lo canh tân đời sống luân lý của hàng giáo sỹ, đuổi những tu sỹ không lo kinh nguyện trong đan viện mà lại “ham thích” hướng ngoại.
Với tất cả những tài năng vốn có cùng với ơn Chúa trợ giúp, ngài đã lập lại trật tự nơi hàng giáo sĩ, đời sống đạo của dân chúng được bén rễ sâu trong đức tin và Danh Chúa được cả sáng nơi người thế.
· Can đảm nói lên sự thật
Với tất cả sự hùng biện, ngài chỉ lối dống vô kỷ luật và xa hoa tại triều đình. Sự can đảm của ngài làm phật lòng hoàng hậu Eudoxia. Bà cảm thấy khó chịu khi bị vị thượng phụ lên án lối sống thiếu thanh khiết, bèn liên kết với Theophile, thượng phụ giáo chủ thành Alexandria, tìm cách chống lại và hạ bệ ngài. Vị thượng phụ giáo chủ thành này đã hạ bệ thánh Gioan Kim Khẩu trong một công nghị do ông triệu tập với một lý do lạc giáo. Đối diện với ác tâm của hoàng hâu, thánh nhân nói: "Hãy nói với Hoàng Hậu rằng: Gioan Kim Khẩu chỉ sợ có một điều, không phải lưu đày tù tội, cũng không phải nghèo túng và phải chết đi nữa, mà chỉ sợ phạm tội thôi".
Montfort Nguyễn Xuân Pháp, Ocist.
(HT 1-9-2024)
Bài Giảng của Đức Hồng Y Luis Tagle trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ 2024
Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Một Thiên Chúa là Tình Yêu, đã quy tụ chúng ta như một gia đình đức tin trong Thánh Lễ bế mạc của Đại hội Thánh Thể Toàn quốc này. Tôi mang đến cho anh chị em lời chúc lành của người cha chung, Đức Thánh Cha Phanxicô. Như tất cả chúng ta cầu nguyện, Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện để Đại hội có thể đâm hoa kết quả, thật nhiều hoa quả, cho sự canh tân của Hội Thánh và xã hội Hoa Kỳ.
Trước khi đến đây, tôi đã hội ý Đức Thánh Cha xem ngài có thông điệp gì cho anh chị em hay không. Ngài nói, “Hãy trở lại với Thánh Thể. Hãy hoán cải trở về với Thánh Thể.” Sau đó, ngài quay sang tôi và nói, “Hãy cư xử tốt.” Vì Đại hội Thánh Thể sẽ được tiếp nối bằng việc sai các thừa sai Thánh Thể ra đi truyền giáo, tôi muốn đưa ra một số điểm để chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ, sự liên kết, giữa việc hoán cải Thánh Thể và hoán cải truyền giáo.
Điểm Thứ Nhất: Được Sai Đi để Làm Món Quà cho Người Khác
Chủ đề của Đại hội Thánh Thể Toàn quốc của chúng ta được trích từ Chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Vào thời viên mãn, Chúa Cha đã sai Ngôi Lời hằng hữu của Ngài trở thành nhục thể nhờ Chúa Thánh Thần. Người hiện diện giữa loài người chúng ta, như một con người giống như chúng ta trong xác phàm, ngoại trừ tội lỗi. Chúa Con được Chúa Cha sai đến như một món quà ban sự sống, một món quà trong xác thịt con người của Chúa Giêsu. Chính Người đã tuyên bố, “Thịt Ta để cho thế gian được sống”. Chúng ta nên lưu ý rằng mô tả của Chúa Giêsu về việc Người được Chúa Cha sai đến luôn gắn liền với món quà Thịt của Người được ban cho người khác. Người được sai đến và trở thành một món quà.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chương 6, câu 38, Chúa Giêsu nói, “Vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta.” Chúa Giêsu có một ý thức sâu xa rằng Người đã được sai đi để thi hành một sứ vụ. Người cũng nói, trong Gioan 6:32, “Chính Cha Ta đã ban cho các người bánh thật sự bởi Trời.” Nhưng bánh này là gì? Chúa Giêsu nói, trong câu 35, “Ta là Bánh Hằng Sống”. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để ban cho người khác, được sai đến để trở thành một món quà. Người không được sai đến chỉ để đi lang thang và vui hưởng cuộc đời. Người được sai đến để được ban tặng. Người truyền giáo là một món quà. Truyền giáo không chỉ là công việc, mà còn là món quà hiến tặng chính bản thân mình.
