trung tâm công giáo việt nam
GIÁO PHẬN ORANGE, CALIFORNIA, USA
1538 Century Blvd, Santa Ana, CA 92703
Phone: (714) 554-4211 Fax: (714) 265-1161
Email: hiepthong2013@gmail.com
Thánh Lễ được cử hành lúc 8:30 sáng giờ California mỗi ngày
Linh mục Giám Đốc: cha Joseph Nguyễn Thái
Radio 1480 AM - Sống Đức Tin - Phát Thanh Hằng Tuần 8pm-9pm Thứ Năm: Link --> 230921 Radio 230914 Radio
Hỗ Trợ Quỹ Tự Túc của Trung Tâm Công Giáo
Hàng năm vào thời gian này, Cha giám đốc trung tâm mời gọi các gia đình trong cộng đồng, sau khi đã đóng góp cho giáo xứ của mình, vui lòng hỗ trợ cho quỹ tự túc của Trung Tâm Công Giáo. Mọi đóng góp của quý vị, dù lớn dù nhỏ, đều rất quý giá, vì đó là hy sinh lớn lao đầy lòng ưu ái. Quỹ tự túc sẽ giúp bảo trì Trung Tâm, trang trải những chi phí, và phục vụ những công tác bác ái trong công đồng. Quý vị có thể gửi chi phiếu hay money order về TTCG, 1538 Century Blvd., Santa Ana, CA 92703, hoặc đóng góp online, VietCatholicCenter.org hoặc text-to-give ở số, (833) 988-3494. Chân thành cám ơn quý vị.
ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA
Tục ngữ nói: “Trăm voi không được bát nước sáo”. Câu này mang tính chất mỉa mai, ngụ ý chê những người ba hoa khóac lác, hứa hẹn suông, nói thì to tát, mà rốt cuộc chẳng có gì, họ là người biết nói mà không biết làm, làm láo báo cáo hay, “ngôn hành bất nhất”. Hãy sống chính danh dù là ai!
Các bài đọc trong Chúa Nhật 26 hôm nay nói đến tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa: Ngài không chỉ xét xử theo công bằng, nhưng còn theo lòng thương xót. Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Bài đọc I, tiên tri Ezéchiel cảnh cáo những người tự mãn, họ sẽ bị chết nếu bỏ đường công chính và phạm tội ác. Trái lại, những người đang ở trong tình trạng tội lỗi mà biết bỏ đường gian ác, quay về đường lành thì sẽ được cứu sống. Bài đọc II, Thánh Phaolô vạch ra cho các tín hữu Philipphê một phương hướng để dẹp bỏ tính tự mãn khi quy hướng về mình, và dẹp bỏ tính kiêu căng khi hướng về tha nhân mà so sánh, nhưng hay nhìn lên Chúa Giesu Kito để mà biết sống khiêm nhường.
Bài Phúc Âm được gọi là dụ ngôn Hai người con cũng nói lên hai hạng người trong xã hội Do Thái thời Chúa Giesu : Đứa con thứ nhất tượng trưng cho dân ngoại, người tội lỗi, thu thuế, gái điếm… tuy ban đầu họ đã từ chối, nhưng sau hối hận lại đi “làm” theo ý Thiên Chúa. Đứa con thứ hai đại diện cho dân Do thái, tư tế, kinh sư và luật sĩ, họ mau mắn thưa “vâng”, nhận lời ngay, nhưng trong thực tế thì không “làm” theo ý Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã kết luận dụ ngôn này: ”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông”. Câu này có nghĩa là: các ông tưởng mình thánh thiện trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu thuế các ông coi như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi chung đường với họ, coi như là những đàn bà dơ dáy đến nỗi con cái Israel đi vô ý quệt phải áo họ thì phải về tắm rửa đã. Các ngươi lầm. Những người thu thuế và đĩ điếm mà các ngươi miệt thị đến mức đó sẽ vào Nước Trời trước các ông. Nói rõ là họ tốt hơn các ông. Sự thực đã xẩy ra: Lêvi (Mt 9,9) và người đàn bà tội lỗi (Lc 7,37) đã theo sống bên Chúa, và biết bao người thu thuế đã tin lời Gioan (Mt 9,10 ; 11,19 ; Lc 3,12) trong khi đó thì Hội đồng Cộng tọa chống đối Chúa tìm giết Chúa.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
–Muốn được cứu độ, con người chỉ còn cách trông nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng tự mãn kiêu căng hay mặc cảm tự tin. Là con người yếu đuối tội lỗi, để được cứu độ, hãy sám hối và tín thác vào Chúa.
– Ba tật xấu phá hủy cộng đòan cần tránh: ghen tị, tìm hư danh, và tìm lợi ích riêng. Muốn xây dựng cộng đòan, mọi người cần có 3 đức tính: liên kết với Đức Kitô, bác ái huynh đệ, và hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần. Gương khiêm nhường và vâng lời của Chúa Kitô là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Điều lý tưởng nhất là lời nói phải đi đôi với hành động. Nước Trời chỉ dành cho những ai nghe và làm theo ý Chúa.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(1-10-2023)
SỰ KHÔN NGOAN CỦA THIÊN CHÚA
Các học thuyết duy linh, duy lý, duy vật… đã đề xướng các cách thức giải quyết các vấn nạn của cuộc đời. Lúc đầu được nghênh đón rồi cũng lui vào bóng tối vì không giải quyết được các vấn nạn. Chỉ có cuốn Kinh Thánh vẫn tồn tại từ bao ngàn năm qua vì nó cung cấp cho con người sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa, là nguồn gốc mọi sự và cùng đích mọi loài.
Các học thuyết duy linh, duy lý, duy vật… đã đề xướng các cách thức giải quyết các vấn nạn của cuộc đời. Lúc đầu được nghênh đón rồi cũng lui vào bóng tối vì không giải quyết được các vấn nạn. Chỉ có cuốn Kinh Thánh vẫn tồn tại từ bao ngàn năm qua vì nó cung cấp cho con người sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa, là nguồn gốc mọi sự và cùng đích mọi loài.
