CHẦU THÁNH THỂ TẠI ĐỀN CÁC THÁNH TỬ ĐẠO,
TRUNG TÂM CÔNG GIÁO VIỆT NAM, GIÁO PHẬN Orange
Sau khi Rước Chúa vào lòng trong Thánh lễ hằng ngày, các tín hữu tham dự Thánh lễ tại Trung Tâm Công Giáo được hướng dẫn thực hành vài phút cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự sâu trong tâm hồn mỗi người.
3:00 P.M. - 4:00 P.M. Thứ Sáu là giờ Chầu Thánh Thể và kính Lòng Chúa Thương Xót tại Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Kính mời quý ông bà, anh chị em ước ao thêm giờ Sùng Kính Bí Tích Thánh Thể, đến kính múc nguồn ơn Cứu Độ.
PHỤC HƯNG LÒNG sÙNG KÍNH BÍ TÍCH THÁNH THỂ
National Eucharistic Congress
Chuẩn Bị Bước Vào Năm Thánh Thông Thường 2025.
Các Bài Thánh ca giúp tâm tình chầu Thánh Thể:
"Trong Tâm Tư Sâu Lắng"
"Anima Christi"
"Ở Lại Trong Đức Kitô"
Lời Hay Ý Đẹp – Chuẩn Bị Bước Vào Năm Thánh Thông Thường 2025.
Anh em hãy xét xem hạnh phúc được trào đổ và vinh quang được ban tặng cho anh em lớn lao nhường nào. Đó là việc anh em được thông hiệp với Thiên Chúa trong khi cầu nguyện, được liên kết với Chúa Kitô trong cuộc tâm sự, và nài xin những gì anh em ước muốn. (Thánh Gioan Kim khẩu) Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa; là tiếng kêu của tình yêu tri ân phát xuất từ đỉnh cao niềm vui hoặc đáy sâu tuyệt vọng: đó là một sức mạnh lớn lao và siêu nhiên, mở rộng tâm hồn chúng ta, và liên kết chúng ta mật thiết với Chúa Giêsu. (Thánh Thérèse Lisieux) Khi đứng cầu nguyện… chúng ta phải hết sức thành tâm. Chúng ta hãy gạt bỏ mọi tư tưởng trần gian và đừng để tâm hồn tưởng nghĩ tới bất cứ sự gì khác ngoài đối tượng của những lời cầu nguyện. (Thánh Cyprian) Sáng sớm, khi thức dậy, trước khi bắt tay vào các việc, mọi tín hữu nam nữ hãy rửa tay và cầu nguyện với Thiên Chúa…. Và anh em cũng hãy cầu nguyện trước khi đặt mình xuống giường. (Thánh Hippolytus). Có nhiều hình thức cầu nguyện với Thiên Chúa: cầu xin, tạ ơn, sám hối, chúc tụng, thờ lạy, và nhiều hình thức phong phú khác. Thánh Clement Alexandria nói: “Người tín hữu cầu nguyện trong mọi trạng huống, khi bách bộ, khi giao tiếp với tha nhân, khi thinh lặng, khi đọc sách, khi suy tư.” Các tín hữu là những người sẵn lòng chấp nhận sự lệ thuộc vào Thiên Chúa. Thánh Kinh mời gọi chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện. “Bất cứ anh em làm việc gì, trong lời nói cũng như trong hành động, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha” (Cl 3:17). Thái độ quá tự tín hoặc hoạt động mà thiếu cầu nguyện thường dẫn đến tình trạng mỏi mệt và chán chường. Nếp sống phàm tục đưa đến tình trạng trống rỗng. Đức Thánh Cha nói: Trong các Thánh vịnh chúng ta tìm thấy tất cả những cảm xúc của con người: niềm vui, nỗi đau khổ, nghi ngờ, hy vọng, cay đắng vốn tô điểm cho cuộc sống của chúng ta. Khi đọc các Thánh vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ cầu nguyện. Đó là lời của Thiên Chúa mà chúng ta dùng để nói chuyện với Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Người có đức tin là người không tập quen với sự ác; nhưng phản kháng, kêu gào với hy vọng được cứu độ. ĐTC Phanxicô nói: “Lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ đơn độc nhưng liên đới chúng ta cách mầu nhiệm với những người đi trước đã truyền lại đức tin cho chúng ta. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy tín thác cho sự chuyển cầu của các thánh.” Nếu bạn muốn làm hài lòng con tim yêu thương của Thiên Chúa, hãy cố gắng liên lỉ trò chuyện cùng Người bất cứ khi nào và với lòng chân thành nhất có thể. Thiên Chúa không miễn cưỡng khi đáp lời bạn. Thiên Chúa không nói theo cách mà đôi tai của bạn có thể nghe được nhưng thông qua sự cảm nhận của con tim bạn. Hãy trò chuyện một-đối-một với Thiên Chúa: “Ta sẽ đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16) Thánh nữ Têrêsa thành Avila: “Cầu nguyện là thiết lập tình bạn với Chúa, bằng cách thường xuyên trò chuyện riêng tư với Ngài, Đấng mà chúng ta biết là yêu thương chúng ta.”