Chúa Giêsu hoàn thành sứ vụ của mình bằng cách ban tặng chính mình, Thịt Người và sự hiện diện của Người cho người khác như Chúa Cha mong muốn. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là một món quà và là sự hoàn thành sứ vụ của Người. “Đây là Mình Thầy được ban cho các con, Máu Thầy đổ ra cho các con”, luôn luôn vì các con, vì tất cả mọi người, không bao giờ vì Thầy, vì các con, vì tất cả mọi người. Trong Chúa Giêsu, sứ vụ và món quà ban tặng chính mình gặp nhau. Bí tích Thánh Thể là khoảnh khắc đặc ân để cảm nghiệm sứ vụ của Chúa Giêsu như một món quà ban tặng chính bản thân mình.
Các bạn thân mến, tôi chợt nghĩ rằng khi chúng ta thiếu hoặc nhụt đi lòng nhiệt thành truyền giáo, có lẽ một phần là do sự suy yếu trong việc trân quý những món quà và ý thức rằng mình là quà tặng. Chúng ta có còn nhìn vào chính mình, vào những con người, đồ vật, công việc của mình, xã hội, các biến cố của cuộc sống hàng ngày và các thụ tạo trong tầm nhìn về món quà hay không? Hay là tầm nhìn này đang biến mất? Nếu tầm nhìn của chúng ta chỉ là thành tích, thành công và lợi nhuận, thì không có chỗ để nhìn thấy và đón nhận những món quà nhưng không. Không có chỗ cho lòng biết ơn và sự tự hiến. Sẽ chỉ có một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ để tự khẳng định chính mình, cuối cùng trở nên áp bức và mệt mỏi, dẫn đến việc chỉ biết nghĩ đến mình hoặc chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Phỏng dịch theo video YouTube (kỳ I)
_______________________________________________________________________________________
Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, Giáo Hoàng, Tiến Sĩ Hội Thánh, Ngày 03/9
Nhiều sử gia khi viết về đời sống và hoàn cảnh xã hội dưới thời Ðức Grêgoriô đã không ngần ngại ghi 4 chữ sau đây: "hoàng-kim-thời-đại." Người ta có thể hãnh diện về người mình quen biết, về người mình mến mộ hay suy tôn là bậc thầy khi đời sống của con người đó để lại nhiều công trình tốt đẹp.
Thánh Grêgoriô được sinh ra trong một gia đình đạo đức và thế giá tại La Mã. Ðạo đức đã đảm bảo cho thánh nhân một cuộc sống trong lành trong xã hội và thế giá cho thấy, tương lai của thánh nhân hứa hẹn nhiều chỗ đứng vững chắc trong xã hội loài người. Lịch sử ghi lại ngay từ buổi thiếu thời, thánh nhân đã tỏ ra là một đứa bé rất thông minh, tài trí và có lòng đạo đức tuyệt vời. Càng lớn lên, Ngài càng học giỏi, mưu lược và có tài lãnh đạo, vì thế càng lúc Ngài càng bước lên những nấc thang cao của danh vọng trần gian. Tuy nhiên, vì là con người đạo đức, thánh thiện, thánh nhân vẫn không cảm thấy thỏa mãn và luôn xao xuyến như chưa làm được gì lợi ích cho Chúa và cho Giáo Hội. Chúa luôn có con đường của Chúa và Chúa đưa con người đi theo hướng, theo ý định của Ngài. Nên, vào năm 575, thánh nhân đã dứt khoát theo Chúa, Ngài bán tất cả của cải sẵn có, phân phát, chia sẻ cho những con người nghèo và dấn thân vào một tu viện. Năm 580-585, Ngài lãnh nhận chức phó tế và được Giáo Hội sai đi thi hành sứ vụ tại Constantinople.Ngài có tâm hồn mục tử, con tim nhạy bén,yêu thương người nghèo và có tài điều khiển. Vì thế, Ngài được Giáo Hội mời về Roma để giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo triều. Ðiều gì Thiên Chúa đã định, Người thực hiện ý định của Người.Vào năm, 590, Ngài được bầu vào chức vị tối cao của Giáo Hội, kế vị thánh Phêrô trên ngai tòa Giáo hoàng.