Bài đọc I hôm nay tiên tri Isaiah so sánh sự khôn ngoan của Thiên Chúa với sự khôn ngoan của con người trong việc đối xử với kẻ gian ác. "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi". Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Người không bắt tội mà chỉ thứ tha. Còn Thánh Phaolô, trong bài đọc II, sẵn sàng chấp nhận những gì mà thế gian cho là điên rồ: đau khổ và chết cho Tin Mừng. Và bài Phúc Âm dạy chúng ta lòng thương xót và rộng lượng của Thiên Chúa trong cách đối xử với con người, nhất là những người kém may mắn qua dụ ngôn thợ làm vườn nho.
Chúa ví Nước Trời giống như ông chủ vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Có những người được mướn làm từ đầu ngày, có người được mướn trễ hơn 3, 6, 9 tiếng. Có những người được mướn chỉ làm một tiếng. Điểm chính ở đây là tất cả mọi người đều được kêu gọi để làm việc, chứ không chỉ dành cho một số người mà thôi. Những người được mướn trễ không phải vì họ lười biếng, nhưng vì không ai mướn họ. Nước Trời cũng thế, có những người được Chúa chọn ngay từ ban đầu như những người Do Thái. Có những người được chọn khi Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ các nước lân cận của Do-Thái như Syria, Lebanon, Turkey, Jordan, Egypt… Có những người được đón nhận Tin Mừng nhờ các nhà truyền giáo từ những nước này như Việt-Nam, Thái Lan, Lào… Sau cùng, vẫn có những người được chọn trước khi Ngày Phán Xét tới.
Sự rộng lượng của Thiên Chúa ở chỗ ông chủ muốn trả lương tất cả mọi người đồng đều vì ông muốn tất cả đều có một số tiền tối thiểu để sinh sống. Cũng vậy trong kế họach cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không đối xử bất công với người Do-Thái khi cho những Dân Ngọai vào Nước Trời. Cách đối xử của ông chủ là lời cảnh tỉnh cho các môn đệ: Đừng đòi hỏi đặc quyền vì đã làm môn đệ Chúa từ đầu. Nó cũng là lời cảnh tỉnh cho dân Do-Thái: Họ hãnh diện vì được chọn làm dân riêng của Chúa ngay từ đầu, và khinh thường Dân Ngọai là những người không đáng được nhận vào làm dân Chúa. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người: Đừng đòi hỏi phải được đối xử đặc biệt vì đã theo Chúa lâu năm, đã làm cho Chúa nhiều hơn. Sau cùng, trong con mắt đức tin: một em bé mới sinh qua đời cũng được hưởng Nước Trời như một cụ già sống lâu trăm tuổi. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại thái độ của mình khi làm việc: vì phần thưởng hay vì lòng “mến Chúa yêu người”? Nếu con người làm việc vì phần thưởng hay tiền công, họ đã được trả công hay lãnh nhận phần thưởng ngay ở đời này rồi. Nhưng nếu họ làm vì lòng “mến Chúa yêu người,” họ sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng ở đời sau.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(24-9-2023)
SỰ THA THỨ
Các hiền nhân quân tử luôn đề cao sự tha thứ, và ngay cả người đời cũng coi tha thứ là đặc tính của bậc trượng phu, anh hùng: “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, Đấng anh hùng đừng oán mới hay.” Đặc biệt các vị sáng lập các tôn giáo, trong đó ta thấy có hai khuôn mặt dạy sự tha thứ nổi bật nhất là Phật Thích Ca và Đức Giêsu. Nhưng về phương diện thực hành thì Đức Kitô là một tấm gương sáng chói.
Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải tha thứ, tức là phải tẩy rửa cho sạch những cái gọi là “vết thù hằn trên lưng ngựa hoang”, “hận nước thù nhà”, “sống để bụng, chết mang theo”, “nó với tôi không đội trời chung”, “hận kẻ bạc tình”, “kẻ thù truyền kiếp”… Khi hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần, có phải đến bẩy lần không?” Đối với Phêrô, ông tưởng rằng bẩy lần giống như người Việt Nam vẫn nói “chín bỏ làm mười”! Thế nhưng, điều đó vẫn còn quá giới hạn. Chúa dạy: “Thầy không bảo các con hãy tha bẩy lần, nhưng 70 lần bẩy”. Tha thứ 70 lần bẩy là tha thứ không giới hạn, tựa như “chín bỏ làm trăm, làm ngàn!” Để diễn tả sự tha thứ không giới hạn của Thiên Chúa dành cho con người, Chúa Giêsu đã nói về dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót. Sự so sánh món nợ lớn lao của anh với nhà vua là “mười ngàn nén vàng” và số tiền của người bạn nợ anh là “một trăm quan tiền” đã làm nổi bật lên lòng nhân từ của Thiên Chúa. Có tác giả đã so sánh một quan tiền là một ngày lương của người lao động. Người bạn nợ anh 100 ngày lương. Còn một nén vàng tương đương với 6000 quan tiền. Mười ngàn nén vàng là 60 triệu quan tiền. Nếu một người làm việc 5 ngày 1 tuần, 50 tuần 1 năm, phải mất 280 ngàn năm mới trả đủ tiền nợ nhà vua. Món nợ không thể nào trả nổi, nhưng vua đã tha thứ tất cả. Tình yêu là tha thứ, là bỏ qua không giới hạn.
Người Tây Phương có phong tục bắt tay nhau khi chào hỏi mang ý nghĩa hòa giải và tha thứ. Từ ban đầu, có một thời con người thù oán nhau, phải giấu sẵn vũ khí gì đó trong tay. Khi đến với nhau, muốn chứng tỏ mình không có khí giới gì cả thì xòe bàn tay ra, cầm tay nhau. Từ đó, việc bắt tay đã trở thành một dấu hiệu của sự thân thiện. Hãy “tay bắt mặt mừng”, chứ đừng bắt tay mà lòng hậm hực một bồ dao găm! Từ sau vụ khủng bố 9/11/2001 ở New York, mức độ thù oán trên thế giới gia tăng với nhiều vụ ôm bom tự sát để giết càng nhiều người càng tốt. Tiên đoán trước hậu quả của nó, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói: “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ”. Đức Phật cũng đã dạy: “Lấy oán trả oán, oán chập chùng. Lấy đức trả oán, oán tiêu tan.” Nguyên tắc này không phải chỉ đúng cho việc phục hồi hòa bình thế giới, mà còn là một lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong gia đình, bạn bè, và cộng đoàn. Hãy phát huy “văn minh tình thương” bằng sự tha thứ, thay cho “văn hóa sự chết” với thù hận ân oán giang hồ cả một vòng hệ lụy nghiệt ngã qua bao nhiêu đời!