Lời Hay Ý Đẹp - Giúp Phục Hưng Lòng Sùng Kính Bí Tích Thánh Thể
Thánh Antôn Maria Zaccaria: “Bằng chứng chắc chắn nhất cho việc bạn trở lại với Thiên Chúa là bạn quay về để nhận lãnh Của Ăn này. Hỡi các bạn của tôi, hãy trở về để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Không gì có thể làm cho bạn trở nên thánh thiện hơn Bí tích Thánh Thể, vì trong Bí tích Thánh Thể chính là Đấng Cực Thánh.” Các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa dâng lời chúc tụng, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ Người để nuôi dưỡng đám đông, là hình ảnh tiên báo sự vô cùng phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể của Người. (GLCG 1335) Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa đã tự trở nên nhỏ bé như một tấm bánh,” rất khiêm tốn, ẩn mình và đôi khi vô hình. Thật cần thiết để trái tim của một người rộng mở và từ từ nhận ra, chào đón và tôn thờ Ngài. ĐGH Phanxicô nói: “Mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa không giống như một kho báu được cất giữ trong một góc xó của cuộc đời chúng ta, nhưng phải được phát triển, phải được cho ăn mỗi ngày bằng cách lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, và qua đức ái.” ĐGH Phanxicô nói: “Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông, đưa chúng ta ra khỏi chủ nghĩa cá nhân để cùng sống cuộc hành trình bước theo Chúa của chúng ta, sống niềm tin của chúng ta là gắn bó với Ngài.” ĐGH Phanxicô nói: “Bí tích Thánh Thể là phương thế để nuôi dưỡng những ai mệt mỏi và đói khát trong suốt hành trình.” Bánh và rượu được hiến dâng trong các nghi thức phụng vụ để trở thành Mình và Máu Thánh Đức Kitô thì các tín hữu đồng thời cũng được thánh hiến và tháp nhập vào Thân Mình của Người. Trong Thánh Thể, Giáo Hội không phải là một thực thể trừu tượng phi ngã, nhưng là Cộng Đoàn qui tụ những ngôi vị sống động, những người con đích thực của Thiên Chúa theo hình ảnh và kiểu mẫu Đức Kitô. Với mục đích khuyên bảo các tín hữu sám hối, canh tân đời sống, duy trì chân tính niềm tin, cũng như đào sâu nội dung mầu nhiệm thánh thiêng được cử hành để tưởng nhớ Đức Kitô, Thánh Phaolô Tông Đồ hết sức nhấn mạnh đến tinh thần hiệp thông Thánh Thể, đồng thời thôi thúc mọi thành phần Dân Chúa thăng tiến trong tình bác ái giữa một thế giới phân hoá tiêm nhiễm trào lưu thế tục. ĐỨC MẸ THÁNH THỂ THEO THÁNH PHÊ-RÔ GIU-LI-A-NÔ Ê-MA (PETER JULIAN EYMARD) Khi chúng ta tôn vinh Chúa trên Thánh Giá, chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ Bảy Sự thương khó. Khi chúng ta tôn kính đời sống vâng phục khiêm tốn, ẩn dật của Chúa tại Nazareth, chúng ta có thể coi Đức Mẹ Đời Sống Ẩn Dật là Gương Mẫu của mình. Đức Trinh Nữ chia sẻ tất cả những kinh nghiệm của Con Mẹ. Chúng ta vẫn chưa cầu khẩn Đức Mẹ dưới danh hiệu đẹp đẽ này, Đức Mẹ Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Toàn thể Giáo Hội và tâm hồn con người cần phải rộng mở cho sự ngạc nhiên và tôn thờ Đức Ki-tô, và sẵn sàng để ôm lấy hết thảy mọi người – tội nhân cũng như thánh nhân. Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã nói: “Thật thú vị biết bao khi chúng ta dành giờ ở với Chúa Giê-su, nằm sát cạnh bên Người như vị thánh tông đồ yêu dấu của Chúa (x. Ga 13,25) và cảm nhận tình yêu vô biên hiện diện trong trái tim Người....” “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). “Họ chuyên cần với giáo huấn các Tông Đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện” (Cv 2,42), "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 5,15) Việc đón nhận Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể tháp nhập con người chúng ta vào thân thể của Chúa Kitô. Thánh Cyrillô thành Alexandria mô tả nó tương tự như “khi sáp nóng chảy được kết hợp với một loại sáp khác.” Hành trình của người Kitô hữu là một cuộc hành trình để trở nên giống Chúa Kitô, để “ở lại trong Ngài” và Ngài ở trong chúng ta. Bí Tích Thánh Thể là nơi điều ấy xảy ra. Thánh An-phong-sô: “Sau các bí tích thì thờ lạy Chúa Giê-su nơi Thánh Thể là cao cả nhất trong tất cả việc sùng kính, là thân ái nhất đôi với Chúa và hữu ích nhất cho chúng ta”. Thánh Hilariô thành Poitiers: "Về sự thật của Thịt và Máu của Người, thì chẳng còn chỗ cho sự nghi ngờ, bởi vì giờ đây, cả nhờ lời tuyên bố của chính Thiên Chúa và nhờ đức tin của chúng ta, đó thật sự là Thịt và đó cũng thật sự là Máu. Và khi được lãnh nhận và rước lấy, Những Thực Thể Này dẫn đến việc chúng ta được ở trong Chúa Kitô và Chúa Kitô cũng ở trong chúng ta. Chẳng phải điều này lại không đúng hay sao?" Thánh Grêgôriô thành Nyssa: "Nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa ngự trị, Mình Thánh này đã được biến đổi thành giá trị thánh thiêng. Vậy thì, chúng ta có tin rằng bánh được thánh hiến bởi lời của Thiên Chúa đã được biến đổi thành Mình Thánh của Ngôi Lời Thiên Chúa hay không?" Thánh Athanasiô: "Anh em sẽ thấy các thầy Lêvi mang những chiếc bánh và một chén rượu đến, và đặt chúng trên bàn. Chừng nào những lời cầu xin và khẩn nguyện chưa được cất lên, thì vẫn chỉ là bánh và rượu. Nhưng sau khi những lời cầu nguyện lớn lao và tuyệt vời đã được hoàn tất, thì bánh trở nên Mình Thánh và rượu trở nên Máu Thánh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta." Một lời kinh thật hay của Thánh Tôma Aquinô: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, con đang tiến đến với Bí Tích Thánh Thể, Con Một Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Con bệnh tật con đến cùng thầy thuốc sự sống, Con nhơ nhớp con đến cùng suối nhân từ, thương xót, con đui mù con đến cùng ánh sáng hằng hữu, con nghèo khó con đến cùng Thiên Chúa Toàn năng. Vậy con nài xin lòng thương xót từ nhân, xin Chúa chữa con khỏi suy nhược, thanh tẩy con khỏi nhơ bẩn. Soi sáng con khỏi đui mù, cho con thoát khỏi cảnh cùng khốn, được mặc y phục Đức Tin Đức Cậy Đức Mến để khỏi phải trần trụi. Lạy Thiên Chúa nhân từ thương xót, xin cho con hưởng dùng Thánh Thể