CON NGƯỜI.CUỘC ÐỜI
Có thể nói, ngay giây phút, thánh nhân quyết định bán tất cả của cải và chia sẻ cho những người nghèo. Chính giây phút đó,Ngài đã vâng theo tiếng gọi của Chúa,nhất định đi theo Chúa,chứ không như chàng thanh niên giầu có tiu nghỉu bỏ đi khi Chúa Giêsu nói với anh:"Ngươi chỉ còn thiếu một điều.". Thánh Grêgoriô đã hiểu rõ ý Chúa và thực thi ý Chúa.Ngài đã biến giây phút ấy trở thành giây phút hồng phúc nhất để theo Chúa Kitô trên đường phục vụ và giới thiệu nước trời. Trên ngai tòa thánh phêrô 14 năm trời, thánh nhân đã nỗ lực xây dựng Hội Thánh trong nhiều lãnh vực: chú giải thánh kinh,phục hưng bình ca và phụng vụ . Ngoài ra, Ðức giáo hoàng Grêgoriô cũng đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề xã hội và những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ðức thánh cha Grêgoriô có cái nhìn sâu sắc và nhìn rộng khắp trên mọi lãnh vực. Vì thế, triều đại giáo hoàng của Ngài là một triều đại hài hòa giữa đạo và đời. Thánh nhân, lưu tâm đến sự thăng tiến trong đời sống đạo nhưng Ngài cũng luôn nhắm phát triển xã hội sao cho phù hợp với đà tiến của văn minh tiến bộ. Tuy làm Giáo hoàng, nhưng thánh nhân luôn sống giản dị, khiêm tốn và yêu thương người nghèo. Ngài luôn tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Sống hiền lành và khiêm nhượng" "Sống để phục vụ, chứ không để được hầu hạ." Ðức Grêgoriô luôn tự xưng mình là đầy tớ của các đầy tớ Chúa.
THÁNH NHÂN NHẮC NHỚ
Qua cuộc sống thánh thiện, đạo đức của thánh nhân, Ðức Grêgoriô muốn gửi cho mọi người sứ điệp: Hãy sống thật tình, sống đạo đức và dấn thân phục vụ Chúa Kitô.Cuộc đời của mỗi người Kitô hữu là một món quà quí giá Chúa trao tặng cho ta. Hãy làm cho món quà ấy trở nên hữu ích và càng ngày càng quí hóa hơn vì nó là hình ảnh của chính Ðức Kitô.
Thánh nhân qua đời năm 604 và vào năm 1298, Ðức thánh cha Bonifaciô VIII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
(HT 25-8-2024)
THÁNH THỂ ĐƯA TA VỀ TRỜI VỚI MẸ
Tin Mừng, thoạt nhìn qua, im lặng về vấn đề này. Trong trình thuật việc thiết lập (Bí tích Thánh Thể), vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, không ai nói đến Đức Maria. Trái lại ai cũng biết là Mẹ đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x. Cv 114) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần “trong nghi lễ bẻ bánh” (Cv 2, 42).
Nhưng khi vượt xa hơn việc Mẹ tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, người ta có thể phỏng đoán cách gián tiếp mối liên hệ giữa Đức Maria và Bí tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một phụ nữ “Thánh Thể”. Khi nhìn Đức Maria là mẫu gương của mình, Giáo hội cũng được mời gọi theo gương Mẹ trong mối liên hệ của mình với Mầu Nhiệm rất thánh này[4].
Hơn hết hãy lắng nghe Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, nơi Mẹ, Mầu Nhiệm Thánh Thể tỏa sáng như một mầu nhiệm sự sáng. Khi quay hướng về Mẹ, chúng ta biết được sức mạnh làm biến đổi của Bí tích Thánh Thể. Trong Mẹ chúng ta nhìn thấy thế giới được canh tân trong tình yêu. Khi chiêm ngắm Mẹ - Đấng hồn xác Lên Trời - chúng ta khám phá ra cái gì đó của “trời mới, đất mới”, sẽ mở ra trước mắt chúng ta khi Chúa Kitô quang lâm. Bí tích Thánh Thể là bảo chứng ngay từ trần gian này và một cách nào đó là nếm trước sự quang lâm đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20)[5].
Một xác tín khác đến từ cha thánh Phêrô Giulianô Êma. Thánh nhân đã khám phá ra sự sống của Mẹ Maria trong Nhà Tạm vào thời Giáo Hội sơ khai. Ngài đã viết: “Mẹ Maria đã bị lôi cuốn cách mãnh liệt bởi Thánh Thể đến độ Mẹ không thể sống xa rời Bí tích Cực Trọng này”. Chúng ta khó có thể mường tượng ra tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giêsu thậm chí lớn hơn cả khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng: “Tình yêu khi được khởi nguồn từ Thiên Chúa nếu được dưỡng nuôi thì luôn triển nở”. Tình yêu của Mẹ Maria đối với Chúa Giêsu được dưỡng nuôi nhờ sự hiệp thông thánh thiêng và nhờ sự tôn thờ đã triển nở đến khi lòng ước muốn của Mẹ lớn hơn cả nỗi lo sợ cái chết, thậm chí Mẹ đã chết vì yêu thương.