Lm Joseph Nguyễn Thái.
(17-9-2023)
SỬA LỖI CHO NHAU
Sống chung là có đụng. Khi có đụng thì có người sai người đúng. Làm sao biết được ai sai ai đúng? Sửa lỗi cho nhau là cách để nhận ra. Nhưng sửa lỗi là vấn đề hết sức tế nhị, vì tự ái nên không ai muốn nhận phần sai về mình. Nhiều người nhận thấy việc sửa lỗi hại nhiều hơn lợi nên chọn thái độ “dĩ hòa vi quý” để gia đình hay cộng đòan được bình an. Nhưng sự bình an này chỉ tạm thời và giả tạo vì những tật xấu cá nhân không kịp thời sửa chữa sẽ dần dần lan ra và tác hại trên cộng đòan.
Lời Chúa hôm nay trong các bài đọc nhắc lại một vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trong cuộc sống chung giữa con người với nhau: đó là việc sửa lỗi người khác. Nếu sợ đụng chạm mà lẩn tránh, thì cũng bị Thiên Chúa kết tội như trong bài đọc I hôm nay vì sự hư mất của một linh hồn nếu không được sửa lỗi. Bài đọc II nhấn mạnh về thái độ phải có khi sửa lỗi: Vì yêu thương chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Bài Phúc Âm đưa ra một tiến trình thứ tự có 4 bước trong việc sửa lỗi hầu bảo đảm được kết quả mong muốn: Bước một là đi gặp riêng để nhắc nhở kẻ có lỗi. Nếu họ không chịu nghe thì sang bước thứ hai là đưa thêm một hay hai nhân chứng. Nếu họ vẫn cố chấp thì sang bước thứ ba là đưa họ ra trước cộng đoàn nhờ xem xét. Nếu họ vẫn cố chấp không muốn nghe cộng đoàn thì sang bước thứ tư là kể họ như người ngoại đạo và phó thác họ cho lòng Chúa thương xót.
Giống như bác sĩ giải phẫu một khối u ác tính. Nếu thiếu kinh nghiệm hay thao tác nhanh ẩu không đúng kỹ thuật thì không những không chữa lành được khối u mà còn có nguy cơ làm cho khối u bị “di căn” gây thiệt hại lớn hơn cho bệnh nhân. Cũng vậy, sửa lỗi cho anh em đòi chúng ta phải theo một số nguyên tắc như Đức Giê-su đã đề ra trong Tin mừng hôm nay là phải tế nhị, kín đáo và kiên nhẫn.
+ Tế nhị: Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người bị sửa lỗi, để biết khi nào nên nói và nói như thế nào để người bị sửa lỗi không bị chạm tự ái và sẵn sàng hợp tác tu sửa.
+ Kín đáo: Là phải góp ý riêng, không để cho người khác biết, hầu tránh cho kẻ có lỗi khỏi mặc cảm xấu hổ và bị người khác khinh thường xa lánh.
+ Kiên nhẫn: Là không nóng vội và đừng đòi phải có kết quả trước mắt, nhưng biết kiên nhẫn chờ đợi để kẻ có lỗi có thêm thời gian suy nghĩ như người ta thường nói: “Mưa dầm thấm lâu!” hoặc “Dục tốc bất đạt!”
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
1-Cần phân biệt giữa khiêm tốn sửa lỗi với thái độ tọc mạch “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết”, hay thái độ lên mặt “thầy đời” khi mình chưa đủ tư cách sửa lỗi tha nhân, như người Việt có câu: “Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Và thái độ lẩn tránh, “xin cho hai chữ bình an”.
2-Để việc sửa lỗi có hiệu quả đòi tất cả mọi người phải có tâm hồn yêu thương. Mục đích của việc sửa lỗi là để cứu vớt tội nhân, cho họ có cơ hội ăn năn trở lại, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(10-9-2023)
Xung đột ý kiến
Xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi mọi thời: Ở nhà, con cái muốn xem phim khuya, bố mẹ bảo tắt đi ngủ. Ngoài đường, người lái xe phải đứng chờ đèn tại các ngã tư dù là đường vắng. Nơi công sở, công nhân phải làm theo ý chủ, chứ không theo ý mình. Khi xung đột ý kiến, đương sự nên theo ý của ai? Và dựa vào đâu để biết ý kiến đúng?
Trong bài đọc I, sự xung đột ý kiến xảy ra giữa Thiên Chúa và ngôn sứ Jeremiah. Thiên Chúa muốn ông nói những điều mà dân chúng không thích nghe, và vì không thích nghe nên họ đấu tố ông. Jeremiah nhiều khi không muốn nói lời Thiên Chúa truyền, nhưng sau cùng, ý Thiên Chúa toàn thắng.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên tín hữu Roma muốn theo Chúa thì phải từ bỏ cách sống theo thời của mình, và hơn nữa là từ bỏ chính mình, tự hiến toàn thân cho Chúa như một của lễ sống động dâng cho Chúa, giống như chủ tế dâng của lễ lên Thiên Chúa trong thánh lễ.
Trong Phúc Âm, Matthew tường thuật sự xung đột giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Chúa mắng Phêrô là Satan vì cản trở ý Chúa, và nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Giống như Jeremiah và Phaolô, Phêrô và các môn đệ cảm thấy điều khó khăn nhất là phải bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu đưa ra những lý do tại sao phải làm như thế:
“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Lý do này thoạt nghe khó hiểu, nhưng con người có thể tìm ra không thiếu những ví dụ cụ thể trong cuộc sống: Nếu ai cũng chỉ lo cho mình thì lấy ai bảo vệ kẻ thù xâm lăng? Nếu ai cũng khinh thường luật lệ thì trật tự xã hội sẽ bị rối loạn, một khi xã hội mất an ninh mạng sống con người sẽ không được bảo vệ. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, chỉ một mình Thiên Chúa biết con người phải sống làm sao để đạt tới Nước Trời. Ngài biết con người không thể đạt tới đích với lối sống dễ dãi buông thả và truyền con người phải đi qua cửa hẹp: bỏ ý riêng, vác thập giá hằng ngày, và theo Chúa.
SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY:
– Khi có sự xung đột trong lãnh vực luân lý và thiêng liêng, chúng ta phải tìm ra thánh ý Chúa để làm theo; vì chỉ có Chúa mới có đủ khôn ngoan để hướng dẫn con người. Tiếng nói của Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh, Thánh Truyền, và Giáo Lý qua sự hướng dẫn và bảo vệ của Giáo-Hội.
– Con người dễ nổi loạn vì bị ảnh hưởng của môi trường: khí hậu, áp lực của gia đình, bạn bè, công sở, xã hội… nên thường có khuynh hướng làm theo ý mình và không muốn bị người khác chi phối. Tuy nhiên, chúng ta cần khôn ngoan để nhận định: khả năng con người mình rất giới hạn, cần rộng mở tâm hồn để đón nhận cái hay của người khác, để bảo vệ trật tự, và nhất là để đạt được mục đích của cuộc đời là Nước Trời thì phải làm theo ý Chúa.
Lm Joseph Nguyễn Thái tóm lược suy niệm của
Lm Anthony Đinh Minh Tiên O.P.
(3-9-2023)
QUYỀN BÍNH ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
Khi ĐGH Gioan Phaolo còn là sinh viên du học tại Roma, một hôm đã cùng với các bạn đi thăm cha đáng kính Piô, 5 dấu thánh. Vừa gặp, Cha Piô ôm chầm lấy ngài và nói rằng một ngày kia Cha sẽ làm Giáo hoàng và sẽ chịu đau khổ, máu sẽ chảy. Wojtyla trả lời: “Điều ấy tôi không sợ vì tôi sẽ không bao giờ làm Giáo hoàng”. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu! Wojtyla đã làm Giáo hoàng và máu đã chảy trong cuộc mưu sát ngày 13.10.1981 tại công trường thánh Phêrô. Gioan-Phaolô là vị Giáo hoàng thứ 264, từ ngày vị Giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô được Chúa trao quyền tối thượng: “Giáo hoàng là vị Cha chung. Cầm quyền thống trị với lòng yêu thương ».
Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận biết nguồn gốc và sự quan trọng của quyền bính, và sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng và nghe lời các nhà lãnh đạo hơn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn làm nổi bật quyền bính đến từ Thiên Chúa. Trong bài đọc II, thánh Phaolô phải ngạc nhiên khi suy niệm về sự giàu có, sự khôn ngoan, và sự thấu hiểu của Thiên Chúa. Không một ai có thể hiểu nổi những quyết định và những đường lối của Ngài. Bổn phận của con người không phải là chất vấn Thiên Chúa, nhưng biết khiêm nhường vâng theo những thánh chỉ của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội của Ngài trên Tảng Đá Phêrô và trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông qua biểu tượng chìa khóa Nước Trời. Ngài cũng long trọng hứa: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Các nhà chú giải tranh luận “Ai là Đá trong câu này?” Đối với người Do-Thái: Đá tảng chỉ áp dụng cho Thiên Chúa mà thôi (Ps 18:2, 31; Dt 32:4, 31; I Sam 2:2, II Sam 22:2). Thánh Augustin đồng ý lập luận này. Người khác cho rằng “Đá tảng” là “Sự Thật,” Phêrô là người đầu tiên khám phá và tuyên xưng Sự Thật này. Người khác cho “Đá tảng” là chính niềm tin của Phêrô vào Chúa, và chính niềm tin này mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Mỗi câu trả lời đều cho chúng ta một lối nhìn về Phêrô: Ông là người được chọn bởi Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa là Đá tảng, Người cũng sẽ làm cho ông thành Đá tảng mà trên đó Giáo Hội được xây dựng. Đá tảng cũng là Sự Thật và niềm tin của Phêrô vào Chúa mà không một quyền lực nào có thể lấn át được.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY
– Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã chuẩn bị kế hoạch để con người luôn có những nhà lãnh đạo cần thiết trong mọi tình huống của cuộc đời.
– Chúng ta cần tuân phục cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội để bảo vệ trật tự chung trong gia đình, xã hội, và Giáo Hội. Các người lãnh đạo được trao quyền bởi Thiên Chúa để phục vụ và mưu ích chung cho mọi người chứ không phải để hống hách và vun xới cho bản thân. Họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những người Chúa trao phó cho chăm nom.
Lm Joseph Nguyễn Thái tóm lược suy niệm của
Lm Anthony Đinh Minh Tiên O.P.
(27-8-2023)
KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI
”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thử thách rất quan trọng cho con người trong cả đời sống vật chất cũng như tinh thần, nhất là trong đời sống thiêng liêng. Tổ phụ Abraham được gọi là cha của những kẻ tin vì ông đã chịu một thử thách quá sức tưởng tượng là tế sát con, nhưng ông đã thắng.
Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta cái nhìn tổng quan về kế hoạch Cứu Độ của Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước ngày những người ngoại bang nào gắn bó cùng Thiên Chúa… sẽ được Ngài chấp nhận và kể như dân của Ngài.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cắt nghĩa cho mọi người biết kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong giai đoạn đầu, Ngài đã chọn dân tộc Do-thái như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới. Khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài bắt đầu giai đoạn thứ hai là mang ơn Cứu Độ cho tất cả mọi người, chứ không còn bị giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái nữa.
Trong Phúc Âm, thánh sử Matthew cho chúng ta một ví dụ cụ thể: Một người đàn bà Canaan có đứa con gái bị quỉ ám và đến xin Chúa chữa. Sau khi thử đức tin của Bà, Ngài đã ban cho Bà theo như ý Bà xin. Điểm chính trong Bài Phúc Âm không ở chỗ phép lạ, nhưng ở niềm tin của bà mẹ vào Chúa Giêsu. Bà phải vượt qua ba trở ngại trước khi con bà được chữa lành: Trở ngại 1 là thành kiến về kẻ thù giữa người xứ Canaan, dân ngoại và Do Thái. Trở ngại 2 là sự thinh lặng của Chúa Giêsu và sự xua đuổi của các môn đệ. Trở ngại 3 là sự thử thách của Chúa Giêsu. Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi gọi con bà là chó con! Chúng ta có can đảm để đứng lại nài van xin ơn nữa không?