Con Một Chúa, thân xác sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, để con được gia nhập nhiệm thể là Hội Thánh Ngài và được dự phần trong nước Ngài.” Thánh Bênađô đã ví von rằng: “Thánh thể là tình yêu vượt trên mọi tình yêu”. Còn đối với thánh Tôma Aquinô cho biết, khi ta đón nhận Thánh Thể Chúa, là lúc ta đón nhận chính tình yêu. Vì vậy, ta phải sinh ra tình yêu trong mọi hành động, lời nói nơi cuộc đời của ta: “Thánh thể là nhiệm tích tình yêu, là tình yêu và sinh ra tình yêu.” Cuộc tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại, Hy tế Thánh lễ, Hy tế ca ngợi, Hy tế thiêng liêng, Hy tế tinh tuyền và thánh thiện, Bí tích hiệp thông, sự thánh, Bánh các thiên thần, Bánh bởi trời, Thuốc trường sinh, Của ăn đàng (GLGHCG 1330-1332).“Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; … Thực, Ta bảo các ngươi: mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 35-40). “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cor 10: 17) Thánh Gemma Galgani đã nói: “Trên Thiên Đàng có một trường học, trên đó người ta học sao để yêu mến. Trường này là nhà Tiệc ly, Thầy dạy là Chúa Giêsu, và môn học ở đây chính là Thịt Máu Người”. Thánh Êphraim: "Đức Giêsu Chúa chúng ta đã đón nhận trong đôi tay mình thứ mà ban đầu chỉ là bánh; và Người đã chúc lành cho nó, ghi dấu cho nó và làm cho nó nên thánh thiêng nhân danh Chúa Cha và nhân danh Chúa Thánh Thần; và Người đã bẻ nó ra và theo lòng nhân từ đầy ân cần của Người, Người đã phân phát nó cho tất cả các môn đệ của mình theo từng người một. Người đã gọi bánh đó là Thân Thể hằng sống của Người, và Người đã tự mình đổ đầy bánh đó bằng chính mình và Chúa Thánh Thần." Thánh Augustinô: "Bánh kia mà anh em thấy trên bàn thờ, đã được thánh hóa bởi lời của Thiên Chúa, chính là Mình Thánh Chúa Kitô. Chén thánh kia, hay nói đúng hơn, những gì trong chén thánh đó, đã được thánh hóa bởi lời của Thiên Chúa, là Máu Thánh Chúa Kitô." Thánh Cyrillô thành Giêrusalem: "Hãy cẩn thận thánh hoá đôi mắt của anh em khi chạm vào Thánh Thể, và sau đó hãy rước lấy, cẩn thận để không mất đi phần của Thánh Thể nào. Một sự mất mát như vậy sẽ giống như một sự cắt xén chính cơ thể của anh em." Thánh Irênê thành Lyon: "Vì bánh sinh ra từ đất, nhưng khi nhận được sự khẩn cầu của Thiên Chúa, thì không còn là bánh thông thường nữa, nhưng là Thánh Thể, gồm hai thực tại dưới đất và trên trời; cũng vậy, thân xác chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, thì không còn hư hoại nữa, nhưng có được hy vọng về sự sống lại đời đời."
Thánh Hippôlitô thành Rôma: "Nhưng để mỗi tín hữu được sốt sắng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, trước khi ăn bất cứ thứ gì khác,… mỗi người hãy cẩn thận đừng để bất cử kẻ không tin nào được nếm Thánh Thể, kể cả chuột hay các con vật nào khác, và đừng để bất cứ phần Thánh Thể nào bị rơi vãi hay lạc mất; vì Mình Thánh của Chúa Kitô phải được các tín hữu rước lấy và không được khinh thường."