Tạm kết: Chiêm ngắm “mẫu gương sống Thánh Thể” của Mẹ, các Kitô hữu tràn trề hy vọng và tin tưởng chắc chắn rằng: “THÁNH THỂ ĐƯA TA VỀ TRỜI VỚI MẸ”. Điều đó là chắc chắn bởi vì thánh Êma, vị tông đồ Thánh Thể đã xác tín như thế: “Mỗi khi suy niệm mầu nhiệm Đức Mẹ được rước về Trời trong cánh tay yêu thương của Chúa Cha và được kết hiệp với Con Mẹ, chúng ta sẽ tràn đầy hy vọng. Mẹ luôn là Mẹ của ta và như thế Mẹ đang cầu bầu cho ta đồng thời dạy bảo và nâng đỡ ta. Chúng ta hãy noi gương Mẹ trong việc ở lại thật gần bên Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Chúng ta hãy rước lễ hàng ngày với một tình yêu lớn lao và hãy tôn thờ Ngài trong Nhà Tạm. Chúng ta hãy nhìn Thân Mình vinh quang của Ngài vì còn ẩn dưới hình Bánh Thánh và luôn nhớ rằng Ngài muốn gieo hạt giống sự sống của chính Ngài nơi chúng ta và nâng chúng ta lên vào ngày sau hết”[6].
dongthanhthe.net (kỳ II và hết)
_____________________________________________________________________________________________
8 Lý Do Để Biến Đổi Một Giáo Xứ
Từ Tình Trạng Bảo Trì sang Truyền Giáo
8. Chấp Nhận Đổi Mới và Khả Năng Thích Nghi
Cuối cùng, việc chuyển sang tình trạng truyền giáo bao gồm việc chấp nhận sự đổi mới và khả năng thích nghi. Tình trạng bảo trì thường dựa vào những thói quen làm việc theo truyền thống và sợ thay đổi. Điều này có thể cản trở khả năng của giáo xứ trong việc đáp ứng với những thách đố, những nhu cầu và những cơ hội có thể có trong hiện tại.
Các giáo xứ truyền giáo luôn cởi mở với những ý tưởng và phương pháp truyền giáo và mục vụ mới. Điều này có thể liên quan đến việc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tiếp cận ảo với giáo dân, đặc biệt là giới trẻ, qua mạng, phát triển các kinh nghiệm mục vụ, huấn giáo và phụng vụ có tính sáng tạo, nhưng tuân theo giáo luật, hoặc thực hiện các sáng kiến mục vụ mới nhằm giải quyết các nhu cầu cụ thể của cộng đồng. Bằng cách thích nghi và đổi mới, các giáo xứ có thể luôn trở nên thích hợp với hoàn cảnh và hữu hiệu trong một thế giới không ngừng đổi thay.
Kết Luận
Việc đổi một giáo xứ từ tình trạng duy trì sang tình trạng truyền giáo là điều cấp thiết để khơi dậy đức tin, giải quyết thảm trạng rời bỏ Hội Thánh, đặc biệt là của giới trẻ, nhấn mạnh đến Bí tích Thánh Thể, vun trồng một nền văn hóa truyền giáo, giải quyết các nhu cầu xã hội và cộng đồng, nuôi dưỡng ý thức thuộc về Hội Thánh, chia sẻ trách nhiệm cho giáo dân và chấp nhận đổi mới. Sự biến đổi này không chỉ là những thay đổi về cơ cấu mà còn là một sự đổi mới về tâm linh sâu xa nhằm gắn liền giáo xứ với sứ vụ cơ bản của Hội Thánh. Bằng cách chuyển sang tình trạng
truyền giáo, các giáo xứ có thể trở thành những trung tâm sống động của đức tin, của niềm hy vọng và của đức ái, truyền cảm hứng và trang bị cho mỗi giáo dân trở thành một thừa sai Thánh Thể trên thế gian. Mục đích của trang web EucharisticRevival.org bằng tiếng Anh và trang web PhuchungThanhthe.org bằng tiếng Việt là để trang bị cho các giáo xứ những phương tiện hầu đạt được sự biến đổi này.
Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ IV và hết)
(HT 18-8-2024)
THÁNH THỂ ĐƯA TA VỀ TRỜI VỚI MẸ
Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể đã cảm nghiệm thật tinh tế: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trổi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...” [1] Dù được cắt nghĩa: Thánh Thể chính là “Quà Tặng Sự Sống”, hay “Quà tặng Cứu độ”, thì chung quy, Thánh Thể chính là “Quà Tặng tình Yêu”; bởi chỉ có mối tình cao cả nhất mới sẵn sàng hiến mình thành “quà tặng” cho người khác: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Đó cũng là xác tín của ‘vị chân phước trẻ’ Carlo Acutis. Ngài đã say mê Thánh Thể từ nhỏ và đã nhận xét rằng: “tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể. (…)… mọi người không nhận ra điều họ đang bỏ sót, nếu không thì các nhà thờ sẽ đông chật người đến mức bạn sẽ không vào được trong nhà thờ. (…) trong Bí tích Thánh Thể – Chúa Kitô hiện diện cùng một cách như Người đã hiện diện 2000 năm trước vào thời của các Tông đồ. Trở lại thời đó, mọi người phải di chuyển thật xa để gặp Người, trong khi ngày hôm nay, chúng ta may mắn hơn, vì chúng ta có thể tìm thấy Người ở bất kỳ nhà thờ nào gần nhà của chúng ta…”[2].
Và không phải chỉ “nhận xét suông”, Carlo đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là “đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Cậu luôn cố gắng chầu Thánh Thể và tin rằng: “bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.
Các Kitô hữu thật hạnh phúc vì có những mẫu gương sáng ngời như thế trên hành trình tiến đến “Nước Hằng Sống”. Khát vọng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ‘Vương Quốc Tình Yêu’ luôn thôi thúc ta đi tìm cho mình một bí quyết để hiện thực hoá ước mơ của mình.
Ngoài tâm tình của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và vị chân phước trẻ Carlo Acutis như đã gợi mở, các kitô hữu còn được một người Mẹ hiền dẫn dắt chúng ta đến ‘Thiên Đàng vinh phúc’ đầy trìu mến đó chính là Đức Maria.
Một cách cụ thể, các con cái của Mẹ được mời gọi hãy mau mắn đến với “TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỨC MARIA - NGƯỜI NỮ ‘THÁNH THỂ”.
Thật vậy, nếu chúng ta muốn khám phá lại trong tất cả sự phong phú của Bí tích Thánh Thể, mối liên hệ thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và mẫu gương của Giáo hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, khi đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, tôi đã ghi việc thiết lập Bí tích Thánh Thể vào số các mầu nhiệm ánh sáng. Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí tích cực thánh này, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa[3].
dongthanhthe.net (kỳ I)
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
8 Lý Do Để Biến Đổi Một Giáo Xứ
Từ Tình Trạng Bảo Trì sang Truyền Giáo
5. Giải Quyết Các Nhu của Cầu Xã Hội và Cộng Đồng
Việc chuyển một giáo xứ từ tình trạng bảo trì sang tình trạng truyền giáo cũng bao gồm việc nâng cao nhận thức và đáp ứng các nhu cầu xã hội và cộng đồng. Các giáo xứ trong tình trạng bảo trì có thể sống cô lập hơn, tập trung vào các vấn đề nội bộ và bỏ bê cộng đồng rộng lớn hơn. Đôi khi còn cạnh tranh một cách thiếu bác ái với những giáo xứ khác.
Trái lại, các giáo xứ trong tình trạng truyền giáo tích cực tìm cách đáp ứng nhu cầu của những người chung quanh, noi gương phục vụ của Đức Kitô. Điều này có thể bao gồm các sáng kiến như phát thực phẩm cho người nghèo, giúp đỡ những người vô gia cư, cung cấp những lớp dạy sinh ngữ, dạy nghề, các dịch vụ tư vấn và tìm việc làm cùng nhiều hình thức tiếp cận xã hội khác nhau. Bằng cách phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn, các giáo xứ không những chỉ hoàn thành sứ vụ Kitô giáo của mình mà còn làm chứng cho tình yêu Đức Kitô một cách hữu hình, thu hút những người khác đến với đức tin.
6. Nuôi Dưỡng Ý Thức Thuộc Về và Ý Thức Cộng Đồng
Trong một xã hội sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay, nhiều người đang cảm thấy bị cô đơn và tìm kiếm cảm giác thân thuộc và thuộc về cộng đồng. Các giáo xứ trong tình trạng bảo trì có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu này, vì trọng tâm thường là duy trì các cơ cấu hiện có hơn là xây dựng các mối quan hệ.
Các giáo xứ trong tình trạng truyền giáo nhấn mạnh đến việc tạo ra một cộng đồng sống động, nâng đỡ lẫn nhau, ở đó các cá nhân cảm thấy thân thương, có giá trị và được liên kết với những người khác trong giáo xứ. Điều này liên quan đến việc cổ võ và các nhóm chia sẻ đức tin nhỏ, tổ chức các sự kiện xã hội và tạo cơ hội cho giáo dân gần gũi và kết hợp với nhau. Một y thức cộng đồng mạnh mẽ khuyến khích sự tham gia và dấn thân tích cực của họ, giúp các cá nhân cảm thấy rằng họ là một phần quan trọng của gia đình giáo xứ.