Người đàn bà Canaan này có đứa con gái bị qủi ám đau khổ lắm. Bà thương đứa con bị quỷ ám đau khổ vô cùng. Vì quá thương con bà đã lặn lội đi tìm Đức Giêsu, vượt qua các trở ngại với lòng kiên trì. Vì lòng yêu thương con bà giúp bà chịu đựng tất cả. Bà đến với Chúa Giêsu là vì người khác chứ không vì chính bà, bà đã đến vì tình yêu, đã đến với tư cách một người mẹ đầy lòng yêu thương, tin tưởng. Lòng yêu thương của bà đối với đứa con đã làm cho Chúa cảm động và nhận lời cầu khẩn của bà.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
– Vì tình yêu thương, Thiên Chúa muốn mọi người được hưởng ơn Cứu Độ. Chúng ta không được kỳ thị bất cứ một chủng tộc nào vì họ đều là con cái Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
– Nhân loại ở mọi nơi và mọi thời đều khao khát được nghe Tin Mừng, sứ vụ truyền giáo phải là sứ vụ của tất cả mọi người. Niềm tin chúng ta có được là do công sức của các nhà truyền giáo ngọai quốc, vì thế khi đến lượt, chúng ta cũng phải loan truyền niềm tin này.
– Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội phổ quát, dành cho hết mọi người. Chúng ta đừng ngại cởi mở đối thoại với những người của các tôn giáo khác.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(20-8-2023)
CHÚA HIỆN DIỆN TRONG CUỘC ĐỜI
Đọc lại đời mình chúng ta thấy, có những điều không bao giờ nghĩ là mình có được, thế mà bây giờ lại có, có những nơi không bao giờ có thể đến được, thế mà lại đến và sống ở đó, có những trở ngại không thể vượt qua, thế mà lại vượt qua được… Hình như có người nào điều khiển cuộc đời mình chứ không phải chính chúng ta. Cảm nghiệm thiêng liêng này cũng được thuật lại trong các bài đọc hôm nay.
Trong bài đọc I, tiên tri Elijah cảm thấy nhiệt thành hăng hái khi dự cuộc thi để làm chứng cho Đức Chúa trên núi Carmel; nhưng khi phải chạy trốn hoàng hậu Isabel, ông cảm thấy buồn tủi và trách Thiên Chúa sao để ông phải chạy trốn như vậy. Thiên Chúa hiện đến với ông trong làn gió nhẹ hiu hiu, để nhắc nhở cho tiên tri biết Ngài vẫn đang hiện diện với ông.
Trong bài đọc II, mặc dù được Thiên Chúa dành đặc biệt để loan truyền Tin Mừng cho Dân Ngoại, thánh Phaolô vẫn dành thời gian để rao truyền Đức Kitô cho người Do-thái vì lòng yêu mến dân tộc của ông. Thánh Phaolô không thể hiểu lý do tại sao người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù các ngôn sứ đã nói về Ngài trong Kinh Thánh. Sau cùng, thánh Phaolô phải nhìn nhận Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho họ.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho tông đồ Phêrô được đi trên mặt nước biển mà đến với Ngài; nhưng khi ông bắt đầu sợ hãi vì sóng gió nổi lên, ông bị chìm và kêu cầu Chúa cứu. Ngài đưa tay đỡ ông và trách: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
Đời mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình trên biển như Phêrô: có lúc bình an, có lúc sóng gió, có lúc lật thuyền gần chìm. Khi nào chúng ta có lòng tin vững mạnh vào Chúa thì chúng ta sẽ bước đi bình an giữa muôn ngàn sóng gió; nhưng nếu chúng ta hồ nghi sự hiện diện hay uy quyền của Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ chao đảo vì sóng gió. Những lúc như vậy, chúng ta có cảm tưởng như không thấy sự hiện diện của Chúa hay Người đang để chúng ta chiến đấu một mình; nhưng thực ra Chúa vẫn đồng hành ngay bên và sẵn sàng cứu vớt khi gần bị chết chìm.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
– Qua các bài đọc và kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đã học được bài học quá khứ: bàn tay Chúa luôn ở với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.
– Tương lai đi đâu, đến chỗ nào, gặp ai, làm gì, thành công hay thất bại… chúng ta không biết; nhưng như Phêrô khi xưa chúng ta cứ bước đi trên mặt nước biển, vì bàn tay Thiên Chúa không bao giờ rời chúng ta.
– Chúng ta hãy sống giây phút hiện tại cách an bình và làm tất cả những gì có thể. Không than thân trách phận khi phải đương đầu với quá nhiều đau khổ. Không nóng lòng chất vấn Chúa khi đã quá cố gắng mà chưa nhìn thấy kết quả. Không kết án cũng chẳng tiên đoán vì cuộc đời còn dài, và cuộc đời mỗi người nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(13-8-2023)
LỄ CHÚA GIESU BIẾN HÌNH
Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Sự biến đổi từ hạt lúa được gieo xuống ruộng, cho đến khi mọc thành cây mạ, sang cây lúa, trổ đòng đòng, ra bông lúa, được cắt về, mang hạt lúa đi xay ra hạt gạo, nấu lên mới ra cơm. Quả là một quá trình biến đổi qua bao nhiêu giai đoạn, với bao nhiêu công sức lao động vất vả của người nông dân.
Các bài đọc trong ngày lễ Chúa Biến Hình hôm nay cũng muốn nói lên tiến trình biến đổi đó trong lịch sử. Trong bài đọc thứ I, ngôn sứ Danien (200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hy Lạp. Ngài tuy có dáng vẻ con người, nhưng có nguồn gốc từ trời. Trong bài đọc II, Phero làm chứng cho vinh quang và uy quyền của Chúa Giesu bằng cách thuật lại kinh nghiệm mình đã được chứng kiến. Trong bài Tin mừng hôm nay cũng tường thuật cho chúng ta nghe về việc Chúa Giêsu biến đổi dung mạo của Ngài trên núi trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Cuộc biến đổi mà Ngài đang thực hiện mang một ý nghĩa tích cực, tiên báo vinh quang phục sinh huy hoàng sau khi Ngài chu toàn thánh ý của Chúa Cha trong chương trình cứu chuộc con người sự biến đổi tuyệt vời này làm cho các môn đệ ngây ngất trước vẻ đẹp của một Thiên Chúa vốn là Chân, Thiện, Mỹ.