Thánh Clêmentê thành Alexandria: "Ngôi Lời là tất cả đối với một đứa trẻ: là Cha và Mẹ, là cả Thầy dạy và Bảo mẫu. "Hãy ăn Thịt Ta," Người nói, "và hãy uống Máu Ta." Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta những dưỡng chất mật thiết này. Người chuyển giao Thịt và tuôn đổ Máu mình ra; và chẳng còn thiếu gì để cho con cái mình được lớn lên. Ôi những mầu nhiệm lạ lùng khôn tả!" Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc phục hồi, được bắt đầu nơi Hang Đá. Cho nên hãy vui mừng trong ngày tươi đẹp ấy, khi Mặt trời Thánh Thể mọc lên. Đừng bao giờ để lòng tri ân của anh em tách rời Hang đá khỏi bàn thờ, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa- Làm Người đã thành tấm Bánh hằng sống trong Bí tích Thánh Thể. (Trích từ bút tích của cha thánh Ê-ma)
Thánh Têrêsa mẹ nói với các con cái trong Dòng: "Ta hãy cầm mình lại cách thân tình với Chúa Giêsu, đừng phí phạm thời giờ sau khi rước Chúa, đó là thời gian tuyệt vời được sống với Chúa, trình bày cho Ngài những vấn đề linh hồn ta...Như ta biết, Chúa Giêsu nhân lành ở lại trong ta tới khi sức nóng của ta làm tan biến phẩm tính của Bánh thánh. Phải rất cẩn thận đừng làm mất cơ hội tốt đẹp như thế để cư xử với Ngài và trình bày nhu cầu của ta cho Ngài biết".
thánh Eymard: “Bí Tích Thánh Thể là sự sống của mọi người … Bí Tích Thánh Thể trao cho mọi người một luật sống, luật của bác ái mà Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch; Bí Tích Thánh Thể rèn nên mối tương quan ràng buộc chung hay đại đồng giữa con người với nhau, một mối tương quan thân thuộc mang tính chất Kitô giáo.” “Hãy ở lại trong Thầy, hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy”. (Ga 15, 9-11) "Vì chúng ta không lãnh nhận những thứ này như của ăn thông thường hay thức uống thông thường; nhưng vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, vốn được nhập thể bởi Ngôi Lời Thiên Chúa, đã lấy thịt và máu mà cứu độ chúng ta, nên chúng ta cũng đã được dạy rằng lương thực được Ngôi Lời thánh hiến bằng lời cầu nguyện phát xuất từ Người, từ đó thịt và máu của chúng ta được nuôi dưỡng bằng sự biến đổi, chính là thịt và máu của Chúa Giêsu nhập thể." (Trích lời của Thánh Justinô Tử đạo) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Là vua lòng chúng con, chúng con xin được đến với vị minh quân của mình, để bày tỏ lòng tôn kính và mến yêu của chúng con, đồng thời chúng con cũng muốn diện kiến long nhan, hầu nhận ra được dung mạo thật của những con dân trong vương quốc tình yêu của Ngài. Quỳ trước tôn nhan Chúa chúng con nhận thấy mình vô cùng bất xứng và bất kính đối với Chúa. Vì trong cuộc sống hiện nay của chúng con, chúng con đang tôn thờ những vị vua khác không phải là Chúa. "Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." (Ga 6:54-58).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đã bao lần Cha muốn tập họp chúng con lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà chúng con không chịu (Lc13:34). Ước chi hôm nay chúng con nhận ra những gì đem lại bình an cho chúng con! (Lc19:42). Cha chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chúng con (Ga 10:11). Cha vẫn yêu thương chúng con là kẻ thuộc về Cha còn ở thế gian, và Cha yêu thương chúng con đến cùng (Ga13:1).
Trong Bữa ăn sau cùng, Chúa Cứu Thế Giêsu không những đã lập Phép Thánh Thể và Chức Linh mục thừa tác (Ministerial priesthood) để “anh em làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22, 19) mà còn lập Giao Ước mới ký kết bằng chính máu của Người đổ ra ngày hôm sau trên thập giá. Chúa đã loan báo Giao Ước mới này khi Người trao chén máu thánh cho các Tông Đồ hiện diện và nói: “anh em hãy lãnh nhận mà uống vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội…” (1 Cr 11, 25; Lc 22, 20).