7. Trao Trách Nhiệm cho Giáo Dân
Việc chuyển từ tình trạng duy trì sang tình trạng truyền giáo đòi hỏi sự tham gia tích cực tinh thần trách nhiệm của giáo dân. Trong tình trạng bảo trì, các giáo sĩ thường phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề về các hoạt động của giáo xứ, điều này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức và hạn chế khả năng phát triển của giáo xứ. Trong khi đó tạo nên một tầng lớp giáo dân chỉ biết ỷ nại vào các giáo sĩ. Và tệ hơn nữa là đưa giáo xứ đến tệ trạng giáo sĩ trị.
Các giáo xứ trong tình trạng truyền giáo nhận ra những ân sủng và tài năng đa dạng được Thiên Chúa ban cho giáo dân của mình và tìm cách uỷ thác cho họ việc đảm nhận những trách nhiệm khác nhau trong giáo xứ tuỳ theo khả năng và quá trình đào tạo chuyên môn của họ. Đức Bênêđictô nhấn mạnh rằng giáo dân không phải là những người cộng tác mà là những người đồng trách nhiệm với các giáo sĩ trong Hội Thánh. Điều này bao gồm việc cung cấp các cơ hội huấn luyện và đào tạo cho giáo dân và khuyến khích cách tiếp cận có tính hợp tác trong mục vụ. Khi giáo dân được uỷ quyền và dấn thân, giáo xứ sẽ trở nên năng động và hiệu quả hơn trong sứ vụ của mình, đồng thời các giáo sĩ cũng nhẹ gánh hơn trong việc điều hành giáo xứ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ III)
(HT 11-8-2024)
NGHI THỨC BẺ BÁNH
Bẻ bánh trong Thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn (x. 1 Cr 10,16-17).
Hành động bỏ một mẩu Bánh nhỏ vào trong chén thánh có một ý nghĩa biểu trưng rất lớn đó là Đức Giêsu đã chết nhưng nay đã sống lại. Hai lần truyền phép riêng bánh và rượu như tách rời Máu khỏi Thân của Ngài và điều này biểu thị cho sự chết của Đức Giêsu. Sau đó, đến lúc hiệp lễ, bánh và rượu được hòa trộn liên kết lại với nhau làm dấu chỉ cho sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác của Chúa Giêsu, biểu trưng cho thân thể duy nhất của Đức Kitô cũng như chỉ rõ sự sống lại vinh quang của Ngài![13] Điều này nhắc nhớ các tín hữu rằng: Chúa Kitô mà họ sắp lãnh nhận là Chúa Kitô phục sinh và dầu có lãnh nhận Mình Thánh thôi hay lãnh nhận cả Mình và Máu Thánh thì cũng là lãnh nhận trọn vẹn Chúa Kitô đang sống hiển vinh.[14]
III/ MỤC VỤ
1) Trong các trường hợp sau đây: (1) thứ nhất, cử hành Thánh lễ với ít người tham dự (chẳng hạn như trong dịp tĩnh tâm) hoặc Thánh lễ tại một cộng đoàn nhỏ…; (2) thứ hai, nhà thờ quá rộng lớn; (3) thứ ba, buổi cử hành có quá đông người tham dự, chúng ta không nên “máy móc” dùng loại bánh lễ bình thường (nhỏ) mà nên ưu tiên chọn sử dụng loại bánh lễ có kích cỡ lớn hơn/thật lớn, để một mặt, dân chúng có thể nhìn thấy từ xa; mặt khác, nhờ bánh lớn, sau khi truyền phép, chủ tế có thể bẻ Bánh Thánh ra thành nhiều miếng nhỏ mà phân chia cho mọi người tham dự [nếu Thánh lễ có ít người tham dự] hoặc ít là cho một số người [nếu Thánh lễ có đông người tham dự].[15]
2) Khi cộng đoàn chúc bình an xong xuôi thì nhạc công mới bắt đàn cho bài hát Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) và chủ tế mới bắt đầu bẻ bánh, nghĩa là đang lúc đọc/hát Agnus Dei, chủ tế mới tiến hành bẻ Bánh Thánh (x. NTTL 128-130). Nếu cần thì phó tế hay vị đồng tế phụ giúp chủ tế bẻ bánh nhưng cần lưu ý những điều sau: (1) đừng bao giờ để giáo dân tham gia vào hành động hỗ trợ này vì là một lạm dụng phụng vụ (x. BTCĐ 73); (2) cả phó tế cũng không tham gia hỗ trợ hành động này nếu đức giám mục chủ tế và có sự hiện diện của các linh mục đồng tế (x. QCSL 83, 155; LNGM 162).[16]
3) Nghi thức bẻ bánh cần được tiến hành với sự kính cẩn thích hợp nhưng đừng lạm dụng khi kéo dài nghi thức một cách không cần thiết, cũng đừng quan trọng hóa quá mức; bẻ bánh ở trên đĩa thánh chứ không phải trên chén thánh (x. NTTL 129; QCSL 83; BTCĐ 73, 83).[17]
4) Các linh mục đồng tế/phó tế có thể làm nhiệm vụ phân phát Bánh Thánh đã bẻ ra, chẳng hạn chia sẻ Bánh Thánh vào các bình thánh khác… nhưng họ không được bỏ miếng Bánh nhỏ vào chén thánh thay cho chủ tế (x. NTTL 129; QCSL 83).