Cuộc sống của con người và vũ trụ vạn vật là một sự biến đổi liên lỉ. Có những biến đổi tích cực nhưng cũng có những biến đổi tiêu cực. Những biến đổi tích cực là khi con người hay sự vật chuyển từ một tình trạng xấu sang một tình trạng tốt hơn do nỗ lực của chính bản thân con người hay do trợ lực từ bên ngoài (Ơn Chúa, tha nhân, vũ trụ vạn vật, những biến cố . . . ) Điển hình cho sự biến đổi này có thể kể đến hình ảnh của một Giakêu, của Phaolô, của các Tông đồ sau ngày lễ Ngũ tuần…Nhưng cũng có những biến đổi mang tính tiêu cực khi con người chọn lựa cho mình một thái độ sống ích kỷ, tham lam và kiêu căng. Khi đó, họ đang chuyển từ một tình trạng tốt sang một tình trạng xấu. Đó là hình ảnh của một vua Saul - vị vua đầu tiên của Israel, của một Giuđa Iscariot . . .
Những cuộc biến đổi thật cần thiết biết bao trong cuộc sống dương thế của con người, nhưng phải là những cuộc biến đổi tích cực. Khi con người không còn biến đổi nữa thì có thể nói là họ đã chết rồi, hay có sống cũng chỉ là một sự hiện hữu vô hồn và không có ích gì cho chính mình cũng như cho người khác. Và cuộc biến đổi tích cực nào cũng đòi buộc con người phải hy sinh, phải cộng tác vào phần của mình một cách chủ động vào trong đó. Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn sau mỗi lần gặp Chúa. Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Amen.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(6-8-2023)
SỰ KHÔN NGOAN
Ở đời, có những người khôn mà không ngoan, có người ngoan mà không khôn. Có những người khôn vặt, khôn láu cá, khôn lỏi, cái khôn mà Thánh Kinh gọi là sự Khôn ngoan của con cái tối tăm. Nghĩa là chỉ biết khôn ngoan trong việc trần thế vật chất, tội lỗi, mà không có một chút khôn ngoan trong sự sáng, biết phân biệt lành dữ, biết lo phần rỗi. Vì thế người ta mới nói : Khôn thế gian làm quan địa ngục, Dại thế gian làm quan thiên đàng.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay thúc dục chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan. Vua Salomon trong bài đọc 1 đã không xin Chúa điều gì khác ngoài sự khôn ngoan. Bài đọc 2 thánh Phaolo giúp ta hiểu sự khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là bất cứ loại khôn ngoan nào của thế giới, nhưng là khôn ngoan để biết mục đích của cuộc đời và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn cụ thể để khuyến khích thính giả hy sinh tất cả, không do dự, để sở hữu được Nước Trời. Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc qúi dạy chúng ta rằng Nước Trời là một thứ qúi giá nhất, đối tượng của mọi nỗ lực tìm kiếm của ta, đáng cho mọi người bán đi tất cả để mua lấy. Dụ ngôn mẻ lưới kéo nhiều cá từ biển lên cũng cùng một ý nghĩa với dụ ngôn lúa và cỏ lùng của tuần trước. Dụ ngôn nhắc cho chúng ta : trong Nước Trời có người tốt kẻ xấu sống lẫn lộn. Thiên Chúa chỉ phân xử trong ngày tận thế để lựa lọc : kẻ tốt sẽ được thưởng, còn kẻ xấu sẽ bị phạt trong lửa đời đời.
Đức tin là một kho tàng vô giá, nó đem đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và sự sống bất tận của Thiên Chúa. Chính nhờ Đức tin chúng ta chiếm hữu được Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện hảo. “Đức tin cho ta biết liên hệ giữa đời này và đời sau, giữa người ta và Thiên Chúa. Với Đức tin ta được đón nhận ánh sáng siêu nhiên để nhận biết ở trong ta những khả thể mà đến nay ta không biết. Đức tin đổi mới cái nhìn của ta về Thiên Chúa, về vũ trụ và về chính chúng ta. Nó làm cho ta có cái nhìn siêu việt của Thiên Chúa” (Lm Thân văn Tường trong tập “Đối diện với Chúa”).
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY :
– Chúng ta hay coi thường sự khôn ngoan và coi trọng của cải, danh vọng, quyền bính. Vì thế, chúng ta ít chịu chú trọng đến việc tìm kiếm và học hỏi sự khôn ngoan nơi Lời Chúa. Khôn ngoan không những giúp chúng ta sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc ở đời này, mà còn giúp đạt tới Nước Trời mai sau.
– Bao lâu chúng ta không biết đủ giá trị của Nước Trời, chắc chắn chúng ta sẽ không dám bán mọi sự chúng ta đang có để mua lấy Nước Trời; và bằng lòng với những gì chúng ta đang sở hữu ở thế gian này. Chỉ khi nào chúng ta xác tín Ngày Phán Xét sẽ đến, chúng ta mới có thể thay đổi cuộc sống và giữ cẩn thận luật pháp Chúa dạy mà thôi.
– Các bậc làm cha mẹ cũng ở bậc lãnh đạo và cũng cần có sự khôn ngoan hiểu biết như Vua Salomon, để biết phân biệt tốt xấu và để biết cách hướng dẫn gia đình bước đi vững vàng theo thánh chỉ của Chúa.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(30-7-2023)
(30-7-2023)
Kiên nhẫn và nhân từ
Tục ngữ khuyên dạy con cháu rằng:“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. Và nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa sáng, và dễ trông thấy rõ mọi sự.