- “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga.15:9).
- “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga.15:27).
- “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga.6:57).
Trước khi hoàn tất chương trình cứu chuộc, Ngài đã để lại lời trăn trối cuối cùng: “Thầy sẽ ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chính vì yêu, Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly với các môn đệ. Ngài hiến mình trong tâm bánh nhỏ để nên nguồn sống cho linh hồn con người và ở cùng nhân loại mỗi ngày cho đến tận thế.
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19) Thánh Thể là di chúc thiêng liêng mà Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Giáo Hội Công Giáo vẫn coi di chúc của Chúa Giêsu với việc cử hành Thánh Thể. Vì thế, Giáo Hội hết sức trân trọng và cố gắng trung thành với LỜI di chúc này qua muôn thế hệ.
Trao Mình Thánh Chúa cho Người Nhà
Ngay từ đầu mùa dịch, Đức Cha Vann nhắc nhở các thừa tác viên ngoại thường không nên tiếp tục tới các viện dưỡng lão hay tư gia, để trao Mình Thánh cho các quý vị lớn tuổi hay những người đang đau yếu. Lời nhắc nhở của Đức Cha nhằm mục đích ngăn ngừa những rủi ro lây nhiễm. Cùng với lời nhắc nhở này, Đức Cha cho phép người trong cùng một nhà có thể nhận Mình Thánh và mang về trao cho người nhà của mình. Quý vị vui lòng liên lạc với quý cha trong giáo xứ hoặc cộng đoàn để được hướng dẫn thêm. Những ai đưa Mình Thánh nên theo nghi thức dưới đây để cùng cầu nguyện chung trong gia đình.
· Sau khi đặt hộp Mình Thánh lên bàn với nến cháy sáng, mọi người cùng làm dấu: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
· Thừa Tác Viên (TTV): Để chuẩn bị cử hành nghi thức, chúng ta hãy thành tâm thống hối các tội lỗi mình đã phạm. (giữ thinh lặng trong giây lát)
· Tất cả: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu xót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh, và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
· TTV: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
· Tất cả: Amen.
· TTV: (Đọc bài Phúc Âm trong bản tin Hiệp Thông)
· Mọi người cùng đọc Kinh Lạy Cha.
· Rước Lễ (TTV mở hộp lấy Mình Thánh, cầm lấy và nâng cao): Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”
· Tất cả: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
· (TTV cho bệnh nhân rước lễ)
· TTV: Chúng ta hãy cầu nguyện (thinh lặng trong giây lát). Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa mời gọi chúng con đến chia sẻ một bánh và một chén để trở nên một trong Chúa Kitô. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống trong Người để chúng con có thể sinh hoa trái, và hân hoan vì Người đã cứu độ trần gian. Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
CÁC LỚP HỌC ĐÃ QUA
buổi Bế Mạc học hỏi lần #21: ngày 01 tháng 05 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #20: ngày 24 tháng 04 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #19: ngày 17 tháng 04 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #18: ngày 06 tháng 03 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #17: ngày 27 tháng 02 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #16: ngày 20 tháng 02 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #15: ngày 13 tháng 02 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #14: ngày 06 tháng 02 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #13: ngày 30 tháng 01 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #12: ngày 16 tháng 01 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #11: ngày 09 tháng 01 năm 2023, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #10: ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #9: ngày 07 tháng 11 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #8: ngày 31 tháng 10 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #7: ngày 24 tháng 10 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #6: ngày 17 tháng 10 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #5: ngày 10 tháng 10 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #4: ngày 3 tháng 10 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #3: ngày 26 tháng 9 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #2: ngày 19 tháng 9 năm 2022, tại TTCG. LINK
buổi học hỏi lần #1: ngày 12 tháng 9 năm 2022, tại TTCG. LINK