5) Trong Thánh lễ đồng tế, không nhất thiết phải phân phát Bánh Thánh cho hết mọi linh mục vào lúc bẻ bánh. Nếu thời giờ không cho phép, chỉ nên phân phát cho những vị ở gần bàn thờ, còn những vị ở xa, họ sẽ rước Chúa sau khi chủ tế rước lễ xong (QCSL 83).
6) Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” (x. NTTL 129-130; QCSL 83). Kinh này nên được hát vào Chúa nhật/lễ trọng và có thể được lặp đi lặp lại [theo kiểu Kinh Cầu] bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con” (x. NTTL 129-130; QCSL 83; Notitiae 14 [1978] 306, n. 8).[18]
Lm Giuse Phạm Đình Ái, SSS (kỳ III và hết)
__________________________________________________________________________________________________
8 Lý Do Để Biến Đổi Một Giáo Xứ
Từ Tình Trạng Bảo Trì sang Truyền Giáo
2. Đáp Lại việc Bỏ Đạo và Thờ Ơ với Hội Thánh
Một lý do quan trọng khác cho sự biến đổi này là nhu cầu giải quyết tình trạng rời bỏ Hội Thánh và sự thờ ơ trong việc tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, đặc biệt là của giới trẻ. Nhiều giáo xứ đang chứng kiến việc giảm thiểu số người tham dự Thánh Lễ thường xuyên. Khuynh hướng này có thể được quy cho nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc thế tục hóa, các sinh hoạt cạnh tranh nhau trong ngày Chúa nhật, và sự thiếu liên hệ giữa Hội Thánh và cuộc sống hiện đại.
Bằng cách chuyển sang tình trạng truyền giáo, các giáo xứ có thể trở nên chủ động hơn trong việc tiếp cận với những người đã rời xa Hội Thánh. Điều này không chỉ liên quan đến việc mời họ trở lại tham dự Thánh Lễ mà còn tạo ra một môi trường thân thiện và hòa nhập nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh và cá nhân của họ. Các sáng kiến tiếp cận cộng đồng, chẳng hạn như các sự kiện tôn giáo, giáo dục, văn hoá hay xã hội được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng, các dự án phục vụ và sự hiện diện hấp dẫn trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể giúp thu hẹp khoảng cách và tái giới thiệu sự phong phú của đức tin Công giáo cho mọi người.
3. Nhấn Mạnh đến Tình Yêu của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, trong tình trạng bảo trì, tầm quan trọng Bí tích này đôi khi bị lu mờ bởi thói quen. Việc chuyển sang tình trạng truyền giáo đòi hỏi một sự tập trung mới mẻ vào Bí tích Thánh Thể như trung tâm của đời sống giáo xứ. Đó là lý do chính mà các Giám mục Hoa kỳ đã đề ra sáng kiến Phục hưng Thánh Thể.
Sáng kiến này nhấn mạnh đến việc đào sâu sự hiểu biết và lòng trân quý Bí tích Thánh Thể của giáo dân qua việc dạy giáo lý về Thánh Thể, chầu Thánh Thể và những cuộc cử hành phụng vụ đầy ý nghĩa. Khi giáo dân nhận ra rằng Thánh Thể là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chính Con Người Đức Kitô, họ có nhiều khả năng trở nên hứng khởi và xung phong trở thành những thừa sai Thánh Thể, mang tình yêu và sự hiện diện của Đức Kitô vào đời sống cá nhân và cộng đồng của họ.