Các bài đọc hôm nay nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc quan phòng thế giới; đồng thời cũng nói lên những giới hạn về sự hiểu biết của con người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan chứng minh Thiên Chúa luôn hành động khôn ngoan và đối xử nhân từ cũng như công bằng với hết mọi người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta biết Thiên Chúa đã ban cho con người Thần Khí của Ngài, để giúp con người vừa làm đẹp lòng Thiên Chúa vừa sinh ích lợi cho con người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời một vấn nạn: Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác, mà cứ để chúng sống phây phây, ức hại dân lành? Để trả lời câu hỏi này, xin mời bạn hãy suy niệm bài đáp ca trong thánh lễ hôm nay được trích từ Tv 85, 5-6: “Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung”. Phải, qua ngôn sứ Edekiel, Chúa đã phán : "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống". (Ed 33, 11). Là con người ai mà không có tội? Nếu có tội mà bị phạt ngay tức thì, thì liệu mình có còn cơ hội để sống không? Do đó, vì lòng thương xót của Thiên Chúa đã cho con người có thời gian để hối cải và ăn năn để được sống.
Cỏ lùng và lúa tốt mọc lên trên cùng một thửa ruộng, có cùng điều kiện để tăng trưởng. Nhưng cỏ trở thành giống cây có hại, đến ngày mùa, bị thu gom lại rồi đốt đi. Còn cây lúa lớn lên, trổ bông hạt được đem vào kho lẫm. Dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt chỉ về cuộc sống chung giữa kẻ dữ và người lành. Cả hai cùng sống, nhưng người này sống để rồi hưởng phúc lành còn người kia, sống để chịu án phạt muôn đời. Tuy nhiên, là lúa hay cỏ là do trời sinh; còn làm người tốt hay người xấu là do chọn lựa của cá nhân, nói đúng hơn, do lời mời gọi của Chúa và sự đáp trả của con người. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống và họ phải chịu trách nhiệm về đời sống đó trước mặt Thiên Chúa. Tôi có thể trở nên lúa tốt nhưng cũng có thể thoái hoá thành cỏ lùng. Cỏ lùng và lúa tốt đều nằm ở nơi trái tim, lòng dạ, và suy nghĩ của mỗi người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan. Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi, tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt. Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi. Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần để tôi thành lúa tốt.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
Hãy để Thiên Chúa cai trị và điều khiển thế giới theo đường lối khôn ngoan, nhân từ, và công bằng của Thiên Chúa. Chúng ta là ai mà dám chất vấn những việc làm của Thiên Chúa? Tốt hơn, hãy học biết giới hạn của của mình và tự xét mình: tôi có phung phí ơn Chúa hay tôi sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa để đời sống tôi trở thành cây lúa tốt trổ sinh hoa trái thánh thiện?
Lm Joseph Nguyễn Thái
(23-7-2023)
(23-7-2023)
LỢI ÍCH CỦA LỜI CHÚA
Việt Nam có câu thành ngữ: “nói ngọt, lọt đến xương”, với ý nghĩa rằng lời nói ngon ngọt dễ thấm, chuyện khó thành dễ, chuyện dở hóa lành, ăn nói dịu dàng, ngọt ngào thì người nghe dễ thấm. Đúng là sức mạnh của lời nói.
Các bài đọc hôm nay dùng nhiều hình ảnh khác nhau để nhấn mạnh tới việc lắng nghe Lời Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah dùng hình ảnh của mưa và tuyết sa xuống từ trời. Mục đích của chúng là để thấm nhuần đất đai để cho hạt giống được nẩy mầm và tăng trưởng. Lời Chúa cũng thế, một khi đã nói ra sẽ không trở về với Ngài sau khi đã thấm nhập vào trí óc và sinh ích lợi cho con người. Trong bài đọc II, Lời Chúa mặc khải cho con người biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để con người hiểu biết tình trạng cuộc đời mình và giữ vững niềm hy vọng sẽ được sống lại với Thiên Chúa trong vinh quang. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống mà một nông phu ra đi vãi gieo. Nó có thể rơi vào nhiều chỗ và cho những kết quả khác nhau.
1-Vệ đường: là những người nghe qua mà không hiểu nên quỷ dữ đến cướp đi cũng như hạt giống bị chim trời ăn mất. Để Lời Chúa sinh ích lợi, con người cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi nghe: thời gian để tâm hồn lắng đọng, cầu nguyện với Thánh Thần để xin ơn soi sáng cho hiểu được ý nghĩa.
2-Đá sỏi: là những kẻ nghe qua thì vui vẻ đón nhận; nhưng không để cho Lời Chúa thấm sâu vào đời sống, giống như hạt giống rơi vào đá sỏi không thể đâm rễ sâu vì ít đất. Những kẻ này khi gặp gian nan khốn khó vì Lời Chúa sẽ vấp ngã ngay cũng như hạt giống sẽ bị khô héo khi mặt trời nóng lên. Để Lời Chúa sinh lợi ích không phải chỉ lắng nghe, nhưng còn đòi một người phải để tâm suy niệm và mang ra áp dụng trong đời sống.
3-Bụi gai: những kẻ cũng để cho Lời Chúa lớn lên nhưng không sinh hoa kết quả được vì bị gai góc bóp nghẹt. Gai góc đây là những lo lắng ưu tư về cuộc đời phải ăn uống gì, và có gì. Lời Chúa đòi con người phải chọn lựa: hoặc hạnh phúc đời này hoặc hạnh phúc đời sau, chứ không thể bắt cá hai tay.
4-Đất tốt: những kẻ nghe và hiểu Lời Chúa, đồng thời để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời họ; tùy theo mức độ tốt, họ sẽ sinh lời 30, 60, hay 100. Thửa ruộng tốt là những người biết bỏ nhiều thời gian để dọn dẹp tâm hồn cho Lời Chúa được gieo vào, không để những giá trị hào nhoáng của thế gian làm xao lãng việc học hỏi Lời Chúa, dành nhiều thời gian ưu tiên cho việc học hỏi Lời Chúa vì “vô tri bất mộ,” suy niệm Lời Chúa đêm ngày, và tìm mọi dịp áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc đời.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
Trở nên tốt và hữu ích là một tiến trình giống như tiến trình của hạt giống trước khi thành cây và sinh hoa kết quả. Hãy để cho Lời Chúa liên tục thấm nhập vào lòng mỗi ngày một chút cho tới khi thành thửa ruộng phì nhiêu. Tiến trình này đòi hỏi ơn thánh và sự cộng tác của ta qua bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Lời Chúa chuẩn bị tâm hồn ta để lãnh nhận chính Ngài. Nếu không biết chuẩn bị tâm hồn, Chúa có vào cũng chẳng sinh ích lợi gì.
Lm Joseph Nguyễn Thái
(16-7-2023)
(16-7-2023)
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Trong kho tàng ca dao tục ngữ có nhiều câu nói về quan hệ nhân – quả như: Gieo gió gặt bão; Gieo nhân nào, gặt quả ấy; Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác... nhằm giáo dục, khuyên nhủ mọi người hãy hướng thiện, sống sao cho tốt đẹp; đồng thời cũng cảnh cáo những kẻ ích kỉ, độc ác, chỉ biết lợi cho mình, mà làm hại người khác.
Trong kho tàng ca dao tục ngữ có nhiều câu nói về quan hệ nhân – quả như: Gieo gió gặt bão; Gieo nhân nào, gặt quả ấy; Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác... nhằm giáo dục, khuyên nhủ mọi người hãy hướng thiện, sống sao cho tốt đẹp; đồng thời cũng cảnh cáo những kẻ ích kỉ, độc ác, chỉ biết lợi cho mình, mà làm hại người khác.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah (6 BC) tiên báo Đấng Thiên Sai sẽ vào Thành, không bằng những cỗ xe ngựa dành cho những vị vua chiến thắng khải hoàn; nhưng Ngài sẽ cỡi trên lưng một lừa con, vẫn còn theo sau một lừa mẹ. Cưỡi lừa là bình an. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu không được làm nô lệ cho tính ích kỷ của xác thịt; nếu không, họ sẽ chết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không mặc khải Mầu Nhiệm Nước Trời cho những người khôn ngoan, thông thái; nhưng mặc khải cho những người bé mọn, là người có thái độ của trẻ em: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi. Ngài mời gọi tất cả những ai đang cảm thấy những gánh nặng, mệt mỏi, và chán chường của cuộc sống, hãy đến với Ngài và học hỏi hai nhân đức hiền hòa và khiêm nhường của Ngài, họ sẽ nhận được sự bình an trong tâm hồn.
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bát Phúc: “Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”. Chính Ngài đã chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ. Hiền lành là yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, người mình không ưa không thích.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu, mà chính Chúa Giesu đã làm gương (Pl 2,6-8). Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh chị em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu với mọi người.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
– Chúng ta cần học nơi Đức Kitô cách lãnh đạo: không bằng cách phô trương quyền hành và danh vọng; nhưng bằng cách khiêm nhường phục vụ và yêu thương mọi người. Vì Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ làm nô lệ cho xác thịt và ban Thánh Thần, chúng ta phải luôn cố gắng để sống theo sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hướng về Chúa và tha nhân.
– Chúng ta cần học nơi Đức Kitô hai nhân đức: hiền lành và khiêm nhường. Hiền lành để luôn biết đối xử nhân hậu với tất cả mọi người. Khiêm nhường để nhận ra chỗ đứng hèn hạ của mình với Thiên Chúa và với tha nhân.
Lm Joseph Nguyễn Thái tóm lược suy niệm của
Lm Anthony Đinh Minh Tiên O.P.
(9-7-2023)
(9-7-2023)
HIẾU KHÁCH VÀ THƯƠNG NGƯỜI
Việt-nam có câu tục ngữ có thể làm chỉ nam trong việc tiếp khách: “Thương người như thể thương thân.” Nếu ta muốn được đối xử như thế nào khi đến nhà người khác, hãy đi bước trước và đối xử với người khác như vậy. Hơn nữa, khi một người rộng lượng cho đi, họ sẽ được Thiên Chúa bù đắp gấp trăm. Nhiều tác giả trong Tân Ước vẫn căn dặn các tín hữu phải tập luyện và thi hành đức tính này (Rom 12:13; 1 Tim 5:10; Heb 13:2; 1 Pet 4:9).
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ của việc hiếu khách và những đền đáp cụ thể. Trong bài đọc I, người phụ nữ thành Shunamite rộng lượng tiếp đón ngôn sứ Elisha, dù chẳng biết ông là ai. Bà không chỉ dọn bữa, nhưng còn sửa dọn một phòng với đầy đủ vật dụng cần thiết cho ngôn sứ khi ông đi ngang qua. Cảm kích vì lòng hiếu khách của Bà, ngôn sứ đã dùng uy quyền của Thiên Chúa để cho Bà có một người con trai trong lúc tuổi già. Trong bài đọc II, vì Đức Kitô đã đối xử với chúng ta như một thượng khách, chúng ta cũng phải đáp lại bằng cách giũ sạch các thói hư tật xấu trong cái chết của Ngài, để rồi cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang. Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã liệt kê 3 loại người mà các Kitô hữu phải đón nhận với tinh thần hiếu khách:
(1) Chúa Giêsu đồng hóa mình với người môn đệ: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.” Người môn đệ là người được Đức Kitô sai đi cách chính thức. Theo cách thức ngoại giao, ai tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là tiếp nhận chính Đức Kitô; ngược lại, ai từ chối không tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là từ chối chính Đức Kitô.
(2) Chúa Giêsu đồng hóa với ngôn sứ và người công chính: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” Nói một cách cụ thể hơn, nếu người ngôn sứ cứu vớt được một linh hồn, người giúp cho ngôn sứ cũng được hưởng phần thưởng của một linh hồn được cứu vớt.
(3) Chúa Giêsu đồng hóa với người nghèo: Chúa Giêsu tóm gọn đức bác ái căn bản của Kitô Giáo: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Chúng ta không thể làm được gì cho Thiên Chúa vì Ngài đã có tất cả; nhưng Ngài kể tất cả những gì chúng ta làm cho anh/chị/em cần đến, là chúng ta làm cho chính Ngài.
SỐNG LỜI CHÚA DẠY HÔM NAY:
Chúng ta hãy học tinh thần hiếu khách của người xưa để chào đón chu đáo cho tất cả những ai dừng chân ghé lại thăm nhà của chúng ta. Đừng để bất cứ một ai ghé thăm chúng ta một lần rồi không bao giờ trở lại nữa. Tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân, Thiên Chúa kể là làm cho chính Ngài. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để giúp đỡ và hy sinh mọi sự cho tha nhân. Hãy làm tất cả với một tình yêu chân thành.
Lm Joseph Nguyễn Thái tóm lược suy niệm của
Lm Anthony Đinh Minh Tiên O.P.
(2-7-2023)
(2-7-2023)