4. Vun Trồng Một Nền Văn Hóa Truyền Giáo trong Giáo Xứ
Sứ vụ của Hội Thánh là truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vào thế gian. Trong tình trạng bảo trì, các nỗ lực truyền giáo của giáo xứ có thể ở mức tối thiểu hoặc không hiện hữu, vì chủ yếu của tình trạng này là tập trung vào các mục vụ Bí tích và việc giữ đạo của những người
thường xuyên lui tới giáo xứ. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Hội Thánh là chúng ta phải đến với tất cả mọi người và mời gọi họ bước vào mối quan hệ với Đức Kitô.
Việc chuyển sang tình trạng truyền giáo ưu tiên cho việc Phúc Âm hoá như một hoạt động nòng cốt của giáo xứ. Điều này liên quan đến việc đào luyện và trang bị cho giáo dân sống đức tin một cách tích cực và chia sẻ đức tin của họ một cách đầy tin tưởng và cảm thông với những người khác. Truyền giáo không chỉ đơn thuần là rao giảng mà còn là sống Tin Mừng qua các hành động yêu thương, phục vụ và công bằng. Bằng cách truyền thụ một Nền Văn Hóa Truyền giáo cho mọi phần tử của giáo xứ để biến họ thành những môn đệ truyền giáo, các giáo xứ có thể tham gia một cách hiệu quả với toàn thể Hội Thánh và hoàn thành sứ vụ truyền giáo của mình.
Phaolô Phạm Xuân Khôi (kỳ II)
(HT 4-8-2024)
Kính gửi các Biên tập viên Bản tin Giáo xứ, Điều phối viên Truyền thông và Quản trị viên Giáo xứ,
Để phản hồi lại các sự kiện gần đây tại Thế vận hội Paris và cảnh tượng báng bổ, thiếu tôn trọng trong lễ khai mạc giống như Bữa Tiệc Ly, chúng tôi đã ban hành tuyên bố sau. Các giáo xứ được khuyến khích sử dụng tuyên bố này cho trang web, phương tiện truyền thông xã hội, thông báo và bản tin của mình.
Theo truyền thống, Thế vận hội là thời điểm để tất cả mọi người đoàn kết trong sở thích thể thao. Các môn chơi đã tạo cơ hội để gạt bỏ những khác biệt về văn hóa, quan điểm ý thức hệ và coi nhau là đồng loại. Đó là thời điểm mà mọi người từ khắp nơi trên thế giới cảm thấy được hòa nhập và đoàn kết.
Đáng buồn thay, tuần trước tại Paris, thay vì tạo ra một sự kiện đoàn kết và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, những người tổ chức đã chọn sử dụng lễ khai mạc để tấn công những người theo đạo Thiên Chúa. Nhiều người trong số các bạn đã thấy cảnh phạm thượng trong Bữa Tiệc Ly được các hình nộm nữ hoàng sử dụng để chế giễu sự hy sinh quên mình của Chúa Kitô — dấu chỉ tình yêu của Ngài dành cho tất cả mọi người. Như thể sự phạm thượng là chưa đủ, màn trình diễn còn bao gồm cả hình ảnh ma quỷ. Thông điệp từ ban tổ chức rất rõ ràng: Những người theo đạo Thiên Chúa không xứng đáng được tôn trọng và không được chào đón tại Thế vận hội Paris.
Chúng tôi đồng tình với tuyên bố của các Giám mục Pháp khi họ nói rằng lễ khai mạc "thật không may đã bao gồm các cảnh chế giễu và nhạo báng Kitô giáo, điều mà chúng tôi vô cùng lên án". Chúng tôi yêu cầu tất cả những người theo đạo Thiên Chúa và những người có thiện chí, hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của những ai tham gia vào cảnh tượng kinh tởm này, hãy dành thêm thời gian cầu nguyện trước Bí tích Thánh Thể, mạnh dạn tuyên bố đức tin của bạn vào Bí tích Thánh Thể và hãy tẩy chay Thế vận hội năm nay.
Chúng tôi khuyến khích bạn liên hệ với Ủy ban Olympic quốc tế bằng cách truy cập vào trang mạng https://olympics.com/ioc/contact-us để bày tỏ sự thất vọng của bạn về việc họ thúc đẩy sự chia rẽ và phạm thượng.
Mong rằng những người tổ chức Thế vận hội, nhận ra rằng: thay vì chế giễu và báng bổ, con người ta được phục vụ tốt hơn chỉ khi làm nên sự hiệp nhất, sự tôn trọng và sự xuất sắc trong thể thao.
Với tình yêu trong Chúa Thánh Thể của chúng ta,
Giám mục Vann W. Kevin,
Giám mục Phụ tá Freyer E. Timothy,
Và Giám mục Phụ tá Tôma Nguyễn Thái Thành.
Và Giám mục Phụ tá Tôma Nguyễn Thái Thành.